Những bản "Hit" của... âm nhạc cổ điển

01/04/2014

Âm nhạc cổ điển vốn vẫn được xem là âm nhạc bác học, kén người nghe. Nhưng, đã có những bản nhạc giao hưởng, bản nhạc cổ điển được phổ cập, được yêu mến đến mức, không ai còn nghĩ đó là.. "cổ điển".

Những bản như Sông Đa-nuýp xanh, Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, Bốn mùa, Hành khúc đám cưới, Hồ thiên nga.... đã trở nên thân quen, gần gũi với số đông khán giả yêu nhạc khắp thế giới. Người ta cài nhạc chuông điện thoại bằng Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, người ta cài nhạc chuông chờ bằng Hồ thiên nga, người ta nghe bản Mùa xuân khi một năm dần qua... Để thấy sức sống, sức "công phá" khán giả của những bản giao hưởng, những bản nhạc cổ điển nổi tiếng này. Có thể gọi đây là những bản "Hit" của âm nhạc cổ điển.

The Blue Danube - Johann Strauss II
(Đa-nuýp xanh)

Tác phẩm The Blue Danube đã trở thành nhạc nền cho một số bộ phim hoạt hình của hãng Warner Bros như A Corny Concerto với chú thỏ láu thông minh, tinh quái và Đa-nuýp xanh còn xuất hiện trong phim 2001: A Space Odyssey - bộ phim điện ảnh khoa học viễn tưởng đạt doanh thu khổng lồ và được nhận tới 7 đề cử giải Oscar. Những thành công mà bộ phim gặt hái được có một phần không nhỏ nhờ vào những hiệu ứng âm thanh với sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc và cảnh quay. Sự thành công này đã khiến Đa-nuýp xanh sau đó xuất hiện liên tục trong các bộ phim và trở thành một trong những tác phẩm giao hưởng được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực điện ảnh.

Bản nhạc mang đậm phong cách Viên này còn được coi là bản quốc ca không chính thức của Áo. Điệu nhạc van du dương thường được phát trên tất cả các kênh truyền hình quốc gia và đài phát thanh của Áo vào những thời điểm quan trọng như đón chào năm mới, Giáng sinh. Tại Viên, sáng đầu năm nào cũng có một buổi hoà nhạc giao hưởng và một quy luật bất thành văn - bản Đa-nuýp xanh phải được chơi trong hôm đó.

Có rất nhiều cách để đưa một bản giao hưởng thính phòng đến với số đông công chúng một cách giản dị mà hiệu quả. Tại sao các nhà làm phim hoạt hình phương Tây lại đưa giao hưởng vào phim hoạt hình? Bởi nó sẽ giáo dục cho trẻ em những cảm nhận âm nhạc đầu tiên một cách vui tươi, nhẹ nhàng. Sự cảm thụ đó rất đơn giản mà sâu sắc bởi các bé sẽ cảm thụ âm nhạc trong sự hòa điệu với tiết tấu phim và các nhân vật được khắc họa. Một bản nhạc giao hưởng vui tươi phát trong giờ ra chơi của các em học sinh, ở trên đài phát thanh buổi sáng... những hành động nhỏ đó nếu được thực hiện đều đặn, thường xuyên sẽ tạo nên những bước tiến lớn về cảm thụ âm nhạc trong toàn xã hội.

Spring from The Four Seasons – Vivaldi
(Bản concerto Mùa xuân trong Tổ khúc Bốn mùa)

Trong Bốn mùa của Vivaldi, mùa xuân có những giai điệu đẹp và tươi sáng nhất, cũng có lúc giai điệu khẽ khàng run rẩy tựa mầm non đâm chồi nảy lộc, cựa mình thoát khỏi cái vỏ xù xì thô ráp của mùa đông. Bản Mùa xuân từng được VTV đưa vào làm nhạc nền cho phần giới thiệu chương trình từ nhiều năm trước. Bản nhạc đã trở nên quen thuộc đến mức, chỉ cần được nghe những nốt đầu tiên, người ta đã thấy không khí mùa xuân tràn ngập.


Bản Mùa xuân trong Tổ khúc Bốn mùa của Vivaldi

Here Comes the Bride - Richard Wagner
(Tạm dịch: Hành khúc đám cưới)

Hành khúc đám cưới là một tác phẩm viết cho vở nhạc kịch Lohengrin của nhà soạn nhạc người Đức Richard Wagner, sáng tác năm 1850 thường được gọi là "Wedding March" hoặc "Here Comes the Bride". Ngày nay, "Hành khúc đám cưới" thường được chơi ở ngay đầu một lễ cưới. Điều này không giống như trong nguyên bản vở opera của Wagner. Trong đó, bản hợp xướng do những người phụ nữ hát sau khi các nghi lễ đám cưới đã xong và họ cùng nhau đưa cô dâu tới phòng tân hôn.

Danses Des pettis Cycnes - Tschaikowsky
(Hồ thiên nga)

Có thể nói tác phẩm này hội tụ đủ những yếu tố để trở thành một tác phẩm kinh điển của thời đại. Tác phẩm nhạc bắt nguồn từ một câu chuyện cổ tích kể về nàng công chúa Odette bị một tên phù thủy biến thành con thiên nga trắng. Ban ngày nàng là thiên nga, ban đêm nàng trở lại là người. Lời nguyền của tên phù thủy chỉ có thể được giải bằng tình yêu chân thành của một chàng trai giành cho Odette. Câu chuyện cổ tích nổi tiếng đó hầu như đứa trẻ nào cũng từng được nghe kể. Nhạc phẩm của nhà soạn nhạc lừng danh bắt đầu từ một câu chuyện cổ tích nổi tiếng đã sinh ra một vở ballet kiệt tác – một trong những vở ballet vĩ đại nhất mọi thời đại đã khiến bộ ba truyện – nhạc – ballet đó gắn bó với nhau không rời, cái này tôn lên cái kia và cả ba cùng bất chấp sự thử thách của thời gian để cùng nhau tỏa sáng.

 
Nghe bản Hồ Thiên Nga của Tschaikowsky

Turkish March - Mozart
(Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ)

Phong cách Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là phong cách phương Đông đầu tiên ảnh hưởng mạnh mẽ đến âm nhạc phương Tây đến thế. Phong cách Thổ Nhĩ Kỳ mà các nhà soạn nhạc thời Cổ điển sử dụng giống với phong cách của các ban quân nhạc đế chế Ottoman, đặc biệt là các ban nhạc vệ binh của vua Thổ.

Một sự thúc đẩy quan trọng dẫn tới trào lưu phong cách âm nhạc Thổ thống trị những sáng tác nhạc giao hưởng cổ điển đến từ sự kiện xảy ra vào năm 1699 khi hai đế chế Áo và Ottoman (Thổ) đàm phán Hiệp ước Karlowitz. Để ăn mừng việc ký kết thành công hiệp ước, đoàn ngoại giao Thổ đã mang theo một ban nhạc vệ binh tới Viên để trình diễn. Ngay lập tức nhiều nhà soạn nhạc cổ điển châu Âu ở thế kỉ 18 khi đó đã bị hấp dẫn bởi phong cách nhạc Thổ Nhĩ Kỳ.


Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ của Mozart

Fur Elise - Beethoven
(Thư gửi Elise)

 

Thư gửi Elise là một trong những bản nhạc dành cho piano nổi tiếng nhất của Ludwig van Beethoven. Bản nhạc thường được xếp vào loại khúc nhạc ngắn bagaten, nhưng đôi khi nó cũng được xem là một albumblatt (một tiêu đề chung cho các tác phẩm nhạc cổ điển, thường là độc tấu piano).

Như cảm xúc muôn đời của tình yêu, Thư gửi Elise dạt dào tình cảm. Bản nhạc không phức tạp về mặt kỹ thuật, thậm chí có thể chơi bằng một tay trên phím dương cầm, nhưng để đạt được tình cảm dạt dào, sâu lắng, tinh tế và trong sáng mà Beethoven thể hiện trong bản nhạc là điều không đơn giản. Beethoven đã sáng tác Thư gửi Elise khi ông đã 40 tuổi và đã được khẳng định là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất của mọi thời đại. Trong khoảng thời gian này, Beethoven đã bị điếc. Thư gửi Elise đã được sáng tác trong sự “yên tĩnh” của nhạc sĩ. “Tình yêu có chiều sâu hơn khi người ta lớn tuổi”, Thư gửi Elise chứa đựng sự chiêm nghiệm của người đàn ông đã trải qua bao thăng trầm, cay đắng nhưng vẫn còn nguyên vẹn một tình yêu mãnh liệt và trong sáng trước một cô gái.

(Nguồn: http://dantri.com.vn)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...