Những bài ca về mùa xuân năm ấy

04/05/2016

Mỗi sự kiện lịch sử sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình đều bỏ lại thời gian để đi vào lòng dĩ vãng mênh mông. Sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam, có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh đời sống văn hóa, xã hội. Nó như một cú hích lệch tâm chia đôi thế kỷ XX thành hai khoảng thời gian và tại Tâm điểm, một thời gian mới được hình thành trong lòng đất nước.

Mùa xuân là mùa khởi đầu trong năm, mùa của sự hồi sinh, phục sinh, mùa của lễ hội và quan trọng, mùa bắt đầu một chu kỳ mới. Bởi vậy, trong âm nhạc có nhiều tác phẩm phản ánh sự kiện trên bằng hình tượng mùa xuân, đáng kể có: “Mùa xuân trên quê hương” của nhạc sĩ Hoài Mai, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng, “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao và kể cả bản hùng ca “Đất nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà… Dù vô tình hay hữu ý, các nhạc sĩ, từ Văn Cao, Hoài Mai đến Xuân Hồng, Hoàng Hà… đều chọn mùa xuân làm khung thời gian nhằm chuyển tải bức thông điệp về ngày giang sơn thống nhất, Bắc – Nam nối liền một dải. Mỗi ca khúc mang một âm hưởng riêng, một tiếng nói riêng. Nếu như “Đất nước trọn niềm vui” là tiếng nói của “đoàn quân chiến thắng”, thì ở “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, tiếng nói ấy được cộng hưởng bởi muôn vàn đồng bào từ khắp mọi miền tổ quốc, còn “Mùa xuân trên quê hương” lại nỉ non, thủ thỉ, tâm tình như tiếng lòng người hậu phương và “Mùa xuân đầu tiên” là tiếng nói thâm trầm, sâu lắng của một nhà hiền triết nhìn quê hương trong giờ phút thiêng liêng.

Ở “Đất nước trọn niềm vui”, ca khúc mở đầu bằng nét giai điệu hân hoan, rạo rực, chuyển tải trên những âm thanh bay bổng, cao vút như bản “nhạc hiệu” mừng ngày Toàn thắng:

“Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay
Rộn ràng mê say những bước chân dồn về đây
Sài Gòn ơi, vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng…”

Trên các cung bậc âm thanh, tình cảm, “Đất nước trọn niềm vui” phác họa bức tranh của đoàn quân chiến thắng đang tiến bước hiên ngang. Nhạc sĩ Hoàng Hà kéo dài câu nhạc cho các âm thanh nối tiếp nhau một liên tục, dồn dập.

“Hội toàn thắng náo nức đất nước
Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang
Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam
Tổ quốc anh hùng…”

Mặc dù, sau đó giai điệu bắt đầu đổ xuống, song, nhịp điệu của ca khúc vẫn chuyển động rộn ràng, hối hả khiến người nghe có cảm giác như muốn nghẹt thở. “Đất nước trọn niềm vui” đáng liệt vào một trong những ca khúc hay nhất viết về mùa xuân năm 1975.

Còn ở “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, nhạc sĩ Xuân Hồng lại tập trung thể hiện tính chất “lễ hội” của sự kiện, không khí vui mừng hân hoan. Nhạc sĩ Xuân Hồng khéo lồng ghép, kết hợp hình ảnh, sự kiện cho đồng nhất về một khung thời gian (giữa thiên nhiên và lịch sử):

“Mùa xuân này về trên quê ta
Khắp đất trời biển rộng bao la
Cây xanh tươi ra lá trổ hoa
Chào mùa xuân về tới mọi nhà…
Thành phố Hồ Chí Minh năm nay
Mùa xuân về rợp bóng cờ bay…”

Đến phần điệp khúc, giai điệu triển khai trên âm khu cao mang âm hưởng của một bản hợp xướng kết hợp nhiều tiếng nói cộng cảm:

“Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh
Ôi hạnh phúc biết bao, bao năm vẫn đợi chờ
Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào
Cờ sao đang tung bay cao
Qua hết rồi những năm thương đau
Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau vui sao nước mắt lại trào…”

Tương phản với tính chất Âu ca của “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, Anh hùng ca của “Đất nước trọn niềm vui”, “Mùa xuân trên quê hương” của nhạc sĩ Hoài Mai lại hướng đến cách thể hiện giàu chất trữ tình, nhẹ nhàng, dịu dàng, đằm thắm…

“Quê hương vang mãi muôn khúc ca tưng bừng
Đời vui náo nức sức sống đang trào dâng
Mùa về trên quê hương nghe bao tiếng thân thương
Khi sông núi nối liền tin vui đến mọi miền…”

“Mùa xuân trên quê hương” chẳng hề mang không khí rạo rực như vẫn thấy ở những tác phẩm viết về sự kiện lịch sử, mà bồi hồi, mênh mang, thậm chí ca khúc này đã vượt qua khỏi “ranh giới” của bài ca mừng chiến thắng để gieo vào lòng người nhiều nỗi suy tư, ngậm ngùi. Trên thực tế, cả “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao và “Mùa xuân trên quê hương” của Hoài Mai đều chất đầy tâm sự.

Nếu nhìn vào cấu trúc nội tại, hai ca khúc trên có nhiều điểm khá giống nhau, đều cùng viết ở giọng thứ, nhịp ¾, tốc độ chậm, âm điệu buồn man mác, thậm chí da diết như “Mùa xuân trên quê hương”. Nhưng, “Mùa xuân trên quê hương” và “Mùa xuân đầu tiên” thực sự đã đem đến cho người nghe nhiều xúc cảm.

Ở “Mùa xuân trên quê hương”, mặc dù nhìn vào hóa biểu cho thấy tác phẩm viết ở giọng thứ, nhưng theo cách thức tiến hành giai điệu, nó chỉ ra ngôn ngữ âm nhạc truyền thống (ngũ cung). Điều đó cho thấy, tác giả đã thể hiện tác phẩm bằng ngôn ngữ âm nhạc quê hương. Thang âm ngũ cung như một mạch ngầm chảy âm thầm trong lòng nét giai điệu bảng lảng, bồi hồi, quẩn quanh theo nhịp điệu Valse. Thủ pháp ly điệu từ thứ sang trưởng song song (tương ứng với lời ca: Đời vui náo nức sức sống đang trào dâng) như một sự phỏng chiếu phương thức chuyển hệ trong âm nhạc truyền thống.

Thủ pháp chuyển hệ (chuyển hò) xuất hiện khá thường xuyên trong nhạc lễ, nó giúp cho âm nhạc có thể thay đổi nhanh chóng từ tính chất bi ai của hơi Nam sang bi hùng của hơi Bắc. Bên cạnh đó, việc chuyển từ giọng thứ sang trưởng còn đem đến tính chất tương phản cho giai điệu, từ buồn man mác, nỉ non sang trầm hùng, trang nghiêm, một đặc trưng của nhạc lễ. Trong ca khúc, có khá nhiều tác phẩm áp dụng thủ pháp này, như: “Ai xuôi vạn lý” (Hòn vọng phu 2) của Lê Thương, “Bông hồng cài áo” của Phạm Thế Mỹ (lời ca của Thích Nhất Hạnh), “Xin làm người hát rong” của Trần Long Ẩn… Trở lại tác phẩm “Mùa xuân trên quê hương” có thể thấy, điệu valse chỉ là một sự lựa chọn dựa vào khung nhịp ¾, nó tuyệt nhiên chẳng hề làm thay đổi tính chất mang nhiều hơi hướng của âm nhạc ngũ cung truyền thống.

Khác với những sáng tác viết về mùa xuân lịch sử, “Mùa xuân trên quê hương” của Hoài Mai không ồn ào, náo nức mà bồi hồi, sâu lắng… Tác giả đã sớm phát hiện ra “Nỗi buồn chiền tranh” đằng sau niềm vui thống nhất. Và “Mùa xuân trên quê hương” trở thành mùa của sự hồi sinh, hàn gắn vết thương trên cơ thể quê hương và con người, mùa tái thiết nhằm vươn tới sự “toàn vẹn lòng người”.

Còn đối với “Mùa xuân đầu tiên”, khác với “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Bắc Sơn”, “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch”, những sáng tác đánh dấu sự chuyển hướng trong sự nghiệp sáng tác của Văn Cao, tác phẩm này là một sự trở về theo quy luật “Hoàn đồng”, “Thoát tục” ở một nhạc sĩ từng gắn với trào lưu âm nhạc Lãng mạn. Nhạc sĩ Văn Cao viết “Mùa xuân đầu tiên” một cách tự nhiên, bình dị, tất cả xúc cảm đến một cách lặng lẽ, âm thầm phảng phất một trời dịu êm.

“Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.”

“Mùa xuân đầu tiên” khiến chúng ta mơ tưởng đến cõi “Thiên thai” xa xăm, tiếng hát chàng “Trương Chi” huyền thoại, bức tranh thiên nhiên “Suối mơ”… tịnh vắng - một thế giới đã bị bỏ quên trong truyền thuyết, ẩn náu miền ca dao êm đềm, nhẹ tênh trên dòng thời gian tơ lụa. Âm nhạc của Văn Cao không chỉ phản ánh thuần túy một sự kiện lịch sử, mà còn đem đến ước mơ, hy vọng, những khát khao vượt lên trên thực tế nhằm vươn tới cảnh giới hòa bình cho tâm hồn.

“Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…”

 

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.