"Những bài ca tung cánh" - Nhân 65 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 – 2013)

11/07/2013

Khi Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời thì Tân Nhạc Việt Nam mới ở tuổi lên mười và Đoàn Âm nhạc Việt Nam mới ở tuổi lên ba (1), song những chàng trai nhạc sĩ “ tuổi Phù Đổng” đã nổi danh như sóng cồn.

Họ là những gương mặt tiêu biểu của ba dòng Tân nhạc ngày ấy là: dòng âm nhạc lãng mạn, dòng âm nhạc yêu nước, tiến bộ và dòng âm nhạc cách mạng với những tên tuổi như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Tuyên, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Văn Chung, Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc Trác, Hoàng Quý, Phan Huỳnh Điểu và sau đó là những Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Huy Du, Trần Kiết Tường, Trần Hoàn, Văn Ký, Nguyễn Văn Thương v..v. Vì thế, lực lượng âm nhạc là lực lượng chủ công, mạnh nhất trong ba thành viên ban đầu của Hội Văn nghệ Việt Nam là Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, Đoàn Sân khấu Việt Nam, Đoàn Kiến trúc Việt Nam.

Với thế mạnh của mình được khẳng định qua các bài ca cách mạng như Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam và Sông Lô của Văn Cao; Lên Đàng, Xếp bút nghiên…của Lưu Hữu Phước; Chiến sĩ Sông Lô, Bình Ca của Nguyễn Đình Phúc; Mơ đời chiến sĩ (Thơ Mạc Tần), Thủ đô huyết thệ (Thơ Linh Nha), Lô giang của Lương Ngọc Trác; Giải phóng quân, Mơ đời chiến sĩ của Phan Huỳnh Điểu và biết bao các bài ca khác của các tác giả ở khắp ba miền Bắc – Trung – Nam đã làm cho Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam không ngừng lớn mạnh dưới mái nhà chung của tổ chức văn nghệ cách mạng đầu tiên của Đảng. Cũng dưới mái nhà chung đó, lần đầu tiên ba dòng nhạc tiêu biểu của Tân nhạc Việt Nam được hợp lưu tạo nên sức mạnh của dòng chảy như thác đổ của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ảnh hưởng lớn lao của dòng chảy chính thống này đã tạo điều kiện cho một đội ngũ những tác giả mới hình thành và phát triển để sau này họ trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng tiếp tục đóng góp cho cách mạng. Văn nghệ Việt Nam đã trở thành ngôi nhà chung hun đúc ý chí cách mạng, nuôi dưỡng, phát triển sự sáng tạo để các nhạc sĩ có được những bài ca bất hủ trong thời kỳ này như: Văn Cao với Ngày mùa, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Tiến về Hà Nội đều viết vào năm 1949; Lưu Hữu Phước với Ca ngợi Hồ Chủ tịch (tức bài Lãnh tụ ca sau này); Lê Yên với Bộ đội về làng (phổ thơ Hoàng Trung Thông) viết năm 1950; Nguyễn Văn Thương với Bình Trị Thiên khói lửa viết năm 1948; Hoàng Việt với Lá xanh (1950), Lên ngàn (1952), Nhạc rừng (1953); Văn Chung với Pì noong ơi (1950), Quê tôi giải phóng (1954); Đỗ Nhuận với Du kích Sông Thao (1949), Hành quân xa (1953), Chiến thắng Điện Biên (1954)… và biết bao bài ca khác nối dài trang sử âm nhạc cách mạng.

65 năm qua, những bài ca của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam vẫn tiếp tục sải cánh bay trên bầu trời âm nhạc, vượt qua bao giông tố, thác ghềnh song hành cùng cách mạng và trở thành một vũ khí đấu tranh sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hôm nay, chúng ta được thụ hưởng một di sản âm nhạc đồ sộ cùng những vinh dự to lớn mà Đảng và Nhà Nước trao cho như Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh và mới đây là Huân chương Sao Vàng cao quý.
65 năm bao nghĩa, bao tình và những bài ca tung cánh!

65 năm những dấu ấn của một chặng đường âm nhạc không thể nào quên!

65 năm đã đi vào ký ức và trở thành mãi mãi.

Và tất cả sáng lấp lánh trên Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam!

(1)- Đoàn Âm nhạc Việt Nam thành lập ngày 25 tháng 9 năm 1945 là thành viên tập thể của Hội Văn hóa Cứu quốc (Âm nhạc mới Việt Nam - Tiến trình và thành tựu – Viện Âm nhạc xuất bản năm 2000 – Trang 171)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...