Nhớ NSND Doãn Tần
NSND Phan Doãn Tần giọng ca vàng thời kỳ khói lửa đã ra đi ở tuổi 73 trong tiết thanh minh của mùa Xuân Kỷ Hợi. Đây là một mất mát lớn đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cũng là tổn thất đối với nền âm nhạc Việt Nam. Lễ tang Đại tá - NSND Doãn Tần được tổ chức trang trọng, ấm cúng, chu đáo theo nghi thức quân đội tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội vào sáng 20/3/2019.
NSND Doãn Tần và vợ
Doãn Tần sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Chèo - huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Năm 1965, chàng trai 18 tuổi rời quê hương theo Liên đoàn Mỏ - Địa chất ra Quảng Ninh làm công nhân mỏ. Doãn Tần ngày ấy không hề nghĩ mình sẽ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Lối rẽ định mệnh đến với anh vào năm 1969 khi Giáo sư Tạ Phước - Hiệu trưởng Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) ra Quảng Ninh công tác và tham quan thực tế vùng Mỏ. Trong chương trình biểu diễn văn hóa - văn nghệ của anh em công nhân mỏ, ông đã phát hiện ra chàng đội trưởng cao lộc ngộc có tố chất tiềm tàng của một ca sĩ chuyên nghiệp. Thời điểm này Doãn Tần đang được cấp trên chuẩn bị cử sang Liên Xô học chuyên ngành kỹ thuật Mỏ - Địa chất, quyết định trên đến muộn hơn giấy gọi nhập học của Trường Âm nhạc nên chàng công nhân mỏ đã về Hà Nội học khoa Thanh nhạc để mãi mãi theo nghiệp ca hát và trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.
Mới nhập học anh đã tỏ rõ một là giọng ca đầy triển vọng với những bài hát được thu thanh, phát sóng trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ai đã từng sống trong những năm 70 thời ấy đều không thể quên những thời khắc lịch sử bi hùng của cuộc chiến tranh tàn khốc giữa mưa bom, bão đạn lúc bấy giờ. Hà Nội trải qua những trận B52 trải bom và bắn phá ác liệt của không quân Mỹ, rồi cả nước nóng lòng chờ thông tin từ Hiệp định Pari về Việt Nam, tiếp đến là niềm vui vỡ òa trong tiếng reo ca khi cả nước thống nhất… Những cảm giác lâng lâng xen lẫn nghẹn ngào, sung sướng khi nghe hệ thống loa phóng thanh cả nước phát ca khúc Đường chúng ta đi của nhạc sĩ Huy Du phổ thơ Xuân Sách. Bài hát được phát đi phát lại bởi giọng ca nam cao vút, hào sảng và tràn ngập niềm tự hào dân tộc của ca sĩ Doãn Tần.
Năm 1971 khi đang là sinh viên năm 2 của Trường Âm nhạc, anh đã đứng vào hàng ngũ những nghệ sĩ - chiến sĩ của Nhà hát quân đội. Tiếng hát của anh được chắp cánh ngân vang trên nước Đức trong festival ca nhạc thanh niên, sinh viên thế giới năm 1973, trên sân bay Tân Sơn Nhất, cầu chữ Y… trước hàng vạn đồng bào và chiến sĩ Sài Gòn trong ngày đất nước thống nhất (1975). Tiếng hát vang theo dấu chân của người lính Cụ Hồ trên khắp các nẻo đường từ biên giới phía Bắc đến biên giới Tây Nam, và còn đến với bạn bè nhiều nơi trên thế giới.
Đường chúng ta đi không chỉ là dấu ấn thành công đầu tiên trong sự nghiệp ca hát mà nó còn gắn bó sâu sắc với cuộc đời anh như định mệnh, một mối lương duyên về tinh thần để rồi từ đó anh nguyện suốt đời hát ca thủy chung trong màu xanh áo lính.
Món quà kỷ niệm Ngày thành lập quân đội Nhân dân Việt Nam năm 2005 là đĩa CD duy nhất mang tên Đường chúng ta đi của anh do Công ty nghe nhìn Thăng Long (Thăng long Audio - Visual, JSC) sản xuất với 11 ca khúc gắn với tên tuổi anh: Chim én bay (nhạc: Nguyên Nhung, thơ: Lê Thị Mây, giải Nhì đơn ca và múa ít người toàn quốc 1981); Người lính tình nguyện và điệu múa Ap-sa-ra (Minh Quang, Huy chương Vàng Hội diễn toàn quân 1984,1985); Đường chúng ta đi (nhạc: Huy Du, thơ: Xuân Sách, Huy chương Vàng Hội diễn toàn quân năm 1995); Dáng đứng Việt Nam (nhạc: Nguyễn Chí Vũ, thơ: Lê Anh Xuân, Huy chương Vàng hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1999; Hát về tổ quốc tôi (Hữu Xuân); Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu); Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người (nhạc: Cao Việt Bách, thơ: Đăng Trung); Thương lắm tóc dài ơi! (Phú Quang); Sông Lô chiều cuối năm (Minh Quang); Chiếc vòng cầu hôn (Trần Tiến); Cùng anh tiến quân trên đường dài (nhạc: Huy Du, thơ: Xuân Sách).
Thời gian làm đĩa CD Đường chúng ta đi, Doãn Tần với quân hàm Thượng tá, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú là Đội trưởng đội Ca múa nhạc nhẹ Đoàn ca múa Quân đội. Anh Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Thăng Long Adio - Visual, JSC chia sẻ: “Tôi thật may mắn được gặp anh vào đúng dịp anh đang phải làm cái việc có lẽ không giống mình lắm là tìm kiếm, sao lục những tấm bằng khen, huy chương cá nhân để đơn vị đề nghị phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, nếu không công việc bận tối mắt với những chương trình biểu diễn của Đoàn, những buổi giảng dạy thanh nhạc tại các trường âm nhạc… anh sẽ không thể nhớ nổi mình có bao nhiêu thành tích trong hành trình hoạt động ca hát đã qua. Điều dễ cảm nhận là ánh hào quang của những tấm huy chương vàng hay bạc đã không làm thay đổi bản chất mộc mạc, khiêm nhường vốn có trong con người anh. Anh có thứ triết lý thật giản dị nhưng rất đáng kính trọng khi nói về hoạt động nghệ thuật của mình: cũng bình thường như việc thực hiện nhiệm vụ của mọi người lính ở mọi cương vị khác thôi, những gì mình làm được đâu có đáng kể so với sự mất mát, hy sinh, gian khổ của bao đồng đội trên khắp mọi miền Tổ quốc”.
Những năm cuối đời mặc dù sức khỏe không tốt, nhưng khi nào thấy khá hơn là anh vẫn đề nghị được tham gia biểu diễn. Bên cạnh anh luôn có ca sĩ Minh Hồng - người bạn đời cũng là đồng nghiệp cùng Nhà hát. Vợ chồng anh chị với 45 năm chung sống hạnh phúc, cùng nuôi dạy con gái Hồng Vy nên người và giờ đây Hồng Vy cũng là một nghệ sĩ có tên tuổi yêu thương bố mẹ hết mực.
Một người bạn của NSND Doãn Tần từ phương nam - nhạc sĩ Hữu Xuân nhớ lại:
“Doãn Tần là một người bạn thân thiết của tôi từ rất lâu. Ngày xưa khi tôi còn làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc ở khu Mai Dịch, Nhà hát Quân đội ở gần nên anh em nghệ sĩ hai đoàn thường qua lại nhau chơi. Rất quý mến anh bởi anh là người hiền lành, chân thật, dễ mến. Bên cạnh đó anh còn là ca sĩ có giọng hát hay, truyền cảm. Anh cũng hát một số tác phẩm của tôi khi đi biểu diễn. Có một hôm anh điện thoại cho tôi và khoe vừa hoàn thành một đĩa CD mới trong đó có bài Hát về Tổ quốc tôi của tôi. Thật cảm động, khi mở nghe tôi đã rất hài lòng với cách trình diễn của anh, nghe như thấy trước mắt mình những chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm canh giữ tổ quôc thân yêu. Mạnh mẽ nhưng hiền lành với chất lính qua giọng hát của anh. Giờ đây anh đã đi xa, rất xa, chẳng bao giờ còn gặp lại anh nữa, nhưng hình ảnh và giọng hát ấy không thể quên trong tôi. Vĩnh biệt anh - NSND Doãn Tần”.
Đúng vậy, NSND Doãn Tần đã đi xa nhưng hình ảnh, giọng hát của anh vẫn còn mãi trong lòng những người yêu nhạc. Cầu chúc linh hồn nghệ sĩ phiêu diêu nơi cực lạc và an giấc ngàn thu.