Nhớ một ca sĩ hát như lửa cháy
Bởi đã không hát thì thôi chứ hễ cất lời là giọng cuồn cuộn, sôi sùng sục. Nếu là những bài ca kháng chiến, cách mạng thì có cảm giác ông hát đến đâu, lửa cháy ngùn ngụt đến đấy. Đó là lửa từ trái tim của một người trước hết là lính, sau mới là nghệ sỹ.
Ca sỹ này mà hát thì không ai có thể dửng dưng, không bị cuốn vào cái không khí mà tác phẩm tạo dựng. Vấn đề không hẳn chỉ là hát hay hay không mà là hát hết mình, cháy hết mình. Không hiếm người có giọng hay nhưng hát uể oải, thiếu lửa, vẫn không thể chạm được vào trái tim người nghe. Người ca sỹ tôi muốn nói ở đây thì ngược lại: Không chỉ hát bằng giọng mà bằng trái tim rực lửa.
Cố NSND Hoàng Chè trong một chương trình nghệ thuật.
Vâng. Đó là cố NSND Hoàng Chè (1948-2018), trừ những năm học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), còn thì cả đời mặc áo lính. Học xong lớp 10 – tức hết phổ thông (ngày trước phổ thông chỉ có 10 năm) – Hoàng Chè không học lên đại học mà nhập ngũ, trở thành người lính. Do có năng khiếu âm nhạc và giọng hát hay mà chàng thanh niên này được vào Đoàn Văn công Trường Sơn – tiền thân của Đoàn Văn công Quân khu 2 sau này.
Sớm lăn lộn nơi lửa đạn ở chiến trường, Hoàng Chè đã thấu hiểu sâu sắc đời lính chiến. Thế là giọng hát của ông ngay từ lúc còn rất trẻ - tuổi 18, đôi mươi – đã thấm đượm hơi thở của chiến trường. Ông sớm tạo dựng cho mình một phong cách ca hát rất “lính” : Khỏe khoắn, hừng hực khí thế, có thể hát bất cứ ở đâu khi có người muốn nghe dẫu chỉ là một vài chiến sỹ hoặc bà con dân bản nơi ông cùng Đoàn văn công Quân khu 2 đến phục vụ.
Sinh ra ở làng Vẽ thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, cậu bé Hoàng Chè ngay từ nhỏ đã luôn được các thày yêu, bạn mến do vừa ngoan, chăm học lại hát hay. Lớn lên giữa những năm tháng nước sôi lửa bỏng của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Chè không thích học lên đại học mà muốn lao ngay vào chiến trường cùng lớp lớp thanh niên khi ấy. Và con đường Trường Sơn chính là nơi gắn bó như máu thịt với chàng trai trẻ yêu thích ca hát. Vì vậy mà ta hiểu tại sao Hoàng Chè hát những bài về Trường Sơn có sức lôi cuốn người nghe đặc biệt như vậy.
Những bài hát nổi tiếng về dãy núi huyền thoại này như “Bài ca Trường Sơn” (Trần Chung). “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (Huy Du), “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” (Hoàng Hà), “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối)... vốn đã được các nghệ sỹ đàn anh như Quốc Hương, Quý Dương, Trung Kiên... hát rất hay rồi. Nhưng Hoàng Chè vẫn đem đến cho người nghe những cảm xúc mới. Đó là chất lính bình dị, trẻ trung, sôi động, dạt dào sức sống mà các bậc đàn anh kể trên có thể có kỹ thuật, có chất giọng chải chuốt hơn nhưng lại không diễn tả được hết cái không khí chiến trường được như Hoàng Chè. Đó là thế mạnh riêng của ông. Dễ hiểu, bởi ông là lính Trường Sơn thực thụ. Một lần, ông tâm sự với tôi thật chân tình mà sâu sắc:
- Nếu không có cuộc kháng chiến chống Mỹ, không có dãy núi Trường Sơn và con đường mòn Hồ Chí Minh thì không thể có Hoàng Chè như ngày hôm nay.
Tôi nói với ông:
- Thì sẽ có một Hoàng Chè hát nhạc trữ tình, hát ca khúc nước ngoài chứ sao.
Thật đáng quý khi ông hiểu rất rõ về bản thân:
- Không. Chè chỉ hát tốt dòng nhạc đỏ và chỉ sở trường những ca khúc sôi động, nhất là những bài ra đời thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà không mấy phù hợp với những bài nhẹ nhàng, du dương như nhiều ca sỹ khác. Họ hát sôi động, hoành tráng tốt mà hát ca khúc trữ tình cũng vẫn rất hay.
Hoàng Chè (thứ 2 từ trái) cùng nhóm “ngũ hổ”.
Tôi trân quý cái sự rất tự biết mình của Hoàng Chè như vậy. Thảo nào mà có một lần, do có mối quan hệ quý hóa, tôi có ý mời ông đến Đài TNVN thu thanh giúp một bài hát của tôi. Ông nhận lời. Sau mấy ngày, gặp tôi, ông hát trôi chảy cho tôi nghe rất say sưa, gần như không cần phải cầm giấy – chứng tỏ ông cũng thích tác phẩm.
Nhưng ông nói: “-Chè rất thích bài này. Nhưng có lẽ để một giọng nam trung hát sẽ hiệu quả hơn vì bài của anh rất du dương, tình cảm sâu lắng. Chè hát sẽ làm mất cái chất điệu đà của bài”. Tôi nói với ông rằng có nghe ông hát bài “Điều chưa thấy trong văn tự người Dao”. Ông hát cũng nhẹ nhàng, tình cảm chứ đâu có bốc lửa như mọi bài khác. Và ông muốn giới thiệu cho Minh Quang là ca sỹ - quân của ông – hát cho tôi. Thực tình là do muốn có kỷ niệm sáng tạo với ông mà tôi có ý mời ông hát chứ các nam ca sỹ khác tôi cũng quen biết nhiều. Và Minh Quang cũng là chỗ thân thiết với tôi.
Hoàng Chè có chất giọng nam cao (ténor) trong sáng, cao vút, lanh lảnh, rất khỏe. Ông có thể hát không cần “mic” bằng kỹ thuật “cộng minh” ở những nơi không có trang bị âm thanh. Chất giọng như của ông rất hợp với nhiều ca khúc ở trên Đài một thời. Nhưng ông không mấy khi lui tới Đài dể thu thanh. Có chăng đến thu chương trình của Đoàn Văn công Quân khu 2 – nơi ông có nhiều năm làm trưởng Đoàn trước khi nghỉ hưu. Hỏi thì ông cho biết muốn để các diễn viên trẻ đến thu đơn ca để họ nhanh trưởng thành.
Là một “sếp” sống rất chân tình, giản dị, gần gũi với anh chị em, lại luôn cầu thị, tiếp thu mọi ý góp của bất cứ ai, Hoàng Chè được đồng nghiệp, cấp dưới rất quý mến. Muốn biết người thủ trưởng có uy tín, có được mọi người nể trọng, yêu quý không thì bạn hãy đến tìm khi vị đi vắng. Mọi người nồng nhiệt tiếp đón bạn, quan tâm đến bạn hay ngược lại, thờ ơ, lạnh nhạt, không để ý bạn là ai, có khi hỏi, họ còn trả lời chiếu lệ thì sẽ biết ngay.
Khi chưa phổ biến điện thoại, lần nào tôi vào Đoàn Văn công Quân khu 2 mà không gặp được Hoàng Chè thì luôn nhận được sự đón tiếp rất ân cần của các diễn viên. Họ cứ muốn tôi chờ để gặp được sếp của họ. Và nước ngọt, hoa quả được họ huy động để khoản đãi tôi rất hậu. Tôi kể lại với Hoàng Chè và hỏi ông bí quyết nào khiến ông rất được anh em quý trọng như vậy thì ông nói: “-Chẳng có bí quyết nào cả. Chè nghĩ hãy cứ sống chân thành với mọi người, hết mình vì công việc chung, thẳng thắn, vô tư, công bằng, không tư lợi cá nhân thì mọi người không thể ghét mình”. Ông nói điều quá dễ hiểu nhưng đâu có dễ thực hiện khi con người ta luôn có nhiều ham hố.
Con người nói chung, giới văn nghệ sỹ nói riêng, nhiều người thích “đánh bóng” tên tuổi mình. Kể thì cũng không có gì đáng phê phán nếu thực sự có tài, có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Nhưng những người như thế thì lại không thích “đánh bóng”. Có lần tôi nói với Hoàng Chè: “-Chè có rất nhiều thành tích phục vụ chiến sỹ, nhân dân trong thời gian chống Mỹ. Sau ngày thống nhất đất nước lại tiếp tục phục vụ rất có hiệu quả bà con vùng Tây Bắc (địa bàn Quân khu 2 hoạt động). Vậy mà chưa thấy báo chí nào nhắc đến nhỉ”.
Ông trả lời khiến tôi nhớ mãi: “-Chè nghĩ: Mình có gì, thành tích đến đâu mọi người biết cả. Lên báo, đài, sợ nhất là người viết do ưu ái, muốn cổ vũ mình mà nói quá lên. Người hiểu mình thì không sao. Người chưa hiểu sẽ ghét mình thêm. Tự nhiên chuốc thêm thù”.
Một lần, tôi đang ngồi chơi với ông ở Đoàn Văn công Quân khu 2 đóng tại Khương Hạ (Hà Nội) khi ông đã là Đoàn trưởng thì có một nữ phóng viên đến tìm, đặt vấn đề viết về ông. Ông tiếp chu đáo, nói chuyện tự nhiên, nhiệt tình. Vãn chuyện, đã gần 11 giờ, ông mời tôi và nữ nhà báo ra quán ăn trưa. Cô lưỡng lự nhưng được tôi “hùn vào” là trong lúc ăn, sẽ có thể khai thác được thêm nhiều chi tiết để viết. Cô nhận lời và có vẻ rất vui vì nghĩ là đã được việc.
Không ngờ ăn xong, Hoàng Chè cảm ơn cô, nhưng nói: “-Mong chị vui lòng cho phép tôi được từ chối dịp này. Có lẽ để khi nào thuận tiện, tôi sẽ chủ động báo lại cho chị. Khi ấy sẽ hay”. Ca sỹ nói rất tế nhị. Người thông minh phải hiểu sẽ không có cái “khi nào thuận tiện” nữa vì lúc ấy là thuận tiện nhất rồi bởi ông vừa được đôn lên NSND (năm 2017). Ai cũng tiếc thương ông vì được hưởng niềm vui nghề nghiệp mới được một năm thì anh qua đời vào ngày 15-5-2018, hưởng thọ 70 tuổi.
Hoàng Chè mất đi, để lại một khoảng trống đáng kể trong đội ngũ những nghệ sỹ quân đội có bề dày cống hiến và hiệu quả phục vụ. Đặc biệt là quân, dân vùng núi Tây Bắc sẽ không bao giờ còn được nghe một giọng hát như lửa ngùn ngụt cháy và dầu sôi súng sục.