Nhìn lại những cuộc thi âm nhạc 2012: Kết quả chỉ là ... "Nửa chặng đường"
Chỉ sau một cuộc thi họ vụt sáng, được tung hô với đủ các danh xưng, cát sê tăng vùn vụt có khi ngang hàng với sao hạng A nhưng khi nhìn vào những gì họ cống hiến hay đích thị là chứng tỏ cái tài năng được tung hô ấy thì chỉ mới được “một nửa”.
Lẫn nghĩa đen và nghĩa bóng, những quán quân trong các cuộc thi âm nhạc vừa qua và sắp tới chỉ mới là “một nửa” chưa trọn vẹn cả tài năng lẫn độ chín của một người làm nghệ thuật.
Những “ảo ảnh” chực chờ
Hai cuộc thi được mong chờ nhất năm là The Voice – Giọng hát Việt và Vietnam Idol – Thần tượng âm nhạc đã đi đến hồi kết. Hôm nay, nhà sản xuất nào cũng biết cách nâng tầm cuộc thi của họ theo nhiều phương thức khác nhau: scandal, fans khủng, sao khủng ngồi ghế nóng... Ở chiến lược marketing cho nhãn hàng tài trợ, họ thành công. Và với nhà đài, hay những nhà đồng sản xuất thu món hời không nhỏ. Vậy những thí sinh, ngôi vị quán quân họ được gì và khán giả được thụ hưởng thành quả như thế nào? Và có chút giáo điều, nền âm nhạc nước nhà thu vén được gì sau những cuộc thi như vậy?
Giọng hát Việt đã kết thúc với một đêm chung kết “trong mơ”. Lượng fans “trung thành” đã ngùn ngụt kéo đến hàng tiếng đồng hồ trước đêm diễn để được vào xem thần tượng lẫn “tượng thần” sắp được dựng lên ngay sau cuộc thi kết thúc. Không khó dự đoán kết quả cho mùa đầu tiên khi 4 giọng hát vào chung kết lần lượt là Hương Tràm, Đinh Hương, Xuân Nghi và Kiên Giang. Với 3 phần thi được đánh giá nổi trội hơn cả hay đúng hơn là “bàn tay” đạo diễn lẫn âm nhạc và hình ảnh khá tài tình của huấn luận viên Thu Minh cùng giám đốc âm nhạc đã giúp cho Hương Tràm tỏa sáng. Hương Tràm lên ngôi vị cao nhất với nhiều lời tán dương, kể từ đây, cô gái 17 tuổi này sẽ khác. Một “thần tượng” âm nhạc thực sự hay chỉ là “tượng thần” được tô vẽ với rất nhiều “ảo ảnh”.
Hương Tràm có giọng hát tốt, nhưng thấp thoáng đâu đó hình ảnh của Văn Mai Hương hiện ra trong bóng dáng cô ấy trong suốt quá trình thi. Hương Tràm còn quá trẻ? Tuổi tác không quan trọng nhưng chính vì quá trẻ nên khán giả cũng sẽ cho cô ấy nhiều thời gian hơn để chứng minh mình thực tài chứ hoàn toàn không do bị nhào nặn. Bên cạnh đó, nhiều khả năng một kết thúc tương tự sẽ xảy ra cho Vietnam Idol – Thần tượng âm nhạc, khi hai giọng hát đều rất trẻ bước vào chung kết là Bảo Trâm và Hoàng Quyên.
Hoàng Quyên hay Bảo Trâm được xướng tên ở ngôi vị Thần tượng đều xứng đáng. Nhưng một hiệu ứng như hiện tượng Uyên Linh chắc chắn sẽ rất khó đạt được. Bởi một điều ngấm ngầm kéo sau đó là hàng loạt câu hỏi nghi vấn cho những cô gái trẻ này. Liệu trong khi họ chỉ mới tiềm ẩn những tố chất để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, nay sau một cuộc thi, bao nhiêu giấy mực xếp họ vào những “thần tượng”, “hiện tượng” thì áp lực bắt buộc những cô gái trẻ ấy nhanh chóng chứng minh năng lực là điều hiển nhiên. Không như các diva, thần tượng trên thế giới, để được ghi nhận thì họ phải có những giải thưởng xứng tầm, những thông số về lượng đĩa, bài hát được bán ra trên toàn thế giới. Và cái danh xưng quý giá ấy theo sau và được công nhận rõ ràng. Nay với những giọng hát mới chỉ dừng ở mức nhân tố mới này lại quá dễ dàng được “xưng danh” chỉ sau một cuộc thi. Đó chính là “ảo ảnh” mà họ phải vượt qua hoặc sẽ cố tình đắm chìm trong “ảo ảnh” để đạt được nhiều mục đích khác hơn ngoài âm nhạc.
Không thi đồng nghĩa khó nổi tiếng
Một trong những “thông điệp” ngầm mà các cuộc thi vừa qua nhắc nhở các thí sinh rằng nếu họ không có mặt trong các cuộc thi như thế thì liệu khán giả có biết đến tài năng và giọng hát của họ không? The Voice – Giọng hát Việt đã làm rất tốt việc quảng bá cho chính cuộc thi lẫn thí sinh cũng được hưởng món hời không nhỏ. Chưa có một cuộc thi nào có nhiều tai tiếng như The Voice mà cũng hiếm thấy cuộc thi nào mà thí sinh bị loại lại có cát sê cao hơn cả những thí sinh đang thi. Đó chính là thực tế hiếm thấy, điều đó khiến cho những bạn trẻ nhìn vào rất dễ hình dung ra một định luật rất mới “không thi đồng nghĩa khó nổi tiếng”.
Như một điều hiển nhiên, để khán giả biết đến giọng hát không cách nào khác là phải tự giới thiệu và tham gia vào một cuộc thi là hiệu quả nhất. Nhưng cũng không ít trường hợp chính họ đã tự giết chết hình ảnh của mình khi đi tìm “món hời” như vậy. Đồng Lan, Tiêu Châu Như Quỳnh... đều là những giọng hát ít nhiều khán giả biết đến và có giải thưởng, nay sau Giọng hát Việt, họ là người thua cuộc dù có bao nhiêu lời “bảo chứng” từ phía huấn luận viên đi chăng nữa. Và nguy cơ xếp sau Top4 chung kết năm nay là có thực. Vô hình chung, chỉ sao một cuộc thi, họ rớt hạng và tự cho mình thêm một bước khởi động lại tất cả những gì đã đạt được trước đó. Rủi ro mang tính “sống còn”.Tuy nhiên, sức hút của những cuộc thi như thế là có thực. Khán giả hào hứng xem chung cuộc ai sẽ giành phần thắng, hay đúng hơn là hiện tại đôi khi phần lớn khán giả chỉ muốn nhìn cách các cuộc thi đưa người thắng cuộc đến giải thưởng như thế nào. Phải chăng, từ một cuộc thi âm nhạc thuần túy, chúng ta lại có thiên hướng chuyển sang thành một kịch bản truyền hình thực tế không hơn không kém. Có đạo diễn, có diễn viên, có tình huống, kịch tính và hồi kết. Thực tế đúng là vậy, các cuộc thi đều có đạo diễn sân khấu, đạo diễn âm nhạc, có thí sinh, có scandal xung quanh, và có hồi kết cho người thắng cuộc. Nhưng điều khiến chúng ta hoang mang chính là đây có phải là “kịch bản truyền hình” hay chính là “kịch bản kết quả” cho một số phận được định sẵn?
Dường như ở bất kì cuộc thi nào khi kết thúc đều nhận được rất nhiều nghi vấn. Người thắng cuộc vẫn nghiễm nhiên nhận được rất nhiều điều lợi, họ vụt sáng, nổi tiếng. Cuộc thi nhanh chóng khởi động lại mùa tiếp theo, đây cũng là điều hiếm thấy so với các nước. Đặc biệt, Giọng hát Việt chưa trao giải cho quán quân thì MC chương trình đã thông báo sẽ tuyển sinh cho mùa mới ngay ngày hôm sau và sẽ lên sóng trong vòng 4 tháng nữa. Các cuộc thi kiểu này đang tạo được làn sóng xem truyền hình mới. Độ hit tăng, khán giả ngùn ngụt quan tâm, thí sinh đi thi được biết đến và cát sê cũng tăng. Vậy thì tại sao không chọn các cuộc thi như một chọn lựa để nổi tiếng trong showbiz hiện nay?