"Nhân tình thế thái" cùng danh hiệu nghệ sĩ...
Rất nhiều người yêu mến nghệ sĩ này hỏi: "Ủa, Tô Lan Phương chưa phải là nghệ sĩ nhân dân sao?" - "Sao bây giờ chị vẫn là nghệ sĩ ưu tú!" và nhiều câu hỏi khác nữa...
Tôi chỉ cười, cái cười với nhiều dụng ý..., không trả lời bởi nếu trả lời thì dài dòng lắm...
"Nhân tình thế thái" là vậy!
Tô Lan Phương đã sống nhiều năm qua như thế này: lặng lẽ, tịnh yên, tịnh tại, sống đẹp, sống tử tế và không thích bon chen... An bài với mình với gia đình cùng những chú Cún trung thành do chị nuôi, thương nó từ tấm bé.
Cuộc sống người nghệ sĩ nổi tiếng của một thời bom đạn nhiều năm qua đến giờ là như vậy, không buôn bán hay kinh doanh..., chỉ với đồng lương hưu nhà nước mà thôi...
Chị được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú đợt đầu tiên vào ngày 25/1/1984; Giải thưởng đặc biệt cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế "Bratislavski" 1981 tại Tiệp Khắc; Giải thưởng nghệ sĩ ấn tượng nhất của Gala Festival Habana Cuba 7/1984; Huy chương vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội 1976...
Bức thư sau đây đề tên người gửi là Nguyễn Chiến - Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 Quận Thủ Đức TP HCM - người mà Tô Lan Phương không biết, không quen viết cách đây mười năm (2008) cho tới hôm nay vẫn còn mang nhiều ý nghĩa... Tôi muốn chia sẻ với bè bạn để có cái nhìn đánh giá khách quan:
Tô Lan Phương – Nghệ sĩ Chiến sĩ
Nguyễn Chiến
Quả thực từ lâu, Tô Lan Phương đã là một hình ảnh đẹp trong lòng tôi và những người bạn tôi.
Một câu hỏi luôn đặt ra trong tôi? Hết năm nọ đến năm kia sau mỗi lần công bố của Nhà nước: các danh hiệu NSUT – NSND sao không có chị???
Và rồi tôi lại cho rằng: ca hát không còn là người bạn đường của chị do một lẽ gì đó...
Nhưng rồi mọi băn khoăn của tôi được giải tỏa khi tờ báo An Ninh cuối tháng 2/2008 đăng bài của Bình Nguyên Trang: “Nghệ sĩ Ưu tú Tô Lan Phương – Ngọt ngào ký ức ngậm ngùi một chút hôm nay”
Đọc bài báo, sao tôi thấy ngậm ngùi quá… Với tôi: cái vô lý cứ đè nặng, một Tô Lan Phương cô gái Hà Thành xinh đẹp từ chối không đi du học nước ngoài (một ước mơ của bao bạn trẻ hồi đó) để vào chiến trường mang ca hát và lòng nhiệt thành phục vụ kháng chiến.
Tiếng hát của chị đã động viên và khích lệ, là tiếng kèn xung trận của bao chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, của anh bộ đội Cụ Hồ, của nhiều chàng trai cô gái thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Chị đã cống hiến cả tuổi xuân cho chiến trường ác liệt và vẫn tiếp tục cống hiến cho đời bằng tất cả tâm sức của mình.
Nhưng sao chị lại thiệt thòi như vậy?
Tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng làm sao để trả lời?
Tôi lại đem chị so sánh với bao nghệ sĩ khác và thật sự tôi không thể tự mình giải thích cho mình khi sự vô lý, sự thiếu công bằng đối với chị cứ làm tôi day dứt. Chất giọng có, tài năng có, cống hiến có, nhan sắc có, quần chúng yêu mến có… Vậy thì chị thiếu cái gì để được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân?
Tôi nghĩ chị cần được Tổ Quốc phong tặng một danh hiệu xứng đáng với những gì chị đã hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng, một sự nghiệp cách mạng hào hùng của Đảng, của Bác Hồ trong đó có Tô Lan Phương đã từng như một huyền thoại.
Mặc dầu chẳng ai phong thì chị cũng đã được mọi người yêu kính và vẻ vang thay cho nghệ sĩ Tô Lan Phương đã trở thành tên của một đại đội, biểu tượng của một nghệ sĩ cách mạng – một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa khốc liệt thời chống Mỹ mà không phải nghệ sĩ nào cũng vinh dự có (ở đây như một nghịch lý: cái chị có thì không mấy ai có – đại đội mang tên chị, cái chị không có – nghệ sĩ nhân dân thì nhiều người có!
Tôi nghĩ con người vừa bản lĩnh xông pha nơi chiến trường, vừa mang bầu nhiệt huyết ca lên những bài ca đi cùng năm tháng đầy khích lệ động viên bao chiến sĩ lao vào cuộc chiến để đánh bại kẻ thù, cũng như công cuộc xây dựng thời bình với Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tiếng đàn Ta Lư, Qua sông, Câu hát Bông sen, Tiếng hát giữa rừng Pắc bó, Bóng cây Kơ Nia… Âm hưởng của những bài hát ấy vẫn vang trong tôi mỗi khi nghe chị hát và lạ lùng thay nhiều ca sĩ khác khi hát những bài hát này tôi lại nghĩ ngay đến chị với một nỗi niềm xúc động: giá đây lại là Tô Lan Phương.
Trong bài báo của chị Bình Nguyên Trang có đoạn: “Tôi nhớ có một lần tại rừng vùng Tây Ninh chỉ tích tắc nữa thôi là tôi và Phương đã vĩnh viễn không trở về nữa. Đó là một buổi trưa chúng tôi đi thăm các nghệ sĩ trong chiến khu. Đang lúc chuẩn bị ăn trưa thì máy bay B52 bất ngờ ập tới, chúng tôi chưa kịp định thần thì đã thấy cây cối quanh mình đổ rạp, cháy xém cùng những tiếng nổ lớn liên tiếp. Tôi nhảy vội xuống hầm nhưng Phương thì chậm hơn, tôi phải nhoài người kéo Phương xuống… Khi hết bom chúng tôi ngoi lên được thì trước mắt mình với những cánh rừng tan nát, xác người và vật nằm ngổn ngang, chúng tôi bàng hoàng với khung cảnh ấy...”.
Đúng là một hình ảnh bi thương mà đậm tình người. Khi đọc đến đoạn này tự nhiên tôi lạnh cả người và lẩm bẩm: “Ơn trời, anh chị hãy còn sống”.
Bom đạn kẻ thù không giết được họ cũng như lời ca tiếng hát của họ, nhưng rồi tôi lại nghĩ: “Nếu họ mãi mãi về cõi vĩnh hằng từ hôm đó, có lẽ ngày hôm nay mỗi lần nhắc đến họ chúng ta lại: “Tiếc quá, vô cùng tiếc nuối cho một cặp tài hoa đã bị bom đạn xâm lược Mỹ cướp đi cuộc sống đẹp đẽ của họ. Họ đã hiến dâng cả tuổi xuân cho độc lập và tự do của dân tộc. Tổ quốc mãi mãi ghi tên tạc tượng họ. Họ xứng đáng hơn tất cả…”.
Nhưng nay họ còn đó, sao ta nỡ quên họ, khắt khe với họ… Và đòi hỏi ở chị cái gì nữa?
Vùng Lộc Ninh cách đây 2 năm (2006) tôi và các em sinh viên của trường có đến đây trong một chiến dịch “Mùa hè xanh” do Thành đoàn Thanh niên Cộng sản HCM thành phố HCM phát động – chúng tôi đến đây với nhiệm vụ xây nhà tình nghĩa, sửa sang hệ thống giao thông nông thôn, dạy học và xoá mù chữ.
Chúng tôi đã được nghe ngưòi dân ở đây tự hào khi nói: “Vùng đất ác liệt này trong những ngày khói lửa của cuộc chiến chống quân xâm lược Mỹ đã từng có đại đội mang tên nghệ sĩ Tô Lan Phương…”.
Và tôi đã nói với các bạn trẻ rằng:
“Các bạn có biết Tô Lan Phương không? Người con gái Hà Thành xinh đẹp đã tự nguyện vào chiến trường bất chấp hiểm nguy để trực tiếp chiến đấu, trực tiếp đem lời ca động viên chiến sĩ góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Có những ngưòi như vậy mới có Việt Nam sạch bóng quân thù, mới có Việt Nam của độc lập tự do hôm nay. Hãy sống xứng đáng với họ các bạn ạ! Các bạn biết không? Stalin đã từng nói: “Những bài thơ của Erenbua có giá trị khích lệ như một sư đoàn đang xông ra mặt trận… Tiếng hát Tô Lan Phương cũng vậy, là hồi kèn xung trận, là hừng hực khí thế cho quan ta tiêu diệt kẻ thù”.
Một lời sau cuối khi viết bài này: đề nghị với tất cả thành viên trong Hội đồng xét chọn Danh hiệu NSUT, NSND hãy đừng nâng lên đặt xuống so bì mà hãy vì công chúng, hãy vì những đồng đội còn, mất của chị mà thể hiện lòng tri ân với Tô Lan Phương người nghệ sĩ thật sự xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Với những cảm nhận trền đây, cho phép tôi gửi tới gia đình nghệ sĩ Tô Lan Phương và anh Trần Mùi sự chia sẻ sâu sắc và sự tôn vinh thầm lặng của tôi và cũng như bao người yêu kính anh chị.
Cái xứng đáng nhất, cái đẹp đẽ nhất vẫn lả hình ảnh anh chị được sống đẹp đẽ trong lòng công chúng yêu thương, mến mộ, biết ơn anh chị.
Hy vọng Tô Lan Phương là Nghệ sĩ Nhân dân trong tương lai gần.
Cô gái Hà Thành hiên ngang vào trận đánh
Chị Phương ơi vang mãi khúc quân hành
Giữa hoà bình dẫu đôi chút lăn tăn
Vẫn say hát với nụ cười kiêu hãnh
Đêm chiến trận vẫn sao trời lấp lánh
Máu xương rơi chị chẳng tiếc thân mình
Máu nghệ sĩ lồng trong tim ngưòi lính
Quyện vào nhau thành sức mạnh Việt Nam…
Gửi tặng Tô Lan Phương
Nguyễn Chiến – Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 Quận Thủ Đức TP Hồ Chí Minh.