Nhận diện đúng giá trị văn hóa của "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ"
Sự kiện "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" được UNESCO vinh danh là niềm vui lớn đối với di sản nước nhà, đồng thời cũng đặt câu hỏi trước việc phải nhận diện đúng về giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó là chìa khóa để tháo gỡ những băn khoăn lo ngại về sự biến tướng có thể đang tồn tại trong hầu đồng - nghi thức văn hóa hạt nhân của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa về những giá trị của "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" về những vấn đề chung quanh sự kiện này.
UNESCO không vinh danh tín ngưỡng mà vinh danh giá trị văn hóa
- Thưa bà, chúng ta vô cùng vui mừng trước thông tin, hồ sơ về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 nhanh chóng thông qua mà không bị chất vấn, tranh luận. Vậy, hồ sơ này đã thuyết phục được Hội đồng UNESCO như thế nào?
-Việc vinh danh này nhằm mục tiêu nhận diện giá trị văn hóa của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cùng với các cộng đồng là chủ thể, có tính đại diện. Họ đã thực hành di sản lâu đời, được trao truyền qua nhiều thế hệ. Nay họ đề cử và tự cam kết bảo vệ bằng kế hoạch chương trình cụ thể. Hồ sơ của chúng ta đã đáp ứng tất cả các tiêu chí đó vì vậy ngay từ vòng 2, vòng thẩm định của Ban Tư vấn, hồ sơ đã được đồng thuận 100%. Khi Ủy ban xét lần cuối ngày 1-12 hồ sơ này đã ngay lập tức được thông qua.
Hồ sơ "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" được UNESCO công nhận trước hết là ở giá trị tập quán/tục thờ Nữ thần. Các vị thần là nữ tượng trưng cho thiên nhiên (Lửa, nước, đất, cây). Những nhân vật khác được thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là những nhân vật có thật trong lịch sử hoặc chỉ có trong truyền thuyết nhưng được người Việt tin, thờ và trao truyền tập quán đó. Đó là giá trị văn hóa có tính biểu tượng trong tập quán thờ nữ thần và các nhân vật khác là anh hùng, người có công đối với đất nước.
Tín ngưỡng thờ Mẫu được vinh danh ở khía cạnh thứ hai, bởi đó là một nghệ thuật trình diễn tổng hợp có âm nhạc, bài hát, điệu múa, trang phục, có các đạo cụ, lề lối trong trình diễn cùng những thực hành văn hóa như ăn trầu, uống rượu, dâng hương, phát lộc hoặc lắng nghe lời thỉnh cầu, giao tiếp với cộng đồng… Tất cả những cái đó là giá trị văn hóa. Đâu đó có trong các nghệ thuật trình diễn khác của Việt Nam cũng có, nhưng nó đã được hội nhập, tích hợp và sáng tạo ở tín ngưỡng này tạo thành giá trị văn hóa đặc sắc – Lên Đồng.
Giá trị văn hóa của thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc trình diễn với thể hiện quy tắc ứng xử trong văn hóa tâm linh. Các thực hành nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu như một vở kịch có lớp lang, được trình diễn theo thứ tự bởi ý niệm, bởi thực hành với sự thay đổi âm nhạc, ca từ, nghi lễ, khăn áo, đạo cụ và cách thức trình diễn.
Ngoài ra không thể không kể đến giá trị văn hóa của nghệ thuật điêu khắc, hội họa, trang trí, thêu may trong điện thờ, trong trang phục và đồ lễ. Như vậy, chúng ta phải nhìn nhận rõ, UNESCO không vinh danh tín ngưỡng, vinh danh dưới góc độ tôn giáo hay tâm linh mà vinh danh dưới góc độ văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu đó là tri thức dân gian, ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình, trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng… Đó chính là ghi nhận những sáng tạo văn hóa của cộng đồng đã không ngừng được tiếp nối và được bảo vệ, giữ gìn cho đến ngày nay.
-Trước và trong quá trình "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" được lập hồ sơ trình UNESCO, cũng có không ít quan điểm trái chiều về việc hầu đồng - nghi thức hạt nhân là mê tín, dị đoan và đang bị biến tướng. Hành trình để chinh phục được UNESCO có gặp nhiều gian nan không, thưa bà?
- Trước năm 1990 khi chưa có sự đổi mới toàn diện về các mặt thì có những quan niệm cho rằng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là lạc hậu, thậm chí bị quy chụp là mê tín, dị đoan. Sau này với nhận thức đổi mới về văn hóa, khi hội nhập đời sống văn hóa thế giới, chúng ta thấy thực hành tín ngưỡng này có những giá trị văn hóa rõ rệt, được nhiều cộng đồng duy trì, trao truyền vì thế chúng ta đã thực sự nghiêm túc đánh giá để có một thái độ ứng xử bình đẳng như đối với các thực hành tín ngưỡng khác..
Nhưng từ thực tế, nhiều người vẫn băn khoăn, tại sao lại đốt nhiều vàng mã, tại sao có những giá hầu rất nhiều tiền lộc được phát ra, tại sao lại có thể bỏ nhiều tiền để thực hiện một vấn hầu? Đó là câu hỏi cần thiết mà các nhà nghiên cứu phải tìm hiểu và chính các chủ thể đang thực hành tín ngưỡng này sẽ cho chúng ta câu trả lời.
Sau khi "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định" được ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cùng với cộng đồng đã đề nghị Bộ VHTT và Du lịch trình Thủ tướng cho phép xây dựng hồ sơ "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" vào năm 2015 để trình UNESCO, khi đó cũng đã đặc biệt lưu ý làm sao vinh danh thật sự đúng ý nghĩa của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Quá trình nghiên cứu và làm hồ sơ trong vòng 5 năm qua cũng là điều kiện để nâng cao nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội về bản chất, giá trị và ý nghĩa của việc bảo vệ nó.
Do vậy, UNESCO ghi nhận “những thực hành văn hóa liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu”. Việc vinh danh này không nhằm so sánh cao thấp, hơn kém về giá trị với các thực hành tín ngưỡng tôn giáo khác và không cho phép dùng danh hiệu đó vào mục đích lợi nhuận cá nhân, gây phiền phức đối với các tín ngưỡng khác.
- Vâng, như bà vừa nói, những gì đang được nhận diện là biến tướng của nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu mà hạt nhân nằm ở nghi thức hầu đồng? Các giá đồng, hầu đồng tràn lan với những khoản tiền thật rất nhiều có phải là một sự biến tướng. Bởi nếu điều đó được tự do phát triển thì liệu có ảnh hưởng tới giá trị di sản mà chúng ta vừa được ghi nhận?
- Theo tôi chúng ta rất cần có biện pháp để ngăn ngừa những hệ quả không mong đợi từ việc vinh danh: đó là việc ngộ nhận về danh hiệu. Như tôi đã nói phần trên thực chất là UNESCO ghi nhận những giá trị văn hóa được sáng tạo bởi cộng đồng. Vậy phải làm rõ giá trị đó là gì để bảo vệ. Thứ hai là lạm dụng việc thực hành, trình diễn để trục lợi. Cũng phải có cách nào đó để nhận diện, xử lý vấn đề này.
Cộng đồng sẽ có quyết tâm và biện pháp cụ thể hơn để bảo vệ di sản vừa được công nhận với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa ở Trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội có liên quan.. Nên có các hình thức cộng đồng liên kết, chia sẻ, hỗ trợ để cùng thực hành văn hóa một cách đa dạng.
“Phải có sự cân bằng, hài hòa để phát triển di sản”
- Thưa bà, trước những hiểu biết chưa đúng về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, làm thế nào để chính cộng đồng nhận diện được những gì bị coi là biến tướng của hầu đồng và làm sao để không bị rơi vào tình trạng thương mại hóa nghi lễ hầu đồng?
- Quan trọng nhất là họ và nhận thức của họ. Phải chính cộng đồng chỉ ra cho nhau, uốn nắn cho nhau. Những thanh đồng sẽ phải tự trao truyền cho nhau để thực hành cho đúng phép tắc và phản ánh đúng giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Sẽ không có nhà quản lý nào đứng ra chỉ được người nào thực hành đúng, người nào không thực hành đúng. Chính cộng đồng phải tự nhận diện làm thế nào là đúng, tự bảo ban nhau nên làm thế nào.
Với việc có danh hiệu này các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà quản lý văn hóa sẽ chú ý hơn nữa đến khía cạnh bảo vệ văn hóa. Làm sao có những người trao truyền xứng đáng để kế thừa giá trị cốt lõi của nghệ thuật trình diễn trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hoặc những giá trị văn hóa khác. Muốn giữ được giá trị đó, nhà nghiên cứu phải cùng cộng đồng nhận dạng đâu là giá trị và đâu là sự biến đổi mà không phải là giá trị. Từ đó, cùng nhau gìn giữ và quảng bá để mọi người cùng hiểu giá trị văn hóa cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Về việc đốt vàng mã hoặc sử dụng quá nhiều tiền để mong lợi ích đặc biệt cho riêng mình thì đó là thuộc về niềm tin, tín ngưỡng, không thể áp đặt mà chỉ giải quyết được bằng việc nâng cao nhận thức, tự nhận thức. Ai cũng phải lao động, học tập, phấn đấu thì mới thành công được. Tâm linh cho ta niềm tin, ý chí nhưng không có hành động thì không thể gặt hái thành công.
-Theo bà, khi Nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO vinh danh, chúng ta cần phải có biện pháp bảo tồn như thế nào?
- Thứ nhất, cần có những cuộc thảo luận với cộng đồng thực hành tín ngưỡng này về bản chất của việc vinh danh, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi nhóm, của cá nhân. Cần gắn kết cộng đồng thực hiện mục tiêu chung này. Qua đó sẽ loại trừ những biểu hiện không tích cực, làm ảnh hưởng đến cộng đồng chung và danh hiệu.
Thứ hai, các cơ quan quản lý khuyến khích các nghệ nhân phát huy vai trò của mình, gương mẫu trong thực hành để vừa bảo vệ di sản, vừa thực hiện được nhu cầu tâm linh của mình. Phải có sự cân bằng, hài hòa để phát triển.
Thứ ba, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu cùng với cộng đồng xây dựng một số nhóm nòng cốt/các bản hội để tiên phong hoạt động như một mô hình bảo vệ di sản. Ở đó sẽ đi sâu vào các hoạt động: tọa đàm để nâng cao sự hiểu biết, để gắn kết cộng đồng; giới thiệu di sản; hoạt động từ thiện xã hội… Các nhóm này làm tốt sẽ có ảnh hưởng lan tỏa chung. Ở Hàn Quốc nhóm Kut tương tự như của ta có 5 cộng đồng như vậy.
Thứ tư, nhà nước cần có những nghiên cứu, đánh giá thường xuyên để nắm được những thay đổi của thực hành này cả tích cực và không tích cực để có biện pháp kịp thời phát huy hoặc điều chỉnh. Đó chính là vấn đề của phát triển bền vững.
Thứ năm, cần thiết nhất là nắm được các chủ thể văn hóa là những người đang thực hành di sản bao gồm thủ nhang, pháp sư, đồng đền, cung văn, người phụ lễ… Họ nhận thức, thực hành chuẩn văn hóa thì mọi thứ đều chuẩn.
- Hiện nay, trong phát huy di sản, có việc sân khấu hóa nghi lễ hầu đồng Tam phủ, Tứ phủ được nhiều đơn vị mạnh dạn thử nghiệm. Bà đánh giá thế nào về những hình thức sân khấu hóa này?
- Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có nhiều giá trị đặc sắc nên việc khai thác, sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa mới thuộc hình thức nghệ thuật khác là chuyện bình thường và nên làm. Từ Quan họ, Ví giặm, Chèo cũng đã sản sinh nhiều bài hát mới có giá trị đó thôi. Nhưng chúng ta phải rõ ràng trong câu chuyện này, trước hết phải tôn trọng và biết tri ân những chủ thể đã sáng tạo, trao truyền và gìn giữ văn hóa đó.
Chúng ta nên khuyến khích vì các sáng tạo mới đó cũng là một cách giới thiệu di sản, làm cho di sản thêm sức sống. Những sáng tạo ấy sẽ là rất tốt nếu họ có sự liên kết với cộng đồng, để cho cộng đồng cơ hội tham gia vào những sáng tạo đó để nhận diện những giá trị văn hóa cốt lõi của họ, để không bị mai một, sai lệch. UNESCO luôn lưu ý đến việc trân trọng văn hóa cộng đồng bằng cách trả lại cho cộng đồng những giá trị tương xứng khi khai thác sử dụng di sản của họ. Có thể không phải là cách trả sòng phẳng như việc sử dụng bản quyền, nhưng nên có sự thỏa thuận hoặc ngầm hiểu đó là sự hỗ trợ trở lại cho cộng đồng để họ có thể bảo vệ di sản của họ tốt hơn.
Tôi cho rằng, nếu mai kia có cơ hội đưa di sản ra nước ngoài thì nên nghĩ đến cộng đồng chủ thể để họ được giới thiệu văn hóa của họ. Hoặc nếu có sân khấu hóa thì cũng phải nói rõ ràng, đây là sáng tạo trên cơ sở nghiên cứu thực hành của ai, cộng đồng nào và sáng tạo ở chỗ nào chứ không thể phớt lờ cộng đồng.
Xin cảm ơn TS. Lê Thị Minh Lý!
Các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá rất cao về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Từ những năm 90, có một nhà dân tộc học người Mỹ, TS. Frank Proschan từng nói: “Lên đồng là bảo tàng sống về văn hóa dân gian của Việt Nam”. Lên đồng có giá trị vì nó có sự tương đồng với văn hóa trong khu vực với các nước Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương như Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Myanmar… Việc công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ góp phần vào sự đa dạng văn hóa chung của khu vực. |
(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)