Nhân cách trong môi trường âm nhạc

11/11/2014

Hai “đơn đặt hàng” từ hai nơi khác nhau (Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương và Hội đồng Lý luận phê bình thuộc Liên hiệp các hội VHNT VN) cùng một lúc đến với tôi đều về mối tương quan giữa đạo đức con người và văn học nghệ thuật, chứng tỏ chủ đề đạo đức đang trở nên quá bức thiết trong xã hội hiện nay và giới lí luận phê bình không thể đứng ngoài cuộc. Không muốn lặp lại những gì đã nói ở bài trước (thực ra là “viết” chứ không có cơ hội được “nói”!) nên ở đây tôi chỉ xin góp thêm đôi điều về tác động của môi trường âm nhạc tới hình thành nhân cách, và cũng xin tránh dông dài bằng cách đề cập nhiều hơn đến cái “chưa được”, bởi những gì được coi là “được” dễ dàng tìm thấy trong rất nhiều văn bản khác.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Như chúng ta biết, sinh viên tốt nghiệp trường y phải đọc lời thề Hyppocrate để khẳng định và nhắc nhở chính mình về lương tâm nghề nghiệp. Phải thôi, ngành y liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và mạng sống con người.

Chúng ta cũng biết: âm nhạc - giống như mọi loại hình văn học nghệ thuật khác - dù có thuộc loại nguy hại đến đâu cũng không gây án mạng ngay lập tức, nhưng có thể ngấm ngầm đầu độc và giết chết tâm hồn cả một thế hệ, nhiều thế hệ, chẳng thua gì mấy kẻ “giết người hàng loạt”. Song các văn nghệ sĩ trước khi hành nghề lại chẳng cần tuyên thệ bất kì lời thề nào cả, họ đâu có đe dọa tính mạng con người! Chẳng thế mà người đời chỉ nhận thấy tầm quan trọng của y đức, chứ không mấy bận tâm đến cái gọi là nhạc đức, cũng như văn đức, họa đức, múa đức, kịch đức, nhiếp ảnh đức, điện ảnh đức.

Từng có thời âm nhạc được coi như chiếc gương trung thực phản chiếu diện mạo quốc gia để biết thể trạng nước nhà cường thịnh hay yếu ớt, an bình hay loạn lạc.

Lại có thời người ta coi âm nhạc chỉ là thứ mua vui và xếp người làm nhạc vào hạng xướng ca vô loài. Con cái các danh gia vọng tộc không theo nghề đàn hát, còn phận con hát kép đàn đâu dám mơ tưởng được làm rể làm dâu các nhà gia giáo nề nếp.

Cái vị thế âm nhạc dù chìm hay nổi, được trọng vọng hay khinh rẻ trong nếp nghĩ của người xưa rõ ràng đều liên quan đến yếu tố con người và nhân cách: nhân cách người hành nghề nhạc và nhân cách người thưởng thức âm nhạc. Thời nay cũng vậy, khi mà vấn đề nhân cách đang có nguy cơ trở thành vấn nạn xã hội, thì không thể xem nhẹ tác động của âm nhạc trong hình thành nhân cách con người và việc xây dựng con người có nhân cách trong hoạt động âm nhạc. Hai yêu cầu này tưởng dễ mà không dễ trong một xã hội chưa có được môi trường sáng tạo và thưởng thức âm nhạc đúng nghĩa. Càng khó hơn nếu ta vẫn luôn tự ru ngủ mình bằng nhiều giá trị ảo mà lờ đi khoảng cách không nhỏ giữa sinh hoạt âm nhạc hiện có với môi trường âm nhạc cần có. Thử một lần nhìn lại cuộc sống quanh ta xem con cháu chúng ta thiệt thòi mức nào.

Môi trường âm nhạc lí tưởng bắt đầu có hiệu lực với ta ngay khi ta chưa chào đời. Em bé trong bụng mẹ đã có phản xạ với âm thanh mạnh mẽ và tiết tấu nhảy nhót hoặc cảm nhận được sự an toàn thư giãn với giai điệu dịu êm. Bé hưởng thụ môi trường âm nhạc cùng với mẹ. Ở Việt Nam môi trường nghe nhạc sạch không phổ cập, cho nên sống trong không gian âm nhạc đích thực chỉ có thể là những “bà bầu” hoặc hiểu nhạc yêu nhạc một cách bất thường, hoặc hành nghề nhạc, nghĩa là thường xuyên không chỉ thưởng thức âm nhạc mà còn trực tiếp tham gia hoạt động âm nhạc, như biểu diễn, dạy nhạc...

Nếu học nhạc và chơi đàn sớm, bé có cơ hội thuận lợi hơn trong phát triển trí tuệ, nhân cách và kĩ năng sống. Âm nhạc theo cách “học mà chơi” cứ mỗi ngày mỗi lúc giúp bé phát triển thêm về nhiều mặt: ngôn ngữ, trí nhớ, óc tưởng tượng... Âm nhạc sớm đem lại cho bé những phẩm chất cần có, như sự kiên nhẫn và tính kỉ luật, sự đồng cảm và tính hòa đồng, sức sáng tạo và tư duy logic, khả năng tự kiểm soát và chế ngự cảm xúc, biết lắng nghe người khác và chính mình, biết cảm nhận cái đẹp và biểu hiện tính cách riêng.

Thời nay ngày càng nhiều nhà có điều kiện cho con học đàn từ nhỏ, để con mình không thua kém con người ta, để bồi kín lịch học ngoại khóa của con trong lúc bố mẹ bộn bề công việc không còn đủ thời gian quản lí con... Đa phần là vậy, vì bố mẹ nhiều hơn là vì con cái, để bớt lo canh chừng con hơn là để cho con được hít thở bầu không khí âm nhạc một cách tự nhiên, tự nguyện. Lôi cuốn trẻ con đến với âm nhạc theo cách vừa chơi vừa học là cả một nghệ thuật tinh tế, linh hoạt mà ở ta rất khó đạt tới với lối giáo dục và đào tạo âm nhạc chưa thoát khỏi khuôn khổ giáo điều khô cứng.

Nhiều phụ huynh lấy làm lạ vì các bé mấy tháng tuổi rất khoái xem quảng cáo trên tivi và còn mê thứ nhạc vớ vẩn đó hơn cả ca nhạc thiếu nhi thứ xịn. Các bé không thật sự yêu thích bài hát dành cho trẻ con, đâu phải vì con cháu chúng ta không thích ca hát. Thức ăn tinh thần cho con trẻ không đủ hấp dẫn, vừa chán vừa thiếu. Các con luôn bị già trước tuổi khi buộc phải mượn ca khúc có lời lẽ và tầm cữ giai điệu dành cho độ tuổi lớn hơn. Bé đang tuổi học nói cứ ở nhà trẻ về là líu lo: “Cháu yêu chú bộ đội bắn súng tài ghê/ Tàu bay Mĩ đến đây chú bắn cho tan tành/ Nòng súng...”. Còn lâu bé mới hiểu ý nghĩa bài hát, nhưng cái nòng súng ấy đã hằn sâu vào tâm hồn trong trắng là có cơ bám riết suốt cả một đời.

Mới đây trong chỉ thị của Bộ Giáo dục và đào tạo có đề xuất cho các bé mẫu giáo nghe Quốc ca thường xuyên nhằm giáo dục tư tưởng, đạo đức và nâng cao tinh thần yêu nước cho trẻ nhỏ. Đành biến các con thành những con vẹt biết hát thôi chứ biết giải thích sao về nội dung lời ca sẽ in đậm trong trí não non nớt đây, chẳng hạn như “đường vinh quang xây xác quân thù” là gì?

Đến tuổi học sinh các bé càng ngán học nhạc, đâu phải vì các con không có năng khiếu. Học mãi mà vẫn không có nổi chút kiến thức sơ đẳng về âm nhạc, chẳng phải vì con cái chúng ta dốt. Trẻ con không được học cách cảm thụ âm nhạc, chẳng hề được nghe và thả sức tưởng tượng bay bổng theo âm thanh không lời. Sách giáo khoa âm nhạc sau nhiều đợt soạn đi soạn lại trông dày dặn và màu mè hơn, nhưng vẫn giữ nguyên lối học đối phó. Không thuộc mặt nốt trên dòng kẻ nhạc mà các con vẫn xướng âm vanh vách, nhìn vào bản nhạc dưới các nốt đồ-rê-mi-pha-xon thì thấy các chữ cái đờ-rờ-mờ-phờ-xờ mới vỡ nhẽ: con tự ghi chú thế rồi học vẹt tên nốt giống như thuộc lòng lời bài hát. Thế là học thì học, điểm rõ cao mà vẫn mù nhạc!

Tuổi thanh thiếu niên thì khỏi học nhạc luôn. Ra đường thường xuyên bắt gặp hình ảnh các cô bé cậu bé đeo headphone nghe nhạc, chứng tỏ các con đâu có chán ghét nhạc. Ấy thế mà khi môn nhạc (và họa) bị loại khỏi chương trình, thì học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học thở phào vui sướng. Bớt chừng nào đỡ vất chừng nấy trong cái chương trình quá tải khủng khiếp, nhất là mấy môn nhạc nhẽo vẽ vời, có cũng như không. Trong khi đó, môn quân sự vẫn luôn được duy trì hàng chục năm nay buộc các trò làm quen với súng đạn, dù báo đài vẫn khẳng định thế hệ các con thật may mắn được hưởng hòa bình gần ba mươi năm nay.

Tại sao cứ phải dành nhiều lời cho con trẻ đến thế? Bởi giáo dục âm nhạc tốt là khởi đầu quan trọng trong việc nuôi dưỡng phần hồn con người hướng thiện và nhân ái. Không thể tạo nên môi trường âm nhạc tốt lành nếu việc giáo dục âm nhạc cho trẻ thơ bị coi thường. Cũng không thể có được chất lượng giáo dục âm nhạc tử tế nếu không sớm nhận ra hậu quả của một nền giáo dục nhồi nhét cho con trẻ kiến thức quá tải mà bỏ qua thứ cần hơn là kỹ năng sống, nhân cách và đạo đức, nếu vẫn duy trì một nền giáo dục buộc trẻ con sớm biết bon chen, đối kị, khao khát thành tích đến mức bất chấp lòng tự trọng để chạy theo điểm số ảo.

Tạm dừng câu chuyện giáo dục ở đây để thử lắng nghe chút không gian âm nhạc trong đời sống sinh hoạt thường ngày xem sao.

Mỗi sáng tỉnh giấc, mỗi chiều đi học đi làm về là các công dân già trẻ gái trai đều được tận hưởng âm thanh oang oang của loa phường. Ngày nghỉ ngày lễ là lúc người dân cần được nghỉ ngơi thư giãn tinh thần thì đầu óc lại muốn vỡ tung vì âm thanh quá cỡ, nội dung thông tin nhàm chán, các “tiết mục văn nghệ” lặp đi lặp lại xen kẽ với các nghị quyết, tin họp tổ hưu, tiêm phòng trẻ con chó mèo... Có những bài hát được yêu thích vì bị nghe quá nhiều với chất lượng âm thanh ông ổng làm người nghe hết cả yêu thích, thậm chí chuyển sang chán ghét. Loa phường không những góp phần làm sa sút thị hiếu đại chúng mà còn là biểu hiện coi thường dân chúng, thiếu tôn trọng tác giả và nghệ sĩ biểu diễn.

Những chỗ những lúc cần yên tĩnh thì cả không gian cứ đầy ứ âm thanh. Vẫn biết nơi công cộng mà được bao phủ bởi những âm thanh đẹp đẽ du dương, có lẽ không gian bức bối sẽ bớt căng thẳng hơn, người ta sẽ tử tế với nhau hơn. Song vấn đề là nhạc gì? Âm nhạc trở nên phản cảm khi bị lạm dụng lúc vì mục đích tuyên truyền, lúc lại do yêu cầu quảng cáo. Các kiểu nhạc chồng chéo đối chọi nhau tạo ra một bầu không khí bát nháo trong các công viên giải trí, trung tâm thương mại, những khu phố san sát cửa hiệu, siêu thị, nhà hàng, quán karaoké... Tiệm ăn, quán café, xe taxi luôn đãi các thượng đế mấy ca khúc thị trường ăn khách. Dân nhạc chúng tôi vào hàng quán mà năn nỉ giảm bớt âm thanh hoặc tắt hẳn nhạc đi, thì thường bị từ chối thẳng thừng, vì nhạc thế âm lượng thế mới đáp ứng được nhu cầu nghe của số đông khách hàng. Thú thật cứ bước vào siêu thị là tôi vội ấn ngay tai nghe vào tai để có được không gian âm nhạc mình muốn chứ không bị tra tấn nhạc miễn phí.

Sân khấu ca nhạc mấy năm gần đây rôm rả hơn nhiều, nhưng tính nghệ thuật luôn phải nhường chỗ cho những yêu cầu khác. Các chương trình ca nhạc chuyên nghiệp trong dịp kỉ niệm, lễ hội rất tốn kém mà vẫn thiếu hấp dẫn vì nhiệm vụ tuyên truyền luôn thay thế chất lượng nghệ thuật. Còn các chương trình giải trí thì nghệ thuật lại lép vế trước mục đích thương mại. Giá vé xem chương trình ca nhạc ăn khách có thể cao gấp đôi gấp ba gấp en-nờ lần lương tối thiểu của cán bộ nhà nước. Các chương trình hòa tấu chuyên nghiệp tuy không đến mức đẩy giá lên trời, nhưng với mức lương nhà nước thì người trong ngành nhạc và người yêu nhạc cổ điển cũng chẳng đủ tiền thường xuyên mua vé cho nhu cầu nghe nhạc của mình. Nghe nhạc sống là quá xa xỉ với đại đa số công chúng, cho nên điều kiện thưởng thức âm nhạc chủ yếu vẫn trông chờ ở các phương tiện phát thanh truyền hình và internet.

Phổ cập nhất là ca nhạc truyền hình. Phát sóng giờ vàng không thuộc về nhạc hàn lâm kén khách như giao hưởng thính phòng và cổ truyền chuyên nghiệp, mà luôn là các chương trình format của nước ngoài. Nhờ ăn theo kịch bản có sẵn của các nước nên chuyên mục giải trí đang ngày càng đa dạng, đủ các cuộc tranh tài cho nhiều đối tượng khác nhau: chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư, sáng tác hoặc biểu diễn, người lớn hoặc trẻ nhỏ. Sự bùng nổ này, đáng tiếc, chẳng liên quan gì tới sự bừng nở của âm nhạc nước nhà.

Bên cạnh hiệu quả giải trí, đem tiếng hát tới mọi nhà và cổ vũ tinh thần ca hát trong giới trẻ, các chương trình này còn khá ầm ĩ với các scandal làm mồi ngon cho báo giới. Nếu dùng chiêu này như một cách quảng cáo, thì đây là biểu hiển thiếu tôn trọng của người viết đối với người đọc, của người thực hiện chương trình đối với người thưởng thức. Nhìn chung đây là lối “đào tạo tắt”, một cách cấp chứng chỉ vào nghề cho những giọng ca có tham vọng thành sao sau một mùa thi, thậm chí sau một đêm thi. Từ đây dấy lên phong trào ăn xổi, chạy đua, nhái hàng (nhái nhạc, nhái giọng, nhái hình thức, nhái phong cách), sính ngoại (hát và sáng tác bằng tiếng Anh hoặc chơi món “xôi đỗ” cả Anh lẫn Việt)...

Lại nói tới các bé: những thí sinh nhỏ tuổi cũng thế, hệt như người lớn thu nhỏ, hát bài người lớn theo phong cách người lớn với tinh thần thắng - thua không kém người lớn. Điều đáng sợ nhất là khi tham gia chương trình thực tế của truyền hình, các tài năng nhí ở tuổi dễ tổn thương luôn bị báo chí và dân cư mạng thích thì cho đi tàu bay giấy, chán thì “ném đá” không thương xót. Với áp lực thi thố căng thẳng dưới ánh đèn sân khấu trong cả chuỗi chương trình lên sóng kéo dài nhiều tuần nhiều tháng như thế, lại bị báo chí “chăm sóc” hơi kĩ theo kiểu soi mói nhất cử nhất động, không biết các con có thực sự được vui chơi, được ca hát, được sống trong âm nhạc một cách hồn nhiên, hay cũng bị cuốn theo tinh thần đấu đá và những hoang tưởng về sự nổi danh quá sớm?

Nói đến môi trường âm nhạc không thể bỏ qua các diễn đàn chính thức và không chính thức trên báo giấy cũng như trên mạng, nơi không những cập nhật thông tin ca nhạc, mà còn tác động rất lớn đến thị hiếu đại chúng. Tác động thuận là những bài viết phản ánh đúng thực trạng đời sống âm nhạc, giúp giới trẻ hiểu rõ hơn giá trị thực của nghệ thuật. Những bài báo như thế quá hiếm, nhưng không phải là ít hiệu quả, từ đó càng thấy rõ muốn thuyết phục con cháu chúng ta, các nhà lí luận chuyên nghiệp không thể quá hàn lâm khô cứng hoặc cứ lấy giọng cao đạo dạy dỗ theo kiểu lí thuyết suông mù mờ,

Còn tác động nghịch, đó là vô kể những bài bình luận âm nhạc toàn những thứ “ngoài âm nhạc”, thậm chí phản âm nhạc, góp phần không nhỏ cho tình trạng lệch chuẩn và loạn chuẩn các giá trị âm nhạc, cũng như nhân cách nhạc sĩ - nghệ sĩ - công chúng hiện nay. Không thể có ảnh hưởng tích cực đến đạo đức xã hội, nếu như chính người cầm bút cũng vi phạm đạo đức làm nghề. Bóp méo câu nói của đối tượng phỏng vấn; thiếu tôn trọng, chẳng ngại làm tổn thương đối tượng bài viết trong những “tít” giật gân và tình tiết câu khách; đưa chuyện, đặt điều, gây hiềm khích giữa người này với người kia; đạo văn ngang nhiên với sự thiếu hụt kiến thức âm nhạc nên làm sai lệch cả ý nghĩa nội dung những gì cóp nhặt của người khác... Hành nghề khó mà gọi là có đạo đức đó vì sao lại khá phổ biến trên diễn đàn âm nhạc trên báo chí cũng như trên mạng hiện nay?

Nhân nói tới mạng, phải công nhận rằng internet là món quà diệu kì của thời công nghệ thông tin, nó đem đến cho người làm nhạc và yêu nhạc (đặc biệt lớp trẻ) cả một không gian âm nhạc không biên giới. Không còn lo ếch ngồi đáy giếng, không còn buồn vì thiếu tiền đi nghe nhạc, thiếu tiền mua đĩa nhạc sách nhạc, bạn ngồi nhà mà vẫn có thể thưởng thức mọi kiệt tác thế giới, từ những di sản nhân loại đến các trào lưu mới mẻ, từ âm thanh hình ảnh đến văn bản lí thuyết và bản nhạc. Với những người biết tự học trong trường đời thì đây là môi trường trên cả tuyệt vời cho quá trình không ngừng thu nạp, làm giàu kiến thức cho bản thân. Có nên nhân danh đạo đức mà tước đi phương tiện học hỏi vô tận mà gần như miễn phí đó không?

Nếu biết được giới trẻ có thể tiếp nhận nhiều điều hay mức nào qua thế giới mạng, thì ông bà bố mẹ chắc không ngăn cấm con cháu mình sử dụng internet quyết liệt đến thế. Không nhìn ra mặt lợi, chỉ thấy tinh những hại là hại, làm gì chả cấm, chả chặn tuốt cho nó lành. Quả thật thế giới ảo cũng như đời thực, có nhiều cái hay thì cũng có đủ thứ tạp nham khác: nhạc rác, nhạc nhái, nhạc chế, nhạc té ghế, nhạc thảm họa..., những thứ khiến con cháu ta dễ bị ngộ nhận và ngộ độc, dễ hỏng nhân cách đạo đức như chơi. Song cấm đoán với tinh thần thà diệt sai còn hơn bỏ sót rõ ràng không cỏn hiệu lực với thế hệ a-còng rất sớm ý thức với vấn đề nhân quyền. Bố mẹ không thể suốt đời ngăn chặn hiểm họa, bảo vệ con cái theo kiểu bưng bít thông tin trong thế giới phẳng này. Cách bảo vệ con tốt nhất là giúp con đủ kĩ năng sống để hòa nhập với môi trường dễ ô nhiễm, biết phân biệt, chọn lọc và xử lí thông tin, biết coi trọng những giá trị thật và biết tự bảo vệ mình trước mọi thứ rác rưởi, vô đạo đức.

Từ cách bố mẹ quản lí con cái có thể liên hệ với sách lược của các nhà quản lí các cấp trong lĩnh vực âm nhạc, và không chỉ âm nhạc. Kỉ luật thép hay chính sách cứng đều xuất phát từ sự thiếu tôn trọng và không tin vào nhân cách. Một khi tính nhân văn không được đặt lên hàng đầu, yếu tố con người không còn là mục đích, mà chỉ là công cụ, thì sớm muộn cũng dẫn đến tình trạng khủng hoảng niềm tin: mất niềm tin giữa người với người, mất niềm tin vào báo chí và truyền thông, mất niềm tin vào giá trị thực trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, mất niềm tin vào các thứ luật luôn bị “lách luật” và các chuẩn mực đạo đức luân lí trong xã hội...

Chúng ta vừa nhìn thẳng vào một góc nhỏ không mấy ngọt ngào của đời sống thực, chỉ có đối mặt với sự thật để hiểu rõ hiện trạng mới hi vọng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Chúng ta không sợ đổi thay, vì bản chất cuộc sống là vận động không ngừng. Vậy thì hãy đổi thay từ chính mình. Mọi lời hay ý tốt hô hào cho môi trường sạch đẹp quanh ta chằng nghĩa lí gì nếu như mỗi người vẫn tiếp tục xả rác và không thực tâm cố gắng tự điều chỉnh bản thân mình.

Đối với khả năng hạn hẹp của người làm nhạc, tôi không dám lạm bàn giải pháp vĩ mô, chỉ biết vẫn tiếp tục âm thầm góp sức mình vào việc quảng bá nhạc sạch với ước vọng con cháu ta vào một ngày không xa thực sự được hưởng một môi trường âm nhạc chân - thiện - mĩ, mà trong đó yếu tố quyết định là con người - những người thực việc, thực tài, thực tâm.

13-9-2014

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...