Nhạc Việt rất cần...lòng tự trọng!
Âm nhạc có thể góp phần tích cực để phát triển đạo đức bằng cách tạo cảm giác hướng đến lòng tốt (điều thiện) nhưng âm nhạc cũng có thể giữ vai trò tiêu cực qua khi giúp đối tượng (nhạc sĩ, nghệ sĩ, người thụ hưởng) phát triển thất thường, xa rời khỏi phẩm chất đạo đức.
Cách đây gần 2 năm, ngày 16/11/2011, tại Hội thảo Khoa học về “Âm nhạc Tp.HCM – Thực trạng và Giải pháp”, trong bài tham luận “Trách nhiệm Công dân và Đạo đức Nghề nghiệp của Nhạc sĩ”, GS Nhà soạn nhạc Ca Lê Thuần đã cảnh báo về tình trạng xuống cấp trong đạo đức nghề nghiệp ở những người hoạt động âm nhạc hiện nay. Lời cảnh báo đó vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí ngày càng đáng quan tâm. Một trong những vấn đề nhạc đức đang thiếu trầm trọng trong hoạt động âm nhạc hiện nay là lòng tự trọng (nghề nghiệp).
Chính vì thiếu lòng tự trọng nên những “ca sĩ, nhạc sĩ nháy nháy” thường như đứng trên mây trước những “lời có cánh” của một MC (chính hiệu hoặc nháy nháy), một giám khảo (có nghề hoặc cũng là loại nháy nháy), một đám đông những người thích về hùa, theo mốt. Từ đó, sau một trò chơi truyền hình trực tuyến, hoặc có khi chỉ sau vài buổi thi đầu tiên với “lời có cánh” được MC lắp vô tội vạ cho mình, một số thí sinh đơn sơ (về tuổi đời lẫn tuổi nghề) có thể “câng câng” vác mặt lên với đời và có những hành động thiếu kiểm soát. Họ không thấy rằng, những “cánh ảo” ấy có đáng gì so với lời khen tặng, khuyến khích của một nghệ sĩ chân chính.
Chính vì thiếu lòng tự trọng nên một số không ít các nghệ sĩ, nhạc sĩ (thực hoặc ảo) bị lóa mắt trước những thành công mang tính kỹ xảo, sắp đặt trước. Mà tính kỹ xảo và sắp đặt trước là một trong những đặc điểm không thể thiếu trong nhiều cuộc thi cũng như trò chơi trực tuyến hiện nay, đặc biệt những cuộc thi, trò chơi có liên quan đến ca hát. Điều này đã được nhiều người phát hiện và bàn đến. Có nhiều ca sĩ đang được hâm mộ hiện nay, với số lượng fan đáng kể, thậm chí thường xuyên được “bay show” hải ngoại nhưng nếu vô tình được nghe giọng ca thực của họ thì chúng ta không khỏi ngạc nhiên trong thất vọng. Cả không ít những thí sinh đoạt giải cao trong cuộc thi âm nhạc nào đó nhưng khi nghe họ trình diễn, chúng ta dễ buột miệng: “hát như vậy mà cũng đoạt giải à?”.
Chính vì thiếu lòng tự trọng mà một số người tuy có khả năng âm nhạc thực sự, tuy xứng đáng với danh hiệu này khác sau một cuộc thi nhưng “ngủ quên trên chiến thắng”, chẳng màng đến việc tu dưỡng, rèn luyện để xứng với cái “sĩ” mà thay vào đó là không còn “sỉ”.
Chính vì thiếu lòng tự trọng nên thay vì học cách làm ra âm nhạc thì nhiều người thích học cách làm ra tiền từ âm nhạc hơn. Không ít bạn trẻ sau một thành công “tình cờ” về âm nhạc (có một sáng tác được đặt hàng, hát một ca khúc thành công,…) chợt “ngộ” ra rằng kiếm tiền bằng âm nhạc (nhất là loại nhạc dễ dãi) khỏe quá nên vội “ra giá” (thường là “hét giá”) cho hoạt động âm nhạc của mình. Ngày nay, khi được gọi đi show, vấn đề thường được quan tâm hàng đầu là “giá bao nhiêu?” chứ không phải “diễn cái gì?”
Cũng chính vì thiếu lòng tự trọng mà nhiều điều đáng buồn đã, đang và sẽ còn xảy ra cho Nhạc Việt, nhưng có lẽ, điều tệ hại nhất là hiện tượng thiếu lòng tự trọng còn có trong cả những nhạc sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp khiến họ” không còn tận tâm với nghề, tận nghĩa với đời”, theo cách nói của Gs Ca Lê Thuần.
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam 30)