Nhạc Việt "quên" trẻ em

15/10/2013

Thời gian qua, một số cuộc thi, chương trình về âm nhạc trên danh nghĩa là dành cho thiếu nhi nhưng các ca khúc được trình bày lại là của người lớn. Việc ngày một khan hiếm các ca khúc dành cho trẻ nhỏ đã cho thấy một thực trạng đáng buồn của âm nhạc Việt Nam.

Áo quá khổ người

Không phải đến lúc chương trình Giọng hát Việt nhí kết thúc, công chúng mới thảng thốt nhận ra: nhạc Việt đang thiếu trầm trọng các ca khúc dành cho thiếu nhi.

Một chương trình diễn ra trong một thời gian dài, trải qua 4 - 5 vòng thi nhưng ban tổ chức phải chấp nhận cho thí sinh "dùng tạm" các ca khúc người lớn thì quả là tình trạng đã đến lúc báo động.

Đêm chung kết chương trình Giọng hát Việt nhí, khán giả xem đài tròn mắt khi nghe Nguyễn Quang Anh thể hiện hai ca khúc Đá trông chồng, Quê nhà...

Sau Quang Anh, "chị Bảy" Phương Mỹ Chi một lần nữa gửi tới khán giả những làn điệu dân ca Nam bộ với Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang. Sau đêm chung kết hai ngày, chính tác giả của Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, đã không ngăn được ta thán.

Ông khẳng định, một cháu gái 10 tuổi không nên hát ca khúc này, bởi theo ông, nhạc sĩ viết ca khúc cũng như người thợ may áo, hễ vóc dáng nào thì may ra chiếc áo ấy.

Và "chiếc áo" Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang hoàn toàn được nhạc sĩ "may" cho người lớn với nội dung và kỹ thuật chỉ phù hợp với ca sĩ chuyên nghiệp trưởng thành.

Chuyện "may áo" - nói theo kiểu nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có lẽ ai cũng biết, vậy nhưng Ban tổ chức Giọng hát Việt nhí vẫn phớt lờ. Sự phớt lờ này có thể hiểu chỉ là chuyện chẳng đặng đừng trong tình trạng khan hiếm các ca khúc dành cho thiếu nhi hiện nay.

Bởi ngay ở những sân chơi âm nhạc dành cho trẻ em khác, tình trạng cũng chẳng khả quan hơn. Đồ Rê Mí vẫn quen thuộc với Đưa cơm cho mẹ đi cày, Lì và Sáo, Chú voi con ở Bản Đôn...

Để có ca khúc cho thí sinh, đơn vị tổ chức đã phải mượn đến các ca khúc nước ngoài rồi viết lại lời. Huấn luyện viên Thanh Bùi thừa nhận: "Nhạc thiếu nhi Việt Nam hiện tại đã quá cũ. Vì thiếu nên nhiều khi phải ép trẻ con hát nhạc không phù hợp với lứa tuổi.

The Voice Kid cũng có rất nhiều bài hát không hợp với lứa tuổi của các em. Khi dàn dựng, phối khí cho các phần trình diễn, tôi rất vất vả để biến một "chiếc áo" dành cho người lớn thành "chiếc áo" vừa vặn với các em".

Vận động thiếu khả quan

Thực tế trước đó, một cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi nhằm bổ sung nguồn ca khúc mới cho lứa tuổi 9 - 15 đã được đơn vị thực hiện Giọng hát Việt nhí khởi xướng. Kết quả, dù diễn ra trong thời gian 6 tháng nhưng ban tổ chức chỉ nhận được 49 ca khúc dự thi của 12 tác giả chuyên và không chuyên trong cả nước.

Theo ban tổ chức, các ca khúc dự thi không những bị giới hạn về số lượng mà còn cả về chất lượng. Và một kết quả khiến người ta không khỏi e ngại là ban tổ chức đã không chọn được một tác phẩm nào xứng đáng để trao giải cao. Mặt khác, cũng không có ca khúc nào phù hợp để sử dụng cho chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên.

Nhìn lại các cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi trong những năm gần đây, dường như kết quả cũng không có gì khả quan hơn. Năm 2011, sau 3 tháng phát động, Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và thiếu nhi Việt Nam do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp phát động thu được 300 bài hát dự thi và ban tổ chức đã trao các giải A, B, C cho 37 tác phẩm xuất sắc.

Trước đó nữa, vào năm 2010, sau 7 tháng phát động, Cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi 2010 do Trung tâm Văn hóa TP.HCM phối hợp với Nhà Thiếu nhi TP.HCM và Công ty Maseco tổ chức đã nhận được 591 tác phẩm của 248 tác giả trên cả nước.

Điều đáng nói là sau những cuộc thi này, các ca khúc dự thi, kể cả ca khúc được giải đều rơi vào tình trạng "im hơi lặng tiếng", để rồi suốt một thời gian dài, các em phải hát đi hát lại những ca khúc đã có mấy chục năm tuổi đời!

Thực tế cho thấy, âm nhạc đóng góp một phần không nhỏ trong việc nuôi dưỡng tâm hồn các em. Vậy nhưng, trong khi các sáng tác cho người lớn xuất hiện nhan nhản, đến mức "thừa mứa", thì ca khúc dành cho thiếu nhi vẫn loay hoay trong tình trạng "thiếu vẫn hoàn thiếu".

Làm thế nào để các em có các ca khúc của riêng mình, không phải đi "mượn" ca khúc của người lớn? Câu hỏi này có lẽ còn lâu mới tìm thấy câu trả lời.

Nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi: Thiếu cho tất cả
Ít hay nhiều sáng tác cho thiếu nhi không phải là vấn đề, vấn đề chính là chưa thật sự có một cái nhìn mới về nhạc thiếu nhi. Thế giới không phân biệt nhạc cho thiếu nhi hay cho người lớn.
Ở Mỹ chẳng hạn, các sáng tác của Taylor Swift từ người lớn đến trẻ nhỏ đều nghe được. Ví dụ bài Firework, cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể nhún nhảy theo giai điệu và cùng nghe, vì nội dung ca khúc phù hợp với mọi lứa tuổi.
Có những ca khúc nói về cuộc sống, tình cảm bạn bè, thậm chí là về công việc hằng ngày…, nếu biết "chế biến" thì chúng vẫn có thể trở thành một món ngon cho tất cả mọi người cùng thưởng thức, không phân biệt cho người lớn hay cho trẻ em.
Cái thiếu của chúng ta là thiếu nhạc hay cho tất cả cùng nghe, thiếu những sáng tác hướng đến đối tượng thụ hưởng rộng rãi hơn là một lứa tuổi nào đó.

(Nguồn: http://www.doanhnhansaigon.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...