Nhạc Việt “không cần” Diva

30/10/2013

Không nhiều điểm tựa để bình xét, khán giả và truyền thông đưa ra cái nhìn tương đối vào sự nghiệp, hiệu ứng khán giả trong một thời gian dài để chúng ta có thể gọi một vài gương mặt trong nước là Diva. Ngược lại, các ca sĩ được gọi là Diva ấy chưa một lần cảm thấy mình đã và sẽ là một Diva. Nhạc Việt cũng chẳng cần có Diva, khi chúng ta chưa có đủ các yếu tố để tạo thành danh hiệu lớn như vậy?

Tại sao họ là Diva?

Với một thị trường âm nhạc bất ổn như hiện nay, khi mà băng đĩa được làm ra chỉ để tặng mà không thu lại được lợi nhuận hay phản ánh đúng độ hút của một giọng hát. Các giải thưởng âm nhạc trong nước vẫn dò tìm một vị trí xứng đáng và nâng tầm. Hơn nữa, ca sĩ trong nước cũng khó lòng có vị trí lớn hơn khi so với các ngôi sao giải trí trong khu vực và quốc tế. Do những đặc tính như vậy, nhạc Việt vẫn luôn ngầm hiểu Diva là danh hiệu xưng cho một ca sĩ có quá trình lao động nghệ thuật dài vài chục năm. Họ là các ca sĩ đi lên từ thưở nhỏ và có các sản phẩm âm nhạc tạm gọi là an toàn và hay theo lối nghe một cách truyền thống nhất.

Thời gian qua, nhạc Việt vẫn xem 4 giọng hát là Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung và Trần Thu Hà là 4 Diva nổi bật nhất của dòng nhạc nhẹ trong khắp cả nước. Họ đều là những ca sĩ có đóng góp cho nền âm nhạc trong một quá trình. Thanh Lam, Hồng Nhung hay Mỹ Linh, cả Trần Thu Hà đều có ít nhiều các giải thưởng âm nhạc liên quan quốc tế, có tính giao lưu văn hóa và đặc biệt là họ có giọng hát hay, có màu sắc riêng, nhiều kĩ thuật. Trong giới showbiz, ngầm chỉ ra những tiêu chí riêng cho danh hiệu Diva riêng của Việt Nam. Đó là ca sĩ có giọng hát được đào tạo bài bản, có kĩ thuật tốt, làm việc trong thời gian đủ dài để thấy họ trong quá trình và có nhiều sản phẩm âm nhạc được thừa nhận về mặt chất lượng.

Diva Thanh Lam không chỉ nổi danh ở dòng nhạc nhẹ, sau đó chị lại một lần nữa được đánh giá cao ở dòng World Music khi kết hợp cùng nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Khác một chút, Hồng Nhung có thiên hướng mở rộng dòng nhạc của mình, không chỉ Trịnh Công Sơn mà nay lại rất thành công trong dòng Electronic. Hay từ một Mỹ Linh có chút cổ điển trong cách hát, luôn trung thành với lối xử lý đó. Mỹ Linh nâng cấp tên tuổi của mình bằng chuỗi sản phẩm Đĩa than, liveshow từ Bắc chí Nam. Còn Hà Trần vẫn đi con đường riêng theo đuổi world music nhưng lại có chút thần thái của phong cách Electronic hơn... Dù luôn được đánh giá là Diva nhưng dường như cả 4 giọng hát này chưa một lần cảm thấy mình phù hợp với danh hiệu lớn như vậy.

Trong đặc thù của khán giả hiện nay, danh hiệu Diva vẫn chưa được xác lập trên mối đồng thuận tương đối giữa khán giả và những người làm chuyên môn. Luôn có sự tranh cãi và lệch chuẩn để tìm thấy những Diva mang tầm quốc tế như Celin Dion, Mariah Carey, Withney Houston... Chúng ta không thể đòi hỏi ca sĩ trong nước nổi tiếng đình đám và được thế giới ghi nhận như họ, nhưng ít ra các sản phẩm âm nhạc của họ phải có mức độ phổ biển rộng khắp, được đón nhận ở mức cao nhất có thể. Ngay cả Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung và Trần Thu Hà hiện nay đôi khi vẫn thu hẹp trong một số đối tượng khán giả nhất định, có những đối tượng khán giả tạm gọi là “đối lập” đều thấy họ chưa đủ điều kiện để trở thành một Diva đúng nghĩa.

Diva theo cách hiểu của khán giả?

Tại sao giữa khán giả, cơ quan truyền thông và giới chuyên môn hiện nay dường như không tìm thấy tiếng nói chung về danh hiệu Diva? Khi đối chiếu tương đối giữa các nghệ sĩ có tính phổ biến trong khu vực, rõ ràng, dù ca sĩ của chúng ta có nổi tiếng trong nước đến đâu vẫn không phải là cái tên Hot trong khu vực, và càng xa hơn khi nhìn vào thế giới. Trong khi đó, Diva phải là những ca sĩ đẳng cấp quốc tế, không ít hơn một lần được vinh danh tại Giải thưởng âm nhạc danh giá Grammy. Vô hình chung, khán giả dần hình thành một khái niệm Diva của riêng họ. Diva phải là những ca sĩ có sản phẩm âm nhạc nhiều, phù hợp với số đông khán giả, có giọng hát hay không nhất thiết phải quá kĩ thuật, và phải hát những gì khán giả cảm thấy chấp nhận được.

Phải chăng, chúng ta vẫn chưa nào hóa nhập giữa Diva trên “sách vở” và Diva “khán giả” vào làm một để tìm ra gương mặt vừa có tính phổ biến bởi phong cách ổn định, dòng nhạc đặc trưng cộng hưởng với lượng khán giả lớn trong khắp cả nước? Nếu xem xét các trường hợp gần đây như Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương... thì có thể xem họ là những Diva thật sự của làng nhạc Việt không? Rõ ràng, đây là thời kì hoàng kim của những tên tuổi này, ngay cả Mỹ Linh, Thanh Lam hay Hồng Nhung đều khó lòng chia sẻ được lượng khán giả lớn của họ. Cả Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương đều có kĩ thuật thanh nhạc tốt, biết chọn tác phẩm nhưng dòng nhạc họ chọn đôi khi không nằm trong góc nhìn thiện cảm của giới chuyên môn. Và đây có khi chính là mối e ngại để gọi là những Diva của nhạc Việt.

Nếu không có những tiêu chí bình xét rõ ràng, cụ thể trong thời điểm này thì khó lòng tạo ra những bước ngoặt mới cho chính sự phát triển của các ca sĩ. Khi trong nước, họ không xác định được đẳng cấp của mình ở đâu, vị trí âm nhạc ra sao thì huống hồ chi vươn ra thế giới. Đây là yếu điểm lớn nhất về mặt tâm thế của bất kì ca sĩ nào khi tham gia vào một cuộc đua chung các giải thưởng quốc tế. Giới chuyên môn thì coi họ là Diva, nhưng khán giả không đồng tình và ngược lại. Do đó, ca sĩ trong nước hầu như ít nhiều mang trong mình một chút suy nghĩ “nhược tiểu” khi muốn trở thành một Ngôi sao lớn hơn. Thêm vào đó, Diva không chỉ có giọng hát hay là đủ mà phải có các sản phẩm âm nhạc mang tầm vóc lớn hơn, có các giải thưởng quan trọng không chỉ trong nước.

Các ca sĩ được phong là Diva không ít lần từ chối danh hiệu này để thấy môi trường hoạt động âm nhạc chưa đủ các yếu tố để có một Diva như mong đợi. Dù chưa thật sự có đẳng cấp quốc tế, nhưng các ca sĩ trong nước dần tạo được thương hiệu riêng của họ trong khu vực, gây được sự chú ý. Như trường hợp của Mỹ Tâm liên tục được tham gia vào tranh giải của các kì trao giải MTV ở nhiều nước khác nhau. Hay Hồ Quỳnh Hương cũng được chú ý như một nghệ sĩ nữ thu hút trong khu vực Đông Nam Á hiện nay. Và Hồ Ngọc Hà đã có chuyến biểu diễn cùng các nghệ sĩ trên thế giới tại Bắc Kinh, không những vậy ê kíp của cô nỗ lực để MV Hãy thứ tha cho em được phát sóng trên các kênh truyền hình như Thái Lan, Singapore...

Đó chính là những nỗ lực của các ca sĩ trong quá trình tạo nên Diva cho làng nhạc Việt. Khi hội đủ các yếu tố, tất nhiên giữa khán giả và giới chuyên môn sẽ tìm thấy sự đồng thuận ít ra về mặt thỏa mãn cho một danh hiệu Diva xứng tầm. Nhạc Việt hiện tại có lẽ chẳng cần thêm danh hiệu Diva vì họ chỉ đang xây dựng bước đường trưởng thành và cứ là một nghệ sĩ đúng nghĩa trước!

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 31)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...