Nhạc Việt hòa giữa trời Tây
Gần 10 năm nay, trong các buổi biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng Đức nổi tiếng thế giới Berliner Symphoniker hoặc của nhóm tứ tấu đàn dây BESA Quartet (ở thủ đô Berlin, Đức), những bản nhạc VN (dân ca và tân nhạc) vẫn được trỗi lên sánh vai cùng Bach, Mozart, Tschaikovsky…
Anh Kiệt (thứ hai từ trái sang) cùng nhóm tứ tấu BESA 1Anh Kiệt (thứ hai từ trái sang)
cùng nhóm tứ tấu BESA - Ảnh: nhân vật cung cấp
Người có công đưa nhạc Việt đến với những dàn nhạc kể trên chính là Lê Ngọc Anh Kiệt. Vừa qua, người viết có dịp cùng anh đến tư gia của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (ở cư xá Bắc Hải, Q.10, TP.HCM) khi anh từ Đức về nhân dịp giỗ đầu của bố anh, vốn là đồng nghiệp thân tình nhạc sĩ. Anh đã tặng nhạc sĩ lão thành này CD hòa tấu do nhóm tứ tấu đàn dây BESA Quartet (mà Kiệt là một thành viên sáng lập) thực hiện, gồm các tác phẩm của Mendelssohn, Mozart, Tschaikovsky và tác phẩm Thư tình cuối mùa thu của NS Phan Huỳnh Điểu (phổ thơ Xuân Quỳnh).
Người Việt đầu tiên trong dàn nhạc giao hưởng lớn của Đức
Lê Ngọc Anh Kiệt (tức Kiet Le) sinh năm 1964 tại Sài Gòn, bố anh là nghệ sĩ kèn trompette Lê Tiến Trạch thuộc lớp nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn ca múa nhạc Bông Sen (TP.HCM), mẹ anh là nhạc sĩ kiêm biên kịch Mộng Ngọc. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nên ngay từ nhỏ tố chất nghệ sĩ đã bộc lộ ở Anh Kiệt. Năm 1983, Anh Kiệt tốt nghiệp trung cấp Khoa violon Nhạc viện TP.HCM dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Bùi Công Thành và sau đó anh được cấp học bổng để theo học tại Liên Xô (cũ). Anh thi đậu vào Nhạc viện Rimsky Korsakov do giáo sư danh tiếng về violon Elena Komarova trực tiếp giảng dạy.
Hoàn thành chương trình học, từ những năm 1990 anh sống và làm việc tại Đức, nơi gia đình anh đang định cư. Từ năm 1995, Kiệt bắt đầu chơi trong dàn nhạc Das Sinfonie Orchester Berlin và thỉnh thoảng cộng tác với các dàn nhạc khác, trong đó có Berliner Symphoniker. Năm 2007, sau khi trải qua nhiều cuộc sát hạch và thử thách anh trở thành thành viên chính thức và là người VN đầu tiên trong lịch sử dàn nhạc này.
Thuyết phục các “ông Tây” chơi nhạc Việt
Trong dàn nhạc Berliner Symphoniker, Anh Kiệt được mọi đồng nghiệp quý mến, đặc biệt được sự quan tâm của nghệ sĩ Hans Maile (chơi violine, ông này là “Concertmaster” - người đứng đầu nhóm đàn dây, quan trọng chỉ sau nhạc trưởng). Qua những buổi trò chuyện tâm đắc, họ đã cùng với 2 nghệ sĩ khác trong dàn nhạc là Bruno Schmidt (viola) và Dietmar Spallek (cello) quyết định thành lập nhóm tứ tấu đàn dây. Một năm sau, theo đề nghị của Anh Kiệt, họ lấy tên là BESA Quartet (BESA là chữ viết tắt của Berlin - Sài Gòn) đặt cho nhóm. Nhóm thường xuyên tập luyện, trình tấu các tác phẩm bất hủ của các thiên tài âm nhạc cổ điển và cả của các nhạc sĩ danh tiếng hiện đại. Riêng Lê Ngọc Anh Kiệt, anh luôn đau đáu, trăn trở làm sao để nhóm BESA cũng sẽ trình tấu được những tác phẩm đến từ VN.
Không phải dễ, trước tiên phải thuyết phục được “3 ông Tây” trong nhóm, rồi chọn nhạc, nhờ nhạc sĩ phối (mà phải là người VN mới thấm được cái ý, cái hồn của tác phẩm)… Điều thuận lợi đầu tiên là anh chơi thân với nhạc sĩ Phan Hồng Minh (con trai út của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu) hiện cũng đang ở Đức, người tích cực chuyển soạn một số ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ VN cho tứ tấu đàn dây BESA trình diễn, trong đó có tác phẩm Thư tình cuối mùa thu của bố mình. Sau đó, Anh Kiệt còn liên lạc với các nhạc sĩ trong nước như Hoàng Minh Tú, Nguyễn Mạnh Duy Linh… để nhờ phối cho nhóm tứ tấu BESA.
Vậy là trong hành trang biểu diễn của nhóm BESA, bên cạnh những “vĩ nhân” âm nhạc thế giới vẫn có những giai điệu dân ca Bắc bộ mượt mà, lượn lờ với Bèo dạt mây trôi, Người ơi người ở đừng về… hoặc những tác phẩm quen thuộc của các nhạc sĩ đương đại: Trở về đất mẹ (Lê Thương), Thư tình cuối mùa thu (Phan Huỳnh Điểu), Hạ trắng (Trịnh Công Sơn)…
“VN cũng có nhạc cổ điển à” Lúc mới cộng tác với dàn nhạc Berliner Symphoniker, nhạc trưởng Lior Shambadal (người Israel) hỏi Anh Kiệt: “Anh là người nước nào, Trung Hoa hay Hàn Quốc?”. Kiệt thoáng tự ái, trả lời: “Tôi là người VN”. Vị nhạc trưởng kinh ngạc: “VN cũng có nhạc cổ điển à?”. Và sau đó, qua sự tác động của Kiệt, nhạc trưởng Lior Shambadal đã cho toàn dàn nhạc tập luyện để trình tấu ca khúc . Ông Shambadal cũng đã cùng về VN với Kiệt để “thăm dò”. Vậy là sau 21 năm, Anh Kiệt mới lại có dịp chơi với dàn nhạc của nhạc trưởng Trần Vương Thạch (Nhà hát Giao hưởng - vũ kịch TP.HCM). Sau đó, ông Shambadal đã đưa ban nhạc Berliner Symphoniker sang thăm và biểu diễn ở Hà Nội vào tháng 7.2012. Không chỉ có thế, vị nhạc trưởng này còn quyết định mặc áo dài, khăn đóng bằng gấm xanh đứng trên bục chỉ huy, nổi bật trước hàng trăm nhạc công mặc âu phục. |
(Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn)