Nhạc Việt: “Giật mình mình lại thương mình...”

13/02/2014

Đối ngược với mảng màu u tối của những món ăn “fast” mà không “food”, có hoàn cảnh (circum) mà không có cái Tôi (Me); là một mảng màu khác, nhỏ hơn, lặng lẽ hơn. Nhưng nơi đó hội đủ Tôi (Me) và hoàn cảnh (circum) để “vá” lại những “lỗ thủng” và để nhạc Việt còn có thể gọi là… nhạc Việt.

Đây dường như là những “điểm tựa” hoàn hảo để “bẫy” nền âm nhạc Việt Nam khi các tác giả đã biết cách đặt cái Tôi vào hoàn cảnh, làm phát huy lực năng của “chiếc bẫy”. Nhưng nhìn vào thực trạng nhạc Việt, có thể thấy, dường như, “chiếc bẫy” ấy vẫn chỏng chơ đứng bên lề “dòng thác” âm nhạc, bất lực trước những lỗ thủng đen ngòm.

Bạn nói rằng, thời buổi này, nghệ thuật rẻ như bèo, ai viết, ai nghe, ai sáng tác, ai thưởng thức, cao cấp quá chi để rồi lạc lõng, viết thứ gì dễ nghe chút đi? Hay bạn kêu ca, cũng chỉ toàn những điều vớ vẩn, nhạc thị trường, nhạc teen thôi mà, làm sao đủ lực mà “bẫy” cả một nền âm nhạc? Đúng, trong mảng màu mà tôi đang nói đến – mảng màu đối ngược với “dòng thác” đen ngòm nhạc Việt, có thể tìm thấy thứ mà bạn gọi là nghệ thuật. Và cũng có, những ca khúc thị trường, những ca khúc thuần teen. Bạn muốn thứ gì dễ nghe? Có nhạc thị trường, thậm chí, nhạc thuần teen. Bạn đòi hỏi nghệ thuật? Có những ca khúc nghệ thuật. Vậy mà sao nhạc Việt vẫn mãi một màu u tối. Mảng màu tươi sáng mà tôi đang nói đến dường như không thể chen chân được trong “cơn lũ” âm nhạc hiện nay. Có thể lý giải điều này dựa vào tam giác người sáng tác – người thưởng thức – người phê bình. Đây là một tam giác tạo tác để thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc, nói cách khác, đây là hoạt lực để vận hành “chiếc bẫy” mà tôi đã nhắc đến ở trên. Chiếc bẫy có đó, nhưng bị vô hiệu hóa, chính là vì sự đứt gãy của tam giác tạo tác này.

Nhạc Việt, nếu “gạn đục khơi trong”, vẫn có những tác phẩm vừa không đánh mất mình, vừa phù hợp với thính giả, tại sao, vẫn bị quay lưng? Ở dạng khán giả không có cái Tôi để phối kết và bị hoàn cảnh lôi đi, đã đành. Nhưng ở đây, cả những khán giả “bình thường” trong công thức có đủ Tôi và hoàn cảnh, cũng “làm lơ” với những ca khúc mới, được sinh ra từ những người cũng có đủ Tôi và hoàn cảnh như họ. Tại sao vậy? Phải nói sao cho “nỗi ai oán” của nhạc Việt trong bối cảnh này?

Nếu như dạng thính giả đổ xô theo hoàn cảnh, thị hiếu bị đánh lừa bởi những bảng xếp hạng, những diễn đàn âm nhạc, bởi những thứ ngoài âm nhạc, để rồi tiếp nhận cái mới một cách thụ động, hỗn loạn, tạp nham là những “lỗ hổng” khổng lồ của nhạc Việt; thì bên cạnh đó, có một dạng thính giả khác cũng đang là “mối đe dọa” với nhạc Việt trong giai đoạn hiện nay. Đó là những thính giả có Tôi, có hoàn cảnh, nếu xét theo công thức tôi=Tôi+hoàn cảnh, nhưng, vì lý do gì đó, họ vẫn quay lưng với hoàn cảnh, với cái mới. Khác với dạng thính giả chỉ có Tôi mà không có hoàn cảnh, dạng người nghe này có thể hòa hợp với cái mới, thậm chí, có thể nói, cái mới, theo một nghĩa nào đó, là dành cho dạng thính giả này. Thế nhưng, họ vẫn nhất quyết chối từ những ca khúc mới để quay về dòng nhạc của những thập niên trước. Tại sao vậy?

Cách đây không lâu, có một bài chia sẻ trên facebook cá nhân của một người khá nổi tiếng, đại loại là: văn hóa của Việt Nam là văn hóa chê. Đứng trước một sự việc, thay vì nhìn vào mặt tốt để khích lệ, hoặc xem xét trên cái nhìn tổng thể, thì người Việt, hiện nay, lại có xu hướng chỉ nhìn về mặt xấu, hoặc bi kịch hơn, cố gắng tìm ra điểm xấu, để chê, tất nhiên! Điều đó có thể đúng với tình trạng nhạc Việt trong thời điểm hiện tại. Khi một bài hát mới xuất hiện, bên cạnh một luồng thính giả mù quáng cuống cuồng lao theo, thì lại có một luồng khác giả khác ở bờ đối diện: chê bai, bài xích. Chính họ cũng mù quáng không kém gì luống bên kia khi chưa kịp thẩm định đã kịp… chê. Thay vì tìm ra cái mới, cái được để khích lệ (tất nhiên, nếu có!), thì họ, bằng mọi cách, chê trước cái đã, rồi… làm gì thì làm, nghe gì thì nghe! (?!) Bên cạnh đó, đây còn là một dạng văn hóa “đám đông” khi có những người nghe đang “bắt chước” theo cái Tôi của người khác. (dù chẳng phải họ không có cái Tôi!) Bắt chước chê, bắt chước nghe, và cả… bắt chước thích. Khi đứng trước một “bãi chiến trường” âm nhạc hỗn độn, thay vì phải mất công “đãi cát tìm vàng”(mà nếu xui còn có thể gặp phải “vàng giả”!), phân khúc người nghe dạng này chọn cho mình một giải pháp an toàn, nhẹ nhàng hơn để giảm bớt công đoạn “thẩm định, tuyển chọn” những món ăn tinh thần cho mình, đó là nghe lại những gì đã được người khác sàn lọc và đã được thời gian trả lời. Thế là, thay vì khích lệ, họ lại phê phán; thay vì “tìm”, họ lại “diệt”, thay vì bao dung, họ lại hà khắc. Tội nghiệp thay cho số phận nhạc Việt. Nhưng về một khía cạnh nào đó, tội nghiệp thay, cho chính bản thân dạng thính giả này khi cứ phải ăn hoài món ăn mình không thích (hay là cũng không biết có thích hay không). Tất nhiên, họ không thể chết như những người “ăn” nhầm “hàng kém chất lượng”, họ vẫn sống và sống khỏe, nhưng bi kịch nằm ở chỗ, cả đời họ mãi “ăn” những món ăn không phù hợp với mình, cả đời tự đánh lừa mình bằng những thứ không phải của mình, không thuộc về mình. Lựa chọn dòng nhạc của những thập niên trước, nhưng họ không cảm được, không thưởng thức được, và lại dùng chính những thứ “trang sức” này để quay sang hất mặt làm sang với những ca khúc “trẻ” hơn. Trời, thử nghe bài hát này đi!

“Trôi trong gương những bài ca rất xưa
Với bao giai điệu buồn
nghe như âm vang bao ngày qua vẫn đây.

Trôi trong gương con đường em đã quên
Với bao ngôi nhà còn mơ trong âm vang.

Trôi trong gương những tuổi em đã qua
Nhìn em, nhìn em, gọi em cùng bay thênh thang.”

(Trôi trong gương – Giáng Son)

Rock thì vẫn rock, trẻ thì vẫn trẻ, cũng ca sỹ thần tượng, cũng đèn màu hào nhoáng nhưng tôi thậm chí còn tìm thấy cả Marcel Proust trong ấy chứ chẳng chơi!

Nếu như sự “lười” của người nghe kéo theo sự ơ hờ của các tác giả trong việc sáng tác, thì người phê bình lại làm mối tạo tác trong tam giác trên bị đứt gãy vì chính cái Tôi phê bình của mình. Tôi chia sẻ một ý trong bài viết của một nhạc sỹ viết phê bình âm nhạc khi anh nói rằng, phê bình âm nhạc Việt Nam đang có một thói quen “chết người”, đó là, chê một nền âm nhạc và khen hết lời từng bài hát một trong nền âm nhạc đó! (?!) Đương nhiên, mọi lời nói chỉ là những diễn ngôn, và cần sáng suốt nhìn nhận vấn đề. Một khi đã đứng ở vị thế, tâm thế của người phê bình, nghĩa là bạn đang nhìn về mặt tốt trước khi xét đến mặt không tốt, bạn “bình”, rồi bạn mới “phê”, khen rồi mới chê. (nếu không, tốn chi công sức chỉ để chê - phê, phải không?) Để thúc đẩy sự phát triển, sự việc cần được tồn tại ở hai mặt, đấu tranh với nhau không phải để thắng mà để giữ sự cân bằng, để giữ hai mặt, để còn có thể đấu tranh, như hai mặt của chiếc lá, hai trang của tờ giấy, màu trắng và màu đen, thiện và ác, vui và buồn... Đó là cuộc sống, là sự chảy trôi, là con đường tiến lên. Cũng như vậy, âm nhạc cần cả khen và chê. Nhưng nhạc Việt đang nằm ở tình trạng chỉ có chê hoặc chỉ có khen. Chính đây lại là một tác nhân khiến cho các tác giả tỏ ra ngập ngừng, dè dặt, thậm chí ngao ngán trong việc đưa đứa con tinh thần của mình ra thành một sản phẩm âm nhạc. Không những bị chê, những bài hát còn “bị khen”, không những bị phê, những ca khúc còn “bị bình”. Đó là khi những lời khen trở thành những lời tán dương vô ích. Đó là khi những lời bình dùng ở đâu cũng được, cho đối tượng nào cũng xong. Đó là khi người phê bình “dùng dao phay để mổ chim sẻ”. Đôi khi những lời phê chân tình làm người sáng tác hạnh phúc hơn ngàn lần so với một lời tán dương. Một lời phê có thể giết chết một tác phẩm, nhưng một lời khen cũng có thể kết thúc số phận của nó. Để nâng giá trị của một tác phẩm, người ta cần những lời khen chừng mực và những lời phê đúng mực, chứ không phải những tụng ca đồng bóng. Chừng nào phê-bình còn chưa xóa được rằn ranh mà các nhà phê bình tự ý đặt ra giữa phê và bình để trở thành phê bình đúng nghĩa, thì các sản phẩm âm nhạc Việt Nam sẽ mãi như những viên đá lọt thỏm giữa muôn vàn cát bụi.

Ngoài ra, bao quanh tam giác tạo tác sáng tác – thưởng thức – phê bình còn là sự chi phối của truyền thông. Con đường từ một nhạc bản trên mặt giấy đến một bài hát, từ một bài hát đến một sản phẩm âm nhạc đôi khi, nằm ngoài khả năng của người viết – người nghe – và cả người phê bình. Đó còn là người hát, người phối khí, chất lượng phòng thu, còn là công cuộc PR, chiến lược quảng cáo… Chặng đường từ một nhạc bản hay đến một bài hát hay, từ một bài hát hay đến một sản phẩm âm nhạc chất lượng là cả một vấn đề lớn khi nhạc Việt đang nằm giữa mớ bòng bong của nền văn hóa thị trường. Có nhạc bản hay chưa chắc đã có bài hát hay, có bài hát hay chưa chắc đã có được một sản phẩm âm nhạc chất lượng. Và mảng màu nhỏ bé kia sẽ mãi im tiếng nơi “xó xỉnh” của mình, nếu như những vấn đề xung quanh chiếc bẫy và ở trong chính chiếc bẫy kia chưa được thông thấu.

(Nguồn: http://www.giaidieuxanh.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...