Nhạc Việt đương dại

15/08/2013

Nhà soạn nhạc người Ý Giuseppe Verdi (1813-1901) trở thành nghị sĩ quốc hội vào năm 1861 nhưng chỉ trụ được chức vụ này trong vài tháng vì thất bại với kế hoạch “Toàn dân phải học nhạc” của mình. Chúng ta có thể cười ông là gàn dở nhưng cũng như Khổng Tử vào hơn hai thiên niên kỷ trước đó, Verdi đã nhìn thấy được tầm quan trọng của âm nhạc trong việc giáo dục dân chúng.

Ngày nay ở nước ta âm nhạc vẫn còn sức quyến rũ, vẫn là một nghề “hot”, vẫn có nhiều người dấn thân và “thiêu thân” theo. Thế nhưng tại sao âm nhạc nước ta vẫn chưa có chỗ đứng có thể chấp nhận được cho dù chỉ xét các nước trong khu vực Đông Nam Á? Các nhà âm nhạc học Việt Nam dường như bế tắc khi tìm đường thăng tiến cho nhạc Việt nhưng lại không thấy được một số thể loại âm nhạc “đương dại” mà nếu phát triển chúng, ắt thế giới phải “ngả mũ ra” trước nhạc Việt.

NHẠC CÓC - Không có nơi nào trên thế giới mà trở thành nhạc sĩ, ca sĩ, ngôi sao ca nhạc dễ như ở nước ta. Không nhất thiết phải học hành (trường lớp hẳn hoi hay truyền khẩu truyền ngón hay tự học) gì cả! Chỉ cần có được một, hai ca khúc được nhiều người biết tới, họ khen cũng hay mà chửi có khi lại càng tốt hơn, là đương nhiên được từ bà bán cơm tấm đầu hẻm đến cả giới báo chí, nhà đài phong làm nhạc sĩ X, ca sĩ Y, ngôi sao ca nhạc Z, v.v… Đời sống ngày nay dễ thở hơn trước nhiều nên thị hiếu âm nhạc của quần chúng, nhất là giới bình dân, cũng rất dễ dãi. Vì vậy chẳng cần gì đến loại ca khúc nghệ thuật làm chi cho rắc rối, chỉ cần một vài bài có ca từ bình dân, dễ hát, dễ nhớ, giai điệu cứ mô phỏng nhạc Hoa, nhạc Hàn, nhạc Ấn là ăn tiền. Xã hội lên án hiện tượng đạo nhạc, giới truyền thông tấn công vào nhạc nhái thì chúng ta làm nhạc “cóc”! “Nhạc cóc” là loại nhạc mà chúng ta sử dụng nó nhưng cóc cần biết là sáng tác của ai, cóc cần đến tác quyền nhưng không vi phạm gì cả. Rất đơn giản! Đã có người nhờ một bài hát mà làm rùm beng được thiên hạ như “Kiếp đỏ đen”, “Da nâu” thì chúng ta chỉ cần viết những bài tương tự như “Kiếp rượu chè, Kiếp cá độ” hay “Da trâu, Da bò, Da cá sấu” gì gì đó là OK rồi. Đừng bắt chước đến 80 – 90% như phim “Giao lộ định mệnh” mà bị ăn đòn, chỉ cần 50% là dễ dàng biện minh “đó là sự trùng hợp nghệ thuật ngẫu nhiên”! Khi đã có sản phẩm trong tay, việc tiếp thị cho nhiều người biết đến lại qúa dễ. Nhờ mạng internet với việc tải lên mạng tự do thì việc quảng cáo, “pi - a” (PR) cho một ca khúc trở thành chuyện nhỏ. Bên cạnh đó chỉ cần một ông/bà bầu hoạt động có hiệu quả là ca khúc của chúng ta lan nhanh trong quần chúng còn hơn dịch cúm gà hay dịch heo tai xanh. Ở ngoại quốc, để trở thành bầu ca nhạc phải có học hành, trình độ âm nhạc nhất định. Có những ngành học góp phần đào tạo bầu show ca nhạc như Art Managing (quản lý nghệ thuật), Music Business (Kinh doanh Âm nhạc) hay cụ thể hơn như ở Đức với ngành Musikhandel (buôn bán nhạc). Ở nước ta, bầu show chẳng cần học, chỉ cần “có võ” (võ mồm, võ tiền). Tóm lại, “nhạc cóc” là một mặt hàng mới cần được phát triển.

NHẠC ...NGHÈO ĐA CHIỀU – Nghèo đa chiều là một khái niệm về chuẩn nghèo còn khá mới mẻ với Việt Nam. Vì thế vào hai ngày 15/6 và 16/6/2013 tại Nha Trang đã diễn ra một hội thảo quốc tế do Cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Ireland và Bộ LĐ – TB – XH tổ chức. Khái niệm “nghèo” đã được nhiều ca sĩ Việt khai thác từ lâu. “Nghèo đa chiều” là một năng khiếu tiềm ẩn trong một số đông ca sĩ loại thị trường lẫn loại “có tên”, thậm chí loại “có tuổi”. Nhiều ca sĩ nổi tiếng không phải nhờ kiến thức, chuyên môn hay giọng trời phú mà nhờ vào scandal, khoe ngực, bụng, mông, đùi, và cả….! Mà đùi, bụng, mông thì ai cũng có! Ai bảo khoe mông, khoe đùi, ăn mặc gây sốc trên sân khấu là xấu. Thế giới có Lady Gaga nổi tiếng như vậy đó thôi! Chỉ có điều khác là cô ca sĩ khoe “tất tần tật” ấy trước khi nổi tiếng quậy trên sân khấu thì đã từng là nhạc sĩ sáng tác cho nhiều nghệ sĩ khác và theo học ngành Nghệ thuật ở trường Tisch thuộc đại học New York. Còn ở nước ta việc “sô” hàng là quan trọng hơn cả kiến thức và được bọc bằng mỹ từ: “có ngoại hình”! Xin các vị có chức trách đừng cấm cản, phạt vạ cái “nghèo đa chiều” trong biểu diễn âm nhạc. Hãy để loại âm nhạc mới: nhạc nghèo đa chiều phát triển rồi ắt thế giới sẽ tìm đến chúng ta để...hội thảo, học tập!

TỪ NHẠC SẠCH ĐẾN NHẠC TỬ TẾ - Âm nhạc giữ một phần quan trọng trong các vở kịch của Shakespeare. Chả thế mà ông gọi âm nhạc là “thực phẩm của tình yêu” như đã cho nhân vật công tước Orsino nói lên trong vở “Đêm thứ 12” (1602) “Nếu âm nhạc là thực phẩm của tình yêu thì hãy tấu lên nào!”. Âm nhạc là thực phẩm thì khán thính giả là người tiêu dùng. Đã là thực phẩm thì cũng như thịt heo, rau xanh hay khoai tây vậy, người “tiêu dùng” bị “tiêu tùng” bởi cái thật giả lẫn lộn của thịt heo thối, thuốc trừ sâu, khoai tây Trung quốc. Một số người kêu lên “sao họ (người làm, buôn bán thực phẩm độc hại) ác thế?”. Một số người khác tỏ ra tích cực hơn, họ làm ra những sản phẩm “sạch”. Người tiêu dùng đổ xô đi tìm rau sạch, thịt sạch. Nhưng khi các thực phẩm sạch ấy hút hàng, dần dần chúng lại bị giả mạo, bị “đểu” đến mức người ta lại ngờ vực và đề phòng chính những cái gọi là sạch ấy. Nhạc Việt hiện nay cũng theo tiến trình như thế. Trong một thị trường âm nhạc mà “nhạc rác” tung hoành ngang dọc, người ta đã cổ xúy cho “nhạc sạch” (“sạch” với nhiều cách hiểu, sạch về nhiều mặt khác nhau). Thế nhưng ngay cả những ca khúc được coi là sạch cũng bị trở nên dơ khi nhiều ca sĩ hát tự chế lời hay hát lộn lời vì quên khi biểu diễn, hoặc thêm vào những tiếng “hú, hí, hứ, đa đi đa” không đúng chỗ kèm theo động tác diễn phản cảm, v.v... Nhiều gọi đó là nét đặc trưng của nhạc Việt đương đại ! Họ pha trộn hai khái niệm “đương đại” và “đương dại”! Vậy là nhạc sạch không còn sạch nữa! Người ta không còn tin vào nhạc sạch như đã từng nghi ngờ rau sạch, thịt heo sạch. Gần đây, để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, đã có người đưa ra thị trường cái gọi là “rau tử tế” (theo báo Thanh Niên đưa tin về kỹ thuật trồng rau của nhà nông Mai Văn Khẩn). Các nhạc sĩ Việt, “những người sản xuất thực phẩm của tình yêu” nên nhanh chóng, nhạy bén với thị trường mà đưa ra thể loại nhạc mới: nhạc tử tế.

Hy vọng với phát minh mới này, nhạc Việt đương đại không còn bị đánh đồng với “nhạc đương....dại”!

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam 30)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...