"Nhạc Việt đang ô nhiễm nặng"

17/09/2013

NSƯT Tạ Minh Tâm cho rằng nền âm nhạc Việt Nam đang bị "ô nhiễm" khá nặng và lỗi thuộc về tất cả, từ sự thiếu tự trọng của ca sĩ, sự dễ dãi của khán giả, sự bất lực của bộ phận quản lý...

Là giảng viên Nhạc viện TP HCM, đồng thời là ca sĩ gạo cội, anh có ý kiến thế nào về tình trạng “ô nhiễm” trong làng nhạc Việt hiện nay?

Tôi nghĩ thế này, người ta ai cũng có quyền tự do biểu diễn, tự do phát tán những sản phẩm của mình. Giới trẻ bây giờ có nhiều thuận lợi hơn chúng tôi khi mới vào nghề rất nhiều, chỉ cần một cái nhấp chuột, thế là sản phẩm của anh có thể đến được với bất kỳ ai. Điều đó cũng tốt, nhưng hệ quả của nó là công chúng phải chấp nhận một tình trạng “ô nhiễm” trong làng showbiz bởi có nhiều sản phẩm âm nhạc tồi. Cũng như việc nhiều xe quá thì phải hít khói bụi nhiều hơn vậy thôi.

Tôi thấy bây giờ nhiều người sáng tác quá, nhiều ca sĩ xuất hiện quá và được truyền thông đại chúng, mạng xã hội hỗ trợ dễ dãi quá nên cũng dẫn đến việc cho ra một sản phẩm âm nhạc dễ dãi quá. Việc xuất hiện những tác phẩm yếu kém là điều tất yếu. Vấn đề ở đây là rất tội nghiệp cho khán giả, trong thời buổi giao thời này một số người chưa có khả năng sàng lọc thì người ta bị đầu độc.

Anh nghĩ chúng ta phải giải quyết điều đó thế nào?

Đó là một điều đáng tiếc nhưng thật sự cũng không biết giải quyết thế nào? Tôi không nghĩ âm nhạc bây giờ không có sản phẩm hay. Có chứ, nhiều là khác. Nhưng sản phẩm dở, vô nghĩa, nhố nhăng cũng nhiều không kém, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Chúng ta cũng không có một quy chuẩn cụ thể nào, tác phẩm hay dở gì cũng lẫn lộn nhau, không biết đường nào mà lần.

Hơn nữa, quan trọng là những tác phẩm hay đòi hỏi người nghe phải có thời gian, có tập trung tư duy và thậm chí cả trình độ cảm nhận, nhưng bây giờ cuộc sống vội vã quá nên những tác phẩm đó không được chú ý nhiều bằng những thứ dễ dãi “mỳ ăn liền”. Trong thời buổi vàng thau lẫn lộn, người nào có đủ sự bản lĩnh, đủ khả năng và đủ sự tinh tế, phân biệt được thế nào là vàng, thế nào là thau thì người đó sẽ được hưởng những giá trị tốt đẹp, còn số công chúng dễ dãi thì họ phải chấp nhận bị ... "đầu độc".

Tôi nghĩ công chúng nắm quyền lực trong việc “chấn chỉnh” lại nền nhạc Việt, có điều họ chưa ý thức được “quyền lực” của mình.

Bản thân công chúng sẽ có cách giải quyết của họ, vì đó là quy luật. Ví dụ như trong chuyện lùm xùm vừa rồi của chú Nguyễn Ánh 9 và Đàm Vĩnh Hưng, qua đó công chúng cũng sẽ có thêm cơ sở để suy nghĩ, nhận diện ra nhiều vấn đề. Cứ như vậy từ từ sẽ ngay ngắn lại thôi. Tôi cho rằng đó là một quy luật phát triển hơi tự nhiên một chút. Đúng ra nếu mà được định hướng, chỉ đạo một cách quy củ thì sự phát triển sẽ nhanh hơn, đỡ “hổ lốn” hơn. Nhưng giờ đòi hỏi điều đó khi chưa làm được thì hơi bất cập. Nói thẳng ra, lỗi này là lỗi ở tất cả chúng ta, chúng ta phải ráng chịu. “Chúng ta” ở đây gồm có các nhà quản lý, công chúng, các tác giả, các nghệ sĩ chân chính lẫn các tác giả và nghệ sĩ “ham hố”.

Như anh nói là âm nhạc không có quy chuẩn cụ thể nào, giờ tôi tách riêng từng thành phần cấu tạo ra nền âm nhạc rồi chúng ta cùng phân tích. Hãy nói về nhạc sĩ sáng tác ca khúc trước, những nhân vật gạo cội dần ra đi nhưng lớp trẻ chưa thực sự kế thừa tốt?

Tôi thấy cũng có nhiều gương mặt trẻ nổi bật đó chứ, nhưng những người sáng tác đó cũng bị lẫn lộn luôn. Hiện giờ có những gương mặt sáng tác trẻ rất giỏi, có tư duy, khả năng rất đặc biệt, mới mẻ và trình độ cao nhưng họ cũng bị lẫn lộn trong mớ nghệ sĩ và sáng tác hổ lốn. Tác giả tài năng thì cũng khó mà nhận ra. Còn việc các nghệ sĩ tài năng của thế hệ trước ra đi thì đó là quy luật của cuộc sống, đó là sự mất mát vô cùng đáng tiếc nhưng phải chấp nhận thôi, mình phải nghiêng mình kính cẩn trước những con người đó. Tôi nghĩ những đóng góp của những nghệ sĩ thế hệ trước đã được khẳng định qua những tác phẩm bất hủ, kinh điển.

Đó là vai trò của người sáng tác, tôi lại nói tới vai trò của những người quản lý, theo anh họ đã làm tốt công việc của mình chưa?

Vai trò của người quản lý là vô cùng quan trọng, tuy chúng ta có thể không thấy rõ nhưng có lẽ họ đang rất cố gắng và lúng túng chứ không phải họ không làm gì hết. Nhưng chuyện này vô cùng rối rắm, lại đụng chạm đến nhiều lĩnh vực pháp lý khác nữa. Bạn cũng hiểu khi ta đụng đến những quy định cụ thể, có những tiêu chuẩn đo lường cụ thể thì dễ vì có cái để quy chuẩn, còn vấn đề văn hóa và tư tưởng thì có bao giờ bạn định lượng được lời lẽ như thế nào là độc hại, ăn mặc như thế nào là hở hang không? Bao nhiêu chuyện cãi tới cãi lui rất nhức đầu. Có những thứ rất rõ ràng thì họ đã làm, ví dụ như cấm diễn với “Bà Tưng” với Angela Phương Trinh... Còn những cái nhập nhằng gây phản ứng trái chiều của dư luận thì khó cho nhà quản lý.

Tiếp đến dĩ nhiên là vai trò của ca sĩ, rõ ràng như anh nói, họ có quyền nhảy hay không nhảy vào vòng thị phi, hổ lốn, tạo scandal để nổi tiếng. Có người làm được, có người không, theo anh vì sao?

Điều đó thuộc về lòng tự trọng. Anh có quyền lựa chọn ca khúc anh thấy thích, lựa chọn cách anh xuất hiện, cách anh phát ngôn. Nếu anh không muốn lao vào thị phi thì ai bắt được anh phải lao vào? Tôi nghĩ đó là một sự phản ánh nhân cách. Anh tham gia như thế nào thì phản ánh mức độ tự trọng của anh như thế đó. 

Tôi nghĩ có hai cách để chấn chỉnh lại làng nhạc Việt, hoặc để nó “chết” đi rồi xây mới, hai là phải thay đổi toàn diện dựa trên những gì đã có?

Hiện giờ, trong hoàn cảnh này mình không thể chọn được cách nào trong hai cách mà bạn vừa nói, tôi nghĩ cứ để nó tự nhiên diễn biến. Bởi vì thực tế điều kiện và hoàn cảnh xã hội mình cho thấy giới quản lý thì lúng ta lúng túng, bị trói buộc bởi quy định này quy định nọ, người ta cũng chẳng làm gì được rốt ráo. Công chúng cũng có người bức xúc, có người bênh vực.

Mọi thứ đi theo đúng quy luật của nó là sẽ có hai mặt như bạn nói, có những thứ sẽ tự "chết" đi, có những cái nằm trong năng lực của nhà quản lý thì họ sẽ vận hành để nó ngay ngắn và tiến bộ hơn. Bây giờ nói: “nên như thế nào” thì ai chẳng muốn có một sự định hướng cho nó tốt, ai chẳng muốn có một sự can thiệp một cách uyên bác và bài bản để mọi thứ trở nên ngay ngắn và phát triển nhanh? Nhưng tôi nghĩ hiện tại chúng ta đang... bất lực.

Xin cảm ơn anh rất nhiều!

(Nguồn: http://dantri.com.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...