Nhạc Việt đang nghiêng về đâu?

05/03/2018

Mới đây, đêm nhạc lãng mạn mang tên “Nguyễn Hữu Nguyên và những người bạn” đưa khán giả bồng bềnh qua những giai điệu ngọt ngào, êm ái của “Bản sonate viết cho đàn violon và piano cung la trưởng FWV 8” của nhạc sĩ thiên tài César Franck... Thành công của buổi diễn khiến người trong giới suy ngẫm về sức sống của nhạc cổ điển trong thời bùng nổ nhạc thị trường.

Nghệ sĩ violon tài năng Nguyễn Hữu Nguyên tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện Quốc gia Paris và đã trở thành một trong hai thành viên người Việt duy nhất của Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Pháp danh tiếng. Xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ, Nguyễn Hữu Nguyên theo học Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh từ năm 14 tuổi và trở thành quán quân của nhiều giải thưởng quốc gia như Giải Nhất Tài năng trẻ violon năm 1989, Giải Nhất Cuộc thi Âm nhạc quốc gia Mùa thu năm 1990. Vào năm 1991, với sự hỗ trợ của Maurice Bourgue, nghệ sĩ kèn ô-boa nổi tiếng của Dàn nhạc giao hưởng Berlin Karajan, anh đã được tới Pháp để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê âm nhạc của mình.

Tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Boulogne, Nguyễn Hữu Nguyên thi đỗ vào ngôi trường âm nhạc danh tiếng nhất nước Pháp - Nhạc viện Quốc gia Paris. Giành chiến thắng tại nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế danh tiếng như Giải Nhất trong cuộc thi của Nhạc viện Quốc tế Maurice Ravel và cuộc thi Nhạc thính phòng FNAPEC (Paris), nhưng có lẽ thành tích quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Hữu Nguyên là việc anh được tuyển chọn vào Dàn nhạc Quốc gia Pháp danh tiếng và cùng với em trai mình (nghệ sĩ violon Nguyễn Khôi Nam) trở thành hai trong số bốn thành viên người châu Á duy nhất của dàn nhạc.

Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội- L’Espace vừa giới thiệu đêm nhạc cổ điển “Nguyễn Hữu Nguyên và những người bạn”  được sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Mở đầu đêm nhạc lãng mạn mang tên “Nguyễn Hữu Nguyên và những người bạn” là bản sonate cung la trưởng viết cho đàn violon và piano, một sự mở đầu tươi sáng, hân hoan cho đêm nhạc. Được viết vào năm 1886, bản nhạc là món quà mừng đám cưới của César Franck dành cho nghệ sĩ violon người Bỉ Eugène Ysaÿe. Tác phẩm là đặc trưng tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nhà soạn nhạc César Franck: cấu trúc chặt chẽ, chủ đề đa dạng với những chuyển động, biến đổi theo tính chu kỳ mang đến một tổng thể hài hòa, thống nhất. Ông cũng đặc biệt chú ý đến sự cân bằng và đối thoại giữa hai loại nhạc cụ, khiến bản nhạc trở thành một cuộc “so tài” về kỹ thuật biểu diễn hết sức đặc sắc. Vẻ đẹp trong giai điệu và sự phong phú trong hòa âm đã khiến bản sonate cho đàn violon và piano trở thành một trong số những bản nhạc nổi tiếng và được trình diễn nhiều nhất tại Pháp và cả trên thế giới.

Bộ 6 nghệ sĩ gồm Nguyễn Hữu Nguyên và Lê Minh Hiền (violon), Phạm Vũ Thiên Bảo và Bùi Anh Sơn (viola), Trần Thị Mơ và Ngô Hoàng Quân (cello) đã biến không khí buổi diễn trở nên lôi cuốn, quyến rũ, như sự kết hợp ma mị của một đêm đông nước Nga đầy sương mù và băng tuyết với ánh sáng dịu dàng của thành Tuscan nước Ý qua bản lục tấu Kỷ niệm thành Florence của Tchaïkovsky. Được viết từ năm 1887 đến 1890, trong khoảng thời gian Tchaïkovsky sống ở thành phố Florence - Ý, Kỷ niệm thành Florence thấp thoáng niềm hứng khởi vốn không xuất hiện trong lối sáng tác đượm sầu thường thấy của nhà soạn nhạc. Bản lục tấu cho đàn dây này được hoàn thành vào năm 1890, một năm thành công đã chứng kiến sự ra đời của nhiều tác phẩm khác của ông như vở opera La dame de pique (Con đầm pích) và vở ballet nổi tiếng Hồ thiên nga.

Qua những đêm nhạc như “Nguyễn Hữu Nguyên và những người bạn”, giới chuyên môn nhận định, tuy định hướng phát triển ngành âm nhạc cổ điển một cách chính quy, chuyên nghiệp, nhưng vẫn chưa được quan tâm nhiều. Trên hết cần có sự đầu tư lớn, sự phát triển sâu rộng, thu hút nhân tài, tạo điều kiện biểu diễn cho nghệ sĩ, có những sân khấu dành riêng cho dòng nhạc cổ điển luôn sáng đèn hàng đêm.

Những trăn trở

Người trong giới có chung nhận định, thị trường nhạc Việt hiện nay rất thiếu nơi dụng võ cho các nghệ sĩ dòng nhạc cổ điển, đặc biệt là sự quan tâm chưa nhiều đến chế độ đãi ngộ đối với những nhân tài, những người dám hy sinh tuổi trẻ, công sức, tiền bạc, chịu nhiều khó khăn, vất vả để theo đuổi niềm đam mê đối với dòng nhạc này. “Có thực mới vực được đạo”, cần thiết phải có sự ủng hộ của khán giả, giới truyền thông báo chí, có chế độ đãi ngộ nhân tài, sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp lãnh đạo... thì những người làm nghệ thuật mới yên tâm làm việc, năng động sáng tác với những cảm hứng nghệ thuật. Nhưng với tình hình nhiều khó khăn hiện nay, đất nước ta vẫn bị “chảy máu chất xám” và những người làm nghệ thuật ít nhiều chai dần sự nhiệt huyết, ít người dám dấn thân hết mình vì nghề.

Có thể nói, tình trạng chung cho nghệ sĩ cổ điển là ngày một khó khăn để có thể sống nhờ âm nhạc. Và niềm hy vọng của chúng ta bây giờ chính là các nghệ sĩ trẻ, những người năng động muốn tiếp cận khán giả theo cách thức thân thiện hơn, khiến khán giả cảm thấy họ cũng được sống với tác phẩm và các buổi biểu diễn.

Dù hiện nay chúng ta có sự quan tâm, chú ý và đào tạo thiên lệch, nghiêng về những dòng nhạc thị trường. Nhưng để là một đất nước phát triển thì không thể thiếu âm nhạc hàn lâm, nhạc cổ điển.

(Nguồn: http://suckhoedoisong.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...