Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Nghệ thuật là cầu nối duy nhất giữa nghệ sĩ và người thưởng thức

13/05/2015

Không ngần ngại gắn tên mình trong chương trình của các ca sỹ dòng nhạc thị trường như Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo, Hồ Ngọc Hà… nhạc trưởng Trần Nhật Minh có tiếng là người dám làm và dám thử sức. Trong những nỗ lực đưa âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với khán giả, anh đã vấp phải những ý kiến trái chiều.

- PV: Năm 2011, sự hợp tác giữa anh và ca sỹ Thanh Thảo, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà trong các chương trình ca nhạc khiến nhiều người nghĩ anh đang có ý định “bình dân hóa” dòng nhạc hàn lâm?

- Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Mỗi dòng nhạc đều có cái hay riêng của nó nên tôi không phân biệt nhạc giao hưởng hay nhạc thị trường. Tôi rất hứng thú và tôn trọng các ca sỹ của dòng nhạc thị trường tìm đến dòng nhạc giao hưởng để kết hợp với âm nhạc của họ. Điều đó bổ sung cho nhau, làm mới thêm cho âm nhạc Việt Nam và tôi cũng sẽ học hỏi thêm nhiều điều mới lạ.


Trần Nhật Minh chỉ huy dàn nhạc giao hưởng

- Không chỉ tham gia các chương trình kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng và dòng nhạc thị trường, anh còn có dự án trẻ hóa âm nhạc hàn lâm?

- Dự án trẻ hóa âm nhạc hàn lâm không chỉ có tôi mà rất nhiều nghệ sỹ khác đang nỗ lực thực hiện nhằm nuôi dưỡng và tạo ra một tầng lớp khán giả trẻ yêu âm nhạc cổ điển. Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM vẫn đang thực hiện những đêm nhạc miễn phí dành cho sinh viên và các bạn trẻ. Trong những đêm nhạc như vậy, chúng tôi biểu diễn và giải thích cho khán giả hiểu từng tác phẩm được trình diễn về nội dung và kỹ thuật. Kịch mục của các chương trình định kỳ cũng phong phú, mềm mại hơn với các chủ đề hấp dẫn như nhạc phim truyện, phim hoạt hình, giúp khán giả dễ dàng tiếp cận với âm nhạc mang tính nghệ thuật cao này. Tôi rất hạnh phúc vì được đóng góp công sức cho những nỗ lực chung đó.

- Dù không đổ lỗi cho khách quan trong sự thờ ơ của khán giả với dòng nhạc hàn lâm nhưng theo anh, lỗi là do đâu?

- Tôi nghĩ không thể đổ lỗi cho ai. Tự thân của dòng nhạc này cần phải có quá trình để có thể cảm nhận và tiếp thu nên nói một ngày, hai ngày để khán giả có thể cảm nhận ngay là điều không thể. Nhưng việc đem đến công chúng những tác phẩm chất lượng, những buổi hòa nhạc hấp dẫn đến người nghe thường xuyên là nhiệm vụ của chúng ta. Tôi hy vọng một thời gian nữa nhạc giao hưởng sẽ không còn là món ăn lạ với khán giả Việt Nam.

- Các buổi hòa nhạc do anh chỉ huy thường đông nghịt khán giả. Điều gì làm nên sức hấp dẫn từ những chương trình như thế, thưa anh?

- Tôi nghĩ điều hấp dẫn khán giả đến với các buổi biểu diễn của tôi là âm nhạc mà tôi mang đến. Vì theo tôi, nghệ thuật là cầu nối duy nhất giữa nghệ sỹ và người thưởng thức. Tôi muốn mang âm nhạc hàn lâm đến gần với khán giả và tôi nghĩ là khán giả cũng cảm nhận được phần nào nỗ lực của tôi và các đồng nghiệp. Cũng có người nói với tôi rằng, họ đến để được ngắm anh chàng chỉ huy đẹp trai như diễn viên Hàn Quốc. Nhưng tiếc thay, vị nhạc trưởng này toàn quay mặt vào trong, nên có đẹp đến mấy thì cũng không có ai đi nghe hòa nhạc vì nhan sắc của nhạc trưởng (cười).

- Ngoài chỉ huy dàn nhạc, anh còn là chỉ huy dàn hợp xướng lâu năm. Chiếc Huy chương Vàng tại cuộc thi hợp xướng quốc tế Hội An 2015 đã chứng tỏ Trần Nhật Minh còn rất nỗ lực để đưa dòng nhạc hàn lâm Việt Nam sánh vai cùng các nước trên thế giới?

- Chúng tôi đã cùng nhau tập luyện nghiêm túc trong khoảng thời gian không ngắn để có được chút thành quả này. Giải Vàng cho phần dự thi ở bảng Thính phòng đã đem lại cho chúng tôi rất nhiều niềm vui và tự hào, nhưng điều quan trọng hơn là qua đợt cọ xát này, chúng tôi đặt ra những mục tiêu và kế hoạch lớn hơn trong tương lai để tiến gần đến trình độ của các nước tiên phong trong lĩnh vực hợp xuớng.

- Đã có một dàn nhạc, một dàn hợp xướng, một nhà hát, một ê kíp cùng làm việc, anh còn mơ thêm điều gì nữa không?

- Mơ sẽ có thêm nhiều khán giả ủng hộ, có cùng cảm xúc với tôi và êkip của tôi...

- Xin cảm ơn Trần Nhật Minh!

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh sinh năm 1981. Anh tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành chỉ huy hợp xướng, Nhạc viện Quốc gia Magnitogorsk (Liên bang Nga). Năm 2007, anh tốt nghiệp thạc sỹ âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky ở Mátxcơva, chuyên ngành chỉ huy hợp xướng. Anh từng đoạt giải Nhì cuộc thi Quốc tế dành cho chỉ huy trẻ tại thành phố Vladivostock (2004) và giải Khuyến khích cuộc thi chỉ huy hợp xướng chuyên nghiệp toàn Nga lần IV. Hiện nay, anh đang công tác tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM trên cương vị Phó đoàn Nhạc Kịch.

(Nguồn: http://www.anninhthudo.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...