Nhạc sĩ An Thuyên "với Hà Tĩnh mình…"

09/07/2015

Nhạc sỹ An Thuyên là người có rất nhiều ca khúc nổi tiếng, từ những hành khúc hào hùng, những ca khúc về tình yêu lứa đôi thơ mộng, và đặc biệt là những ca khúc phát triển từ chất liệu dân ca trên khắp mọi miền quê, những ca khúc ấy đều đọng lại một tình yêu tha thiết, tình yêu của người nhạc sỹ khoác áo lính. Khi nghe những ca khúc của anh mới hiểu thêm rằng, ngoài mảng đề tài về người lính, nhạc sỹ An Thuyên có một tâm hồn đa cảm, giàu tình thương và thoảng đâu đó một chút buồn nhân thế.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quỳnh Lưu – Nghệ An, nhưng Hà Tĩnh luôn vương vấn hình bóng, mang nặng nhiều cảm xúc trong các tác phẩm của anh. Nghe giai điệu ca khúc “ Hà Tĩnh mình thương” của nhạc sỹ An Thuyên, như cảm được cái nồng ấm, sẻ chia, trong mạch nguồn âm nhạc hết sức tự nhiên. Ca khúc được phát triển từ âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh. “Với Hà Tĩnh mình” (mi, đồ, mi, là) - chủ đề âm nhạc ngắn gọn vậy thôi, nhưng thật gợi mở, lời ca trong sáng, giản dị, những từ ngữ thường dùng cũng mang đậm màu sắc quê hương Hà Tĩnh, mộc mạc, thân thương, chan chứa tình người. Đó là nỗi niềm đau đáu về một miền quê đầy nắng và gió, luôn day dứt trong anh về những kỷ niệm về một thời gian khổ đã qua. Cách đặt vấn đề của tác giả gần gũi với tâm lý người nghe, theo lối kể chuyện tâm tình.

“Khi tôi ấu thơ, gió bụi cát bay lẫn trong sữa thơm mẹ nuôi tôi lớn…”.

Chủ đề âm nhạc được nhắc lại, theo lối tiến hành giai điệu đi lên, có biến đổi chút ít. “Ơi Hà Tĩnh mình, đường về có nhớ trời chang chang nắng, ai quàng áo tơi. Cho ta thương nhau mồ hôi chát mặn, cho ta thương nhau vầng trăng không lẻ bạn, đứt ruột nhớ mong…”. Vẫn là “răng rứa”, “áo tơi”, “chát mặn”, nhưng cái tình thật đằn thắm, nên thơ.

Giai điệu tiếp nối dẫn dắt một tâm trạng xao xuyến, khi những gì thân quen đang hiện dần lên, dâng đầy cảm xúc.

Sang phần phát triển, sự thể hiện khoáng đạt hơn. “Giờ về ta ngược Sông La, đi trên con đò thuở nhỏ, bãi ngô chân em còn vương bụi phấn, tóc xanh buông mây trong gió chiều…”. Sự tương phản màu sắc, nhạc điệu, sự đối đáp qua lại của các câu nối tiếp liên tục đã tạo nên cảm giác đồn dập, bâng khuâng, vướng vít theo bước chân của người trở về. “Nghe câu đò đưa mát ngọt, giọng quê nôn nao vàng ráng chiều…" cho tới lúc sự dồn nén dâng lên cao trào: “Hà Tĩnh mình ơi! Quê mình thương, như Núi Hồng, Sông La, sông cứ chảy trong ta, núi cứ lớn trong ta. Trăm năm muối mặn gừng cay hỡi người, dù ngàn trùng cách xa, ta vẫn nhớ thương nhau, Hà Tĩnh mình ơi”.

Vẫn trên giai điệu ấy sau đó được nhắc lại: ”Đi xa lại muốn về, khổ đau càng muốn về, để tình mẹ ấp iu, ôi thương biết bao nhiêu, Hà Tĩnh mình ơi”.

Đã có rất nhiều ca khúc hay viết về quê hương Hà Tĩnh. Hà Tĩnh - Núi Hồng, Sông La, thơ ai mãi còn trong cuộc đời… và “Với Hà Tĩnh mình” của nhạc sỹ An Thuyên, cứ mỗi lần hát lên lại thêm yêu quê hương da diết, nhớ những ngày đã qua và càng thấy tự hào với những gì còn lại, đó là quê hương, là mãi mãi, là những con người bình dị, thủy chung, chắt chiu nghĩa tình, đó là những gì không bao giờ có thể mất đi.

Còn nhớ một lần khi NSND Thu Hiền biểu diễn trong dịp gặp gỡ đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội, lần ấy chị đã rơm rớm nước mắt… Tình cảm quê hương sâu lắng, luôn ấp ủ cho những tâm hồn lớn lên.

“Hà Tĩnh mình thương” được viết năm 1996, đến nay đã gần hai mươi năm rồi, nó đã ngân lên và còn ngân lên, bởi những âm hưởng ấy đã đi vào đời sống tinh thần của người dân Hà Tĩnh, của đông đảo công chúng yêu âm nhạc gần xa.

 

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.