Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Tứ: Suối nguồn âm nhạc chưa bao giờ vơi cạn

29/12/2020

Rời cương vị Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) từ năm 1995, thế nhưng PGS.TS, nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Tứ vẫn vẹn nguyên niềm đam mê với công việc dạy học cũng như sáng tác âm nhạc. Với ông, có lẽ chỉ có âm nhạc mới có thể xua đi những mệt mỏi, nhắc ông về quá khứ vàng son khi ông là một nhà quản lý, nghệ sĩ đàn accordéon nổi tiếng, một nhạc sĩ đã có nhiều tác phẩm đáng giá.

Nhạc sĩ Xuân Tứ.

1. Mỗi lần kể về nhạc sĩ Xuân Tứ, người thầy dạy đàn của mình, ánh mắt Biên tập viên, MC Trần Tùng (Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam) lại lấp lánh sự tự hào. Anh bảo: “Học ông suốt 10 năm liền, từ khi mới 5 tuổi, tôi không chỉ được học nhạc mà còn được học nhiều hơn thế. Đó là học cách sống vui vẻ, lạc quan, cống hiến hết mình cho sự nghiệp, biết cảm thông và sẻ chia với mọi người. Giờ đây, dù ông đã 87 tuổi nhưng vẫn có nhiều học sinh đến xin học tại nhà. Có lẽ âm nhạc và tấm lòng nhân ái đã giúp ông giữ được sự mạnh khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần”.

Từ những gợi mở đó, tôi tìm đến nhạc sĩ Xuân Tứ tại khu tập thể Thành Công (Hà Nội) trong một buổi chiều đông. Đúng như những gì tôi hình dung, nhạc sĩ Xuân Tứ tuy đã gần 90 tuổi nhưng vẫn rất tinh tường, giọng nói sang sảng, dáng đi khá nhanh nhẹn. 

Bên chén trà nóng ngát hương, ông kể cho tôi nghe về nhân duyên hết sức tự nhiên với âm nhạc của mình. “Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã được người anh trai truyền dạy những nốt nhạc đầu tiên. Bởi thế, đến năm 16 tuổi tôi đã sáng tác được ca khúc đầu tay Nhớ xưa nói về tình yêu đôi lứa, được nhiều bạn bè cùng trang lứa ở trường cấp III Tân Trào (Tuyên Quang) truyền tay nhau.

Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn), nhờ có năng khiếu âm nhạc, tôi đã “lọt vào mắt xanh” của các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, để rồi sau đó tôi được mời về Đoàn Văn công Lục quân (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). Cũng từ đó tôi bắt đầu chơi accordéon và gắn bó từ đó đến giờ”, nhạc sĩ Xuân Tứ nhớ lại.

Được hoạt động trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, lại cần cù, chịu khó tìm tòi, học hỏi, ông dần nâng cao kỹ năng chơi đàn và trở thành người chơi accordéon khá cừ. Tên tuổi của ông thực sự được biết đến khi chơi solo accordéon bài hát của nhạc sĩ Văn Cao - Trường ca Sông Lô. Tác giả Quốc ca cũng không ngần ngại đặt tên Xuân Tứ (người viết accordéon) là đồng tác giả trong ca khúc rất nổi tiếng về miền trung du của mình.

2. Sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng Tuyên Quang, quê gốc ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) nhưng khi trở thành một nhạc sĩ, Xuân Tứ đã dành nhiều thời gian và công sức để sưu tầm, chỉnh lý, cải biên những bài quan họ cổ của vùng đất Kinh Bắc, trong đó nổi bật là bài Người ở đừng về từ bài quan họ cổ Chuông vàng gác cửa tam quan.

Theo ông thì mặc dù Chuông vàng gác cửa tam quan rất hay, rất ý nghĩa nhưng có nhiều câu “ề à” rườm rà mà thực tế cuộc sống có những điều cần đổi mới nên ông đã mạnh dạn cắt gọn, đẩy tiết tấu nhanh lên, và nhất là đã đưa lên cao câu kết “Người ơi… người ở đừng về”. Có lẽ, chính vì sự nhạy bén cùng sự cải biên tinh tế này mà bài quan họ Người ở đừng về đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở nên quen thuộc với đông đảo người yêu thể loại này.

Vào những năm 1960, 1970, Người ở đừng về qua tiếng hát của nghệ sĩ Thanh Huyền trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam mang một giá trị đặc biệt. Sự lan tỏa của bài hát đã tạo động lực để các nhạc sĩ tìm cho mình con đường đi mới vô cùng khó khăn, đó là “làm mới” dân ca. Tuy nhiên, nhạc sĩ Xuân Tứ cũng trăn trở: “Việc soạn lời cho các làn điệu dân ca nói chung và dân ca quan họ nói riêng rất dễ nhưng cũng thật khó. Dễ là nó có nhạc sẵn, chỉ cần “lắp” lời vào là được. Khó là phải am hiểu nhiều về dân ca, chọn làn điệu sao cho phù hợp với nội dung (phù hợp cả về thể loại và vùng dân ca đó). Lời mới cho dân ca phải là ngôn ngữ dân gian, có chất văn học, giàu hình tượng và đặc biệt là lời bài ca phải vần theo từng thể thơ”.

3. Nhạc sĩ Xuân Tứ từng được cử đi thực tập tại Nhạc viện Quốc gia Sofia (Bulgari) từ năm 1969 đến năm 1972. Khi ấy, tình hình trong nước rất căng thẳng, quân dân ta đang phải “căng mình” trong chiến tranh, bởi thế, lứa sinh viên cùng đi học với ông như ca sĩ Tân Nhân, nhạc sĩ Đinh Quang Hợp đều cảm thấy trọng trách trên vai rất lớn. Chính vì thế, trong bài thi tốt nghiệp, ông đã chọn chủ đề Miền Nam yêu quý như một lời gửi gắm về quê nhà niềm tin, sự lạc quan vào thắng lợi phía trước.

Cũng trong khoảng thời gian học tập tại đây, ông đã được trường cử đi thi accordéon quốc tế tại Klingenthal (Đức) và sau này ông đã sáng tác nhiều tác phẩm viết cho accordéon, trong đó có 4 tác phẩm được chọn đưa vào danh mục bài thi accordéon quốc tế. Năm 2005, ông là người châu Á duy nhất được Tổ chức Accordéon của Liên hợp quốc tôn vinh là nghệ sĩ accordéon xuất sắc của thế giới.

Trong sự nghiệp “trồng người”, ông đã tham gia đào tạo nhiều sinh viên xuất sắc ở bộ môn đàn accordéon như: Lê Ngọc Thanh (Giải Nhất Accordéon quốc tế Paris, năm 1987), Tuấn Anh (Giải Nhất Accordéon quốc gia, năm 1990)… Ông đã phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích hai người con của mình theo con đường âm nhạc, trong đó, con gái ông từng tốt nghiệp Chỉ huy âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Mátxcơva (Nga), hiện đang giảng dạy tại Thụy Điển, còn con trai ông chính là nhạc sĩ Xuân Phương, hiện công tác tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội và là tác giả của ca khúc Mong ước kỷ niệm xưa được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Là người ham khám phá, thích tìm tòi, sáng tạo những hướng đi mới cho âm nhạc nước nhà nên khi đàn phím điện tử bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, nhạc sĩ Xuân Tứ đã dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu loại đàn này. Kết quả là ông đã có nhiều sáng tác, tiêu biểu như: Hội Lim, Tuổi học trò, Tình yêu chung thủy, Biển nhớ, Hoa ban và cô gái Thái…, cũng như biên soạn nhiều tài liệu giáo khoa cho sinh viên các trường âm nhạc trên cả nước. Sau này, vào thời điểm nhạc jazz thịnh hành ở Việt Nam, nhạc sĩ Xuân Tứ đã nghiên cứu để tìm ra cái hay, cái hấp dẫn của dòng nhạc này đồng thời chuyển hóa vào những bài giảng để rồi hôm nay, khi đã 87 tuổi, ông vẫn có học trò là sinh viên các trường nghệ thuật cũng như những ca sĩ đang hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp theo học tại nhà.

Nhìn ông khỏe mạnh, lạc quan và tràn đầy năng lượng, tôi thầm nghĩ, có lẽ chính những giai điệu, tiếng đàn, lời ca và những phút giây được sống với âm nhạc là “liều thuốc tinh thần” tiếp sức cho ông vượt qua bệnh tật và hứng khởi hơn trong tìm tòi, sáng tạo.

PGS.TS, nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Tứ (tên đầy đủ là Nguyễn Xuân Tứ) sinh năm 1933 tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, quê gốc ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông từng là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội (nay là Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội). Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1988.

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

K

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...