"Nhạc sĩ hoà âm phối khí" - một thế lực mới nổi trong âm nhạc Việt Nam
Vì hoạt động in ấn, phát hành và biểu diễn của âm nhạc Việt Nam từ thời kỳ đổi mới tới nay ngày càng phát triển, trong khi vẫn còn quá nhiều nhạc sĩ không có kinh nghiệm với việc đặt hoà âm, chưa biết cách làm nhạc đệm cho ca khúc của mình, và các ban nhạc sống thì ít và còn hạn chế (cả nước chỉ có vài ban chơi tốt) nên mới có một bộ phận những người sống bằng nghề làm nhạc đệm (chủ yếu giả lập bằng máy) ra đời và ngày càng phát triển đông đảo. Nhu cầu về hoạt động âm nhạc càng tăng thì họ càng trở nên có tầm quan trọng, chính họ đã dần dần trưởng thành từ công việc này do đúc kết được nhiều kinh nghiệm cho bản thân từ trong công việc. Phải nói rằng họ, những người sản xuất nhạc đệm, đã bù đắp cho cái lỗ hổng không giống ai của âm nhạc Việt Nam, giúp cho nền âm nhạc (chủ yếu là ca khúc phổ thông) của Việt Nam hoạt động trơn tru, phong phú và hiệu quả hơn.
Dần dần, âm nhạc Việt Nam bị phụ thuộc vào những người làm nhạc đệm. Các ca sĩ và các tác giả ca khúc thấy sự cần thiết phải dựa nhóm người làm nhạc đệm để phát triển nghề của mình, rồi xã hội tôn vinh họ và trao cho nhiều quyền lực hơn trong tổ chức và sản xuất âm nhạc. Cho đến ngày hôm nay, cái nghề này ở Việt Nam cũng có thể xếp vào hạng có thu nhập ổn định. Nếu bỏ hết mọi công việc âm nhạc khác đi, chỉ tập trung vào sản xuất beat nhạc đệm thì mỗi tháng có thể kiếm được từ khoảng 20 đến 100 triệu, tùy theo thương hiệu của mỗi người.
Tuy vậy, lực lượng sản xuất, những người nắm một phần lớn các sản phẩm trong tay, luôn có xu hướng đòi hỏi vị trí xứng đáng của mình. Đến một thời điểm gần trong tương lai, các tác giả ca khúc không nhạc đệm sẽ già, về hưu hoặc rời bỏ ưu thế trong làng nhạc Việt thì nhóm sản xuất phần đệm sẽ nắm lấy cơ hội và thay thế vị trí đó ngay. Thực tế là hiện nay, nhiều người có uy thế ở trong các tổ chức cơ quan và ngoài thị trường âm nhạc có xuất phát điểm thuộc nhóm làm phần nhạc đệm.
Ở các nước có thị trường âm nhạc văn minh tiến bộ, chẳng có nhiều song writer không thể hòa âm hoặc không thể làm phần đệm cho ca khúc của mình, các ca sĩ thích làm theo cách riêng nên mới phối lại các ca khúc theo yêu cầu của họ. Do vậy không có một thế hệ hùng hậu các nhà sản xuất beat như ở Việt Nam, tôi tin rằng khi nào âm nhạc Việt Nam khuất triển thì uy thế của nhóm này sẽ bị giảm xuống đúng mức của nó.
Một mặt thì những người làm beat sequencer, xem nhẹ, thậm chí lên án nền ca khúc quần chúng không hoà âm... Mặt khác thì chính họ lại hưởng nhiều lợi lạc từ đó. Các bạn hãy tưởng tượng rằng đến khoảng 20 năm nữa chẳng hạn, khi các tác giả sinh ra sau hoà bình (được có cơ hội học đầy đủ hơn) sẽ tự biết hoà âm và làm phần đệm một cách ngon lành, thì nhóm làm nhạc beat bây giờ sẽ ra sao? Tôi nghĩ họ sẽ phải giảm giá, mất việc, chuyển nghề... Do đó, việc các ca sĩ và các tác giả ca khúc tôn trọng beat maker là việc tốt lành mà ta hãy đón nhận vì sự lao động của mình, nhưng đừng tìm cách lên ngôi hay tìm cách hạ thấp vai trò của họ, và đặc biệt là đừng đẩy vai trò của cái beat sequencer của mình lên quá cao!
Nếu ước đoán của tôi là đúng thì các bạn hãy chuẩn bị cho mình một công việc mới, nếu 20 năm nữa bạn vẫn cần có công việc lao động để sống mà không cần bổng lộc của nhà nước.