Nhạc thể nghiệm Việt gõ cửa thị trường
Một nhóm nhạc sĩ thuộc dòng nhạc thể nghiệm tự bỏ tiền túi tổ chức các đêm nhạc định kỳ, mong mở cánh cửa thị trường trong nước cho dòng nhạc vốn được mặc định là khó nghe và dành cho người nước ngoài. Họ tự hào trong lĩnh vực nhạc thể nghiệm, Việt Nam không thua các nước phát triển.
Nhạc thể nghiệm Việt bao giờ bước ra ánh sáng?. Ảnh: N.M.Hà.
Khán phòng gần trăm mét vuông tối thui, ngoại trừ bốn ngọn đèn rọi xuống chiếc bàn rộng phủ khăn đen. Trên có 3 laptop và các loại máy móc không rõ tên, có cái trông cũng phím piano, dây nhợ loằng ngoằng cắm khắp nơi. Độ hai chục người trẻ ngồi quanh xì xào, không khí giống như một quán bar vắng vẻ nào đó. Đột nhiên một người trong số họ tiến đến đụng vào mấy thứ máy móc kia. Âm thanh nổi lên. Buổi hòa nhạc đầu tiên trong loạt chương trình Thế giới Âm thanh (World of Sounds) bắt đầu.
Bản nhạc đầu tiên không đến nỗi khó nghe, có thể liên tưởng đến nhạc điện tử dùng để nhảy (EDM). Ngoài việc vặn xoáy các thứ nút, nghệ sĩ dùng một cái linh. Tiếng của nhạc cụ này tất nhiên sau đó được biến hóa đi hòa vào “bản âm thanh” nhằng nhịt. Độ “hoành tráng” tăng dần lên. Bản nhạc thứ hai gần với không gian của công xưởng hơn. Ngoài sử dụng một cái cồng, nghệ sĩ này chỉ dùng laptop. Có thể thấy anh chỉnh các đường đồ thị gì đó trên màn hình và âm thanh theo đó cũng biến đổi. Tuy nhiên tổng thể vẫn có sự nhịp nhàng nghe được. Một vài khán giả thể hiện sự hưởng ứng cũng gần giống như với nhạc bình thường, giật giũ, lắc lư, nhịp tay theo… Cũng có khán giả (nước ngoài) lặng lẽ bước vào, lặng lẽ ngồi một lúc, rồi lặng lẽ đi ra. Tiết mục cuối do 4 nghệ sĩ cùng hòa tấu. Trong đó có thể nghe thấy giai điệu của một bản vọng cổ đã được làm biến dạng đi.
Lượng khán giả ở lại khi chương trình kết thúc chỉ nhỉnh hơn nghệ sĩ biểu diễn tí ti. Điều khác biệt và có lẽ đáng khâm phục là việc khán giả quá vắng có vẻ không hề ảnh hưởng đến các nghệ sĩ. Họ vẫn tập trung cao độ và có biểu hiện “phê” khi chơi với âm thanh. Mức độ thể nghiệm của đêm nhạc ở mức chấp nhận được, chưa vượt ngưỡng chịu đựng của đa số người nghe. Điều này phần nào thể hiện sự biến đổi, điều chỉnh của nhạc thể nghiệm, không sa vào các kiểu trình diễn gây sốc, dùng các âm thanh chát chúa, kỳ quái như thời mới du nhập vào Việt Nam. Còn sự vắng khách hoàn toàn dễ hiểu vì Thế giới Âm thanh được tổ chức chớp nhoáng và không hề được truyền thông rộng rãi.
Các nghệ sĩ do Vũ Nhật Tân “cầm đầu” tự bỏ tiền túi tổ chức 4 đêm nhạc tại Hà Nội. Họ dự định một tháng sẽ chơi nhạc một lần ở Hà Nội, hoặc nếu có thể TPHCM. Mục đích là tự tạo ra một thị trường nội địa, nơi nghệ sĩ Việt chơi nhạc thể nghiệm Việt cho khán giả Việt, không còn lệ thuộc vào nhà tài trợ hoặc khán giả nước ngoài. Tân khẳng định: “Về mặt nghề mình tự tin rồi. Nghệ sĩ thể nghiệm Việt Nam bây giờ rất cứng, trình độ cao, không thua kém Nhật, Mỹ hoặc châu Âu. Chẳng qua mình không có thị trường nội địa”. Anh cho hay việc xin tài trợ từ các tổ chức nước ngoài giờ đây cũng không dễ như trước.
World of Sounds có buổi trình diễn 20h 14/3 cùng nghệ sĩ Đào Anh Khánh tại studio của anh tại Ngọc Thụy, Long Biên. Tối 19/3, các nghệ sĩ tiếp tục trình diễn và hội thảo tại Hầm Hành 170- Đội Cấn, Hà Nội.
Nguyễn Hồng Giang, nghệ sĩ trẻ nhất đêm nhạc, vừa trở về từ Asian Meeting Festival tại Nhật Bản tháng 2 vừa qua cùng những thông tin tích cực. Nhạc thể nghiệm đã được các nghệ sĩ Nhật Bản khai phá từ những năm 1970. Có những nghệ sĩ nay ở tuổi 50 vẫn chơi nhạc hàng ngày, không nổi tiếng như sao nhưng sống tốt. Các đêm nhạc Giang tham gia trình diễn ở Toko và Kyoto thu hút vài trăm khán giả với giá vé tương đương 600 nghìn đồng. Trong khi tại Hanoi Rock City, khán giả chỉ phải bỏ ra 50 nghìn để đột nhập Thế giới Âm thanh Việt Nam.
Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân - giảng viên bộ môn Sáng tác, Học viện Âm nhạc Quốc gia cho hay anh vẫn lồng nhạc thể nghiệm vào các bài giảng nhưng không được sinh viên quan tâm mấy. Anh nói: “Ngay các bạn học sáng tác cũng chỉ thích viết ca khúc, đi làm hòa âm để ra ngoài kia hát nhạc pop cho nhanh. Tất cả đều muốn nhanh, ra tiền ngay, lấy đâu ra! Ai cũng muốn không học gì, làm luôn. Chẳng biết có thể làm gì nếu không học hành?!”.
Hiện có khoảng hai chục nghệ sĩ theo đuổi nhạc thể nghiệm tại Hà Nội. TPHCM duy nhất Nguyễn Hồng Giang. Nguyễn Hồng Giang đã có 11 năm học piano cổ điển tại Nhạc viện TPHCM, làm nhiều loại nhạc (pop, rock, hip-hop…) trước khi trụ lại với nhạc thể nghiệm. “Với tôi bây giờ, thể loại nhạc không quan trọng nữa. Tôi luôn cởi mở trong sự hợp tác với các nghệ sĩ thuộc các dòng nhạc khác”. Giang đang lên kế hoạch cho một chương trình hội đủ các thể loại âm nhạc từ dance đến thể nghiệm tại TPHCM cuối tháng này. Anh cũng ấp ủ viết một phần mềm để bất cứ ai cũng có thể sử dụng để sáng tạo và thể nghiệm âm nhạc.
(Nguồn: http://www.baomoi.com)