Nhạc khúc ‘Morning mood’ và câu chuyện tình yêu chung thủy của nàng Solveig

28/12/2018

Khúc nhạc Morning Mood (Tâm trạng sớm mai) của vở kịch kinh điển Peer Gynt là một trong những giai điệu cổ điển được dùng nhiều nhất trong các chương trình truyền hình và phim ảnh.

Nhạc nền Peer Gynt của nhạc sĩ đại tài Edvard Grieg viết cho vở kịch nói Peer Gynt của đại văn hào Henrich Ibsen khắc họa về những khung cảnh trữ tình đầy kịch tính của cảnh sắc thiên nhiên và con người Na Uy và những yếu tố của âm nhạc dân gian Na Uy.

Tuy nhiên, khúc nhạc nổi tiếng mở đầu cho Tổ khúc Peer Gynt số 1 của Grieg với tên gọi Morning Mood lại không phải miêu tả cảnh bình minh trên núi đồi Na Uy, mà lại miêu tả cảnh bình minh cũng như tâm trạng của chàng Peer trên sa mạc Ma Rốc nóng bỏng sau khi bỏ rơi nàng Solveigh.

Được viết ở giọng Mi trưởng, sử dụng thang âm ngũ cung cùng giai điệu êm ái đầy nội lực của 2 nhạc cụ bộ gỗ Flute và Oboe. Với độ dài khoảng 4 phút, chắc chắn Morning Mood sẽ đem đến một buổi sáng tràn đầy năng lượng cho người nghe.

Có lẽ một trong những lý do Grieg được mời viết nhạc cho vở kịch kinh điển Peer Gynt của đại văn hào Henrik Ibsen là bởi vì cách ông sử dụng màu sắc âm nhạc dân gian của Na Uy trong tác phẩm của ông.

Vở đại nhạc kịch Peer Gynt rất thành công khi được công diễn, được giới phê bình và khán giả đánh giá cao. Tuy nhiên, Grieg lại không thật sự hài lòng với phần âm nhạc và ông đã trích 8 đoản khúc trong số 23 chương nhạc gốc để tạo ra 2 tổ khúc 4 chương cho dàn nhạc giao hưởng.

Hai Tổ khúc Peer Gynt (số 1 Opus 46 và số 2 Opus 55), được Grieg rút ra từ phần nhạc nền Peer Gynt

Tổ khúc 1 bao gồm: 

–  Tâm trạng sớm mai

–  Cái chết của bà Aese

–  Vũ khúc của Anitra

–  Trong lâu đài của Thần núi

Tổ khúc 2 gồm:

–  Cướp cô dâu và lời than vãn của nàng Ingrid

–  Vũ khúc Ả Rập

–  Peer Gynt trở về quê hương

–  Khúc hát nàng Solveig

Anh chàng tham lam và nàng Solveig chung thủy

Bức tranh hội họa miêu tả Peer và Solveig ở đám cưới được vẽ bởi họa sĩ Arthur Rackham, 1936 (Nguồn ảnh: alamy.com)

Diễn biến, bối cảnh và các nhân vật của vở kịch nói Peer Gynt của Henrich Ibsen lấy từ chuyện dân gian Na Uy.

Câu chuyện kể về một chàng trai nông dân người Na Uy tên là Peer Gynt, hứa hôn với Solveig, một cô gái đoan trang và chung tình.

Nhưng rồi chẳng bao lâu, chàng Peer cảm thấy chỉ mỗi tình yêu say đắm của nàng Solveig thôi vẫn là chưa đủ. Và chàng đã bỏ nàng ở lại để theo đuổi những tình yêu khác.

Bức tranh về nàng Solveig vẫn chung thủy chờ đợi và mong Peer Gynt trở về, vẽ bởi họa sĩ Johannes Behse (Nguồn ảnh: Artnet.com)

Và chàng đã quyết định sang tận Phi Châu làm giàu và sống cuộc sống phóng túng đến độ phá sản và phải ở nhờ trong trại tế bần ở Cairo.

Trong những ngày dài lang thang và tàn tạ ấy, Peer mơ thấy nàng Solveig vẫn chung thủy chờ đợi và mong chàng về với quê hương với nàng.

Peer trở về quê hương Na uy của mình, nhưng gần đến quê nhà thì tàu đắm; khi vớt lên thì chàng hấp hối trong vòng tay của nàng Solveig.

Trước khi Peer trút hơi thở cuối cùng, Solveig lại hát cho chàng nghe khúc hát chờ mong ... “Hành trình của anh đã kết thúc, anh Peer à, Cuối cùng anh đã hiểu được ý nghĩa cuộc đời. Hạnh phúc của anh là ở nơi đây, trên quê hương mình, chứ không phải là chạy theo những giấc mộng phù du khắp nơi trên thế giới”.

Edvard Grieg thường xuyên chơi nhạc trên núi

Edvard Grieg (1843-1907) được đánh giá là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của đất nước Na Uy.(Nguồn ảnh: norwaylife.ru)

Người ta cũng thường tự hỏi tại sao một đất nước từng không có nền tự do, cũng không có truyền thống âm nhạc lâu đời lại có thể sản sinh ra một thiên tài như vậy. Và Grieg đã từng nói như sau: 

“Những nhạc sĩ như Bach hay Beethoven đã tạo dựng nên những đền đài vĩ đại của nghệ thuật. Còn tôi, tôi chỉ muốn xây những căn nhà cho người dân của tôi ở, và họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và thoải mái vì được sống trong chính ngôi nhà của mình”.

Đúng như những gì ông nói, âm nhạc của ông thật gần gũi và ấm áp. Người viết tiểu sử đầu tiên về Grieg, Aimer Gronvold đã kể rằng: “Grieg có một căn lều gỗ ở gần vịnh Lofthus, ông vẫn đến sống ở đó vào mùa hè, đôi khi cả mùa đông nữa, để tìm kiếm sự yên tĩnh và thanh bình phục vụ cho công việc sáng tác.

Giữa cái sân khấu hùng vĩ và khoáng đạt của tự nhiên, Grieg đặt một cây đàn piano và bàn viết, ông chơi nhạc giữa núi rừng, giữa muông thú, âm nhạc của ông đến từ những tình cảm sâu sắc nhất về làng quê nông thôn Na Uy.”

Để tìm sự yên tĩnh cho sáng tác, Grieg tìm riêng cho mình một ngôi nhà trên núi (Ảnh minh họa: picturesboss.com)

Grieg đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, được yêu thích trên toàn thế giới như: Piano Concerto giọng La thứ, Tổ khúc giao hưởng “Peer Gynt”, Sonata cho Violin và Piano, Tổ khúc “Holberg”, tiểu phẩm cho dàn nhạc mang tên “Mùa xuân cuối cùng”…

Edvard Grieg mất vào mùa thu năm 1907 ở tuổi 64 sau một thời gian dài bệnh tật. Lời cuối của ông là “Tốt, nếu nó phải như thế”. Đã có hơn ba vạn người ở quê nhà Grieg đã đổ xô ra đường để tham dự đám tang của ông.

Tchaikovsky đã viết về Grieg: “Âm nhạc của Grieg giàu chất thương cảm đắm đuối, mang trong mình vẻ đẹp của thiên nhiên Na Uy, khi thì ảm đạm, khiêm nhường, khi thì hùng vĩ, tráng lệ, có một sức quyến rũ không tả xiết, và luôn tìm thấy trong mỗi chúng ta một lời đáp đồng tình nồng nhiệt”.

(Nguồn: https://www.dkn.tv)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...