Nhạc hàn lâm: "Ai có thể gieo đam mê trên những thửa ruộng cằn?"

10/12/2015

Hết xuống phố, lại vào nhà, nhạc cổ điển đã có thêm nhiều ô cửa, nhưng vẫn chưa đủ ánh sáng, để có thể gieo đam mê trên những thửa ruộng cằn – nói như lời của nghệ sĩ violon tài hoa Xuân Huy.

Thêm nhiều ô cửa

Vừa qua, ban tổ chức chương trình Luala concert công bố dự án sẽ chạy tiếp, sau một năm tạm dừng. Nhạc cổ điển chơi ở phố sẽ lại tạo ra những cuộc hội ngộ mỗi Chủ nhật từ tháng 11. Dự án tiếp tục bởi những nghệ sĩ trẻ hơn (lần đầu tiên có thêm nghệ sĩ nước ngoài), tác phẩm được chọn biểu diễn cũng thiên về phục vụ người trẻ, thậm chí là trẻ em. Vậy là mong muốn đưa nhạc hàn lâm ra phố không “chết yểu” như bao người lo lắng: Luala concert hiện đang bước qua mùa thứ 6, không bội thu rực rỡ, nhưng mỗi khi xuất hiện luôn giữ được vẻ đẹp vốn có của riêng mình.

Song song với dự án “mang nhạc cổ điển ra phố”, người tư vấn và thực hiện chương trình này trước đây - nghệ sĩ violon Xuân Huy - vừa hé lộ dự án “mang nhạc hàn lâm... vào nhà”. Ấy là cách anh gọi khi tổ chức chuỗi chương trình Men nhạc - A’bunadh concert vào tối thứ Bảy ở một không gian âm nhạc ấm cúng hơn - tại 13 Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Khán phòng mỗi đêm chỉ chứa được chừng 50 khách. Xuân Huy và những người bạn đã tạo ra không gian giao lưu nồng ấm giữa nghệ sĩ và khán giả. Ở đó, nhạc hàn lâm không xa vời vợi nữa, người thưởng thức có thể lên sân khấu bắt tay và trao đổi về từng bản nhạc nghệ sĩ vừa trình diễn.


Nghệ sĩ Xuân Huy và một đồng nghiệp say mê trong không gian mới của A’bunadh concert

Xuân Huy cho rằng, anh đã “đời sống hóa” thứ âm nhạc xưa nay người ta vốn coi như một tôn giáo này. Cũng tại không gian đó, các nghệ sĩ cổ điển không phải giữ hình ảnh trang trọng cúi chào và bước vào cánh gà nghiêm ngắn, họ thậm chí có thể “xin câu giờ” để được biểu diễn thêm vài bài. Và có những đêm, khi giờ diễn đã kết thúc, các nghệ sĩ vẫn cứ hát, chơi đàn rồi ôm nhau hạnh phúc trong tiếng vỗ tay của khán giả. Xuân Huy bảo: “Chỉ cần một người nghe, chúng tôi cũng sẽ diễn hết mình”.

Mới nhất, nghệ sĩ violon tài hoa này lại vừa vui mừng chia sẻ về một chương trình liên quan đến nhạc cổ điển mang tính quốc tế mà anh chuẩn bị trình làng khán giả Việt Nam vào đầu 2016 tới.

Bên cạnh những chương trình khác biệt như đưa nhạc cổ điển về nhà hay ra đường phố, trong khuôn khổ các chương trình hợp tác, Nhạc viện Quốc gia Việt Nam cũng mới tổ chức thành công Festival âm nhạc Việt - Mỹ vào tháng 8/2015.

Bằng nhiều cách, những nghệ sĩ giàu tâm huyết như Xuân Huy, Bùi Công Duy muốn tạo ra thêm không gian cho nhạc cổ điển.

Vẫn thiếu ánh sáng

Trong một cuộc trò chuyện bên lề, Xuân Huy từng chia sẻ, hiện chúng ta có rất nhiều “tài nguyên” đang bị bỏ phí. Trong giới nghệ sĩ làm nhạc cổ điển, chỉ tính những người đứng ở top đầu mỗi ngành, riêng ở Hà Nội, cũng lên tới hàng trăm. “Nhưng nghệ sĩ cổ điển… rất đói. Không phải đói tiền, mà là đói tiếng vỗ tay, và không gian biểu diễn” - Xuân Huy bộc bạch. Anh cho rằng, “Cái đói về vật chất thực sự chúng tôi có cách để bù lại, nhưng khi người làm nghề đói tiếng vỗ tay, thì cảm giác bất lực rất kinh khủng”.

"Nghệ sĩ cổ điển rất đói. Không phải đói tiền, mà là đói tiếng vỗ tay, và không gian biểu diễn"

Mong muốn tạo ra những không gian mà ở đó người nghệ sĩ có thể mang sự học của mình ra để thi triển, những người như Xuân Huy đã trăn trở nhiều năm, tìm nhiều con đường để tạo ra những không gian biểu diễn riêng cho âm nhạc cổ điển. Và thỉnh thoảng trên hành trình đó, họ gặp những người đồng chí hướng.

Nếu như doanh nhân Đỗ Ngọc Minh khi làm Luala concert chỉ mong, một người qua đường khi dừng lại góc phố xem biểu diễn, họ sẽ giữ được mãi trong lòng một cảm xúc đẹp về Hà Nội, hoặc chương trình sẽ giúp ai đó yêu âm nhạc hơn, thì bà Như Xuân Hương, Mạnh Thường Quân của Men nhạc - A’bunadh concert lại hi vọng sẽ tạo ra một thói quen thưởng thức âm nhạc thực sự cho khán giả thủ đô. Còn Xuân Huy làm mọi việc đơn giản vì câu hỏi: “Nếu bây giờ không làm thì sẽ là bao giờ?”. Và nếu không làm từ những việc nhỏ thì bao giờ mới hi vọng làm được việc lớn? “Ao ước của tôi chỉ là muốn tạo ra một thói quen thưởng thức, để ngày càng có nhiều người thấy thưởng thức nghệ thuật cũng quan trọng như những nhu cầu thiết yếu khác của con người”.

Người nghệ sĩ tài hoa có một nỗi lo khi làm công việc dạy học cho các em nhỏ: “Tôi sợ các em một ngày sẽ hỏi: Học cái đấy để làm gì?”.

Còn một nghệ sĩ chơi ở A’bunadh concert thì bảo: “Thế hệ con em chúng ta sẽ thế nào, nếu chỉ có nhạc Hàn, nhạc Mỹ?”.

(Nguồn: https://vnn.online)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...