Nhạc dân tộc ta ơi!
- Lâu dần thành quen những chuyện như tây sang ta nhặt rác, giữ trật tự giao thông… Thậm chí có người còn nghĩ đó là việc của tây, “nghĩa vụ quốc tế” của họ. Thế mới chán cho người mình, bác ơi!
- Chuyện rác còn nhỏ như cọng rác. Chuyện mới là ở Lãnh sự quán Mỹ tại Hà Nội gần đây có nhiều bạn trẻ - đa số đang là sinh viên - đến “nhà người Mỹ” nghe giảng về nhạc dân tộc Việt Nam. Có nhiều người đến Lãnh sự quan Mỹ mới phân biệt được thế nào là đàn bầu, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn đáy…
- Mỹ họ dạy ta như ở khoa dân tộc nhạc viện?
- Không hẳn thế, có một người Việt được giải âm nhạc Mỹ tên là Võ Vân Ánh giảng, chị này đã viết và chơi đàn tranh cho một bộ phim Mỹ, cùng người Mỹ làm chương trình này. Chị còn cùng một số người làm chương trình Music Bridge (Nhịp cầu âm nhạc) và đang tổ chức quỹ thường niên xóa mù nhạc dân tộc, dạy bằng tiếng Anh.
- Bao giờ có ai ở Việt Nam sang dạy nghe giao hưởng bằng tiếng Anh hở bác? Lớp trẻ của Mỹ, em theo dõi qua tivi họ chỉ nhảy nhót, hát nhạc hiện đại là chính.
- Tớ không biết!
- Thực ra em cũng không biết nhiều về nhạc dân tộc hơn mấy cô chú sinh viên kia đâu, nhưng nghe nói các nhạc sĩ hàng đầu như Đỗ Hồng Quân, Nguyên Lê, Quốc Trung, Đỗ Bảo… đã nhận lời tham gia “chấm” bài cho cuộc vận động của Music Bridge sáng tác cho các nghệ sĩ chơi đàn dân tộc.
- Như thế là họ chơi kiểu “bình cũ rượu mới” đấy chứ ạ!
- Chơi kiểu gì cũng được, miễn là phát huy được hết truyền thống âm nhạc dân tộc. Người Mỹ cũng… khá và chơi được đấy (!). Tớ nhớ chuyện bác Trần Văn Khê sang Mátxcơva cách đây lâu lắm, vào bảo tàng thấy cây đàn bầu Việt Nam trong tủ kính với dòng chữ Nga: “Đàn KINHTANG, nhạc cụ dân tộc Việt Nam”. Ông thầy nhạc dân tộc Việt tá hỏa, nhưng nhìn kỹ hàng chữ Việt khắc trên đàn mới thấy: “Đàn bầu, nhạc cụ dân tộc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam kính tặng”. Chữ ''kính tặng'' viết to hơn nên người Nga tưởng là tên đàn. Bây giờ đến lượt Mỹ dạy “đàn mình cho ta”, nghĩ về tương lai âm nhạc dân tộc Việt Nam thấy còn tù mù quá…
(Nguồn: http://www.baomoi.com)