Nhạc cổ điển trong thời đại nhạc Pop
Cuối tháng Tư vừa qua, nhà phê bình âm nhạc của New York Times, Wall Street Journal và giảng viên cao học tại Trường Juilliard (New York) - Greg Sandow - đã có buổi trò chuyện trực tuyến với khán giả Việt Nam về chủ đề "Nhạc cổ điển đang hấp hối?: Số phận của nhạc cổ điển trong thời đại nhạc Pop".
Một nhóm nghệ sĩ trẻ biểu diễn nhạc cổ điển tại ga tàu điện ngầm New York Penn Station.
Dưới đây là nội dung cuộc đối thoại do nghệ sĩ piano Trang Trịnh điều phối.
Tại sao tôi cần phải nghe nhạc cổ điển?
Chẳng có lý do gì để bạn phải nghe nhạc cổ điển. Tôi không tin âm nhạc cổ điển tuyệt vời hơn thể loại âm nhạc khác. Tôi không tin rằng bất kỳ ai là kém cỏi nếu không nghe âm nhạc cổ điển.
Dù vậy, cuộc sống có rất nhiều điều tuyệt vời, và chúng ta nên thử vì âm nhạc cổ điển là một trong những điều tuyệt vời đó. Âm nhạc cổ điển cũng là một phần gia sản mà chúng ta nhận được từ quá khứ, từ các nền văn hóa khác nhau.
Các dàn nhạc cổ điển được cấu thành từ các nhạc cụ cổ điển đã có hàng trăm năm phát triển. Khi cùng cất tiếng, chúng đem lại vô số âm thanh và cảm xúc tuyệt vời. Và trong âm nhạc hiện đại, người ta vẫn dùng các nhạc cụ cổ điển rất nhiều.
Rất nhiều người trẻ tuổi ở Việt Nam không nghe nhạc cổ điển, họ cho rằng đó là âm nhạc cho người lớn tuổi. Tôi thấy hơi ngạc nhiên là ở phương Tây cũng có nhiều người trẻ nghĩ như vậy. Ông có thể cho tôi biết vấn đề chung mà âm nhạc cổ điển trên thế giới gặp phải trong việc truyền bá cho công chúng?
Theo như tôi được biết, thì không có quá nhiều buổi diễn nhạc cổ điển ở Việt Nam. Ở phương Tây, có rất nhiều các buổi hòa nhạc thường xuyên được tổ chức, và thường là chật kín chỗ. Thoạt tiên nhìn thì tưởng là không có vấn đề gì ở phương Tây. Nhưng sự thực là các buổi biểu diễn ngày một ít đi và khán giả ngày một lớn tuổi hơn. Chúng tôi rất thiếu các khán giả trẻ quan tâm đến nhạc cổ điển.
Trước kia thì các buổi hòa nhạc có thể là 95% kín chỗ. Nhưng hiện giờ chỉ còn 85% kín chỗ. Chính việc bán được ít vé đi đã khiến các tổ chức hòa nhạc cổ điển gặp nhiều vấn đề về kinh tế. Tóm lại, âm nhạc cổ điển không còn nhiều khán giả như xưa. Và chưa kể là âm nhạc cổ điển không thay đổi nhiều dù xã hội xung quanh đã biến chuyển rất nhiều.
Vợ tôi cũng là một nhà phê bình âm nhạc có tiếng, đáng buồn là những khán giả đến nói chuyện với bà thường là những người đã 70 tuổi rồi.
New York là trung tâm của giới nhạc cổ điển ở Mỹ, dù vậy hiện nay nhiều nghệ sĩ nhạc cổ điển đã không thể sống ở New York được nữa vì thiếu việc làm.
Nhiều tác phẩm thuộc âm nhạc cổ điển được sáng tác ra từ rất lâu rồi, có phải đó là lý do nó không còn sức hút với khán giả hiện nay?
Tôi cũng đồng ý rằng vì các tác phẩm thuộc dòng nhạc cổ điển được trình diễn thường xuyên là tác phẩm của quá khứ khá xa xôi nên dễ gây ra sự khó khăn trong việc tiếp cận với khán giả.
Cũng như đọc sách vậy, ta có thể đọc nhiều sách văn học cổ điển nhưng cùng lúc vẫn đọc các tác phẩm hiện đại. Âm nhạc cũng vậy. Nhiều người thắc mắc tại sao ta cứ phải quan tâm quá nhiều đến các tác phẩm âm nhạc có từ rất xưa rồi.
Như Beethoven, ông là một nhà soạn nhạc tuyệt vời. Nhưng bạn cũng có thể hỏi là, thế những nhà soạn nhạc tuyệt vời ngày hôm nay thì sao, sao ta không quan tâm tới họ.
Chúng ta đang thiếu sự quan tâm đến các bản thu âm tác phẩm đương đại cho dòng nhạc cổ điển, dù hiện giờ vẫn có nhiều nhạc sĩ tiếp tục sáng tác cho thể loại này.
Tôi có cảm giác nhiều người nghe nhạc cổ điển khá tự cao. Họ cho rằng những người không nghe nhạc cổ điển là những người thiếu văn hóa, thiếu học thức. Ông thấy ý kiến này ra sao?
Tôi muốn nói với bạn rằng tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến này. Đó là một thái độ hết sức tồi tệ với những người yêu nhạc khác. Tôi không nghĩ rằng bất cứ người yêu nhạc cổ điển thực sự nào lại có thái độ như thế với mọi thể loại âm nhạc khác và những người nghe các dòng nhạc khác.
Tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề riêng trong phạm vi âm nhạc, mà còn là trong cuộc sống nói chung. Ta phải tôn trọng ý kiến và sở thích cá nhân của người khác. Tôi rất ghét những người cho rằng ý kiến của mình là cao quý và những người khác là thấp kém.
Và tôi cũng muốn nói rằng, âm nhạc cổ điển là một trong những thể loại tôi yêu thích nhất. Nhưng cũng có những ngày tôi chỉ thấy dễ chịu khi nghe Bob Dylan thôi.
Các buổi hòa nhạc cổ điển nhiều khi đem lại cảm giác bí bách. Có những nhà soạn nhạc tôi chưa bao giờ nghe tên. Có những tác phẩm tôi chẳng thể hiểu tên. Tôi nghĩ nên đơn giản hóa cách đặt tên và cách giới thiệu các tác phẩm cổ điển.
Cám ơn bạn. Đó là ý kiến rất hay và tôi đồng ý với bạn. Mỗi khi Beyoncé phát hành đĩa nhạc, cô ấy thường đặt một cái tên rất thú vị, ai cũng bị cuốn hút bởi cái tên ấy.
Với nhạc cổ điển thì khá nặng nề, khi chúng ta tổ chức hòa nhạc, biểu diễn bản Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ, opus số 125 của Beethoven, người bình thường sẽ choáng váng khi thấy cái tên dài dằng dặc đó. Họ không hiểu nổi tiêu đề. Họ sẽ không muốn đến một buổi hòa nhạc mà ngay từ đầu họ đã cho rằng họ không thể hiểu nổi tác phẩm.
Opera thì dễ tiếp cận hơn, với các cái tên dễ nhớ hơn, như Carmen hay Tosca. Có lẽ chúng ta cũng nên làm như vậy với mảng khí nhạc, đặt những cái tên dễ nhớ hơn cho các buổi hòa nhạc cổ điển.
Một phần của vấn đề hiện giờ với âm nhạc cổ điển có phải vì báo chí và truyền thông không đầu tư đầy đủ và quan tâm đúng mức về thể loại này?
Nếu như bạn xem New York Times, bạn sẽ thấy một mục riêng về âm nhạc cổ điển. Nhưng lẽ dĩ nhiên người ta sẽ viết nhiều về những thể loại nhiều người muốn đọc hơn.
Ở New York Times có một đội chừng sáu người viết về nhạc cổ điển. Vậy tức là vẫn có công chúng cho thể loại này. Nhưng sự thực là khán giả đến với nhạc cổ điển trên tờ New York Times đã giảm đi đáng kể. Các tờ báo sẵn sàng trả lời giới nghệ sĩ cổ điển rằng khán giả của họ không quan tâm tới nhạc cổ điển nên họ sẽ không viết về dòng nhạc này.
Bạn cho rằng các nghệ sĩ cổ điển còn thiếu đầu tư cho truyền thông và tìm cách khiến buổi biểu diễn của họ đem lại nhiều điều mới lạ và thu hút, tôi rất đồng ý. Các nghệ sĩ chỉ còn cách nỗ lực và sáng tạo để thu hút quan tâm của công chúng thôi.
Liệu giáo dục âm nhạc có giúp cải thiện tình trạng này?
Tôi không nghĩ giáo dục âm nhạc là tận gốc vấn đề. Nếu không có người nghe thì tại sao nhà trường lại muốn đầu tư vào giáo dục âm nhạc cổ điển? Họ sẽ lấy đâu ra tiền để chi trả cho các giảng viên? Cũng chẳng có gì đảm bảo rằng được đào tạo âm nhạc cổ điển từ bé thì lớn lên bạn sẽ tiếp tục nghe nhạc cổ điển. Tôi nghĩ rằng thiếu giáo dục âm nhạc cổ điển không phải là nguyên nhân dẫn tình trạng hiện giờ, mà đó là kết quả của việc thiếu quan tâm đến âm nhạc cổ điển từ bậc cha mẹ và công chúng.
Nếu chất lượng và số lượng công chúng giảm sút, thì số lượng và chất lượng nghệ sĩ có giảm sút hay không?
Tình trạng chung cho nghệ sĩ cổ điển là ngày một khó khăn để có thể sống nhờ âm nhạc cổ điển. Nhưng một điều thú vị là vẫn có rất nhiều người trẻ tuổi theo học âm nhạc cổ điển. Như ở Học viện Juilliard mà tôi đang giảng dạy, số lượng sinh viên vẫn rất đông, không hề giảm sút. Nhưng tôi biết chắc chắn, điều đó không có nghĩa là nhiều người thích nghe nhạc cổ điển hơn. Nhiều sinh viên của tôi nói bạn bè họ không thích nghe nhạc cổ điển.
Tôi nghĩ lý do để rất nhiều sinh viên tiếp tục theo học nhạc cổ điển là vì từ bé họ đã được bố mẹ hướng cho theo dòng nhạc này. Và họ còn giữ được tình yêu với âm nhạc cổ điển tới giờ. Các nghệ sĩ trẻ này đều là các nghệ sĩ tuyệt vời. Nhưng họ luôn lo lắng là không biết mình sẽ làm gì sau khi ra trường.
Có nên mở các khóa "truyền bá" nhạc cổ điển trong các học viện âm nhạc?
Tôi đồng ý là nên có các khóa học như vậy. Hiện giờ cũng có các khóa học về kinh doanh cho các nghệ sĩ trẻ tại Mỹ, để họ biết cách làm sao để sống được bằng âm nhạc.
30 năm trước, nếu bạn ra trường và chơi nhạc rất tốt, sẽ có người tự đến tìm bạn và giới thiệu việc làm cho bạn. Các nghệ sĩ trẻ hiện giờ thì ngược lại, họ phải tự nghĩ cách quảng bá bản thân, tổ chức hòa nhạc và bán vé.
Tại các nhạc viện ở Mỹ, trước kia khi các nghệ sĩ trẻ biểu diễn, họ thường chỉ mời bạn bè, người thân. Nhưng giờ họ phải tự tìm cách mở rộng khán giả, mời nhiều người hơn nữa tới hòa nhạc của mình. Như vậy sẽ có ích cho họ rất nhiều sau khi ra trường.
Trường Juilliard có một khóa học đặc biệt, tại đó bàn luận về việc tìm các nơi biểu diễn âm nhạc dân dã, không nhất thiết cứ phải là tại phòng hòa nhạc. Giáo sư nói với sinh viên: "Hãy ra trung tâm New York và tìm những nơi có thể tạm thời sử dụng để biểu diễn âm nhạc." Sinh viên thường kêu than một hồi nhưng sau vài tiếng họ đã tìm được ngay vị trí yêu thích.
Tôi cảm thấy không có nhiều nghệ sĩ nhạc cổ điển tham gia vào các buổi nói chuyện như thế này. Con gái tôi cũng là nghệ sĩ nhạc cổ điển nhưng con bé thấy rất khó khăn khi phải tiếp xúc với các vấn đề xã hội. Theo ông, có phải cách biệt về giao tiếp xã hội giữa nghệ sĩ nhạc cổ điển và người nghe đã dẫn đến việc âm nhạc cổ điển ngày một xa rời công chúng?
Tôi nghĩ rằng nhiều nghệ sĩ cổ điển có khoảng cách khá xa với xã hội. Có lẽ họ vẫn quen với phong cách cũ, đó là tổ chức nhạc cổ điển theo cách thức nghiêm túc truyền thống. Nhưng tôi cũng thấy có nhiều nghệ sĩ trẻ quan tâm tới các vấn đề xã hội như là làm sao để thu hút công chúng nhiều hơn. Họ cũng tham gia thảo luận với nhau về cách làm trẻ hóa âm nhạc cổ điển.
Niềm hy vọng của chúng ta bây giờ chính là các nghệ sĩ trẻ, những người năng động muốn tiếp cận khán giả theo cách thức thân thiện hơn, khiến khán giả cảm thấy họ cũng được sống với tác phẩm và các buổi biểu diễn.
Bạn có thể không biết rằng có nhiều nghệ sĩ trẻ đang trình diễn âm nhạc cổ điển theo nhiều cách mới, trẻ trung hơn tại các hộp đêm hay quán bar, thay vì các khán phòng nghiêm trang. Họ chính là tương lai của âm nhạc cổ điển. Những người tìm tòi cách đi mới và thân thiện hơn truyền thống rất nhiều.
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)