Nhạc cổ điển - những mảnh ghép sắc màu

11/05/2020

Đang mùa dịch mà được nhâm nhi đọc sách, nghe nhạc, khám phá thế giới của cái hay, cái đẹp, cái thánh thiện - đó là những gì cuốn “Nhạc cổ điển - những mảnh ghép sắc màu” có thể đem đến cho bạn và cả gia đình. Phải, tôi có thể tự tin nói rằng, cuốn sách phù hợp với mọi lứa tuổi, cho cả người sành nhạc và người không chuyên, miễn là bạn muốn trang bị cho mình thêm kiến thức.

Gần gũi “hơn mức bạn tưởng tượng”

Xưa nay nhiều người cho rằng nhạc cổ điển là khó, là xa vời, mình có nghe thì cũng như “đàn gẩy tai trâu”! Một số người lại nghĩ nhạc cổ điển được ca ngợi nhiều thế, tại sao mình lại chẳng hề hay biết gì! Cuốn sách Nhạc cổ điển - những mảnh ghép sắc màu của nhóm tác giả NA9 biên soạn, Lê Ngọc Anh chủ biên, chính là một sự đáp lại những người này và đáp ứng những người kia. Trong lời nhắn nhủ bạn đọc, các tác giả muốn trấn an rằng, “những giai điệu nhạc cổ điển gắn bó với cuộc sống thường ngày hơn mức bạn tưởng tượng!”, và khẳng định: “Mọi sắc màu phong phú của cuộc sống, bạn đều có thể tìm thấy trong các tác phẩm âm nhạc cổ điển”.

Cuốn sách giúp khám phá thế giới nhiều sắc màu của nhạc cổ điển một cách dễ dàng

Với tinh thần ấy, cuốn sách đem đến cho bạn đọc một hình thức tiếp cận rất dễ “vào”. Đó là thông qua chính các tác phẩm để bạn tự tìm hiểu và thuyết phục mình rằng, quả thật, nhạc cổ điển rất hay và gần gũi. Các bản nhạc ấy có thể coi là những mảnh ghép của một bức tranh có sức khơi gợi hơn là bao quát. Bởi vì, với hơn 150 trang in, tất cả những gì được nói đến ở đây chỉ là một phần rất nhỏ trong thế giới bao la của âm nhạc cổ điển mà người ta khó bao giờ có thể đi đến cùng.

Cuốn sách được chia thành 9 phần với các chủ đề khác nhau: Du ngoạn và phiêu lưu, Những lễ hội, Bốn mùa phù hợp, Chuyện loài vật, Niềm vui thơ ấu, Vũ điệu và hành khúc, Tình yêu xứ sở, Những cảnh quan ngoạn mục, và Những khúc khải hoàn. Mỗi phần được minh họa thông qua bốn tác phẩm cụ thể, như với phần 1 - Du ngoạn và phiêu lưu - là “Phiên chợ Ba Tư”, Tổ khúc giao hưởng Scheherazade, Giao hưởng “Đồng quê”, “Bài ca trên mặt nước”; với phần 5 - Niềm vui thơ ấu - là Hát ru, Góc trẻ thơ, Những khung cảnh ấu thơ, Peter và chó sói…

 Điều thú vị là chỉ với 36 tác phẩm, bạn đọc đã có thể làm quen với giao hưởng và sonate, tứ tấu và ngũ tấu, tổ khúc và hành khúc, lied và étude, rhapsody và concerto (những thuật ngữ mà bạn sẽ sớm quen thôi)… Đồng thời qua 36 tác phẩm đó, bạn cũng sẽ có dịp tìm hiểu về các nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới, những tên tuổi lẫy lừng như Mozart, Haydn, Schubert (Áo), Beethoven, Brahms, Mendelssohn (Đức), Vivaldi, Paganini (Italy), Debussy, Ravel (Pháp), Tchaikovsky, Prokofiev (Nga), Liszt (Hungary), Smetana (Séc), Chopin (Ba Lan)… Đọc về họ, tìm hiểu rồi nghe các tác phẩm của họ, bạn sẽ thấy tất cả sao mà gần gũi, thân quen, thật khác xa những gì bạn vẫn nghĩ trước khi chịu trải lòng đến với họ. Bởi những gì được nói đến trong cuốn sách và gợi ý để bạn đi tiếp, thật giản dị, dễ hiểu và nhiều sức khơi gợi.

Cuộc du hành của tưởng tượng

Xin nêu vài thí dụ. Nhà soạn nhạc Chopin sáng tác bản Étude Nỗi buồn (được giới thiệu trong phần Tình yêu xứ sở) khi ông phải sống xa Tổ quốc Ba Lan. Ông rất thích tác phẩm này và tự cho rằng trong đời mình chẳng thể nào tìm thấy lần nữa “một giai điệu đẹp đến thế”. Một lần ở Paris, nơi Chopin sống lưu vong và dạy nhạc để mưu sinh, giữa lúc đang dạy bản Étude cho một học trò, ông đã bật khóc và thốt lên: “Ôi quê hương tôi!”. Nhà soạn nhạc người Đức Beethoven cũng có số phận thật bất hạnh. Ông sáng tác bản giao hưởng số 9, tác phẩm lớn nhất đời ông, khi đã bị điếc đặc. Bằng nghị lực phi thường, Beethoven đã hoàn thành tác phẩm, để rồi đích thân ông đứng ra chỉ huy dàn nhạc trong buổi công diễn. Bản giao hưởng kết thúc, khán giả đã bật dậy vỗ tay như vỡ rạp, mà nhà soạn vẫn tiếp tục vung đũa chỉ huy. Bởi ông có... nghe thấy gì đâu!

Những câu chuyện thật cảm động, nhưng dù sao cũng thuộc về lịch sử âm nhạc. Song điều này thì chắc chắn có liên quan trực tiếp đến nhiều người chúng ta. Chẳng hạn bạn mới thành hôn hoặc đi dự một đám cưới. Trong phút giây quan trọng nhất, khi đôi uyên ương tiến vào khán phòng, tiếng nhạc cất lên khiến ai nấy đều rạo rực. Bạn sẽ nghĩ sao nếu những giai điệu tuyệt vời ấy chính là nhạc cổ điển, thuộc một trong hai bản nhạc vẫn hay được cử hành trong hôn lễ hiện nay: Phiên bản khí nhạc Kìa cô dâu đến trong nhạc kịch của Wagner, hay Hành khúc đám cưới trong Giấc mộng đêm hè của Mendelssohn - cả hai cùng được giới thiệu trong cuốn sách này…

Như trên đã giới thiệu, các tác phẩm được tuyển chọn đều thuộc về những chủ đề cụ thể và hầu hết có tên. Cái tên, không nghi ngờ gì nữa, là hết sức quan trọng với mỗi tác phẩm âm nhạc. Như bản thân tiêu đề Phiên chợ Ba Tư đã gợi cho ta mọi ý niệm có thể có về một chợ phiên ở xứ sở “Nghìn lẻ một đêm”, với những đoàn hành hương, tiếng lục lạc của đàn lạc đà, một nàng công chúa đến chợ và cả vị quốc vương đáng kính… Nhưng cái tên, dù có cụ thể đến mấy, cũng vẫn chỉ là một sự gợi ý. Nhà soạn nhạc Nga Rimsky-Korsakov, tác giả bản Scheherazade nổi tiếng (cũng là về câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm” với những chương như Biển và con tàu của thủy thủ Sinbad, Ngày hội ở Bagdad…) từng nói, những tiêu đề chương nhạc chỉ có ý “hướng dẫn qua loa cho sự  tưởng tượng của thính giả trên con đường du hành tưởng tượng”. Điều quan trọng, như nhà soạn nhạc Nga nói, chính là sự tưởng tượng của bạn. Tưởng tượng và nghe đi nghe lại, chúng tôi muốn nói thêm. Bạn cứ thử tìm nghe các bản nhạc cổ điển đi. Nghe đi rồi nghe lại. Sẽ đến một lúc bạn thấy nó thật hay, thật gần gũi, thân quen. Và rồi vẻ đẹp của âm nhạc sẽ chinh phục bạn, “bắt” bạn đọc thêm sách báo, tìm hiểu thêm qua các nguồn tài liệu khác, và hình thành nên thói quen nghe nhạc mỗi ngày.

Giờ thì xin nhường lời để bạn đến với cuốn sách nhập môn đầy hứa hẹn này…

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

GIỚI THIỆU NHÓM TÁC GIẢ:

Lê Ngọc Anh (Chủ biên)

Sinh năm 1976. Dịch giả tự do. Đồng sáng lập và biên tập website nhaccodien.vn. Biên soạn và biên dịch nhiều cuốn sách về nhạc cổ điển:

  •  Những khúc dạo đầu – thơ và nhạc thính phòng giao hưởng
  • Cùng các Bé nghe nhạc cổ điển
  • Đến với nhạc cổ điển
  • Cuộc đời Beethoven
  • ...

Nguyễn Như Dũng (Đồng tác giả)

Sinh năm 1957. Năm 1975, học Đại học Xây dựng Kiev, đồng thời học biểu diễn guitar tại Trường Âm nhạc K.G. Stetsenko. Năm 1980, ông tốt nghiệp Trường K.G. Stetsenko, được Nhạc viện Tchaikovsky TP.Kiev nhận vào học thẳng nhưng Bộ Đại học Liên Xô không đồng ý vì ông đã tốt nghiệp đại học ở nước này. Sau đó về nước, giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật Quân sự đến năm 1985 thì chuyển ngành về Nhạc viện Hà Nội dạy guitar. Là Trưởng bộ môn guitar đến năm 1994. Năm 1987, ông có hai đêm độc diễn rất thành công tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam với nhạc mục từ Baroque đến Hiện đại.

Trịnh Minh Cường (Đồng tác giả)

Sinh năm 1964 tại Hà Nội. Bắt đầu những bài học ký xướng âm đầu tiên với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Năm 15 tuổi bắt đầu học guitar với nhạc sĩ Hứa Đông Hải. Sau đó tiếp tục học guitar với các nghệ sĩ guitar Vũ Bảo Lâm, Phùng Tuấn Vũ và Nguyễn Như Dũng. Năm 1990 thực hiện recital đầu tiên và được mời về giảng dạy ở bộ môn guitar Nhạc viện Hà nội, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hiện nay chủ yếu dạy guitar, chuyển soạn và nghe nhạc cổ điển. Tham gia viết cuốn Nghệ thuật trình tấu guitar cổ điển ở Hà nội, 2012.

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn/)

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

LỜI ĐẦU SÁCH

Bạn thân mến,

Với nhiều người, “nhạc cổ điển” có thể là một từ xa lạ, nhưng thực ra, những giai điệu nhạc cổ điển gắn bó với cuộc sống thường ngày của chúng ta hơn mức bạn tưởng tượng! Những chủ đề mà các nhà soạn nhạc thời xưa quan tâm cũng là những điều ngày nay chúng ta vẫn thích thú (một chuyến phiêu lưu thú vị, một giấc mơ đẹp đẽ, một truyện cổ tích lấp lánh), và thậm chí thiết tha, đau đáu (niềm vui khi tìm về với thiên nhiên trong trẻo; nỗi buồn khi xa rời quê hương xứ sở; khát vọng tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống; ước mơ vươn tới những gì cao đẹp nhất…)

Những tác phẩm cổ điển, đến nay, vẫn là thử thách để nhiều nghệ sĩ tài năng tiếp tục chinh phục, những tác phẩm hàng trăm năm tuổi ấy vẫn xuất hiện đầy tinh tế trong những bộ phim, vở kịch, các chương trình nghệ thuật hiện đại, mang đến điểm nhấn thú vị và đôi khi gửi gắm những thông điệp vô thời!

Một kho tàng đẹp đẽ và quý báu nhường ấy, với sức sống bền bỉ và sức hấp dẫn lớn đến thế, ta đâu thể bỏ qua. Với mong muốn đem lại những gợi ý để độc giả bước vào thế giới Nhạc cổ điển, Nhà xuất bản Kim Đồng cùng nhóm tác giả NA9 đã cùng nhau thực hiện cuốn sách Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu.

36 bài viết giới thiệu 36 tác phẩm âm nhạc cổ điển tương đối tiêu biểu, cũng là 36 miếng ghép đầu tiên chúng tôi gửi đến bạn về Nhạc cổ điển. Rải rác trong sách còn là những chú thích tỉ mỉ về thể loại tác phẩm, tốc độ chơi, các loại giọng hát… Bạn hãy tự mình nhặt từng mảnh ghép nhỏ, xây dựng những hiểu biết ban đầu nhưng cực kì quan trọng, làm nền tảng cho những khám phá tiếp sau về thế giới Nhạc cổ điển!

Mỗi nghệ sĩ đều có một cảm nhận, một cách “diễn giải” và thể hiện, mang đến một màu sắc độc đáo cho tác phẩm gốc. Chính bạn cũng sẽ cảm nhận theo cách của riêng mình, hòa trộn những nốt nhạc ấy với những hiểu biết, suy ngẫm của mình, để biến nó thành trải nghiệm riêng tư.

Chúng tôi không hứa hẹn với bạn một hành trình dễ dàng: đọc từng bài viết, tìm nghe bản nhạc, kết hợp với những cảm nhận của bản thân để thấu hiểu một tác phẩm là một quá trình đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Nhưng kết quả thì chắc chắn là vô cùng mãn nguyện, mượn lời của nhạc trưởng/ nghệ sĩ dương cầm bậc thầy Leonard Bernstein nói về Giao hưởng số 9 của Beethoven, thì: “Nỗi diệu kì ấy, không lời lẽ nào có thể diễn tả.”

Chúng tôi ước mong, và tin rằng bạn sẽ tìm thấy sự diệu kì ấy!

Nào, ta cùng bắt đầu!

Nhà xuất bản Kim Đồng

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...