Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai?

25/05/2017

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chưa bao giờ tôi đủ tự tin để xưng danh là Nhà phê bình âm nhạc. Lắm lúc tự ngẫm: nếu cứ nhận mình là một nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp thì thực sự tôi là ai và phải làm gì cho đúng nghĩa của cụm từ mà tôi muốn coi trọng đó?

Trong thực tế, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có môn phê bình, cũng như giáo trình cho môn phê bình trong các nhạc viện, vậy thì chưa thể nói xứ ta có đào tạo chính quy chuyên ngành phê bình âm nhạc. Dù có được “nếm mùi” môn học này theo chương trình đào tạo ở nước ngoài đi nữa, các nhà lý luận âm nhạc sau khi du học trở về vẫn chẳng trụ nổi với nghề phê bình âm nhạc chuyên nghiệp nếu không muốn tốn thời gian công sức kiếm tìm những gì cần có cho một giọng điệu phê bình phù hợp với ngôn ngữ, nếp sống, tâm lý và thẩm mĩ người Việt.

Rõ ràng là tất tật những ai làm công việc phê bình âm nhạc, từ các phóng viên nhà báo, nhà văn nhà thơ đến các nhà lý luận chuyên ngành âm nhạc đều buộc phải tự học, học ở góc độ và mức độ khác nhau. Mà đã tự học thì mỗi người mỗi cách, có khi xuất phát từ những quan niệm và cách hiểu khác nhau về cái nghề phê bình âm nhạc còn khá mung lung, mung lung từ khái niệm, vị trí, phương pháp luận, hiệu quả xã hội...

Nặng về quan niệm phê bình âm nhạc là một ngành khoa học, các nhà lý luận âm nhạc thường chỉ chú trọng việc phân tích mổ xẻ chứ ít để tâm đến yêu cầu kịp thời và chất lượng hấp dẫn người đọc. Nếu đối tượng đọc chỉ loanh quanh trong giới chuyên môn với nhau thôi và bài viết không đáp ứng tính thời sự trong thời đại nhiễu loạn thông tin này, thì chắc chắn không thấy ngay được hiệu quả xã hội của nó. Điều này giải thích cho sự lãnh đạm của báo chí đối với những bài thiếu tính phổ cập của các nhà lý luận âm nhạc, dẫn đến tình thế khó nhập cuộc của họ, và, như người ta vẫn nặng lời phê phán, thái độ không muốn “hạ cố” hòa mình vào đời sống âm nhạc đang diễn biến khá xô bồ bên ngoài tháp ngà nghiên cứu.

Ở một thái cực khác, với quan niệm chỉ cần biết đến hiệu quả trước mắt trong thời buổi cạnh tranh thông tin, những cây bút không chuyên ngành âm nhạc vô tình đã trở thành quân chủ lực trong lĩnh vực bình luận âm nhạc và cũng một cách rất hồn nhiên họ đang làm cái việc khó kiểm soát được là “báo chí hóa”, “quảng cáo hóa”, “thương mại hóa” phê bình âm nhạc hiện nay.

Liệu đã có thể khẳng định rằng chúng ta có một nền phê bình âm nhạc thực thụ, một khi còn chưa dám chắc về sự hiện diện một đội ngũ phê bình âm nhạc thực thụ? Chỉ đào tạo và xây dựng đội ngũ nghiên cứu âm nhạc chuyên nghiệp đâu phải cứ mặc nhiên coi luôn đó là đội ngũ phê bình được. Hiện nay trên các báo - báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử - luôn kịp thời đưa các thông tin sốt rẻo: từ luật bản quyền tác giả đến các vụ đạo nhạc, từ chuyện thuế thu nhập cao của ca sĩ đến quy định áo quần đầu tóc người biểu diễn, từ hiện tượng ca sĩ hải ngoại hồi hương biểu diễn đến hiện tượng ca sĩ nội xuất ngoại “một đi không trở lại”..., và mới đây lại thêm phong trào nhạc “chế” trên mạng nữa (bịa lời bài hát). Không khí bình luận âm nhạc thoạt nhìn thật rộn rã, mà xét cho cùng lại không khỏi hoang mang nếu cần kiếm những bài viết đáng gọi là tác phẩm nghệ thuật để chứng minh rằng phê bình âm nhạc thực sự là một ngành vừa khoa học vừa nghệ thuật.

Muốn “sống chết” với nghề phê bình âm nhạc, rõ ràng anh không thể chỉ thuần túy là một nhà lý luận nghiên cứu luôn tách mình ra khỏi sinh hoạt âm nhạc đại chúng, lại càng không thể chỉ là một phóng viên nhà báo thiếu hụt kiến thức chuyên ngành âm nhạc. Sự chính xác tinh tường của người làm khoa học, tính thực tế nhanh nhạy của người làm báo là những tố chất cần có ở người làm công việc phê bình âm nhạc, cần mà chưa đủ. Hoàn toàn thiếu vắng sự nhạy cảm và sức sáng tạo của người nghệ sĩ, liệu anh có thể khám phá và tôn vinh cái đẹp của một nghệ thuật trừu tượng là âm nhạc được không? Cảm nhận, phân tích và đánh giá một tác phẩm âm nhạc cần có cái nhìn từ hai phía: khoa học và nghệ thuật. Nhìn bằng một mắt khác nào bị chột, thị lực chỉ còn có một nửa. Chỉ xem xét bằng con mắt khoa học khó thấy hết cái đẹp, bởi cái đẹp không nhất thiết đóng khung trong sự cân đối, chuẩn xác và hợp lý. Chỉ ngắm nghía bằng con mắt nghệ thuật khó lý giải một cách thuyết phục cho cái đẹp, đẹp mức nào và tại sao đẹp. Những cái khó thuộc về chủ thể đó khiến tôi không khỏi phân vân và dè dặt với cụm từ nhà phê bình âm nhạc.

Còn bao nhiêu cái khó chủ quan và khách quan bám riết nhà phê bình âm nhạc. Người ta đòi hỏi phê bình phải giữ vai trò hướng dẫn thẩm mĩ. Hướng dẫn ai đây? Nhạc sĩ đang viết theo nguồn cảm hứng mà phê bình cứ chen vô đòi dẫn đường chỉ lối thì cũng khó chịu như các quý ông đang lái xe cứ bị quý bà ngồi bên giám sát điều khiển luôn mồm. Hướng dẫn người nghe chăng? Mỗi người có cảm nhận riêng, không thể vay mượn “cái tôi” của người khác ngay cả trong thưởng thức âm nhạc. Chắc hẳn người sáng tác không mượn nhà phê bình lăng xăng cầm đèn chạy trước ô tô, cũng không trông đợi lối phê bình hiếu chiến dữ dằn như “ngọn roi quất cho con ngựa sáng tác lồng lên”. Chắc hẳn người thưởng thức không cần đến một nhà phê bình hoặc trịch thượng rao giảng, hoặc mờ nhạt tính cách, và họ cũng chẳng buồn quan tâm đến những bài phê bình chung chung vô thưởng vô phạt.

Vẫn biết cần có những bài phê bình không đao to búa lớn, không vô vị “có cũng như không”. Vẫn biết vai trò của phê bình tế nhị, sâu sắc và vô cùng hữu ích nếu đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều lượng. Vẫn biết phê bình là người tri âm tri kỷ, là bạn đồng hành đồng cảm với sáng tác, và nhà phê bình là một thính giả khác thính giả thông thường ở chỗ anh ta biết diễn đạt thành lời những cảm nhận của riêng mình về tác phẩm một cách có lý có tình, có sức thuyết phục để khơi gợi trí tưởng tượng và sự đồng cảm ở những người nghe khác. Thế mà phê bình - chiếc cầu nối từ tác phẩm đến người nghe - cho đến hôm nay vẫn cứ luẩn quẩn trong lối bình luận sáo mòn ấu trĩ, nói về ca khúc chỉ biết “tán” dựa vào lời ca, nói về giao hưởng thì áp đặt những hình ảnh thuyết minh thô sơ, chẳng hạn: đây chủ đề “ta”, kia chủ đề “địch”, đánh nhau một hồi ta thắng địch thua nên chỉ còn lại chủ đề “ta” thật hoành tráng.

Trong những trở ngại khách quan khiến các nhà lý luận càng khó vượt qua những trở ngại chủ quan, thì đáng buồn nhất là sự lãng quên. Các nhà lý luận âm nhạc nói chung và phê bình âm nhạc nói riêng càng dễ “ù lì” thụ động khi thiếu diễn đàn, thiếu một tổ chức chuyên ngành. Mới đây Hội vừa làm được một việc cần thiết là cho ra đời Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc để vực dậy hoạt động biểu diễn vốn chìm lắng hơn sáng tác. Tình trạng lý luận phê bình còn ngoi ngóp hơn, liệu Hội có thể làm thêm một động tác tương tự đối với ngành phê bình? Không đâu tập họp được lực lượng lý luận phê bình và thúc đẩy hoạt động phê bình hiệu quả bằng một Trung tâm nghiên cứu phê bình do Hội đỡ đầu. Trung tâm này phải có một tạp chí nghiên cứu phê bình chuyên ngành và những hoạt động cụ thể để huy động và kết nối sự cố gắng cũng như chất xám của những người có tâm với cái nghề xám xịt và cái nghiệp khó nhằn này.

Hẳn không chỉ riêng tôi trông đợi sự ra đời một trung tâm như thế, và không chỉ riêng tôi mong sớm đến ngày không ai còn mặc cảm với cái từ Nhà phê bình âm nhạc nữa.

7-2005

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...