Nguy cơ mai một nghề đờn
Để đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật đặc sắc từng tồn tại cả trăm năm trên mảnh đất phương Nam này phát triển bền vững vẫn rất cần những cơ chế, chính sách mới cụ thể hơn, hợp lý hơn.
Nhạc công đờn ca tài tử.
Hơn 100 năm đằm thắm
Theo nhà nghiên cứu Phạm Văn Kỳ, vào năm 1910, nhạc tài tử Nam bộ đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam khi cô đào Ba Đắc của gánh Nguyễn Tống Triều (Mỹ Tho) biểu diễn bản Tứ Đại Oán tại hội chợ đấu xảo Paris (Pháp). Nhưng cái mốc đó buộc phải “lùi” lại bởi một phát hiện mới: Từ năm 1900, một bản nhạc tài tử có tên Vũ khúc Đông Dương đã được ông Julien Tiersot, nhà dân tộc học, nhạc học nổi tiếng người Pháp, ký xướng âm lại khi nó được một ban nhạc tài tử từ Việt Nam sang biểu diễn với tư cách đại diện cho văn hóa Đông Dương. Đặc biệt, bản này còn được dùng làm nhạc nền cho cô đào nổi tiếng Cleo de Mérode múa tại sân khấu hội chợ thế giới cũng ở Paris. Vũ khúc Đông Dương được phát hiện (3-2013) nhờ nhà nghiên cứu - nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên của Đại học Quốc gia Australia khi “lục lọi” Thư viện quốc gia Pháp.
Đây là sự kiện gây chấn động giới cổ nhạc. Ngày 11-7-2013, tại Hội nghị âm nhạc truyền thống quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc), Vũ khúc Đông Dương - bản nhạc tài tử được ký âm cổ nhất lịch sử âm nhạc tài tử Việt Nam - lại được phục dựng theo chữ nhạc truyền thống, trình diễn cùng 9 tiết mục khác trong suốt thời gian diễn ra hội nghị.
Đờn ca tài tử không chỉ thấm đẫm trên từng mảnh vườn con rạch đất Nam bộ (riêng câu lạc bộ/nhóm đã có hơn 2.000 với trên 22.000 thành viên), mà còn nhuận đầy sức sống, vươn ra tận miền Bắc, miền Trung.
Bảo tồn đờn ca tài tử
Đờn ca tài tử - gia sản tinh thần trăm năm tiền nhân gửi lại chứa đầy đạo lý, nhân văn xứng đáng được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. “Dẫu UNESCO có công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử là di sản phi vật thể hay không thì chính chúng ta chứ không phải ai khác phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những tinh hoa mà cha ông để lại”, GS Trần Văn Khê nói.
Chúng ta đã có ý thức bảo tồn đờn ca tài tử từ trước khi trình loại hình này lên UNESCO xem xét từ khá lâu. Rất nhiều hội nghị hội thảo, liên hoan… về đờn ca tài tử được Trung ương, địa phương tổ chức là minh chứng. Bên lề Hội thảo “Đờn ca tài tử với việc nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng” (tại Bến Tre tháng 10-2013), soạn giả Ngô Hồng Khanh cởi mở chia sẻ: “Để bảo tồn đờn ca tài tử, phát triển đúng hướng và bền vững, vẫn còn nhiều ngổn ngang lắm”.
Khi đem đờn ca tài tử ra Hà Nội giao lưu thì các nghệ sĩ địa phương giữ nguyên nếp, nghiêm luật trong khi ở phía Nam lại “tung tẩy” quá. Nỗi Oán niềm thương, chữ Xế chữ Xàng, chữ Xang, chữ Xự đầy chất kinh điển của người xưa đã trở thành những viên ngọc. Nhưng nhịp sống công nghiệp ngày nay không thể bắt người nghe thả hồn vào cuộc chơi mà mỗi bài, mỗi bản dài 3-4 lớp với mấy chục câu nhạc cùng những điệp khúc kéo dài. Việc giữ nguyên bản gốc và cải tiến (rút ngắn) thế nào, khi nào cũng là vấn đề cần suy nghĩ nghiêm túc.
“Giáo dục là cái gốc của đờn ca tài tử Nam bộ”, TS Mai Mỹ Duyên khẳng định sau khi cảnh báo: Hơn 5 năm qua, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM không chiêu sinh được học viên theo học loại hình này. TS Mai Mỹ Duyên nói: “Nhạc tài tử nói riêng và nghệ thuật dân tộc nói chung đang trong tình trạng báo động về lực lượng kế thừa”. Soạn giả Ngô Hồng Khanh cũng cho rằng, muốn có phong trào, muốn có sự kế thừa và phát triển, trước tiên phải học bởi đây là loại hình đầy tính khoa học và sáng tạo. “Đưa âm nhạc truyền thống vào nhà trường là sự lựa chọn hợp lý nhất.
Tại Hàn Quốc, có thể thấy rõ nỗ lực gia tăng nội dung về âm nhạc truyền thống trong các sách giáo khoa phổ thông”, TS So Inhwa, Hàn Quốc nhấn mạnh. Việc dạy và học đờn ca tài tử không chỉ trong các trường nghệ thuật chính quy mà ngay cả trong nhà trường phổ thông và cần có sự thống nhất của liên bộ, sự góp sức của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, nghệ sĩ...
Nguy cơ mai một “nghề đờn” trong đờn ca tài tử ngày càng hiện rõ. Tại Cần Thơ, theo dân trong nghề, hiện chỉ còn 2 - 3 người chơi “đáng để nhắc tới”. Kiếm tìm cho đủ “tứ tuyệt” (kìm - cò - tranh - bầu) cho mỗi kỳ hội diễn, hội thi là nỗi khổ lan khắp đồng bằng.
Gần chục năm trước, tại lung Cột Cầu, bưng Đá Nổi (Phong Điền - Cần Thơ), ông Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu TPHCM đã sớm đề cập: “Đây là vấn đề rất lớn, rất đáng báo động của đờn ca tài tử. Ngón đờn thể hiện tài năng. Phương Tây có bè có nốt, còn ta ngón đờn biến hóa, đòi hỏi sáng tạo rất lớn. Vai trò truyền nghề từ các “thầy đờn”, từ các lò lại được nhiều người nhắc đến trong khi chưa có một trường, lớp hay đơn vị nào có chức năng cấp bằng về đờn ca tài tử, việc truyền dạy đờn ca tài tử vẫn chưa được xem là một nghề.
Long An đang chuẩn bị thành lập Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử, Bến Tre đưa đờn ca tài tử vào tiêu chí xét ấp, xã văn hóa… là những nỗ lực bảo tồn, phát huy rất đáng mừng. Tuy nhiên, để loại hình nghệ thuật đặc sắc từng tồn tại cả trăm năm trên mảnh đất phương Nam này phát triển bền vững vẫn rất cần nhiều cơ chế, chính sách mới cụ thể hơn, hợp lý hơn. |
(Nguồn: http://sggp.org.vn)