Người lưu giữ hồn âm nhạc dân tộc

19/05/2014

Trong căn nhà nhỏ tại đường số 2 (phường 7, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những nhạc cụ dân tộc quý hiếm của 54 dân tộc anh em được ông dày công sưu tầm trong hơn 20 năm nay.

Có những nhạc cụ được xem là "vật thiêng" của một dân tộc, có những chiếc trống khoảng 300 năm tuổi, có chiếc tù và bằng ngà voi đã lưu giữ từ mấy đời... Ông là nghệ sĩ Đức Dậu, một người con Hà Nội, hiện công tác tại Đoàn nhạc gõ Phù Đổng TP Hồ Chí Minh.


Vợ chồng nghệ sĩ Đức Dậu say sưa trong điệu nhạc lời ca mang đậm âm hưởng dân tộc.

Nói nghệ sĩ Đức Dậu là "tỷ phú" về nhạc cụ thuộc bộ gõ dân tộc cũng chả sai, bởi trong bộ sưu tập của ông có các loại nhạc cụ của tất cả 54 dân tộc anh em, ông cũng được coi là một trong những người có bảo tàng riêng về nhạc cụ bộ gõ đồ sộ nhất. Nhiều đến nỗi, ngôi nhà nhỏ của ông chỉ mới chứa được một phần số lượng nhạc cụ, còn lại phải đưa đi gửi. Từ cầu thang được treo các loại cồng chiêng Tây Nguyên, đến các phòng khác - nơi để chồng chất các loại trống sấm, trống sét (có kích thước trên 1m), ngay cả từng góc bếp hay góc sân, ở đâu tận dụng được mặt bằng trống là có nhạc cụ ở đó, đến nỗi lối đi cũng không còn... Nét đặc biệt của các nhạc cụ đều mang đậm tính nguyên thủy, thô sơ và rất đỗi gần gũi với đời sống lao động sinh hoạt hằng ngày, chả thế mà như lời ông nói: "Âm nhạc được sinh ra từ sinh hoạt hằng ngày của người dân, đó có thể là sau những giờ lao động mệt nhọc, hay khi trai gái yêu nhau và đặc biệt là các lễ hội của từng bản làng...".

Một khúc tre với dây chi chít bao quanh, thoạt nhìn cứ tưởng dùng để bắt ong mật, mà nếu nghệ sĩ Đức Dậu không giới thiệu thì tôi không thể hình dung đó chính là cây đàn Chapi như trong một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến đã đề cập. Qua lời kể của Đức Dậu, chúng tôi lại được đắm mình về sự tích cây đàn gắn với câu chuyện tình của trai gái yêu nhau. "Nhân buổi hai người đi chơi bên bờ suối, nàng muốn nghe tiếng chiêng của 13 người đánh (theo quy ước trong lễ hội), vì thế chàng trai liền chặt một đoạn tre và tước vỏ làm thành 13 dây giăng trên thân đoạn tre ấy để rồi đánh lên âm thanh như người đánh chiêng và tạo nên cây đàn Chapi". Vừa dứt lời ông đã solo một đoạn với những đầu ngón tay linh hoạt trên cây đàn Chapi, âm thanh vang ra cũng không khác gì những tiếng chiêng của các chàng trai cao nguyên đánh trong mỗi dịp lễ hội.

Đó còn là chiếc lục lạc hay những bộ đàn đá với âm thanh lay động lòng người, như đưa ta về với các bản làng dân tộc hoang sơ; bộ trống chiêng của dân tộc Dao; trống Tây Sơn, trống H'go của người Êđê, trống chầu, trống vỗ đến mõ chùa, mõ trâu… Khó có thể kể hết từng loại trống lại càng không thể cô đọng các âm thanh của chúng trong một vài dòng chữ.

Và thật bất ngờ khi Đức Dậu cho biết, vợ ông, nghệ sĩ Thu Hiền, vừa là hậu phương vững chắc vừa là người bạn tâm giao của ông trong việc sưu tầm và biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc. Mặc chiếc áo được làm bằng vỏ cây của dân tộc Gia-rai, ông cùng vợ song tấu trên chiếc đàn Ko Ní, không khác gì đôi trai gái vùng cao nguyên đang thổ lộ tình cảm cho nhau. "Đàn Ko Ní gắn liền với câu chàng trai thổ lộ tình cảm với cô gái. Đàn chỉ có hai dây, người kéo dây (chàng trai) phải móc cái lam vào ngôi nhà vách tre (nhà cô gái) và kéo lên giai điệu để nói lên nỗi lòng được yêu thương cô gái. Nếu cô gái ra ngậm vào cái lam đó và cùng kéo lên những điệu nhạc tức là đã đồng ý lời ngỏ của chàng trai. Điều đặc biệt của loại đàn này chính là miệng của chàng trai và cô gái là nơi phát ra âm thanh”, nghệ sĩ Đức Dậu nói về lịch sử cây đàn. "Mỗi khi biểu diễn, tôi muốn khán giả trong nước và nước ngoài không chỉ nghe mà còn nhìn thấy, còn cảm được không gian đó thông qua cách thể hiện của mình", ông cho biết.

Thật khó có thể nói hết ý nghĩa của công việc sưu tầm nhạc cụ của nghệ sĩ Đức Dậu trong mấy dòng chữ. Bởi với ông, âm nhạc chính là giá trị trường tồn và đưa con người gắn kết lại với nhau, đem đến một cuộc sống tươi đẹp và giàu lòng nhân ái, mang đậm tính nhân văn. Và như lời Giáo sư Trần Văn Khê đã nói về nghệ sĩ Đức Dậu: "Chính niềm đam mê âm nhạc dân tộc cháy bỏng một cách tuyệt đối mới có thể vẽ ra chân dung một nghệ sĩ Đức Dậu như ngày nay, dám mạnh dạn tự bỏ tiền bạc, công sức của bản thân để nuôi dưỡng niềm đam mê không ngừng lớn mạnh này trong việc sưu tầm nhạc cụ. Có thể nói, Đức Dậu đã lột tả được hết cái hồn cốt, cái tâm tư cuộc sống của từng dân tộc trên đất nước Việt Nam".

Nghệ sĩ Đức Dậu sinh năm 1957 tại TP Hà Nội. Từ năm 1974 đến 1987: Công tác tại Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Từ đó đến nay, công tác tại Đoàn nhạc gõ Phù Đổng. Ông đã tham gia biên soạn, dàn dựng và chỉ huy 1.000 người đánh trống tại lễ bế mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình năm 2010; Lễ khai mạc SEA Games 22. ông cũng đã giành Huy chương vàng tiết mục "Trống trận Quang Trung" và Huy chương vàng cá nhân tại Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc; Huy chương bạc đàn bầu và sáo H'mông cùng nhiều bằng khen và giấy khen các loại.

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...