‘Người đàn bà hát’ Lê Dung, tài sắc và đa đoan
Clip: Lê Dung hát "Bài ca hy vọng" đi vào bất hủ
Nhắc về Lê Dung hầu như rất hiếm chuyện “bếp núc” bên lề nhưng có quá nhiều chuyện kể về đóng góp của bà cho âm nhạc và giáo dục.
Năm 2001, người Việt yêu nhạc đón những tin buồn: NSND Lê Dung mất giữa tháng 1, chưa đầy 2 tháng sau thì danh ca Ngọc Lan qua đời. Sự ra đi của Lê Dung quá bất ngờ với khán giả và là mất mát lớn của nền thanh nhạc Việt Nam.
Chim sơn ca đầu đàn
Lê Dung bắt đầu cất tiếng hát từ năm lên 8, khi được nhạc sĩ Đức Huyên phát hiện và đưa vào CLB Thiếu nhi Hạ Long, đi diễn và thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Lê Dung vóc người nhỏ nhắn năm đó bắt đầu sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp năm 17 tuổi, thành NSƯT năm 33 tuổi và được phong NSND năm 42 tuổi.
Nhan sắc cố nghệ sĩ Lê Dung thời trẻ.
Có quá nhiều điều để kể về giọng hát của Lê Dung. Bà thuộc giọng nữ cao trữ tình đầy đặn (Full Lirico Soprano) với tất cả vẻ đẹp vốn có của một giọng trữ tình. Thường thì Lê Dung hát bằng phẩm chất nữ tính, bay bổng, mềm mại nhưng khi cần, bà có thể đẩy độ mãnh liệt của giọng lên ngang với giọng bán kịch tính (như hát những tác phẩm aria thế giới hay khi bà hát những tác phẩm: Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Trường ca sông Lô (Văn Cao).
Đã qua đời 19 năm nhưng đến bây giờ Lê Dung vẫn nằm trong số ít ca sĩ có trình độ kỹ thuật tiệm cận với ngưỡng hoàn hảo. Lạ là, bà theo học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc quốc gia VN) khá muộn, khi đã 26 tuổi và đến tận năm 35 tuổi mới sang Liên Xô học cao học tại Nhạc viện Tchaikovsky. Âm nhạc là bộ môn đặc thù mà việc đào tạo càng sớm thì thành tựu càng chín muồi. Trong lịch sử âm nhạc thế giới, không nhiều ca sĩ đào tạo bài bản muộn như Lê Dung mà kỹ thuật vẫn đạt đến độ chuẩn mực.
Lê Dung giọng hát lộng lẫy, còn được ví von quý như “vàng ròng”. Sinh thời, bà luôn nghiêm túc và giàu ý chí nghệ thuật, có tâm hồn phong phú: dễ bộc lộ, sôi nổi nhất nhưng cũng rất nhạy cảm, dễ khổ đau. Chính vì thế, Lê Dung hát hay là điều không có gì nghi ngờ song ngoài kỹ thuật, bà còn hát bằng nội tâm nên từng câu chữ đều rất có hồn, giàu cảm xúc.
Hình Lê Dung trên các bìa đĩa.
“Những bài Lê Dung đã hát thành công thì những người đi sau không dám hát, bởi Dung đã tạo ra một dấu ấn khó phai mờ trong lòng người nghe. Dĩ nhiên bây giờ các ca sĩ được đào tạo bài bản như Phạm Thùy Dung, Phạm Thu Hà,... một nội lực và mỹ cảm âm nhạc rất tốt cộng với bổ trợ của âm thanh từ các bản phối lại tạo một dấu ấn mới rất hiệu quả cho người nghe làm phong phú thêm, thậm chí còn hiệu quả hơn nhưng người nghe vẫn muốn nghe bằng ký ức và mỗi lần tôi nghe lại những bản thu của Lê Dung vẫn sởn gai ốc”, nhà văn Trần Thị Trường – bạn thân của nghệ sĩ quá cố chia sẻ với VietNamNet.
Lê Dung hát nhiều thể loại, từ opera, bán cổ điển, tiền chiến, nhạc đỏ đến nhạc nhẹ. Bà chinh phục từ công chúng đến giới chuyên môn; không chỉ người Việt mê đắm mà nhiều lần các Đại sứ quán mời bà đến hát trong những cuộc gặp gỡ, giao lưu nghệ thuật.
Kỳ thực, thật khó để gọi Lê Dung là ca sĩ opera đúng nghĩa khi bà chưa từng thể hiện trọn vẹn một vai diễn opera trên sân khấu. Nhưng những gì Lê Dung để lại, từ những bản thu khuôn mẫu – cá biệt như bản Aria A Sao: Em nghĩ sao không ra đi vào lịch sử âm nhạc; nghệ thuật nhả chữ tiếng Việt trong opera đến tác phong, thái độ làm nghề, đều là di sản quý giá.
Lê Dung đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng của nhạc cổ điển tại Việt Nam khi mọi thứ còn rất sơ khai.
Lê Dung cũng đi tiên phong trong việc làm recitan (cuộc biểu diễn độc tấu) - loại hình đêm nhạc cá nhân quy mô nhỏ hơn concert, từ recitan ở Đại sứ quán Liên Xô đến đêm solo tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào năm 1992 với 21 bài nhạc bác học. Đêm recitan ấy cũng đi vào những câu chuyện kể của người học nhạc các thế hệ sau, về “Người đàn bà hát” với cổ họng, làn hơi phi thường.
Dù có vị thế đặc biệt trong opera lẫn vị trí hàng đầu của nhạc đỏ, tiền chiến nhưng có lẽ Lê Dung chưa đạt đến đỉnh cao tương tự khi hát nhạc nhẹ. Nghe bà hát Em ơi Hà Nội phố, Mưa trên biển vắng, Gửi gió cho mây ngàn bay… dẫu đã tiết chế rất nhiều thì chất cổ điển vẫn còn. Có lẽ vì thế, những bản nhạc nhẹ Lê Dung thu thanh không chê nổi điểm gì nhưng khó để khán giả nhớ bà ở dòng nhạc này.
Lê Dung trên sân khấu.
Người thầy của thầy
Để thành tài, Lê Dung học từ những thầy giỏi như NSND Trung Kiên, nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La và NSND Thương Huyền.
"Trong 5 năm giúp đỡ và đào tạo Lê Dung, tôi phát hiện một khả năng rất lớn sẽ phát triển trong tương lai. Vì thế, ngay từ ngày đầu tiếp xúc, tôi đã có kế hoạch riêng cho Lê Dung phát triển. Khi đã trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng của đất nước, Lê Dung đã bước tiếp con đường sư phạm - một định hướng rất đúng của người nghệ sĩ. Cho đến hôm nay, Lê Dung đã chứng tỏ thành công lớn của mình trong sự nghiệp giáo dục", NSND Trung Kiên nói về học trò cũ.
Đúng như lời ông nói, cố nghệ sĩ Lê Dung dạy thành công nhiều nghệ sĩ lớn và không ít trong số họ tiếp bước đường sư phạm, trở thành những nhà giáo vang danh cả nước. Học trò của bà có thể kể đến NSND Tạ Minh Tâm, NSND Thái Bảo, NSƯT Hà Thủy, ca sĩ Phương Nga, NSƯT Việt Hoàn… Lê Dung là thầy của các thầy.
Các kỷ vật của cố NSND Lê Dung dùng lúc sinh thời được gia đình giữ cẩn thận.
NSND Tạ Minh Tâm nói về cô giáo: "Với tôi, NSND Lê Dung là người thầy rất tận tụy và chân tình. Tôi may mắn và hạnh phúc nằm trong số ít người được sắp xếp học thanh nhạc hệ cao học với cô Lê Dung. Từ Hà Nội, cô vào tận TP.HCM, mang đến tinh thần làm việc sôi nổi, say mê cùng nhiều lời dạy bổ ích".
Trong khi đó, với Việt Hoàn, anh biết ơn cô giáo Lê Dung hơn bất cứ ai. Vì không muốn bỏ lỡ mất giọng hát đẹp như Việt Hoàn, Lê Dung ra sức giúp đỡ anh ôn thi miễn phí, lo lắng mọi điều để anh thi vào Nhạc viện Hà Nội, theo đuổi sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp.
Thành công trong sự nghiệp, nhưng người phụ nữ tài sắc Lê Dung lại rất đa đoan trong trường tình. Bà đã trải qua 3 đời chồng, nhưng vì quá đam mê, quá hy sinh cho sự nghiệp nên đều không yên ấm.
''Như nhà thơ Nga Maiakovsky nói ''vấp phải cuộc đời thực chiếc thuyền tình vỡ tan'. Giữa thực và ảo đôi khi Lê Dung không làm chủ được cuộc sống của mình trong thực tế, chỉ làm chủ được tiếng hát của mình khi bước vào phòng thu và trên sân khấu. Thật là kỳ lạ và thật đáng trân trọng và yêu thương. Chị có thể làm tan vỡ cuộc đời mình với những điều viển vông kia nhưng với tiếng hát chị giữ danh tiếng của mình trong từng câu hát" - nhà thơ Trần Thị Trường tâm sự VietNamNet.
Vào đúng mùng 6 Tết năm ấy, khi người người nhà nhà đang yên vui hưởng sum vầy, tin Lê Dung trút hơi thở cuối cùng do tai biến mạch máu não như cơn chấn động. “Người đàn bà hát” ngừng hát, tiếng “chim sơn ca đầu đàn” không còn vang.
Lê Dung mất sớm khi chưa kịp cống hiến giọng hát và truyền thụ âm nhạc cho nhiều thế hệ sau này nhiều hơn nữa. Dù vậy, tiếng hát cùng những bài học, sự trân thành nhiệt huyết mà bà để lại cho học trò, đồng nghiệp vẫn vẹn nguyên giá trị đến tận bây giờ.
(Nguồn: https://vietnamnet.vn/)