Người bạn tù thổi gì

03/04/2014

Có thể nói, ngay từ những bản dịch đầu tiên, tác phẩm “Nan hữu xuy địch” của chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phổ biến với phiên bản “Người bạn tù thổi sáo” hay “Bạn tù thổi sáo”… cùng nhiều bản dịch sau này vẫn tiếp tục đi theo lối chuyển tải tiêu đề tương tự. Cây sáo nghiễm nhiên trở thành nhạc cụ được “người bạn tù” sử dụng trong bài thơ. Mặc dù theo nguyên tác bằng chữ Hán, nhạc cụ đó không phải cây sáo quen thuộc, gần gũi, thân thiết với người Việt Nam, mà chính là cây địch, một nhạc khí thuộc nền văn hóa Trung Quốc.


Địch tử

Xuất phát từ một tác phẩm thi ca, nên người dịch nói chung ít quan tâm đến khía cạnh xác thực trong nội hàm một từ có liên quan đến âm nhạc. Từ cách chuyển nghĩa thuần túy, các tác giả vô hình trung đã chạm phải một hàng rào khác nằm ngoài phạm vi văn bản thông thường. Nói cách khác, người dịch đã tự ý chuyển nghĩa gốc của một từ chỉ nhạc cụ này sang thành nhạc cụ khác, từ sản phẩm của một nền văn hóa này sang nền văn hóa khác. Đối với độc giả, việc hiểu đúng nguyên tác như một nhu cầu hối thúc làm hình thành các khuynh hướng tiếp cận khác nhau. Song, sự biến chuyển từ địch thành sáo đã trở thành cách hiểu nhầm mang tính dây chuyền đạt tới mức độ thống nhất và phổ biến.

Công việc chuyển ngữ đơn giản hơn nhiều so với chuyển dịch nội hàm, ý nghĩa, giá trị văn hóa, cụ thể là sản phẩm văn hóa. Người dịch thơ có thể chỉ chú trọng mục tiêu “nhã”, nên đã quên mất yếu tố “tín” và “đạt” vô cùng quan trọng trong trường hợp này. Còn người đọc nói chung không có điều kiện tiếp xúc với văn bản gốc, nên chủ yếu hiểu ý nghĩa bài thơ dưới góc độ phiên bản, chứ không phải nguyên tác. Dịch vẫn bị coi là “phản”. Nhiều người làm công tác dịch thuật nằm lòng câu “chân ngôn” Dịch là phản như để nhắc nhở, cảnh tỉnh bản thân tránh sa lầy vào “cái bẫy” của việc dịch. Tất nhiên, công việc dịch trên thực tế khó tránh khỏi sai sót, đặc biệt với những chướng ngại, “khoảng cách” giữa hai nền văn hóa khó thể vượt qua. Song, đối với Việt Nam và Trung Quốc vốn có nhiều điểm tương đồng văn hóa, đặc biệt trên phương diện ngôn ngữ. Bộ phận ngôn ngữ Hán – Việt của chúng ta hoàn toàn có thể thỏa mãn được đa phần nhu cầu chuyển dịch văn bản gốc từ tiếng Trung Quốc. Ngoài ra, văn tự Hán cũng là di sản văn hóa truyền thống của đất nước ta. Thơ văn các triều đại Phong kiến đều sử dụng chữ Hán đan xen chữ Nôm. Tác phẩm: “Nan hữu xuy địch” của Hồ Chủ Tịch là một trong những tác phẩm văn học như thế. Trước hết và sau cùng, đây là một tác phẩm Việt Nam (chứ không phải Trung Quốc). Vì thế, chẳng lẽ nào người dịch phải chuyển nghĩa từ “địch” thành “sáo” của tác giả? Tư duy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong trường hợp này không khéo biến tiếng Việt thành tù mù, mất đi thuộc tính trong sáng! Hàm lượng sử dụng từ Hán – Việt tùy thuộc vào chủ quan của người dịch cũng như bối cảnh, không gian văn hóa. Người miền Trung có khuynh hướng sử dụng từ Hán – Việt với hàm lượng cao. Miền Bắc trước sức ép trung tâm văn hóa, chính trị, nên gia tăng số lượng từ thuần Việt. Tuy nhiên, cái chúng ta hiểu thuần Việt hay Hán – Việt đôi khi cũng mù mờ, khiến cho yếu tố thuần và lai tạp bị phân sai ranh giới. Trước khi đến với ngôn ngữ thuần Việt, văn hóa nước ta đã hình thành trên cơ sở giao lưu văn hóa với nhiều tộc người trong khu vực Bách Việt, từ đó làm hình thành nhiều nét tương đồng trong văn hóa, đặc biệt ngôn ngữ Quảng Đông cũng được gọi là tiếng Việt (tự hình chữ Hán có viết khác nhau).

Trên thực tế, cây địch chẳng hề xa lạ với người Việt Nam. Trong bài thơ “Chinh phụ ngâm”, bản dịch thơ của Đoàn Thị Điểm đã viết: “Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng. Hàng cờ bay trông bóng phất phơ. Dẫu chàng theo lớp mây đưa. Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà...” Phạm Huy Thông có bài “Tiếng địch sông ô”; Thế Lữ trong tác phẩm “Tiếng trúc tuyệt vời” tặng Tường Bách cũng có mấy câu: “Tiếng địch thổi đâu đây. Cớ sao mà réo rắt? Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt. Mây bay… gió quyến mây bay…” Như vậy, từ lâu cây địch đã đi vào thơ ca Việt Nam, chứ không xa lạ đến mức phải sự dụng một từ khác để thay thế. Những trường hợp mang ý nghĩa tương đồng như “cổ” thành “trống”, “cầm” thành “đàn”, “phạn cổ” thành “trống cơm”… lẽ đương nhiên có thể hiểu theo nghĩa tương thông. Song, cần nhận mạnh rằng, ngay cả những từ “cổ”, “cầm”, “phạn cổ”… đều là tiếng Việt cả, không nên phân biệt đối xử!

Địch hay Địch tử là một chủng loại nhạc khí hơi trong âm nhạc truyền thống Trung Quốc, sử dụng phổ biến trong âm nhạc dân gian, Hý khúc và cả nhạc giao hưởng, nhạc Pop… hiện đại. Địch có rất nhiều chủng loại khác nhau, có loại sử dụng thêm “màng rung” làm bằng chất liệu gỗ cây sậy. Sự phát triển của Địch đi từ đơn giản chỉ có 3 lỗ bấm lên tới 11 lỗ, thực hiện được cả bán âm. Năm 1979 ở di chỉ thời kỳ Đồ đá mới Giả Hồ huyện Vũ Dương, Hà Nam từng khai quật được mười mấy loại nhạc khí, trong đó có một chiếc Địch làm bằng xương. Cây địch này ngoài có 1 lỗ thổi ra, còn có 7 lỗ bấm. Nó là vật tuẫn táng trong một ngôi mộ. Các nhà khảo cổ cho rằng, đó là di chỉ văn hóa Giả Hồ thời kỳ đầu. Dựa vào số liệu giám định tính bằng phương pháp đồng vị Carbon niên đại 14, văn hóa Giả Hồ thời kỳ đầu cách nay từ 7920 ± 150 năm. Như vậy, Địch là một trong những nhạc khí tối cổ của người Trung Quốc, sánh ngang với Chuông, Khánh, hai nhạc khí tượng trưng cho hai giai đoạn phát triển từ đồ đá chuyển sang đồ đồng.


Sáo trúc

Còn sáo là một nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Sáo có lịch sử lâu đời, cũng bao gồm nhiều kích cỡ khác nhau. Riêng sáo trúc của người Kinh cũng có rất nhiều loại, từ không có người thổi gắn vào chiếc diều kêu vi vu trong gió đến loại dùng phổ biến hiện nay có 1 lỗ thổi và 6 lỗ bấm. Sáo đa số làm bằng chất liệu tre, trúc, nứa, rùng, gỗ…. Trong tranh dân gian, sáo xuất hiện với tần suất lớn, tượng trưng cho hình ảnh quê hương thanh bình. Sáo không chỉ phổ biến trong cộng đồng người Kinh, mà còn trải đều khắp các tộc người sinh sống trên đất nước ta. Nó là sản phẩm miền nhiệt đới, sinh ra và dung dưỡng bởi thổ nhưỡng và môi trường văn hóa xứ sở.

Những mô tả sơ lược trên đây phần nào giúp chúng ta hình dung được dáng vẻ, chất liệu cấu tạo cũng như hệ thống lỗ thổi, lỗ bấm… của hai nhạc cụ cùng họ mà khác “hàng” (nền văn hóa) này. Có thể dễ dàng thấy rằng, những yếu tố ngoại hình mới chỉ dừng lại ở phần xác của một nhạc khí, còn phần hồn, ngôn ngữ, tiếng nói biểu cảm, những âm thanh bi, hoan, hỷ, nộ… hiện hữu ở thuộc tính vang. Cũng qua âm thanh người ta xác tín được phẩm chất, phẩm tính của từng loại nhạc cụ. Hình tướng của hai nhạc cụ địch và sáo tuy có nhiều điểm tương đồng, nhưng quan trọng chúng hình thành trên cơ sở thẩm mỹ âm nhạc của hai truyền thống văn hóa khác nhau. Thẩm mỹ nghệ thuật hun đúc qua truyền thống văn hóa ẩn sâu trong cả thực thể nội tại lẫn ngoại tại. Người Trung Quốc dù có thổi cây sáo Việt Nam vẫn dễ dàng bị biến thành cây “địch” xét về hiệu quả âm thanh. Đối với nhạc cụ hơi, chúng tự nhiên gắn kết với người sử dụng tạo thành một thực thể thống nhất, tựa như việc nối dài khí quản. Bởi vậy, nhạc cụ hơi rất gần với tiếng hát, vì phát thanh nhờ vào khí, hơi thở của người sử dụng. Giai điệu diễn tấu bằng sáo, địch, kèn… chẳng khác nào những tiếng hát không có lời ca. Thẩm mỹ của người thổi được truyền vào nhạc cụ (hơi), thậm chí ngay cả những nhạc cụ thuộc họ khác, như dây… cũng thể hiện rõ đặc tính này. Đối với nhạc khí hơi, do tính năng gắn liền với cơ năng người sử dụng, nên dễ dàng tạo nên thuộc tính thẩm mỹ riêng biệt, thoát khỏi sự ràng buộc về hình tướng vật chất. Thiết tưởng, vấn đề trên đã được thực tiễn minh chứng, không cần nói thêm nhiều. Thẩm mỹ hun đúc từ truyền thống văn hóa, ẩn sâu bên trong từng cá nhân, đặc biệt đối với những truyền thống mang “zen” trội. Cây cello người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng thế giới Yo yo ma từng bị phát hiện có âm sắc đàn Hồ trong tiếng đàn của mình. Qua đây nhắc nhở về bản sắc văn hóa mỗi dân tộc không chỉ nổi trội trên bề mặt của một số sự vật hiện hữu, mà ẩn hiện trường tồn suốt chiều dài lịch sử. Nhiều nhạc sĩ lầm tưởng rằng, cứ sử dụng vài quãng đặc trưng trong âm nhạc truyền thống, kết hợp với những hình ảnh, sự vật hiện hữu, trực quan sinh động, như bờ tre, giếng nước, sân đình, gốc đa… là có thể tạo tác nên những tác phẩm đậm đà bản sắc dân tộc. Đó mới chỉ là phần nguyên liệu thô. Trong thời kỳ mọi giá trị dễ dàng bị lay chuyển, “cây đa” có thể bị đốn gốc để chuyển đổi giống cây trồng. Đình, chùa, miếu, võ có thể trùng tu làm cho méo mó thậm chí san lấp đi để xây cao ốc… Song, truyền thống văn hóa hiểu là những giá trị vẫn trường tồn, ngay cả khi đất trời tan hoang vào những năm tháng chiến tranh. Người sáng tạo phải đóng vai trò tiếp nối truyền thống bằng quá trình khám phá, phát hiện ra chuỗi giá trị nhờ quan sát và trải nghiệm sâu sắc.

Đối với người làm âm nhạc, việc xác minh “căn cước văn hóa” của một nhạc cụ thường thông qua yếu tố âm thanh vang. Còn đối với người dịch văn bản nhiều khi chỉ dừng lại ở khía cạnh chuyển nghĩa, lớp vỏ vật chất của tư duy ngôn ngữ. Từng có dịch giả giải thích: sáo và địch không chỉ giống nhau, mà quan trọng là mỗi chủng loại nhạc khí đều thống thuộc vào một nền văn hóa. Sáo thân thiết với người Việt Nam. Người dân ta từ lâu đã quen với cây sáo, nên không thể dẫn “địch” để đưa vào bài thơ đã được Việt hóa? Với cách diễn dịch này, không chừng người Bỉ sẽ dịch “Nan hữu xuy địch” của Hồ Chủ tịch thành “Người bạn tù thổi Sacxophone”? Nên nhớ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam, không lẽ gì trong bản gốc chữ Hán tác giả lại phải dùng chữ “địch” thay cho chữ “sáo”? Vấn đề nằm ở chỗ và trên thực tế, người bạn tù (nan hữu – hiểu là người bạn cùng cảnh ngộ gặp nạn) ấy đã thổi địch, một loại nhạc khí hơi của Trung Quốc chứ không phải sáo của người Việt Nam. Bác Hồ hiển nhiên chẳng hề xa lạ gì với cây sáo và tiếng sáo. Vì thế, trong quá trình chuyển dịch (bất đắc dĩ đối với tác giả là người Việt Nam), người dịch không nên tự ý chuyển nghĩa mà tác giả đã viết rất rõ trong văn bản (gốc). Ngoài ra, với cách dịch (địch vẫn là địch) này cho phép người đọc tiếp cận sâu hơn với khía cạnh phản ánh tính xác thực của nhân vật trong thơ. Nếu người bạn tù thổi sáo rất có thể người ấy là người Việt Nam. Còn người bạn tù thổi địch, xác suất chỉ người Trung Quốc rất cao. Từ hai cách dịch khác nhau trên có thể dẫn tới hai cách suy diễn và truy lùng căn cứ khác nhau. Nên, dịch “phản nghịch” là thế! Bản dịch có thể hay hoặc dở, song bản dịch không bao giờ là bản gốc. Vậy, trong những trường hợp chuyển ngữ, người dịch hãy nên thận trọng.

Văn hóa nước ta từng bị đứt gãy liên tục trong quá khứ. Đó là lý do tại sao người đương thời phải tiếp xúc với di sản truyền thống (giới hạn trong phạm vi văn tự) bằng bản dịch. Dịch ngoài là một công việc bức thiết nhằm thỏa mãn nhu cầu nhìn sang những nền văn hóa khác qua cánh cửa ngôn ngữ, nó còn là chiều đối tỷ của người dịch khi lơ là những khía cạnh thuộc về văn hóa. Hy vọng “tiếng sáo” trong bài thơ như một lời nhắn nhủ, gửi đến những người đang đi trên con đường gắn kết giữa những giai đoạn và nền văn hóa khác nhau.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...