Ngôi nhà...căn phòng gác một

10/08/2017


Từ phải: GS Lưu Hữu Phước, NSƯT Tô Lan Phương, nghệ sĩ violon Trần Mùi


Từ trái: NSND Thái Ly, đạo diễn Ngô Y Linh, Trần Mùi, Tô Lan Phương, vợ anh Ngô Y Linh,
nghệ sĩ múa Lã Tiến Thêm cùng các con gia đình anh NYL

Đi qua ngôi nhà ấy mấy lần mỗi khi hắn ra Hà Nội.

Nhưng khi đến thì cửa đóng, lúc đang hội họp.

Hắn muốn được tận mắt căn phòng mà cách đây cũng ngót nghét trên bốn mươi năm về trước hắn có kỷ niệm về nơi đó...

Hình hài ngôi nhà của ngày xưa hầu như không thay đổi, có chăng chỉ là mầu áo mới của nước sơn phết cho sạch sẽ mà thôi.
Chiếc cầu thang gạch được xây rất đẹp với những hoa văn, họa tiết còn tồn tại cùng thời gian và tất cả mọi thứ vẫn như cũ... 

Ấy là điều hắn muốn! 

Căn phòng ấy, nơi đã diễn ra lễ thành hôn với sự chủ hôn là ông xếp lớn của vợ chồng hắn ngày trong rừng tức là trong chiến khu Nam bộ: nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tức Huỳnh Minh Siêng - tác giả của rất rất nhiều ca khúc nổi tiếng. Không ai là không biết như "Giải phóng miền Nam" của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN và "Tiếng gọi thanh niên" dùng làm quốc ca của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Đám cưới nhỏ thôi, hầu như chỉ có vài ba đĩa bánh kẹo cùng phần thuốc lá được ưu tiên phân phối cho người ở chiến trường ra. 

Bộ quần áo complet hắn mặc là đi mượn. 

Cô dâu áo dài lụa Hà Đông do bên nhà trai may tặng cùng bó hoa lay ơn làm điểm nhấn. 

Vậy thôi! 

Ngày ấy tất cả đều nghèo - một cái nghèo thanh bạch nhưng thật thương.

Khách tới dự hầu như chỉ là anh em quen biết, thầy cô giáo cũ Trường Âm nhạc VN cùng một số anh chị em văn nghệ sĩ quen biết với gia đình. 

Ai cũng nghèo cả. 

Hắn và nàng lại vừa từ nơi rừng thiêng nước độc trở về, có sao làm vậy. 

Thế mà cũng rôm rả ra phết. 

Bình dị với cốc nước chè xanh Thái Nguyên rồi dậm cổ miếng bánh, cái kẹo Hải Hà. cũng xong.

Gia đình đạo diễn - biên kịch Ngô Y Linh, gia đình nghệ sĩ Trần Hiếu - Thuý Huyền, họa sĩ nổi danh Lương Xuân Nhị, nhà thơ Bảo Định Giang... ai cũng có mặt chia vui. Hỉ hả!

Thấy căn phòng cũ, hắn nhớ ngày xưa mà lòng bồi hồi quá đỗi.

Quá khứ vụt về trong những ngày tháng bảy oi bức của Hà Nội...

Thương - Nhớ 

Nhớ - Thương vô cùng...

Sài Gòn thượng tuần tháng 8.2017

M

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...