Ngọc-Trà-Giang: Tam tấu của cuộc đời
Anh: NSƯT, GS, người chắp cánh cho những tài năng âm nhạc Việt Nam, một violinist hàng đầu. Chị: NSND, một gương mặt sáng chói của điện ảnh Việt Nam.
Con gái duy nhất: học nhạc lúc 4 tuổi, 14 tuổi được chọn sang Nga học tại khoa Piano Nhạc viện Gơnhesin… là học trò của GS Lev Naumov tại Nhạc viện Moscow và với Christopher Elton tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia ở London… Cô được phong tặng danh hiệu ARAM (vì những đóng góp nổi bật cho nền âm nhạc) năm 2013.
Ở hai đầu nỗi nhớ...
8 tuổi, Bích Ngọc thường tựa cửa hàng giờ say sưa uống từng giọt đàn của người hàng xóm - một nghệ sĩ độc tấu violon đã từng đoạt giải nhì Đông Dương. Riết rồi thành nghiện và nỗi ham muốn được sống với cây vĩ cầm trong lòng Bích Ngọc cứ lớn dần theo tháng năm.
Nhà nghèo, con đông, tiền đâu để cha mẹ mua được cây đàn ấy? Rồi cây đàn banjo đã sớm đưa cậu hòa vào hoạt động văn nghệ kháng chiến của xứ võ. 14 tuổi, Bích Ngọc giã từ cù lao Xanh ra Bắc, bắt đầu sự nghiệp là một diễn viên múa của Đoàn văn công Liên khu V.
Nhưng với cậu, âm nhạc luôn là nỗi đam mê: ngày lại ngày, cứ 4 giờ chiều, dưới cây cột đèn có gắn loa phóng thanh ở một con đường nhỏ ngoại thành Hà Nội, Bích Ngọc say sưa nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát chương trình nhạc cổ điển. 6 giờ tối, về nhà tập thể khu văn công, cậu lại giở sách ra học - những cuốn methode Bích Ngọc chọn mua bằng số tiền ít ỏi của mình...
Cứ vậy, tối cậu tự học đến 11 giờ, ngày ra chùa Hà học quên cả trưa. Cảm thông với nỗi đam mê cháy bỏng đó, nghệ sỹ violon Ngụy Zoach của Đoàn đã quyết định dạy kèm ngoài giờ cho.
Và rồi thật hi hữu, năm 1958, một GS người Nga khi đến thăm các đoàn văn công Việt Nam đã ưng ý chọn Bích Ngọc làm học trò bộ môn violon của ông. Ước mơ đã thành hiện thực, sung sướng tột độ, hằng tuần vào Thứ ba và Thứ sáu, Bích Ngọc đi bộ từ Cầu Giấy vào nội thành để học thầy.
Năm 1960, tài năng và sự lao động cần cù ấy đã đưa anh đến khoa vilon của Nhạc viện Tchaikovsky (Matxcơva). Trong 7 năm học tập ở đây, một lần cầm tờ báo viết về chuyến viếng thăm Matxcơva của một diễn viên điện ảnh Việt Nam, khi xem ảnh, Bích Ngọc đã... nhận ra người quen! Anh xuýt xoa: “Cô ấy đã lớn đến thế này rồi ư!...”.
Với Bích Ngọc, cô hàng xóm ấy vẫn chỉ là cô bé thường được anh xoa đầu những lúc nhảy chân sáo đi học về (hơn “người ta” có 2 tuổi mà làm bộ như lớn lắm). Ra Bắc, cô được học ở một trường miền Nam (Hải Phòng).
Trong trường nội trú, cô gái tứ thời đồng phục quần xanh áo trắng ấy luôn say sưa với những hoạt động văn nghệ để rồi năm 1959, cô thi đậu vào trường múa (khởi đầu cũng từ ngành múa).
Chưa kịp nhập học, được biết có chuyên gia Liên Xô tổ chức thi chọn học sinh cho lớp diễn viên điện ảnh, cô liền rủ bạn dự thi. Và cô học sinh có đôi mắt đen tròn ấy đã thi đậu. Sau này cô mới biết chuyên gia Liên Xô đã nhận xét: diễn xuất tiểu phẩm có chiều sâu, tình cảm chân thật. Cô cười cười thổ lộ: “chắc nhờ ăn ảnh chứ lúc đó với tuổi 16 ở trường nội trú thân thể chưa nở nang lại còn xấu nữa chứ!...”.
Nói cho đúng niềm đam mê “điện ảnh” này đươc Ba cô tiếp sức bằng những bức thư động viên hướng dẫn chu đáo lại còn gửi cho những tấm ảnh chụp các kiểu trực diện, nghiêng, ba phần tư và chính những bức ảnh này đã góp phần giúp cô thi đậu.
Trà Giang thành thật tâm sự: “...nếu không có những động viên của ba tôi, chắc tôi không có quyết tâm đi học...”.
3 năm học rồi tốt nghiệp, cô vào vai Kiên trong phim Một ngày đầu thu - một vai phụ nhưng có cá tính. Cô đọc kịch bản, tập trung suy nghĩ dựng lý lịch nhân vật thật cụ thể, chọn cách diễn cho mỗi lần xuất hiện...
Lao động cật lực và nghiêm túc đã trở thành tiền lệ trong mọi phim cô sẽ nhận vai sau này. Khi đạo diễn Kỳ Nam đi tìm người đóng chị Tư Hậu cho bộ phim cùng tên, ông đã chọn cô sau khi xem bản nháp bộ phim Một ngày đầu thu...
Sự lao động nghệ thuật thật sự của cô đã tạo nên một ngôi sao điện ảnh. Trà Giang nổi tiếng trong nước rồi thế giới để năm 1963, chị có mặt ở Matxcơva... giúp Bích Ngọc nhận ra người bạn gái thuở ấu thơ.
Năm 1964, Bích Ngọc về nước, tình cờ anh gặp Trà Giang ở nhà nhạc sỹ Phan Phúc là bạn chung của hai người. “Tôi thực sự rung động lúc nghe nàng gọi Anh Ngọc ơi! Rồi tình yêu đơn phương của tôi bắt đầu từ đó”.
Khởi đầu là bức thư của Trà Giang gửi sang thăm hỏi Bích Ngọc khi anh bị thương do bất cẩn trong cuộc biểu tình chống Mỹ nhân sự kiện 5-8-1964 tại Matxcơva. Rồi thư đi thư lại. Rồi những lần tìm thăm nhau để dần dần họ dệt nên một nỗi nhớ mà ở cả hai đầu Hà Nội - Matxcơva là hai tâm hồn nghệ sĩ đồng điệu, cùng biết sống tự lập từ nhỏ, cùng yêu nghệ thuật, cảm vì tình, mến vì tài nên hai trái tim ấy đã hòa chung một nhịp đập...
Họ là điểm tựa của nhau
Năm 1966, tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky, được giữ lại làm tiếp chương trình nghiên cứu sinh, nhưng Tổ quốc đang có chiến tranh nên Bích Ngọc xin về nước công tác. Anh đến thăm Trà Giang - lúc này đã nổi tiếng - đúng lúc chị đang ngồi bên... cốc nước lọc, gặm bánh mì và miệt mài ôn thi. Đó là giọt nước cuối cùng trong cái ly tràn đầy hạnh phúc.
Tháng 7-1967, họ cưới nhau để rồi ngay sau đó, Bích Ngọc trở lại Nhạc viện Tchaikovsky làm tiếp chương trình nghiên cứu sinh và Trà Giang lại vào vai diễn cho một bộ phim đang quay.
Năm 1970, Bích Ngọc tốt nghiệp về nước, anh phải đứng trước hai ngả đường chỉ được chọn một: biểu diễn hoặc giảng dạy. Một buổi tối, các nhạc sĩ Quang Hải và Đàm Linh đã ngồi tâm sự với Bích Ngọc đến 3 giờ sáng để thuyết phục anh về Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch Việt Nam với tư cách một nghệ sĩ độc tấu violon, một cố vấn nghệ thuật (con đường thật thênh thang - ước mơ của những nghệ sĩ vĩ cầm - bởi nơi đó là tiếng tăm, là đãi ngộ...).
Bích Ngọc quyết định trở về làm giảng viên trường Âm nhạc Việt Nam bởi từ những năm 1960-1961, anh đã nuôi quyết tâm: trở thành nhà giáo dẫn dắt lớp đàn em tạo nên những nhân tài âm nhạc cho Tổ quốc.
Và đây một lý do thật đáng nể: Trà Giang là diễn viên điện ảnh, công việc buộc chị phải “động” nên Bích Ngọc phải “tĩnh” với việc giảng dạy để làm cột trụ cho hạnh phúc gia đình.
Nghỉ hè, Bích Ngọc thường đi thực tế hoặc đi làm phim với Trà Giang, đôi lúc anh cũng tham gia đóng phim qua những vai quần chúng. Phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là dấu son khá đậm trong cuộc đời diễn viên của Trà Giang mà diễn viên quần chúng Bích Ngọc đóng góp công sức không ít trong nhiều phân cảnh.
Để chuẩn bị đóng phim này, chị đi thực tế khá nhiều, như chuyến vào Vĩnh Linh ở cùng địa đạo với du kích dân quân cả 2 miền. Bộ phim quay liền trong 2 năm, anh chị thỏa thuận với nhau khi kết thúc phim, họ sẽ có con.
Tháng 3-1973, Bích Trà ra đời - cô con gái duy nhất mà sự hoài thai cũng được sắp xếp từ lịch trình làm nghệ thuật của cha mẹ. Khi Bích Trà được 3 tháng tuổi, Trà Giang được mời tham dự Liên hoan phim quốc tế ở Matxcơva. Làm sao có thể dứt con ra đi?
Nhưng đây là dịp bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm và nền điện ảnh non trẻ Việt Nam ra mắt thế giới, sự có mặt của đạo diễn và diễn viên chính cần thiết biết bao! Trà Giang chần chừ mãi đến khi cả ba cô và Bích Ngọc nói “...Trà Giang đi không phải cho riêng mình...”, cô mới thuận.
Bích Ngọc vừa thuyết phục vợ vừa tự anh thực hiện việc... cai sữa cho con! Anh cho Bích Trà bú bình, con bé cứ ưỡn lên khóc, không chịu bú. Mà con khóc thì mẹ cũng khóc theo. Cứ vậy cho đến khi Bích Ngọc dỗ dành hàng mấy giờ liền, bé mới bú hết một bình.
Và sau một tuần lễ, Bích Trà đã chịu ăn, không khóc nữa, Trà Giang mới yên tâm ra đi. Khi Bích Trà lên 4, sau bao năm dành dụm, họ mua được cho con một chiếc đàn dương cầm. Ngay từ những ngày đầu, bé được học dưới sự hướng dẫn của cha rồi thi đậu vào Nhạc viện Hà Nội người thầy đầu tiên ở trường của em là nghệ sĩ Thu Hà rồi sau đó là các thầy cô Nhật Anh, Nguyễn Hữu Tuấn.
Về nước năm 1985-1986, khi theo dõi Bích Trà chơi piano, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã có những nhận xét sâu sắc về hai bàn tay chơi đàn, nhạc cảm nơi đôi tai tinh tế và kỹ thuật... của em từ đó anh khuyên nhanh chóng cho Bích Trà sang Nga học và anh sẽ giới thiệu thầy dạy để tiếp tục phát triển tài năng. Năm 1987, Bích Trà thi đậu vào Khoa piano Nhạc viện Gơnhesin cô tốt nghiệp bằng đỏ hệ trung cấp và học tiếp hệ đại học tại đây. Sau tốt nghiệp 1997 cô được chuyển tiếp lên học ở Nhạc viện Tchaikovsky.
Giáo sư Bích Ngọc đã góp phần tạo nên một loạt những tài năng violon Việt Nam: từ Khắc Hoan, Ngô Thành, Bùi Công Thành, Nguyễn Ngọc Đĩnh, Trần Mạnh Hùng đến Phượng Như, Khôi Nguyên, Tăng Thành Nam, Nguyễn Quốc Trường,... Ước muốn đầu tiên của anh là được sớt chia “thư viện tri thức violon” cho con nhưng đứa con duy nhất ấy lại theo học... piano.
Tháng 10-1995, từ Matxcơva, Bích Trà được chọn tham dự Concourse âm nhạc quốc tế Chopin ở Warsawa (Ba Lan). Bích Ngọc cùng Trà Giang đã bay sang đó với con. Rồi cái cảnh ngày nào tại Hà Nội - khi Bích Trà còn học ở nhạc viện trong nước - lại diễn ra trên đất Ba Lan.
Trong một căn nhà nhỏ cách nơi tổ chức cuộc thi nửa giờ xe buýt, Trà Giang đi chợ nấu ăn, Bích Ngọc ngồi cùng con gái bên cây dương cầm. Để rồi tại cuộc thi này, có ba trái tim Việt Nam cùng hồi hộp và rộn rã trong một nhịp đập...
Tôi gặp chị khi chuyện làm phim ảnh tạm lắng xuống. Chị bộc bạch, trước đó anh chị đến chơi thăm nhà bác Trần Văn Trà, nhìn thấy những búc tranh treo trên tường đều của bác gái vẽ chị thích quá hỏi thì được biết bác đã đi học một lớp vẽ của Hội Mỹ thuật và đây là thành quả. Để khỏa lấp những trống vắng của nghề nghiệp, chị rủ anh đi học vẽ, được 3 tháng thì anh lâm bệnh.
Sau 49 ngày của anh, con gái lại ra nước ngoài, để giúp chị vượt qua nỗi cô đơn, bác Trà đã giúp chị trở về với cây cọ mà bắt đầu từ nhóm vẽ Hương Cỏ của bác. Tôi thích thú ngắm nhìn những bức tranh treo tường từ phòng khách lên đến các phòng trên lầu và cũng thật bất ngờ khi phát hiện ra tác giả là chị. Càng thích thú hơn khi được biết chị đã từng tham gia các triển lãm tranh theo nhóm ví dụ như lần cùng anh Phan Vũ rồi gần đây nhất đã “bạo phổi” - từ dùng của chị - làm một triển lãm cá nhân. Chị tâm sự trong xúc động: “...vẽ bắt đầu từ việc làm vơi dần đi nỗi nhớ thương người chồng suốt đời quá yêu thương chăm sóc vợ con rồi trở thành nỗi đam mê như ngày nào đứng trước ống kính...”.
Tháng 7-1997, Bích Trà tốt nghiệp thạc sĩ ưu tú Nhạc viện Tchaikovsky và tháng 8-1997, em sang London học cao học biểu diễn tại Viện Âm nhạc Hoàng gia Anh.
Sau 2 năm học em đã tốt nghiệp hạng ưu rồi trong một lần thi với hàng trăm thí sinh có hạng của thế giới, Bích Trà được chọn đến Ohio (Mỹ) biểu diễn vào tháng 8-1999 mà cuối năm đó người cha yêu thương qua đời.
Trở lại nước Anh sau khi chịu tang cha, Bích Trà ngoài việc thường xuyên biểu diễn tại đây và tại quê hương còn đi Na Uy, Thụy Điển... Cô quyết định ở lại Anh, cái nôi của nền âm nhạc cổ điển, nơi hằng ngày sản sinh biết bao tài năng âm nhạc để làm việc, để tiếp tục tìm thầy giỏi rèn nghề.
(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)