Ngọc Tân - Giọng ca vàng với nhiều biến cố cuộc đời
Thời gian vừa rồi tôi có mấy chuyện vui liền, nào là thành công với cuộc triển lãm hội họa cá nhân bày 50 bức bán được 38, số còn lại không phải ế, mà là tiếc tôi đóng cửa triển lãm sớm, mang tranh về, nào là ra mắt cuốn sách 'Phố Hoài" được bạn đọc hồ hởi đón nhận. Trong niềm vui ấy, có một nỗi nhớ âm thầm của tôi với Ngọc Tân, một người bạn thân, một tri âm tri kỷ.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi Ngọc Tân là nhân vật chính, có tựa đề “Lời cuối cho em” cũng bán rất chạy, lượng phát hành tới gần 10 ngàn cuốn. “Lời cuối cho em” là tên bài mà Ngọc Tân hay hát, là bài tôi rất thích, trong đó nhớ nhất câu: “Đừng nhìn anh bằng đôi mắt buồn vời vợi…”. Bây giờ chả còn ai “sến” thế này, thích là đến, chứ không phải dài dòng như hồi chúng tôi, chỉ dừng ở chỗ “lời qua tiếng lại” như thế. Ấy nhưng lại rất sâu nặng.
Tôi đã nhiều lần vẽ phác thảo chân dung Ngọc Tân, nhưng chưa bức nào hoàn thiện ưng ý. Chúng tôi coi nhau là bạn, hồi đầu Ngọc Tân còn nghèo, tôi là người bỏ vốn cùng anh làm show ca nhạc “Biển của một thời”, sau thêm nhiều show khác, vốn của tôi anh đã trả hết, lương quản lý (bà bầu) của tôi là 1 triệu/ ngày, trong khi cát xê của các ca sĩ hàng đầu chỉ 700 ngàn…
“Sòng phẳng để tồn tại” là điều nhiều nghệ sĩ cho rằng tồi tệ, không thanh tao lãng mạn, họ không ngờ rằng chính cái à uôm, cái thiếu sòng phẳng đã giết chết nhiều mối quan hệ tốt đẹp, nhất là có chung chuyện làm ăn, kinh tế. Tôi từng trở về từ nước ngoài về nên hiểu và thích lối sống này, nhưng chưa tiện nói thì chính anh đề nghị. Tình bạn của chúng tôi tồn tại bền lâu, kể cả bây giờ, khi anh không còn nữa, tôi và vợ anh vẫn còn chơi với nhau, thương nhau như chị em gái là nhờ cái chuẩn đặt ra đó...
Nhớ lại, lần gặp đầu tiên, tôi mới ở nước ngoài về cũng có phần “long lanh” một chút, Ngọc Tân theo đoàn Bông Sen từ Nam ra Hải Phòng diễn, tôi chờ nhận hàng ở cảng, rảnh rỗi, vào đằng sau cánh gà - phòng hóa trang thăm Thanh Hoa, gặp Ngọc Tân ở đó. Chúng tôi đều sững người nhìn nhau qua gương, để rồi cuộc làm quen diễn ra nhanh chóng…
Dần dần, mỗi lần ra Hà Nội là lần chúng tôi gặp nhau cà phê cà pháo. Cả nhóm thân nhau có Nguyễn Thụy Kha, Tào Tuấn Phương, Lê Dung, một cô gái tóc vàng - tôi quên tên và 2 chúng tôi. Ngọc Tân nghiện cà phê, rượu chỉ nhấp nửa ly là không chịu nổi.
Cuộc đời Ngọc Tân với số phận của kẻ vượt biên không thành, vợ chết ngoài biển, tàu dạt vào Hà Tĩnh sau cơn bão, tiền không còn, phải đổi chiếc đồng hồ thủy quân lục chiến lấy ván chôn cất vợ qua lời kể của anh vào những lần gặp nhau, khiến tôi rất thương cảm.
Tôi thương Ngọc Tân, người có giọng ca bẩm sinh, con một phụ nữ hát trong ca đoàn nhà thờ Hàm Long nhưng không học trường lớp nào, ở nhà làm nghề chữa đồng hồ với bố ở Phố Huế. Nhờ nghệ sĩ gạo cội Trần Khánh đến chữa đồng hồ phát hiện ra nên được vào làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, dạy ký xướng âm trên sóng phát thanh và thi thoảng được đứng trong dàn đồng ca của Đài. Anh thực sự vô danh cho đến khi hát song ca với ca sĩ Thanh Hoa. Cho đến lúc Thanh Hoa đã là NSND thì Ngọc Tân vẫn là ca sĩ tự do, công việc bấp bênh, không chỉ ngoài biên chế mà lên sân khấu hát còn phải lấy tên Ngọc Hà, Bảo Hà… vì cái lý lịch đi tù ấy.
Tôi gặp Ngọc Tân trong hoàn cảnh ấy và cũng trong thời gian tôi thân với nhạc sĩ Trần Tiến. Hai người ấy là một cặp bài trùng. Ngày đó không ai hát những bài của Trần Tiến hay như Ngọc Tân: Lý qua cầu, Tạm biệt chim én, Ngẫu hứng sông Hồng, Ngọn lửa cao nguyên, Tiếng đàn Cha Pi, Vết chân tròn trên cát… Những bài hát trong dự án sáng tác cho Trung ương Đoàn chủ đề “Sinh đẻ có kế hoạch” của Trần Tiến đều do Ngọc Tân vỡ bài.
Phải nói thêm rằng, ngày đó nhiều ca sĩ chỉ hát theo bản năng, có người không đọc được bản nhạc, Ngọc Tân và Thanh Hoa là số ít trong những ca sĩ cầm bản nhạc mới hát mẫu cho người khác… Tiếng hát của Ngọc Tân cực kỳ đặc biệt, cũng dòng nhạc như nhau, cũng phù hợp những bài hát của Trần Tiến nhưng Quang Lý hát một hiệu quả khác, mượt hơn, tình hơn nhưng Ngọc Tân hát sang hơn, lắng hơn, đau đớn khắc khoải hơn với đặc trưng ở chất giọng hơi khàn, nhưng quãng rộng và ở tiếng nấc nghẹn mà không sến…
Có dạo cả 3 chúng tôi đều làm việc với ông bầu Vũ Ân Khoa. Trần Tiến có ban nhạc Đen Trắng làm việc với vợ chồng Ngọc Lễ, Phương Thảo… Sau Trần Tiến làm riêng ban nhạc “Đồng Nội” với ca sĩ trẻ Hồng Ngọc. Ngọc Tân rủ tôi làm show riêng. Vậy là từ 1979, năm Ngọc Tân dự cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Con người và biển cả ở Đức, có giải thưởng để rồi lận đận kế tiếp lầm than cho đến 1994, 15 năm sau Ngọc Tân sáng rực dưới ánh đèn Nhà hát Lớn Hà Nội, với 5 đêm liền “Biển của một thời”.
Nói là làm bầu, nhưng thực ra mọi việc Ngọc Tân làm từ A đến Z, chứ không phải tôi. Tuy nhiên, anh cũng cần tôi: “đối nội, đối ngoại”, từ xin giấy phép, trả lời truyền thông, thiết kế sân khấu và tờ rơi và vé, vẽ pa-no, áp phích… đến tổ chức bán vé, thu tiền, trả cát- xê, thu xếp các chuyến đi xa đi gần cho diễn viên... Nhất là, nếu lỗ thì tạm thời ứng thanh toán, nhưng chưa bao giờ lỗ.
Ngọc Tân có số lấy vợ đẹp. Người đầu là chị Hà, làm việc ở Bệnh viện Đống Đa, sinh cho anh cậu con trai Bảo Long đẹp như thiên thần, nhưng chị đã mất trong chuyến đi tìm cuộc sống miền đất hứa gặp phải bão biển hồi 1981. Bảo Long hát hay đàn giỏi theo gien bà ngoại và bố nhưng cũng giỏi kinh doanh nên không theo nghề ca hát. Người vợ thứ hai, vốn cũng quen biết Trần Tiến, là diễn viên Khóa I của Nhà hát Kịch Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, Nguyễn Thị Kim Thoa là cảm hứng để bài “Tạm biệt chim én” ra đời…
Nguyễn Thị Kim Thoa kém Ngọc Tân 11 tuổi, một vẻ đẹp Hà Nội “dịu dàng bên đám cỏ, đợi chờ con én những chiều xa rất xa…”. Những ngày đầu khi Ngọc Tân còn khó khăn Thoa luôn cùng chồng chia sẻ nỗi lo kinh tế gia đình. Con gái Phương Thảo của họ nếu đi thi hoa hậu, chắc phải ngôi số 1. Ngọc Tân yêu thương vợ con, kể từ khi làm show riêng, anh đã đem về một đời sống dễ chịu cho gia đình, mua nhà mới, sắm ô tô, mở nhà hàng thuê người quản lý…
Tôi tự cho rằng, anh đánh giá được tình bạn của chúng tôi nên trong cuộc sống hạnh phúc của mình anh luôn có tôi, và dĩ nhiên, tôi cũng như anh, có một cuộc sống riêng tốt đẹp, chúng tôi kết hợp với nhau để làm tốt hơn cho bản thân mỗi người. Thân nhau đến mức năm nào đi đền Bà Chúa Kho anh cũng rủ tôi đi (anh không biết tôi không tin vào việc vay mượn ấy). Khi xin Thày viết sớ cho gia đình mình anh cũng bảo tôi xin cho gia đình tôi đi...
Mọi thứ đang tốt đẹp thì anh phát hiện ra mình có vấn đề về gan (thảo nào chỉ một giọt rượu cũng khiến anh ngứa ngáy tột bực). Quyết không đầu hàng số phận, Ngọc Tân tìm đủ mọi cách cả về phương diện y tế hiện đại lẫn phương diện tâm linh. Nhưng rồi anh không qua khỏi... Trước đó, anh có ý nguyện, nếu anh chết hãy đưa anh về Hà Nội, nơi anh sinh ra, nơi anh yêu dấu, nơi anh hát đắm say nhất, hay nhất “Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó” (Lê Vinh), nơi có các em ruột anh đang sinh sống và nhất là được làm phép xác tại Nhà thờ Hàm Long…
Nhớ về anh, tôi nhớ về một trong những người bạn mà tôi từng yêu mến, tận tâm đóng góp trí tuệ và công sức của mình trong những việc họ làm, như là phép cộng sinh tốt đẹp nhất mà loài người biết lựa chọn. Nhớ về một giọng ca vàng, một giọng ca được người đương thời yêu mến với hơn 150 show diễn riêng từ Nam ra Bắc qua Trung show nào cũng chật khách, mà nếu không có tôi giúp việc thì cũng có thể có người khác. Nhớ về một người có nghị lực phi thường, có tình yêu cuộc sống, có lòng tự trọng và nhân cách nghệ thuật. Và tôi vẫn nhớ rằng, hồi còn sống anh đã từng bảo mình: “Văn thì anh biết rồi, sao em không tiếp tục con đường hội họa?’’…
Ca sĩ Ngọc Tân hát "Hà Nội và tôi"
(Nguồn: https://vietnamnet.vn/)