Nghìn năm còn đó rạng danh giọng vàng

18/02/2013

11g30 ngày 6/2/2013 đông đảo các nhạc sĩ, ca sĩ cùng các đồng chí lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc TPHCM, các đồng chí lãnh đạo thành phố, quận 1, phường Đa Kao, các học trò, tang quyến và công chúng mến mộ đã họp mặt tại Nhà Tang lễ TPHCM với niềm tiếc thương vô hạn, tiễn biệt NSƯT Thanh Trì về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nhạc sĩ Hồ Bông nhìn mặt vợ - cố NSƯT Thanh Trì lần cuối (Ảnh: Thanh Hiệp)

NSƯT Thanh Trì tên thật là Nguyễn thị Thanh Trì, sinh ngày 22/11/1935, quê ở xã Phổ Cương, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nguyên là nghệ sĩ đơn ca Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc Dân tộc Bông Sen. Hội viên Hội Âm nhạc TPHCM, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Năm 1954, bà là diễn viên Đoàn Dân ca Liên khu V. Năm 1959, được tham dự Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới tại Cairô (Ai Cập). Học thanh nhạc tại Nhạc viện Kiev (Liên Xô cũ), tốt nghiệp năm 1968.

Bà có giọng hát hay, khỏe, đẹp, kỹ thuật nhuần nhị, thường xuyên tham gia biểu diễn đơn ca trong các chương trình của đoàn ca múa nhạc Bông sen (1976 – 1990). Ngoài biểu diễn, bà còn tham gia giảng dạy thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TPHCM, nhiều trường, lớp, giúp nâng cao trình độ kỹ thuật thanh nhạc cho diễn viên nhiều đơn vị nghệ thuật ca múa các tỉnh phía Nam (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Biên Hòa…). Nhiều ca sĩ nổi tiếng đã từng là học trò của bà như: NSƯT Thế Hiển, ca sĩ Lê Tuấn, Hồng Hạnh, Phương Giao, Như Hảo… Cũng có nhiều diễn viên điện ảnh theo học bà như: Lý Hùng, Việt Trinh, Mộng Vân… Cuối đời bà còn dạy cho cặp song ca Thanh Hằng – Thanh Hà.

Ca sĩ Bích Hồng, Hồng Hạnh, Phương Giao tại lễ truy điệu NSƯT Thanh Trì

Ca sĩ Lê Tuấn, Hồng Hạnh đến chia buồn cùng nhạc sĩ Hồ Bông (Ảnh: Thanh Hiệp)

Sự ra đi của NSƯT Thanh Trì là sự mất mát không gì bù đắp được. Dẫu biết rằng sinh tử là quy luật muôn đời của tạo hóa, nhưng chúng ta vẫn không thể nào tránh khỏi nỗi bùi ngùi thương tiếc người nghệ sĩ tài hoa, đầy nhiệt huyết, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân, Tổ quốc.

Với những công lao đóng góp, nghệ sĩ Thanh Trì đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý:

- Huy chương Kháng chiến hạng nhì.

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì.

- Huy chương chiến sĩ văn hóa.

- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

- Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

- Nhiều bằng khen của Bộ VHTT, UBND và Liên đoàn Lao động TPHCM.

Cuộc đời hoạt động cách mạng, sự nghiệp biểu diễn và đào tạo của NSƯT Thanh Trì gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dẫu ở bất kỳ cương vị công tác nào, NSƯT Thanh Trì cũng chứng tỏ sự kiên định, lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên (UV BCH Hội NSVN, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, Phó ban Tang lễ) đọc điếu văn. (Ảnh: Thanh Hiệp)

Vĩnh biệt NSƯT Thanh Trì. Chúng ta sẽ nhớ mãi một người con của miền Trung, đã dâng hiến cuộc đời và tình yêu cho Tổ quốc. Giờ đây, NSƯT Thanh Trì đã bước vào cõi vĩnh hằng. Nhạc sĩ Hồ Bông – người bạn đời chung thủy của NSƯT Thanh Trì đã cảm xúc viết nên bài thơ. Và ông đã đọc trong lễ truy điệu:

Thanh tao chẳng lựa lụa là
Trì xanh bích ngọc nước hòa sắc xuân
Hãy chào từ giã hồng trần
Nghìn năm còn đó rạng danh giọng vàng
Thu qua, đông đến, xuân sang
Yên lòng về chốn thiên đàng vô ưu
Nghỉ ngơi trọn vẹn yêu thương

Nhạc sĩ Hồ Bông đọc bài thơ tặng vợ. (Ảnh: Thanh Hiệp)

Nhạc sĩ Phan Nhân dùng điện thoại di động ghi lại hình ảnh cuối cùng của tang lễ NSƯT Thanh Trì (Ảnh: Thanh Hiệp)
 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...