Nghĩ về âm nhạc của Bach
Lớn lên với âm nhạc của Johann Sebatian Bach, khi trưởng thành, nghệ sỹ piano kiêm nhạc trưởng bậc thầy Daniel Barenboim đã thu âm toàn bộ Das wohltemperierte Klavier (Bình quân luật). Ông chia sẻ với mọi người những trải nghiệm về âm nhạc của Bach và suy nghĩ về vai trò của các tác phẩm này trong tiến trình phát triển âm nhạc cổ điển.
Nghệ sỹ piano, nhạc trưởng Daniel Barenboim. Nguồn: FM classic.
Lớn lên cùng Bình quân luật
Tôi được nuôi nấng trên âm nhạc của Bach. Gần như là người thầy duy nhất của tôi, cha tôi hết sức coi trọng việc con mình lớn lên cùng với các tác phẩm viết cho đàn phím của Bach. Ông xem điều đó quan trọng không chỉ bởi các khía cạnh âm nhạc của các tác phẩm này mà còn có sự liên hệ với mọi tác phẩm khác dành cho đàn piano. Với ông việc tạo ra âm nhạc phức điệu đơn giản là vấn đề quan trọng nhất trong mọi thứ gắn liền với việc chơi piano. Piano là một nhạc cụ trung lập, nghệ thuật chơi đàn cũng bao hàm cả sự tài khéo của hai bàn tay. Nó có thể tạo ra ảo giác của kỹ thuật legato (liền nốt) thông qua ảo giác âm thanh được kéo dài tương tự như âm thanh của một nhạc cụ dây, dù về mặt vật lý thì điều này tưởng chừng là không thể. Phần quan trọng nhất của việc chơi piano là yếu tố giao hưởng. Âm nhạc này chỉ có thể thu hút sự chú ý nếu các tuyến khác nhau của cấu trúc phức điệu được chơi rành mạch đến mức chúng có thể đều được nghe thấy và tạo ra một hiệu ứng ba chiều – y như trong bức tranh nơi một vật nào đó được chuyển vào tiền cảnh còn một vật khác đó được chuyển vào hậu cảnh, khiến cho một vật có vẻ ở gần người xem hơn vật kia mặc dù bức tranh là phẳng và một chiều.
Trong thời thơ ấu, tôi đã chơi gần như mọi bản Prelude và Fugue có trong tập Bình quân luật và nhiều tác phẩm khác của Bach. Đấy là nền tảng của tôi. Ở tuổi mười hai, tôi đã chuyển tới Paris để học hòa âm và đối vị với Nadia Boulanger. Khi tôi đến để học bài học đầu tiên của mình thì Bình quân luật đang ở trên giá nhạc của một cây grand piano. Bà lật đi lật lại các trang và cuối cùng dừng ở bản Prelude giọng Mi thứ trong Tập 1 rồi bảo: "Phải, cậu bé của tôi, bây giờ hãy chơi cho tôi nghe nó ở giọng La thứ". Bà cầm một chiếc thước kẻ gỗ trong tay và mỗi lần các ngón tay tôi chơi sai một nốt là bà lại dùng thước đập nhẹ vào chúng. Do đó, với tôi Bình quân luật trở thành nền tảng cho tất cả mọi thứ. Thêm vào đó cha đã truyền đạt điều gì đó với tôi mà tôi chỉ thấy được diễn tả thành lời, trong một cuốn sách viết về Franz Liszt ở Weimar: nhà soạn nhạc giải thích cho học trò là không nên chơi piano bằng hai bàn tay như hai bộ phận riêng rẽ, hay chơi bằng mười ngón tay rời rạc. Đây là một phần rất quan trọng của lời khuyên. Tôi thực sự thích thú khi đọc được điều đó, bởi vì một lần nữa tôi nhận ra điều cha đã dạy. Đây chính là cách duy nhất để người ta có thể học hỏi âm nhạc của Bach. Nếu có thể hình dung một bản nocturne của Chopin với giai điệu ở tay phải và bè đệm ở tay trái, không cần bất cứ một đối âm nào thì các tác phẩm viết cho đàn phím của Bach dứt khoát phải cần tới mười ngón tay mà ngón nọ giữ vai trò độc lập với ngón kia. Nhưng không chỉ độc lập, chúng cần phải được kết nối để tạo thành một chỉnh thể.
Sự vĩ đại của Bach
Trong âm nhạc có điệu tính có một yếu tố từng bị xao lãng, đó là hòa âm. Sức căng hòa âm có tác động chủ yếu lên một tác phẩm và cách thức mà nó được chơi. Trong ba yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc lên âm nhạc có điệu tính là hòa âm, nhịp điệu và giai điệu thì hòa âm có lẽ đóng vai trò quan trọng nhất, có uy lực nhất. Hãy thử nhìn xem, người ta có thể chơi cùng một hợp âm với hàng triệu nhịp điệu khác nhau nhưng một giai điệu sẽ thiếu hấp dẫn nếu nó không được phát triển một cách hài hòa. Điều đó cho thấy, tác động của hòa âm lên một tác phẩm âm nhạc lớn hơn nhiều so với nhịp điệu và giai điệu. Và nó tồn tại trong trong từng tác phẩm có điệu tính. Dù tồn tại hàng ngàn điểm khác biệt trong âm nhạc của Bach, Wagner, Tchaikovsky và Debussy song chúng đều có một điểm chung: chịu tác động về hòa âm. Điều này cho thấy, một hợp âm gây ra một loại áp lực thẳng lên các chuyển động ngang của âm nhạc bởi khi một hợp âm di chuyển thì dòng chảy nằm ngang của âm nhạc bị thay đổi. Tôi cho rằng đây là một quy luật tự nhiên, có ở trong tác phẩm của Bach, Chopin hay bất cứ ai khác.
Trong các tác phẩm của Bach có sự liên kết mạnh mẽ giữa nhịp điệu và hòa âm. Có thể mối liên kết này là độc nhất vô nhị trong các nhà soạn nhạc. Có lẽ đây là cái mà người ta vẫn gọi là đặc trưng sử thi ở Bach, tương tự như tính kịch ở Haydn, Mozart và Beethoven. Nhờ có chất sử thi này mà mọi thứ trong âm nhạc của Bach đạt được sự thống nhất. Giờ đây khi nghiên cứu sâu hơn nữa hoặc chơi Bình quân luật, tôi thường nhớ tới nhiều trải nghiệm – với âm nhạc của Mozart, Wagner, Schoenberg và nhiều người khác – và thấy rằng, những điều rút ra từ những tác phẩm này càng tổng quát thì việc biểu diễn chúng càng thú vị.
Tại sao nhạc trưởng Bülow lại coi Bình quân luật như Kinh Cựu ước của âm nhạc cổ điển? Kinh Cựu ước là gì? Một mặt nó là câu chuyện của một dân tộc và những trải nghiệm của mình; mặt khác, nó là một tập hợp những suy ngẫm về muôn mặt cuộc sống trên trái đất này: tình yêu, luân thường đạo lý, đạo đức, phẩm hạnh của con người... Suy ngẫm những trải nghiệm trong quá khứ để đưa ra một nhận xét về hiện tại hay bài học cho tương lai, chỉ ra những người thông thái và hiểu biết có thể tìm ra con đường của chính mình ở đâu và như thế nào - đó là những gì tôi thấy trong Kinh Cựu ước cũng như trong các kiệt tác khác, bao gồm cả Bình quân luật. Bình quân luật đem đến một tuyên ngôn về âm nhạc trong thời đại của Bach và chỉ ra chiều hướng mà âm nhạc có thể đi theo – như thực tế nó đã phát triển theo cách đó, chẳng hạn như quãng bán cung trong prelude giọng Đô thăng thứ trong Tập 1 của Bình quân luật đã mang lại gợi ý cho Wagner thi triển các giải pháp về hòa âm trong prelude Tristan und Isolde hay khúc Fugue giọng Mi giáng có thể được đưa thẳng vào một bản giao hưởng của Bruckner. Nói cách khác, Bình quân luật không chỉ là tổng hòa của tất cả những gì diễn ra trong lịch sử phát triển âm nhạc, mà còn chỉ ra hành trình phía trước. Trong lịch sử âm nhạc châu Âu, rất ít nhà soạn nhạc có tác phẩm được áp dụng theo cách này. Đây là một trong những lý do chính tạo nên tầm vóc của âm nhạc do Bach viết ra.
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)