Nghèo nàn âm nhạc thiếu nhi
Mỗi ngày, đời sống âm nhạc trong nước lại càng nhiều đổi thay, nhiều biến động, nhưng riêng mảng ca nhạc cho thiếu nhi vẫn luôn nghèo nàn.
Đồ Rê Mí - một chương trình thiếu nhi đáng yêu nhưng cũng hết sức lẻ loi trong một đời sống
âm nhạc chung nghèo nàn - Ảnh: Việt Dũng
Rất nhiều giải thưởng âm nhạc của các trang web, các hội đoàn, các chương trình định kỳ... xuất hiện, nhưng giải thưởng cho các ca khúc âm nhạc thiếu nhi dù tìm vẫn không thấy.
Vẫn chỉ là “ba vào nhà máy...”
Hãy tự hỏi, lâu nay chúng ta đã thật sự có một đời sống âm nhạc cho thiếu nhi chưa? Nhiều thập niên trôi qua, các ca khúc thiếu nhi vẫn quanh đi quẩn lại ở một vài bài hát quen thuộc, mặc dù đôi khi không còn hợp hoàn cảnh.
“Ba vào nhà máy và mẹ vui cấy cày” là một tóm lược đủ đẹp cho thế giới quan trẻ con hôm qua, nhưng hôm nay với sự phát triển của xã hội đầy phức tạp, ca khúc thiếu nhi cần rất nhiều sự đổi mới, phản ánh đúng với cuộc đời hiện tại.
Ngay trên các trang báo, người lớn đang băn khoăn về chuyện làm sao một đứa trẻ lớn lên vẫn mạnh khỏe về tâm hồn khi cha mẹ chúng ly dị, làm sao để một đứa trẻ không bị áp lực về học hành, bạn bè. Nhưng các bài hát cho thiếu nhi vẫn loanh quanh nhắc yêu cha mẹ và hoa bướm. Ðiều đó đúng, nhưng chưa đủ.
Trên đất nước có đến 90 triệu dân, chỉ có vài ngôi sao ca nhạc thiếu nhi.
Lừng danh thì có “bé” Xuân Mai nhưng đến nay thì cô đã trưởng thành. Mới đây thì có Phương Mỹ Chi, nhưng rồi cô bé cũng bị cuốn vào dòng chảy thương mại và cũng không còn hát những bài hát đúng lứa tuổi của mình, của bạn bè mình.
Nói thì dễ, ngay cả khi Phương Mỹ Chi muốn hát một bài đúng với mình cũng không biết tìm những bài hát mới đó ở đâu.
Ngay các ca sĩ nhí như Ngô Ngọc Phương Nam hát Con heo đất, Ba ngọn nến lung linh... còn đi chập chững, hôm nay đã chuẩn bị vào đại học, nhưng các bài hát đó vẫn là những bài hát “mới” với trẻ em. |
Có vẻ như nhiều bài hát vẫn nằm trong tình trạng người lớn viết trong quan điểm “chỉ là cho con nít”, đôi khi coi thường sự trưởng thành ngấm ngầm trong những đứa trẻ.
Khác với Việt Nam, trẻ em ở nước ngoài thường phải sớm tập những thói quen sống độc lập, có lẽ vì vậy cả một nền giải trí, đặc biệt là âm nhạc, thường hướng đến việc dẫn dắt chúng vào những bài học đối diện với cuộc đời.
Các bà mẹ không ngạc nhiên khi một ngày nào đó, con của mình nói chúng không sợ bước vào căn phòng tối một mình vì một chương trình truyền hình riêng cho chúng đã dạy rằng cần phải mạnh mẽ.
Hầu hết trẻ ở 3-5 tuổi đều biết đến nhân vật Dora. Các câu chuyện phiêu lưu của cô gái nhỏ mạnh khỏe, nước da ngăm ngăm này đã gieo vào tâm hồn mới lớn rằng con người cần phải xông vào cuộc đời và tự tin.
Ðặc biệt là những bài hát ngắn, vui nhộn và gợi mở trong loạt chương trình truyền hình ấy trở thành giai điệu không thể thiếu trên môi của những khán giả non trẻ.
Nhiều trở ngại
Nhiều nhạc sĩ trẻ nói rằng họ ngại viết nhạc thiếu nhi. Có nhiều cách giải thích cho tình trạng này, nhưng lớn nhất là nhạc thiếu nhi không phải loại hình dễ tạo danh tiếng trên thị trường, không làm ra tiền nhanh, cũng như không dễ tìm thấy các giọng hát và nhà tổ chức cùng phối hợp để tạo thành công.
Cũng là một điều khó, khi những hãng băng đĩa chuyên về thiếu nhi ở nước ta chưa đầy được số lần đếm của một bàn tay.
Nhưng các hãng đó hầu hết cũng dừng sản xuất, hoặc chỉ phối hợp sản xuất bằng tiền của một phụ huynh nào đó dành cho con mình để phát hành theo kiểu nghiệp dư.
Khác với thị trường âm nhạc của tuổi mới lớn và người lớn, âm nhạc trẻ em cần nhiều dàn dựng và đầu tư để có một phong cách riêng chứ không thể chụp bắt vô tội vạ, hay mỗi năm có hai, ba cuộc thi tìm giải.
Nhưng thực tế, rõ ràng rất nhiều nhà sản xuất ngại đầu tư vì sợ rủi ro, cũng như thiếu tầm nhìn của một nhà sản xuất lớn.
Hằng năm các cuộc thi ca hát vẫn diễn ra, những giải thưởng vẫn được công bố. Rất nhiều trong số đó rồi cũng đã rơi vào quên lãng.
Thậm chí có những bài hát đoạt những giải “danh giá” của hội đoàn... tổ chức bằng ngân sách nhà nước rồi cũng chìm vào bóng tối, không bao giờ đến tai công chúng.
Người lớn vẫn giành phần nhiều cho mình, dù những phần đó tốn kém hoặc nhiêu khê. Nhưng phần của trẻ con, những công dân của tương lai, vẫn là một khoảng trống không lời đáp.
Giải thưởng để khởi động
Dựng nên một đời sống âm nhạc cho thiếu nhi cần bắt đầu từ sân khấu, tổ chức, truyền hình, băng đĩa... nhưng giải thưởng lúc này cũng là một yếu tố để quy tụ.
Ngay cả giải thưởng âm nhạc lớn toàn cầu như Grammy cũng không thể thiếu âm nhạc cho thiếu nhi với vô vàn đề tài.
Nếu đã quen với quan niệm sáng tác về thiếu niên là chỉ cần các chủ đề thương thầy, nhớ bạn, nhớ trường, yêu cha mẹ... thì các nhà sáng tác nhạc thiếu nhi Việt Nam sẽ không khỏi bị sốc khi biết rằng album nhạc - kể chuyện thiếu nhi tiếng Anh được yêu thích năm nay, qua Grammy, là How one girl stood up for education and changed the world. Album nhạc này viết về Malala Yousafzai - cô gái người Pakistan bị quân khủng bố Taliban bắn vào đầu năm 14 tuổi.
Các cuộc thi âm nhạc thiếu nhi trên thế giới có đủ loại. Chẳng hạn New Zealand có giải âm nhạc thiếu niên hằng năm để tôn vinh những nghệ sĩ hát - kể chuyện âm nhạc, những bài hát giáo dục nhịp điệu hay...
Hoặc ở Mỹ, Smithsonian Folksway giới thiệu những bài hát có âm điệu dân ca truyền thống hoặc viết mới. Ở Anh, giải British Academy Children cũng là một giải thưởng danh giá nhằm vinh danh cả người sáng tác lẫn các ngôi sao nhí.
Người Anh tin rằng âm nhạc là yếu tố quan trọng để hình thành tính cách của những quý ông và quý bà, nên giáo dục bằng âm nhạc là một trong những tiêu chí quan trọng của họ.
Trong đời sống, người ta còn bắt gặp những giải thưởng mang tính tương tác quan trọng như Parent’s Choice, Kids’ Choice Awards... tức những giải thưởng được bình chọn từ giới phụ huynh hoặc từ chính khán giả thiếu nhi về những sản phẩm mà họ tiếp nhận.
Khi đời sống âm nhạc bị đứt gãy tư duy từ thiếu nhi, bước qua âm nhạc thị trường chưa trưởng thành, sẽ không tránh khỏi một dòng nhạc tư duy kiểu ngôn tình, âm nhạc rượt đuổi phong cách theo sở thích chứ không còn là một xã hội phát triển âm nhạc bình thường: có cái dở và có cái hay, chứ không là thứ tệ hại áp đảo.
Và lúc này, không ai là không nhìn thấy một đời sống cho âm nhạc thiếu nhi Việt Nam đang mòn mỏi và đứt gãy.
Giáo dục qua âm nhạc
Chương trình của PBS.org sản xuất ở Mỹ nhưng vẫn được Canada, Úc, Anh... mua để giáo dục thiếu nhi. Tiêu chí sử dụng âm nhạc và giải trí để giáo dục của Tổ chức PBS trở thành một bài học cho rất nhiều quốc gia.
Có những điều nhà trường và cha mẹ không thể chạm đến nhưng âm nhạc và giải trí có thể làm được dễ dàng. Chẳng hạn, qua một chương trình về nạn bắt nạt nơi trường học bằng phim như How kids deal with bullying, giới trẻ có thể học được nhanh chóng cách thức tồn tại với khó khăn.
Thế giới vẫn biết vận dụng âm nhạc như một công cụ độc đáo để mở ra thế giới mới cho trẻ em, chứ không lặp lại điều chúng đã biết, kiểu như hoa thì đẹp và gió sẽ làm mát...
Một người bạn từng kể rằng chị hết sức ngạc nhiên khi một ngày nọ, đứa con 5 tuổi của chị nói rằng nó hiểu việc vì sao người lớn phải mặc tã cho trẻ con, và nó biết cả cách làm điều đó.
Cuối cùng, chị khám phá ra chỉ vài hôm trước, con bé xem được một phim ngắn của Sesame Streets - công ty giải trí lừng danh chuyên thực hiện sô cho trẻ em bằng các nhân vật búp bê, hoạt hình như khủng long Barney, ếch Kermit, Big Bird...
Trong một phim, con rối Elmo được cha của nó giải thích tại sao con nít cần mang tã, và cách thức mang tã qua một bài hát ngắn chỉ có... tám câu. |
(Nguồn: http://tuoitre.vn)