Nghệ thuật xuống phố: Giải tỏa bức bách!

25/07/2016

Đưa nghệ thuật xuống phố đang là phong trào của những người làm nghệ thuật khi nhu cầu biểu diễn trước công chúng ngày càng bức bách nhưng không được đáp ứng

Đoạn video clip ghi lại màn trình diễn hòa nhạc giao hưởng trên đường phố Hà Nội (Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) của dàn nhạc giao hưởng Rhapsody Philharmonic đang trở thành hiện tượng thời gian qua với tốc độ chia sẻ chóng mặt từ cộng đồng mạng. Đại diện Rhapsody Philharmonic cho biết buổi biểu diễn từ tháng 2-2016 nhưng đến nay, video clip này mới được chia sẻ và tạo nên “ồn ào” như đã thấy. “Dù vậy, đây là điều đáng vui vì âm nhạc của chúng tôi được công chúng quan tâm” - Slim V, thành viên của Rhapsody Philharmonic, nói.

Quan tâm vì tò mò

Rhapsody Philharmonic là dàn nhạc giao hưởng gồm nhiều nghệ sĩ trẻ (đa phần thuộc thế hệ 9X), có những hoạt động trình diễn hết sức sáng tạo khi kết hợp âm nhạc thính phòng với các loại nhạc điện tử sôi động. Nhiều tác phẩm của dàn nhạc trẻ tuổi này thu hút sự chú ý của người nghe và minh chứng là lần nào xuống phố, họ cũng được khán giả chào đón nồng nhiệt. Nếu ở miền Bắc có Rhapsody Philharmonic khá “đình đám” với những buổi diễn trên đường phố thì ở miền Nam, dàn nhạc Saigon Big Band của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn với các buổi diễn định kỳ ở trước sân Nhà hát Thành phố ít nhiều để lại ấn tượng với công chúng vào những ngày cuối tuần.


Ban nhạc Rhapsody Philharmonic biểu diễn trên phố Ảnh: Tùng Lâm

“Việc biểu diễn Flashmob đường phố với dàn nhạc giao hưởng không phải là điều quá mới mẻ trên thế giới. Chúng tôi từng được xem một số video những chương trình hòa nhạc mà dàn nhạc giao hưởng toàn những người tóc đã bạc chơi lại những bản EDM hay những bản “hit” cực kỳ sôi động và vui nhộn. Dàn nhạc Rhapsody Philharmonic đã nảy ra ý tưởng: Tại sao chúng ta không tổ chức những buổi diễn như vậy ở Việt Nam và thế là dự án Play của Rhapsody Philharmonic đã ra đời” - Slim V chia sẻ.

Nói về ý tưởng xuống phố của mình, ông Trần Mạnh Tuấn cho biết dàn nhạc Saigon Big Band ra đời với mong muốn tập hợp các nhạc công chơi jazz đang hoạt động rải rác trong thành phố để tổ chức các chương trình biểu diễn với quy mô lớn hơn.

“Một thành phố muốn được coi là thực sự có đời sống âm nhạc thì không thể thiếu dàn nhạc giao hưởng và dàn big band. Lối chơi jazz kiểu big band đã rất phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam, nhất là ở

TP HCM. Vì thế, Saigon Big Band ra đời vừa tạo cơ hội trình diễn cho nhiều tài năng jazz vừa đem lại cho khán giả TP HCM hương vị âm nhạc hoàn toàn mới” - nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nói.

Tồn tại bao lâu?

Hiệu ứng của những buổi diễn này khá tốt trong giai đoạn mở đầu. Điều đó đã dần hình thành nên trào lưu mang tên “nghệ thuật đường phố” thời gian gần đây. Những buổi trình diễn thời trang, ca nhạc sôi động, nghệ thuật tạp kỹ, thậm chí là những buổi diễn đậm chất hàn lâm cũng được tổ chức ngoài đường phố để khuấy động hoạt động biểu diễn. Với những người đang tham gia nghệ thuật đường phố, họ chỉ muốn được chơi nhạc một cách đúng nghĩa.

Giới làm nghề cho rằng ngày nay, khán giả ít quan tâm tới nghệ thuật mà quan tâm nhiều hơn mảng giải trí. Khi xã hội ít quan tâm, công việc của những người hoạt động âm nhạc cũng lại càng hiếm hơn. Rất nhiều nhạc công rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều người tài đã phải rời xa cây đàn để đến với những công việc dễ kiếm tiền khác, chấp nhận bỏ phí mười mấy năm khổ luyện theo nghề. “Với những buổi biểu diễn như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm cơ hội cho họ tiếp tục sống với âm nhạc, cũng là để khán giả hiểu hơn về những cống hiến của nghệ sĩ Việt Nam” - nhóm Rhapsody Philharmonic bộc bạch.

Các nghệ sĩ tham gia cũng chẳng biết đâu là đích đến vì đơn giản, họ chỉ chơi nhạc và không toan tính gì. Thực tế, những video chơi nhạc của họ sau khi được đưa lên YouTube cũng đã nằm im ắng một thời gian với lượt người quan tâm khá khiêm tốn. Các nghệ sĩ không khỏi thất vọng vì điều này, thậm chí có những buổi diễn của Saigon Big Band đã phải dừng vì không có kinh phí và tâm huyết cũng bị bào mòn dần.

“Đây cũng là thực tế dễ nhận biết bởi nghệ thuật cần có nhà hát biểu diễn, nếu không nói là thánh đường riêng” - chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM Trần Nhật Minh nhấn mạnh.

“Ăn mày cao cấp”

 

“Ở nước ngoài, trình diễn đường phố là nét văn hóa; còn ở Việt Nam, biểu diễn trên đường phố hiện nay chỉ là cách để mưu sinh” - nhạc sĩ Trần Nhật Minh nhận định.

 

Thực tế, không phải ai thích thì cứ xách loa, mang micro ra ngoài đường hát hay biểu diễn và được gắn mác “nghệ thuật đường phố”. Ở nước ngoài, nghệ thuật đường phố đều được quy hoạch có hệ thống và quản lý một cách chặt chẽ. Còn ở Việt Nam, mọi thứ diễn ra tự phát và biểu diễn đường phố cũng không ngoại lệ. Vì vậy, nghệ sĩ dễ bị biến thành “ăn mày cao cấp” trong suy nghĩ của công chúng.

(Nguồn: http://nld.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...