Nghệ thuật đỉnh cao là sự sáng tạo không ngơi nghỉ

25/06/2017

Lần đầu tiên, Tổ khúc viết cho hòa tấu 4 đàn Piano của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc được các nghệ sĩ - giảng viên Khoa Piano, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam trình tấu trong chương trình hòa nhạc Piano hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc.

Nhận lời đề nghị của Khoa Piano viết một tác phẩm hòa tấu không phải cho 2 đàn như thông thường, mà là một tác phẩm lớn cho 4 Piano hòa tấu cũng khiến nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc có chút nghĩ suy vì thời gian quá gấp. Thông thường, để viết một tác phẩm lớn như: Tổ khúc hay Giao hưởng phải mất từ 6 tháng đến 1 năm, mà yêu cầu của Học viện chỉ trong thời gian 3 tháng cũng là điều khiến ông trăn trở. Tuy nhiên, trong “cái khó, ló cái khôn”.


Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, nghệ sĩ Phạm Quỳnh Trang, Phạm Linh Chi, Nguyễn Thị Hương Giang,
Nguyễn Thị Thanh Vân

Vốn là người đam mê với những sáng tạo, ngay lập tức nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã lục lại trong trí nhớ của mình những tư liệu mà ông gom góp, chắt chiu trong cả cuộc đời sáng tác của mình, với mong muốn hoàn thành tác phẩm một cách tốt nhất. Với ông, tác phẩm sáng tạo ra không chỉ là đáp ứng một chương trình hòa nhạc mà đó phải là sự sáng tạo và mang dấu ấn riêng của tác giả và có giá trị nghệ thuật lâu bền. Vậy là ông đã tìm lại Tổ khúc được sáng tác khi mới 20 tuổi dành tặng riêng cho NSND Đặng Thái Sơn( bạn học của ông).

Bản Tổ khúc được viết dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian Tây Bắc. Tuy nhiên, từ một tác phẩm solo làm sao để viết thành một hòa tấu cho 4 đàn - đó là việc làm hết sức nghiêm túc, công phu của người viết. Phải viết làm sao để người nghe cảm nhận được sự rõ rệt từng nhạc cụ, từng cá tính của người nghệ sĩ với những phần trình diễn của riêng mình trong một tổng thể hòa hợp. Đó là cái khó của người sáng tạo.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho biết: «Viết cho 4 đàn đòi hỏi phải có những chỉ dẫn rất tỉ mỉ, chi tiết cho từng nhạc công. Đây là công việc lớn, ngoài vấn đề tư duy về đường tuyến phát triển của giai điệu, thì ở đó còn là sự hòa quyện về màu sắc âm nhạc; về hòa thanh, tiết tấu, làm sao để tác phẩm phải hiện đại, nhưng vẫn phải mang được nét độc đáo rất riêng của người Việt Nam. Sau những đêm ngày trăn trở trên trang tổng phổ, Tổ khúc 4 chương cũng ra đời».

Tổ khúc viết cho 4 Piano (Suite for piano)

Bản Tổ khúc gồm 4 chương. Chương 1, mở đầu với chủ đề âm nhạc miêu tả một đêm trăng, tính chất âm nhạc nhẹ nhàng, khoan thai, người nghe dẽ dàng mường tượng ra tiếng sáo gọi bạn tình của những đôi trai, gái Thái trong những đêm trăng sáng, tiếng Pí réo rắt, ngân rung da diết, đầy mê hoặc, tiếng hát lả lơi mời gọi yêu đương.

Chương 2 và chương 3 nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc dựa trên chất liệu âm nhạc của những điệu nhảy, những bài dân ca Thái. Ở đây ông đã mô phỏng bằng lối phát triển bè phức điệu. Sử dụng tiết tấu thay đổi liên tục để tạo kịch tính trong đường tuyến giai điệu, cũng như để nói lên tâm trạng của những đôi trai gái đang yêu, lúc thì dịu dàng, lúc thì sôi nổi, có khi thì là sự đấu tranh, giằng xé nội tâm và tất cả vỡ òa trong một không gian rộng lớn. Đó là chương kết.

Ở chương này, tác giả sử dụng tối đa tất cả các thủ pháp kỹ thuật dành cho đàn Piano và thêm vào đó những cách chơi đầy sáng tạo, ngẫu hứng của riêng tác giả khiến cho tác phẩm thật sự sinh động, không chỉ bới cách sử dụng âm hình tiết tấu, giai điệu mà còn là sự kết hợp của kỹ thuật chơi đàn điêu luyện của các nghệ sĩ. Tất cả hòa quyện, tạo nên một phiên chợ vùng cao với đầy đủ sắc màu vốn có của nó. Đó là tiếng sáo gọi bạn, tiếng vó ngựa đường xa, tiếng ai đó ngân nga điệu dân ca, hòa cùng những điệu múa rộn ràng mang một sức sống mới nơi vùng cao Tây Bắc.


Các nghệ sĩ say sưa tập luyện cho buổi biểu diễn 

Nghệ thuật đỉnh cao là sự cộng cảm, thăng hoa của người nghệ sĩ

Với 4 Pianist, họ đều là những nghệ sĩ tên tuổi đang giảng dạy tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Biểu diễn Solo, song tấu hay biểu diễn cùng dàn nhạc thì nhiều, nhưng đây cũng là lần đầu tiên họ cùng chơi chung trong 1 tác phẩm. Áp lực cũng có, sự phấn khích cũng có, nhưng trên tất cả đó là sự đam mê với mong muốn đem đến cho công chúng những gì tinh tế, đẹp đẽ nhất của nghệ thuật thanh âm.

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết: «Tôi chơi tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc rất nhiều ở các thể loại ông viết cho solo, song tấu hay chơi 4 tay trên hai đàn piano, hoặc chới với dàn nhạc giao hưởng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chơi một tác phẩm nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc viết cho 4 Pianist chơi trên 4 đàn Piano. Từ xưa đến giờ tôi vẫn rất thích âm nhạc của nhạc sĩ Đăng Hữu Phúc, bởi ông luôn dựa trên chất liệu dân ca và khai thác sử dụng chất liệu âm nhạc Tây Băc rất hiệu quả. Khi chơi tác phẩm của ông lúc đầu bao giờ cũng rất khó khăn bởi ông viết hòa thanh rất hóc búa. Hơn nữa Đặng Hữu Phúc vốn là một pianist nên kỹ thuật cũng đòi hỏi rất cao. Lúc đầu chúng tôi làm việc với nhau cũng rất vất vả nhưng khi làm xong thì thấy hiệu quả ngay và chúng tôi cảm thấy phấn khích khi chơi tác phẩm của ông».

Vốn là người tâm huyết với nghề và rất cầu toàn, nên dường như không ngày nào nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc vắng mặt ở buổi tập để trao đổi, chia sẻ, bày tỏ ý tưởng của mình với các đồng nghiệp, nhằm tìm tiếng nói chung làm sao để tác phẩm vang lên đạt hiệu quả âm thanh cao nhất.

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết thêm: «Với Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, cái khó nhất để thể hiện tác phẩm đó chính là tiết tấu, sau đó là sự hòa hợp, giao thoa giữa các nghệ sĩ với nhau, để cùng chung một mạch cảm. Tuy nhiên, sự tài tình của người nhạc sĩ chính là ông đã dẫn dắt rất khéo bằng những đường tuyến giai điệu, sự hòa quyện, đan xen tiết tấu giữa các bè. Tuy là 4 bè những các bè đều có những nét nhạc chủ đạo để làm sao khi hòa đàn, mỗi nghệ sĩ đều thể hiện được cái tôi mang bản ngã của riêng mình, nhưng đồng thời thông qua kỹ thuật tinh tế để làm nỗi bật và tôn nhau lên trong tổng thể hài hòa của tác phẩm. Các nghệ sĩ rất hưng phần với những phần đuổi bắt, đan xen giữa tiết tấu, kỹ thuật và màu âm».

Chơi Solo đã khó, chơi hòa tấu còn khó hơn nhiều, song để cùng lúc 4 nghệ sĩ, 4 cây đàn khác nhau có thể hoà điệu là cả một sự nỗ lực. Mặc dù vẫn biết mỗi con người mang một tâm hồn, một cảm xúc khác nhau; mỗi người có những kỹ năng trình tấu, trình độ kỹ thuật khác nhau và 4 người là những cá tính khác nhau. Tuy nhiên khi đã hòa đàn nghĩa là phải tự mỗi người giảm bớt cái tôi, biết vì mọi người nâng đỡ nhau để làm sao để 4 con người cùng chung một mạch cảm, trở thành một team hoàn chỉnh mà chỉ khi đam mê thì sẽ vượt qua mọi khó khan. Nghệ sĩ Phạm Linh Chi cho rằng: «Thực sự lần đầu chơi nhạc của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cảm thấy rất mơ hồ, tuy nhiên sau vài lần tập nhóm thì cảm thấy rất phấn khích, bởi nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã có những sáng tạo hiện đại, dựa trên âm nhạc truyền thống đầy màu sắc cuốn hút người chơi. Ở đó là những giai điệu dân ca, là những điệu múa và cả những tiết tấu đặc trưng trong âm nhạc Tây Bắc. Mình cảm thấy càng chơi càng say với Tổ khúc này».

Trong nhiều ngày liên tục, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc luôn có mặt tập luyện một cách nghiêm túc, cẩn trọng và tỉ mỉ trong từng chi tiết. Điều đó, đã gợi mở cho các nghệ sĩ thật nhiều điều trong cách xử lý kỹ thuật của một tác phẩm âm nhạc đương đại nhưng lại mang phong cách và hồn nhạc Việt Nam.

Ngoài những kỹ thuật kinh điển  thì cũng có những sáng tạo mới trong cách chơi mà nhạc sĩ Đăng Hữu Phúc vốn là một Pianist nên đã có những sáng tạo đầy hứng khởi. Nghệ sĩ Phạm Quỳnh Trang cho biết: «Rất nhiều kỹ thuật khó của đàn piano được sử dụng trong tác phẩm. Tuy nhiên với nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc các tác phẩm của ông thường có những sáng tạo rất riêng, ví dụ như trong âm nhạc cổ điển thường dùng nhịp chẵn thì nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc rất hay sử dụng nhịp lẻ và thay đổi nhịp độ liên tục, đòi hỏi nghệ sĩ phải nắm chắc tiết tấu cũng như kỹ thuật khi xử lý tác phẩm».

Quả thực, khi chơi solo đơn giản hơn là chơi 4 nghệ sĩ trong cùng một tác phẩm, bởi vì khi đã hòa tấu thì cả 4 người đều phải cùng một hơi thở, cùng một dòng chảy với nhau, làm sao để thể hiện được đầy đủ ý tưởng nghệ thuật của tác giả trong tác phẩm ấy. Nói về người anh, người đồng nghiệp, nghệ sĩ Nguyễn Thị Hương Giang cho rằng: «Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc là người viết tốt nhất cho đàn Piano. Được chơi tác phẩm viết cho 4 đàn Piano của anh khiến cho mình rất xúc động. Đây là lần đầu tiên, 4 nghệ sĩ cùng chơi với nhau trong một tác phẩm mà ở đó nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã khai thác rất hiệu quả những chất liệu âm nhạc dân gian vùng núi phía Bắc. Khi tác phẩm vang lên ta thấy nét độc đáo, đặc trưng của âm nhạc Việt Nam mà không phải tác giả nào cũng khai thác và sử dụng thành công».

Nghệ thuật là sự sáng tạo, chỉ khi sự sáng tạo ấy được các nghệ sĩ cộng cảm, thăng hoa  mới mang đến cho công chúng những tác phẩm vi diệu.

* Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc là nghệ sĩ Piano. Ông thành công trong cả 2 lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc.Ông đã xuất bản “Tuyển tập 60 bài Romances và ca khúc cho giọng hát và piano”.Tác phẩm viết cho piano solo của ông được Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn (Giải nhất cuộc thi Piano Quốc tế Chopin 1980) biểu diễn như “Suite cho piano solo” (1974), “Sonate polyphonique” (1978) và “Chùm hoa Việt Nam”.Tác phẩm “Năm bài dân ca Việt Nam” viết cho violon và piano đã được nhóm song tấu Duo Gazzana của Ý biểu diễn tại Thụy Sĩ tháng 2 năm 2013. Năm 2007, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Pháp - ông Xavier Rist, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội biểu diễn Bản Ouverture “Ngày hội” của ông trong 3 đêm hoà nhạc tại Pháp.Ông đã giành giải Kim tước cho “Nhạc phim xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải lần thứ 8, tháng 6/2005

 

*Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Piano biểu diễn tại Nhạc viện Hà Nội năm 1986. Theo học Hệ sau Đại học tại Nhạc viện Hector Belioz tại Paris, Cộng hòa Pháp năm 1991; Tốt nghiệp Cao học piano biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau đó, bà tiếp tục theo học tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia London, Anh.  Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân là giảng viên khoa piano Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tham gia biểu diễn độc tấu và hòa tấu trong nhiều chương trình tại Việt Nam, Hà Lan, Pháp, Anh.

 

* Nghệ sĩ Phạm Linh Chi, tốt nghiệp Đại học và Thạc sĩ chuyên ngành Piano biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô đoạt giải tại 2 cuộc thi piano quốc gia mang tên “ Mùa Thu” năm 1990 và 1994. Là sinh viên Việt Nam duy nhất nhận học bổng theo học chuyên ngành piano biểu diễn từ Chính phủ Nhật Bản tại Đại học Nghệ thuật Tokyo, Nhật Bản và tốt nghiệp xuất sắc hệ Cao học năm 2002. Hiện là giảng viên Khoa Piano Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tham gia biểu diễn độc tấu và hòa tấu tại nhiều phòng hòa nhạc danh tiếng trong nước và tại Nhật Bản.

 

* Nghệ sĩ Phạm Quỳnh Trang tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hiện là giảng viên Khoa Piano Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bà từng độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam. Là thành viên nhóm Hòa tấu nhạc thính phòng Sông Hồng; Duo Piano Mây - những nhóm hòa tấu nổi tiếng ở Việt Nam từng biểu diễn cùng Verandi Cameranta tại London, tại Festival nhạc đương đại Nam Ninh Trung QuốQuốc. Biểu diễn giao lưu cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như nghệ sĩ viola Nobuko Imai, nghệ sĩ Violin Ryu Goto, nghệ sĩ cello Edith Salman, Jeffrey Solow. Hoàn thành khóa học nâng cao tại Trường Âm nhạc F. Liszt, Weimar, CHLB Đức và tham gia biểu diễn cùng nhiều nghệ sĩ châu Âu. Nghệ sĩ Phạm Quỳnh Trang giành học bổng tại Mỹ cùng nhóm hòa tấu thính phòng Sông Hồng. Giành học bổng tại Mỹ cùng nhóm hòa tấu thính phòng Sông Hồng.

 

* Nghệ sĩ Nguyễn Thị Hương Giang tốt nghiệp Cử nhân, Thạc sỹ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hiện là giảng viện khoa Piano Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và là giảng viên thỉnh giảng tại nhiều trương quốc tế tại Hà Nội từ năm 1997, tham gia biểu diễn độc tấu và đệm đạn tại Việt Nam và một số quốc gia khác.

Nghe tác phẩm tại đây Tổ khúc cho 4 piano của Đặng Hữu Phúc

(Nguồn: http://www.tamnhin.net.vn)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...