Nghệ sỹ piano Phó An My: Trong tôi luôn có "lửa"

21/11/2014

Lần đầu tiên, nghệ thuật tuồng sẽ kết đôi cùng tiếng đàn piano đầy mê hoặc trong vở diễn kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Ngay khi nghe thông tin, nhiều người nghi ngại, không khéo Phó An My…phá tuồng!

 Piano đẩy kịch tính của vở diễn

- PV: Kết hợp tuồng và piano có phải là sự liều lĩnh không?

- Nghệ sỹ Phó An My: Nhiều người nghĩ như thế là bởi họ chưa hiểu kết cấu của vở diễn này. Kịch bản tuồng của vở “Lửa” được viết dựa trên vở tuồng kinh điển “Ngọn lửa Hồng Sơn”. 4 diễn viên tương ứng với 4 nhân vật của vở diễn sẽ diễn xuất như một vở tuồng thông thường. Trong đó, có những đoạn chúng tôi sẽ giữ nguyên âm nhạc của vở diễn, có những đoạn piano độc thoại, có những đoạn piano và kèn bóp, diễn xướng, trống kết hợp. Như vậy, tuồng không hề bị phá mà vẫn được giữ nguyên. Piano chỉ là nhạc cụ thêm vào vở diễn để đưa đẩy sự kịch tính của vở diễn thêm cao trào.

- Nhưng “Lửa” là đêm diễn chủ đạo của piano chứ, thưa chị?

- Nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên đã viết phần âm nhạc rất nặng cho piano trong “Lửa”. Qua âm nhạc của piano, khán giả sẽ thấy được sự sôi sục, tính triết lý trong “Lửa”. Vở diễn tái hiện giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam vào khoảng thế kỷ XVII được hiện diện trong gia đình có 3 người con. Âm nhạc của piano vẫn là chủ đạo của vở diễn. Tôi sẽ chơi liên tục trong hơn một tiếng đồng hồ.

- Với một chương trình nặng như thế, chị có sự chuẩn bị nào về sức khỏe?

- Cứ bình tĩnh! (Cười). Ngay sau buổi họp báo, các nghệ sỹ của “Lửa” sẽ bắt tay vào tập luyện. Ai tập phần người nấy, đến ngày 25 mới lắp ghép các phần với nhau và ngày 29-11 thì chính thức ra mắt người nghe tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

- Chị quan niệm như thế nào về lửa?

- Lửa là phải mạnh mẽ, phải sôi sục và khi cháy thì bùng lên dữ dội. Trong vở “Lửa” này, nếu thiếu đi sự nhiệt huyết, thiếu đi sự lên đồng thì coi như hỏng. Tôi và Đặng Tuệ Nguyên khi làm chương trình bao giờ cũng đề cao sự bùng cháy trong âm nhạc. Các đêm nhạc chúng tôi đã làm, ngoài sự đối thoại được đề cao thì người nghệ sỹ cũng phải cháy như ngọn lửa.

Nghệ sỹ piano Phó An My “lên đồng” trong chương trình biểu diễn có sự kết hợp giữa piano và chầu văn

Đêm diễn sẽ thành công

- Chị có nghĩ trong tương lai, Phó An My sẽ có những đêm nhạc đằm thắm và nền nã hơn?

- Âm nhạc là con người. Người nghệ sỹ thế nào thì tiếng đàn của họ sẽ như thế đó. Đúng là với phụ nữ, càng trải nghiệm, họ sẽ càng đằm thắm hơn nhưng con người tôi rất khó đi theo hướng thông thường. Nếu có ai đó bảo tôi nên bớt “lửa” đi thì tôi thà ngồi ở nhà còn hơn lên sân khấu.

- Trước “Lửa”, Phó An My-Đặng Tuệ Nguyên đã từng làm piano-chầu văn, piano-hò mái đẩy Huế, piano-Hát cọi dân tộc Tày… Sự kết hợp này có phải chị và nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên muốn làm mới âm nhạc dân gian hay làm mới tiếng đàn piano?

- Tôi và nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên kết hợp piano và các hình thức hát dân gian khác chỉ mong muốn được đối thoại trong âm nhạc. Chầu văn, hò mái đẩy hay tuồng không đơn giản là những câu hát quen thuộc mà tôi tin mỗi người Việt Nam đều rất yêu những làn điệu ấy. Piano và tuồng hay piano và chầu văn… như hai thực thể độc lập song song tồn tại nhưng vẫn giao thoa, bồi đắp cho nhau, cùng nâng đỡ nhau trong những giai điệu đẹp.

- Với “Lửa”, chị có mất nhiều thời gian để hiểu về Tuồng?

- Tuồng triết lý và bác học, đó là điều cuốn hút tôi. Sự am hiểu của tôi về loại hình nghệ thuật này là không nhiều nhưng khi bắt tay vào thực hiện chương trình này, tôi đã xem, nghe và đọc rất nhiều về Tuồng. Tôi không chủ quan khi đánh giá đêm diễn sẽ thành công. Nhưng “Lửa” được thực hiện là kết quả của một tập thể các nghệ sỹ chứ không riêng gì tôi và Đặng Tuệ Nguyên

- Đêm diễn của chị có hình thức tổ chức nào để người đi ngang qua Nhà hát Lớn cũng hiểu bên trong đang diễn gì?

- Tôi sẽ cho thắp nến từ ngoài đường vào trong nhà hát. Suốt hơn 1 tiếng đồng hồ diễn ra, lửa sẽ cháy bập bùng đến khi chương trình khép lại. Lửa bên ngoài thì như vậy, còn “lửa” trong người nghệ sỹ còn bùng cháy dữ dội hơn.

- Xin cảm ơn chị và chúc đêm diễn sẽ thành công tốt đẹp!

(Nguồn: http://anninhthudo.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...