Nghệ sĩ violin nổi tiếng Bùi Công Duy sẽ biểu diễn tại Berlin

17/01/2014

Chiều 2/2/2014, nghệ sĩ violin nổi tiếng của Việt Nam Bùi Công Duy sẽ biểu diễn độc tấu tại Nhà hát Philharmonie ở Berlin cùng với dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker dưới sự chỉ đạo của Chỉ huy trưởng dàn nhạc (Chefdirigent) danh tiếng Lior Shambadal.

Đây là lần đầu tiên một nghệ sĩ violin Việt Nam được mời biểu diễn độc tấu (solist) với dàn nhạc Symphoniker tại nhà hát giao hưởng nổi tiếng châu Âu.

Nghệ sĩ Bùi Công Duy là một trong những nghệ sĩ violin xuất sắc nhất Việt Nam hiện nay. Anh sinh năm 1981 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha anh là Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Công Thành, người đã gây niềm đam mê cây đàn vĩ cầm cho anh từ nhỏ. Sau 4 năm học sơ cấp âm nhạc từ 1987 tới 1991 tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Bùi Công Duy được đưa sang Nga theo học trung cấp rồi Đại học âm nhạc dưới sự hướng dẫn của những giáo sư âm nhạc nổi tiếng của Nga. Từ 2003-2006, Bùi Công Duy là nghiên cứu sinh biểu diễn tại Nhạc viện Quốc gia Mátxcơva mang tên "Tschaikovski" dưới sự hướng dẫn của NSND-GS I.V.Bochkova và đồng thời là trợ giảng cho GS I.V.Bochkova.


Nghệ sĩ Bùi Công Duy

Năm 2006, Bùi Công Duy được mời làm việc tại dàn nhạc thính phòng “Virtuose Moscow” dưới sự chỉ đạo của NSND V.Spivakov. Mặc dù đã tự khẳng định được mình trong dàn nhạc danh tiếng này, nhưng năm 2007, Bùi Công Duy vẫn quyết định cùng vợ là nghệ sĩ Trinh Hương, con gái nhạc sĩ Phú Quang, trở về Việt Nam để biểu diễn và làm công tác giảng dạy, với mong muốn đào tạo, định hướng được nhiều tài năng âm nhạc ở quê hương. Hiện nay Bùi Công Duy đang là chủ nhiệm khoa Dây Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Cho tới nay, Bùi Công Duy đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó danh giá nhất là giải Nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Giáo sư nổi tiếng “Z.Bron” tại thành phố Novosibirsk, LB Nga năm 1995, giải Nhất đồng thời là Huy Chương Vàng cuộc thi âm nhạc quốc tế dành cho lứa tuổi trẻ mang tên “Tschaikovsky” tại Saint – Peterburg, LB Nga năm 1997.


Nghệ sĩ Lê Ngọc Anh Kiệt

Việc nghệ sĩ Bùi Công Duy được mời sang Berlin biểu diễn độc tấu với dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker cũng là kết quả của một chuỗi sự kiện: Tháng 3/2011, Chỉ huy trưởng Lior Shambadal của dàn nhạc Berliner Symphoniker đã đến thăm Việt Nam lần đầu tiên. Đi cùng với ông là nghệ sĩ violin Lê Ngọc Anh Kiệt, một người Việt đã chơi cho dàn nhạc này từ năm 2003. Trong chuyến đi này, trong chương trình biểu diễn "Âm thanh nước Đức" (The Sound of Germany), nghệ sĩ Lê Ngọc Anh Kiệt đã độc tấu violin cùng dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh do nhạc trưởng Lior Shambadal chỉ huy. Chương trình biểu diễn đã rất thành công. Cũng trong chuyến đi này, qua sự giới thiệu của nghệ sĩ Lê Ngọc Anh Kiệt, nhạc trưởng Shambadal đã nghe Bùi Công Duy chơi đàn để tuyển chọn. Rất ưng ý, nhạc trưởng Shambadal tuyên bố sẽ mời Bùi Công Duy sang Berlin biểu diễn, nhưng do chương trình biểu diễn của dàn nhạc dày đặc nên kế hoạch này sắp tới mới thực hiện được. Tháng 7/2012, nhạc trưởng Lior Shambadal và dàn nhạc Berliner Symphoniker đã sang Việt Nam biểu diễn. Trong chuyến đi này, dàn nhạc Symphoniker đã có ba chương trình biểu diễn với khoảng 20 tiết mục, trong đó có một chương trình rất thành công với nghệ sĩ Bùi Công Duy ở Nhà hát Lớn, Hà Nội.


Dàn nhạc Berliner Symphoniker trong một buổi tập

Tháng 2/2013, Chỉ huy trưởng Shambadal và dàn nhạc Berliner Symphoniker đã cùng một số nghệ sĩ Việt Nam lần đầu tiên công diễn nhạc phẩm "Thánh Gióng" tại nhà hát Philharmonie, với sự tham gia của một cây đàn bầu Việt Nam.

Nghệ sĩ Shambadal sinh ra tại Tel Aviv (Ixraen), từng học âm nhạc tại Tel Aviv, Salzburg và Wien (Áo) cũng như tại Pháp. Ông nổi tiếng trên thế giới và hay được mời đi chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng của nhiều nước. Trao đổi với chúng tôi về cảm tưởng của mình trong những chuyến thăm Việt Nam trước đây, chỉ huy trưởng dàn nhạc Shambadal nói: "Tôi có ấn tượng rất tốt về những chuyến thăm Việt Nam. Người Việt Nam đã phải chịu đựng đau khổ nhiều, nhưng rất vui vẻ và hiếu khách. Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển trên lĩnh vực âm nhạc, vì nhiều người có tài năng, các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều có nhà hát, trường nhạc và rất đông sinh viên".


Nhạc trưởng Shambadal trò chuyện với phóng viên TTXVN trước khi công diễn "Thánh Gióng"

Ông Shambadal cho biết, ông rất thích được trở lại Việt Nam khi có điều kiện.

Được mời biểu diễn độc tấu tại nhà hát Philharmonie có thể coi là một vinh dự lớn. Cho tới nay, chỉ những nghệ sĩ lớn như Lang Lang, David Garett, Baremboim.... mới được mời biểu diễn. Trong kế hoạch năm 2014-2015, được mời biểu diễn độc tấu với dàn nhạc cũng là những nghệ sĩ violin nổi tiêng thế giới hiện nay như Wladim Repin, Ilia Kaler...những người đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá quốc tế.

Tờ rơi quảng bá chương trình công diễn của nghệ sĩ Bùi Công Duy

(Nguồn: http://www.tapchihuongviet.eu)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...