Nghệ sĩ viola Nguyệt Thu: Đủ tự tin cho những giấc mơ!

23/04/2015

Về nước chưa lâu nhưng đã kịp thành lập nhóm tứ tấu “Apaixonado Quartet” và có nhiều buổi biểu diễn được đón nhận, nữ nghệ sĩ viola nổi tiếng Nguyễn Nguyệt Thu đang nuôi những giấc mơ cho sự đổi mới trình diễn và thưởng thức nhạc cổ điển.

- Được mời làm bè trưởng, trình diễn trong nhiều dàn nhạc nổi tiếng với cơ hội đi nhiều nước, lý do nào khiến chị quyết định trở về Việt Nam để làm việc lâu dài?

- Tôi muốn về từ lâu, và ngày càng có thêm những thôi thúc cho việc đó. Trước thời điểm quyết định về vào tháng 10 năm ngoái, tôi có sáu tháng làm việc ở Quatar, trước nữa là sáu tháng ở Brazil, đều cảm thấy tư tưởng không thoải mái và quyết định quay về Bồ Đào Nha. Ở đây sau khi tôi rời đi hai năm, dàn nhạc vẫn giành chỗ và sẵn sàng mời tôi trở lại. Bồ Đào Nha rất tươi đẹp và cuộc sống ở đây vẫn khiến tôi suy nghĩ. Nhưng tôi tự bảo, đã đến lúc về rồi, cùng với lời nhắn của bố tôi “dù con đi đâu thì lúc nào khó khăn cũng có Việt Nam để quay về, rau cháo có nhau”.

- Tất nhiên là chưa đến mức đó chứ, thưa chị?

- Thực tế là về công việc, đời sống ở nước ngoài vẫn rất thuận lợi, dù cũng phải căng mình lên. Bởi đơn giản, là người nước ngoài, ở xứ người, có được vị trí biểu diễn tốt mà nhiều nghệ sĩ bên đó cũng rất muốn thì mình phải khắt khe với bản thân nhiều lắm, kể từ khi sang học. Và bây giờ tôi về cũng đâu phải để an dưỡng hay yên tâm với công việc khác, dù trong tháng tư này, tôi sẽ bắt tay vào giảng dạy cao học chuyên ngành biểu diễn viola tại Học viện âm nhạc quốc gia. Nghiệp diễn vẫn là con đường chính và tôi có đủ kinh nghiệm, sự tự tin để thực hiện từng bước dự định của mình.

- Điều đáng chú ý là chỉ sau nửa năm, nhóm tứ tấu mới thành lập đã có nhiều buổi diễn cuốn hút khán giả. Cách làm, kinh nghiệm cho bước đầu thuận lợi đó là gì?

- Tôi học được nhiều mô hình biểu diễn từ các nghệ sĩ nước ngoài. Hồi đang học, chúng tôi cũng có một dàn nhạc với các thành viên nhiều màu da. Bây giờ tôi thấy ở Việt Nam đang có cơ hội về cách nghĩ, cách làm và mong muốn thay đổi của mình. Ai cũng muốn đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với đông đảo công chúng, nhưng không gian biểu diễn chủ yếu là khán phòng lớn, quy mô biểu diễn hoành tráng, không khí thưởng thức đòi hỏi thật nghiêm túc…, bản thân nó sẽ tạo nên sự chọn lọc người nghe.

Chúng tôi muốn tạo ra sự phong phú và thoải mái hơn trong trình diễn, thưởng thức bằng thể loại âm nhạc đa dạng hơn với cổ điển, bán cổ điển, tango, nhạc cover, pha trộn Pop, ballad…; tác phẩm cũng có sự khai thác mới với nhiều tác giả khác nhau, quốc gia khác nhau, xen kẽ cả khó và dễ; đặc biệt là khán giả, chúng tôi không giới hạn lứa tuổi, vì thế có thể chơi cả nhạc phim hoạt hình để đem lại niềm vui cho các khán giả nhỏ.

Từ khi thành lập nhóm ngày 29/11/2014 đến giờ, nhóm gồm tôi, Trịnh Minh Hiền – violin, Lan Hương – violin và Hà Miên – cello, đã có sáu chương trình lớn và hơn 10 show nhỏ rồi, không quan trọng là chơi nhạc ở đâu, mà mình truyền cảm hứng đến cho khán giả như thế nào. Chưa lần nào lỗ cả (cười), và chúng tôi thấy đang đi đúng hướng.


Nhóm tứ tấu “Apaixonado Quartet”.

- Nhưng mỗi không gian khác nhau có đối tượng người nghe với những đặc điểm khác nhau?

- Chúng tôi đã chơi ở L’espace, tại sứ quán Pháp, quán café Laca ở Lý Quốc Sư, có suất diễn cho café Art là nơi giới thiệu tranh, hay một showroom thời trang với khán giả chủ yếu là người nước ngoài. Có nhà hàng café đã mời chúng tôi diễn định kỳ một tháng hai lần, khán giả ở đây cũng đa phần là du khách và những người nước ngoài sống, làm việc ở Hà Nội. Khi nghe, họ rất ngạc nhiên.

Nhiều người là bạn, là các văn nghệ sĩ, các đồng nghiệp trong giới nhạc đã đến nghe và đánh giá tốt chất lượng biểu diễn. Nhưng đương nhiên, không thể chỉ “trưng dụng” những người quen (cười), và biểu diễn âm nhạc cũng không phải để nhận về sự thưởng thức mang tính ủng hộ. Mọi người truyền tin cho nhau và chúng tôi có thêm nhiều khán giả mới. Mỗi buổi diễn khoảng 15 tiết mục, từ tiếng rưỡi đến gần hai tiếng, không phải dễ để kiên nhẫn ngồi nghe. Nhưng chúng tôi đã cuốn hút được họ. Từ giờ đến cuối năm đã có những lời mời biểu diễn cho một số sứ quán.

Tất nhiên, chúng tôi không có ý định biểu diễn đám cưới (cười). Tôi muốn nghệ sĩ được tôn trọng và có ý thức biểu diễn nghiêm túc, chuyên nghiệp trước những người đang thưởng thức tiếng đàn của mình. Cũng chính vì thế mà chúng tôi cũng rất nghiêm túc và chặt chẽ về vé bán hay vé tặng. Vì tặng vé nhiều khi người ta cảm thấy dễ dàng quá và nhiều người đã không đến với một lý do nào đó. Bỏ tiền ra mua vé, người ta sẽ thấy mình cần phải đến hơn.

- Dường như chị muốn hướng tới nhiều điều hơn là một nhóm biểu diễn với một lượng khán giả ổn định?

- Phong cách biểu diễn và thưởng thức cởi mở hơn, truyền tải đam mê từ nghệ sĩ đến khán giả để tạo ra những không gian của niềm vui, sự thoải mái. Đó là điều chúng tôi rất muốn làm lan tỏa. Trong tương lai, tôi muốn xây dựng dàn nhạc lớn hơn, và muốn đào tạo các em mới, phát triển cộng đồng nghệ sĩ với những cơ hội diễn ở sân khấu lớn và yên tâm sống bằng nghề. Nên tôi vẫn nói với nhóm tứ tấu bây giờ là chúng ta đi từng bước một.


Nghệ sĩ Nguyệt Thu – viola và Trần Quang Duy – violin biểu diễn cùng Dàn nhạc
thính phòng Hà Nội tại L’espace tối 9/4.

- Chị có thể chia sẻ đôi chút về người thầy đầu tiên của mình? Bởi lẽ chính chị cũng sẽ trở thành một trong những người thầy đầu tiên bậc cao học về viola?

- Bố tôi từng được đào tạo ở Liên Xô trước khi về giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội từ những năm 70. Trong những năm qua, trong nhóm chuyên ngành đàn dây, biểu diễn viola chậm phát triển hơn do ít người theo học. Thậm chí đã có lúc trong hoạt động dạy và học còn phổ biến tư tưởng, ai học kém violin mới chuyển sang viola. Bố đã rất vất vả để tìm học trò có năng khiếu. Cho đến khi, với sự thuyết phục của ông, tôi đã quyết định chuyển từ violin sang viola khi tay nghề violin đang được khẳng định.

Mặc dù khi đó, nhiều người lo ngại cho rằng bố tôi “hy sinh”, đưa con gái của mình ra để chứng minh với mọi người, không phải vì học kém violin, Nguyệt Thu mới đến với viola. Và thực tế đã cho thấy đó là chọn lựa đúng khi sau này khi du học, điểm tốt nghiệp trung cấp và đại học của tôi luôn xuất sắc: 5+. Trình độ biểu diễn, vị trí bè trưởng của Nguyệt Thu cũng được chứng minh khi tôi vượt trội qua nhiều kỳ thi ở nước ngoài.

Viola có vai trò quan trọng riêng trong một dàn nhạc, nhưng dường như nó bị bỏ quên và trở nên thiếu vắng. Tôi trở về Việt Nam, tham gia giảng dạy và biểu diễn, cũng muốn góp phần thay đổi thực tế đó. Người chơi viola phải giải phóng được sự tự ti của mình. Hiện biểu diễn viola chưa có bậc cao học, và tôi sẽ là một trong những giảng viên cao học đầu tiên cho chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ này.

- Cảm ơn chị và chúc chị thêm nhiều thành công!

(Nguồn: http://m.baophapluat.vn)

H

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...