Nghệ sĩ Trần Xuân Hòa: Với bộ gõ, tôi muốn nói tiếng nói của chính mình

03/05/2019

Được mệnh danh là "phù thủy" bộ gõ, Trần Xuân Hòa đã có hành trình độc đạo hơn 10 năm tìm kiếm và khẳng định ngôn ngữ độc lập của bộ gõ trong thế giới nhạc cụ.

Anh tạo ra một không gian đa sắc cho bộ gõ, có khi là tiếng của, đại ngàn, có khi là tiếng ru dịu dàng, là nỗi buồn, niềm vui… Anh chia sẻ: "Bộ gõ là vô vàn tiếng động của đời thường, nó không chỉ là một tiết tấu để giữ nhịp cho ban nhạc nào đó, nó có giọng điệu, tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng của mình, tôi đã và đang khai thác ngôn ngữ riêng đó".

- Chúc mừng Trần Xuân Hòa với dự án mới sắp trình làng vào tháng 5.  Anh im hơi lặng tiếng khá lâu và lần này trở lại, anh chia sẻ với công chúng điều gì?

+ Cuối tháng năm này tôi sẽ có một buổi biểu diễn nho nhỏ ở Manzi, giới thiệu các tác phẩm mới của mình. Đó là những sáng tác rất gần với công chúng, tôi lấy chất liệu của các vùng miền dân tộc Việt Nam, những giai điệu ai cũng đã từng nghe ở đâu đó. Còn nhạc cụ chỉ là phương thức chuyển tải tiếng nói của mình mà thôi. Dự án có tên gọi "Âm hưởng vùng cao" gồm 6 bản nhạc mới "Mùa xuân", "Chồi", "Bản", "Điệu nhảy", "Nước"….

- Những sáng tác mới của anh mang âm hưởng dân gian của người  Mông, Tày, Thái, Ráy. Điều gì ở âm nhạc vùng cao quyến rũ hút anh đến thế?

+ Mồng 3 Tết vừa rồi tôi thuê xe máy lên vùng Seo Mý Tỷ, một  vùng heo hút ở  Sa Pa. Tôi đang đi giữa rừng thì thấy một ngôi nhà tập trung rất đông người. Tôi tò mò vào hỏi, hóa ra đó là nhà thờ của người Mông, người dân đang tụ tập ở đó để nghe giảng về lễ đón năm mới. 

Tôi thấy trong sinh hoạt nhà thờ, người Mông đề cao âm nhạc và ca hát, sau một đoạn giảng thì có một tốp người lên hát bằng tiếng Mông. Dù không hiểu nhưng tôi thấy rất thú vị. Tôi cứ nghĩ đời sống của người dân tộc nghèo nàn, đơn điệu nhưng khi đi sâu vào thế giới của họ, đặc biệt âm nhạc của họ, tôi khám phá ra nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn. 

Đêm 30, tôi ăn Tết trong một gia đình người Ráy và được thưởng thức âm nhạc của họ, rất khác biệt với người Mông. Sống và tìm hiểu âm nhạc của người dân tộc, tôi hiểu vì sao các nhà nghiên cứu cho đó là một di sản. Nó thực sự đẹp và quyến rũ. Và tôi đã sử dụng chất liệu đó cho những sáng tác mới của mình.

- Lần đầu tiên anh có một dự án gồm những sáng tác mới dành cho bộ gõ, điều gì thôi thúc anh?

 + Tôi sáng tác những bản nhạc dành cho bộ gõ vì ở Việt Nam không có. Sáng tác ca khúc dễ kiếm tiền, dễ đi vào lòng người. Nhưng một tác phẩm viết cho nhạc cụ nó sẽ kén người nghe, đòi hỏi khản giả có kiến thức về âm nhạc, có thẩm mỹ âm nhạc nhất định. 

Trên thế giới cũng có tác phẩm viết cho bộ gõ nhưng muốn chơi phải chi trả tiền bản quyền khá cao. Tôi ấp ủ tự viết nhạc cho bộ gõ khá lâu rồi. Khi tự sáng tác, mình được nói lên tiếng nói của mình. 

Bây giờ tôi chạm mức 40 tuổi rồi, mình không thể là một nghệ sĩ đi biểu diễn tác phẩm của người khác mãi được. 40 tuổi, tôi cũng đã trải qua nhiều cung bậc của cuộc sống, những hỷ, nộ, ái, ố. Và tôi muốn gửi gắm tiếng nói của mình với khán giả qua bộ gõ.

Nghệ sĩ Trần Xuân Hòa biểu diễn với bộ gõ.

- Vì sao anh chọn trống Handpan - một loại trống xuất phát từ Châu Âu để trình diễn những bản nhạc mới này? Tôi tò mò tự hỏi, âm nhạc truyền thống và nhạc cụ đương đại sẽ được kết nối với nhau thế nào?

+ Trống Handpan mang thiên hướng núi rừng. Tôi liên tưởng đến vùng cao, đến Tây Bắc, Tây Nguyên khi tiếng trống vang lên. Vì thế, tôi nghĩ đến việc đi tìm chất liệu và sáng tác. Như tôi nói, chiếc trống chỉ là phương tiện biểu đạt tình cảm, tâm tư của người nghệ sĩ mà thôi. Và dù là âm nhạc của vùng miền nào thì nó cũng được cất lên từ chính trái tim của người nghệ sĩ. Đó chính là sự kết nối.

- Từ một nghệ sĩ chơi trống trong dàn nhạc giao hưởng, Trần Xuân Hòa đã bứt phá trở thành một nghệ sĩ bộ gõ độc lập. Cơ duyên nào giúp anh đi con đường tiên phong đó?

+ Năm 2010, tôi học ở Singapore về, dự định sẽ về nhà hát và chơi trống mà thôi. Nhưng nhạc sĩ Phạm Hồng Hải đã gọi tôi vào và động viên, Hòa phải làm một chương trình riêng đi. Nếu không có lời khuyến khích đó thì tôi mãi mãi chỉ là người đánh trống bình thường. Lúc đó tôi chưa hình dung ra con đường solo bộ gõ sẽ thế nào. 

Từ những góp ý, câu chuyện chia sẻ với đồng nghiệp và những ý tưởng nung nấu trong đầu, tôi bắt đầu bắt tay vào tổ chức chương trình riêng. Ở Hà Nội lần đầu tiên có một đêm diễn bộ gõ. Đó là năm 2010. Khó khăn, nỗ lực làm solo, tôi luôn dành thời gian đau đáu nghĩ về nó. Tại sao những môn nghệ thuật hay những món ăn tinh thần đặc biệt như thế mà khán giả Việt không được thưởng thức. Đó là động lực giúp tôi quyết tâm đi con đường solo.

- Trong dàn nhạc bộ gõ đóng vai phụ giữ nhịp điệu, tiết tấu, nhưng anh quyết tách nó ra thành một nhạc cụ chính, solo. Con đường đường đó hẳn sẽ nhiều chông gai?

+ Tôi đã đi con đường độc hành hơn 10 năm. Trên thế giới, những kiểu tách thế này rất nhiều, chỉ Việt Nam là chưa có. Tôi tự hỏi sao thế giới làm được mà mình thì không, vì thế hơn 10 năm nay tôi lầm lũi, cần mẫn làm các chương trình độc tấu của bộ gõ để giới thiệu với khán giả, giúp khán giả hiểu rằng, bộ gõ cũng có những tâm tư, tình cảm riêng, nó có thể tách rời, biểu diễn một tác phẩm hoàn chỉnh. 

Nhiều người nghĩ đến bộ gõ là nghĩ đến sự ồn ào, náo nhiệt. Nhưng thực tế, bộ gõ không chỉ có trống, không chỉ có sự ồn ào mà nó vẫn có những khoảng lặng, những tâm tư tình cảm như con người. 

Bản thân nghệ sĩ bộ gõ không đóng mình trong khuôn phép nào cả, họ tự do sáng tạo đạo cụ riêng đưa lên sân khấu miễn là đạo cụ đó có nhịp điệu và tiết tấu riêng. Bộ gõ là vô vàn tiếng động của đời thường, nó không chỉ là một tiết tấu để giữ nhịp cho ban nhạc nào đó, nó có giọng điệu, tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng của mình, tôi đã và đang khai thác ngôn ngữ riêng đó.

Nghệ sĩ Trần Xuân Hòa biểu diễn cùng dàn nhạc.

- Điều gì giúp anh vẫn miệt mài đi con đường độc hành nhiều năm qua?

+ Tôi không thấy cô đơn trên con đường của mình, vì bên cạnh tôi luôn có khán giả và bạn bè.  Tôi cũng không thấy khó khăn vì thực tế trong cuộc sống, nhu cầu của tôi đơn giản lắm. 

Lựa chọn thì phải chấp nhận đánh đổi. Người nghệ sĩ không thể vừa muốn cái này, vừa muốn cái kia. Thực tế, nhiều nghệ sĩ bộ gõ không có cái tôi thôi thúc mạnh mẽ để vươn lên. Tại sao mình cũng học như người khác nhưng cuối cùng phải ngồi chờ, làm theo ý tưởng tác phẩm của họ. 

Tôi không chấp nhận điều đó và không muốn làm theo ý tưởng của người khác, tôi muốn đi con đường của mình. Bởi nếu mình không vươn lên thì mình chỉ là người có tay nghề cao, chỉ là công cụ để thực hiện ước mơ của người khác. Nếu không có đam mê, theo đuổi con đường riêng thì tôi mãi mãi chỉ là một người đánh trống vô danh trong dàn nhạc.

- Anh nói anh không đơn độc vì luôn có khán giả bên cạnh. Sau một chặng đường dài, khán giả đón nhận anh và các tác phẩm mới của bộ gõ như thế nào?

+ Tôi đã có một lượng khán giả riêng sau một hành trình dài. Tuy nhiên, phải xác định khán giả của tôi không đông, không thể là đại chúng. Vì thế, những đêm diễn của tôi thường là những khán phòng nhỏ, 70-100 khán giả. Như thế là vui rồi. Cứ từng bước bền bỉ, lan tỏa như vậy thôi.

- Anh được mời đi diễn ở nhiều nước, có lúc nào đó anh mơ ước những tác phẩm của mình sẽ vượt ra ngoài biên giới?

+ Đó là giấc mơ của người nghệ sĩ, một lúc nào đó, tác phẩm của mình sẽ được biểu diễn tại các festival quốc tế. Tôi luôn ấp ủ khát vọng đó. Tại sao không nhỉ. Có thể thời tôi chưa làm được thì các thế hệ sau tôi, họ nhìn thấy con đường mình khai phá, họ sẽ tiếp nối. Phải có người tiên phong, tạo nền tảng để người đi sau phát triển lên. Trên thế giới có nhiều festival. 

Mỗi lần đi diễn tôi thường vào cửa hàng nhạc cụ các nước, tìm cái nào hay và lạ thì mua, tìm những tài liệu của nó để học. Có lẽ cuộc đời tôi chỉ có một đam mê quái gở, sưu tầm các nhạc cụ trên thế giới và học cách chơi của nó. 

Ở nước ngoài, tôi may mắn đi diễn với nhiều nghệ sĩ, họ rất coi trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ, một ban nhạc nước ngoài thường sáng tác và tự biểu diễn tác phẩm của họ, họ đánh giá cao những sản phẩm cá nhân. Đó là tiếng nói của cá nhân. 

Còn ở ta, sự sáng tạo chưa được coi trọng, thậm chí nhiều khi mờ nhòa trong thế giới ồn ào của showbiz. Các giá trị thật- giả cứ lẫn lộn. Nhưng thôi, tôi may mắn đã có một con đường, cứ thế mà đi. Cuối năm, tôi dự định sẽ ra một album riêng của bộ gõ, mong được khán giả đón nhận. 

(Nguồn: http://cstc.cand.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...