Nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống: Như con tằm rút ruột nhả tơ

26/03/2019

Họ là những nghệ nhân trẻ tuổi đã có nhiều năm đi theo những người thầy là các nghệ nhân dân gian, được chân truyền và quyết tâm theo đuổi nghiệp tổ để lại nhằm giữ gìn vốn văn hóa phi vật thể như Ca trù, hát Văn, hát Xẩm...

Họ cũng đã tiếp tục đào tạo những thế hệ kế tiếp và có những đóng góp quan trọng để giữ gìn văn hóa phi vật thể của cha ông.

Mối duyên với nghệ thuật dân tộc

Nghệ nhân ưu tú, ca nương Phạm Thị Huệ hiện tại là chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long. CLB sinh hoạt và biểu diễn tại đền Quan Đế (28 Hàng Buồm, Hà Nội), đều đặn các tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần biểu diễn miễn phí cho người Việt (chỉ thu phí với người nước ngoài).

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (thứ 2 từ trái sang).

Đây cũng được coi là một CLB có tiềm năng phát triển và tự thân vận động với khả năng vốn có của mình, tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách nước ngoài về vốn văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Không chỉ thế, đây còn là một CLB điển hình trong công cuộc giữ gìn văn hóa của cha ông.

Ca nương Phạm Thị Huệ là một trong những người được truyền dạy và được tiếp nối ca trù từ những nghệ nhân cuối cùng của ca trù Việt Nam, là nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc trong một lần gặp gỡ và được bà nhận làm học trò. Mặc dù trước đó, từ năm 1992, ca nương Phạm Thị Huệ đã được nghe ca trù qua băng casette của nghệ nhân Quách Thị Hồ. Giọng hát của cụ và những âm luật quá đặc biệt của ca trù khiến Phạm Thị Huệ muốn khám phá, học hỏi môn nghệ thuật này.

Sau này chị đã tìm đến các bậc thầy trong làng ca trù để học hỏi thêm nhiều ngón nghề và xin các cụ truyền dạy. Ngoài nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, chị còn tìm đến nghệ nhân Phó Thị Kim Đức và nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ để cố gắng nắm bắt, học hỏi bộ môn nghệ thuật dân gian này, có cơ hội truyền đạt lại cho các bạn trẻ.

Khi đã thành thục ngón nghề, với mong muốn giữ gìn lòng yêu ca trù trong dòng dõi con cháu nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc cũng như những học trò của mình tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tháng 4-2014, chị Huệ đã thành lập CLB Ca trù Thăng Long. Chị chia sẻ, suốt cuộc đời này, mối duyên đã gắn kết chị với ca trù, và chị sẽ quyết tâm theo đuổi nó cho dù hiện nay, ca trù đang đầy những khó khăn để có thể vực dậy và sống tốt được.

Cũng như ca nương Phạm Thị Huệ, nghệ sỹ hát xẩm Mai Tuyết Hoa, trong một lần nghe được tiếng hát của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, được tận mắt nhìn thấy băng ghi hình cụ Cầu với cây đàn nhị quen thuộc một tay chơi đàn, miệng nhả câu nhả chữ, Mai Tuyết Hoa như bị thôi miên. Vì trước đó, chị là người học đàn nhị, tiếng đàn mê đắm của nghệ nhân Hà Thị Cầu đã khiến cho Mai Tuyết Hoa mê mẩn.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (trái) và nghệ sĩ Quang Long.

Chị tìm về quê của nghệ nhân liên tục trong nhiều ngày tháng và quyết tâm học nghề hát xẩm của cụ. Khi đã học được ngón nghề, khi đã có được vốn kiến thức cơ bản về hát xẩm, cộng với niềm tâm huyết của mình, cho dù trong thời buổi hát xẩm đang dần mai một và bị thờ ơ như hiện nay Mai Tuyết Hoa vẫn không bỏ cuộc.

Năm 2005, Mai Tuyết Hoa cùng cố GS Phạm Minh Khang, nhạc sỹ Thao Giang, nhạc sỹ Quang Long, NSƯT Thanh Ngoan… thành lập Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam và trải chiếu xẩm vào tối thứ 7 hàng tuần trước cửa chợ Đồng Xuân để hát xẩm. Những nghệ sĩ biểu diễn mà không yêu cầu, đòi hỏi bất kỳ một khoản thù lao nào. Khách đi qua yêu mến thì gửi vài đồng tiền thù lao coi như tiền uống nước.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ, chị và các bạn biểu diễn vì niềm đam mê tha thiết, vì  trách nhiệm với bộ môn nghệ thuật hát xẩm này, vì nghệ nhân chân truyền Hà Thị Cầu và thực sự, chị hát như được sống với những cung bậc cảm xúc của mình để vì một sự phát triển của nghệ thuật dân tộc đang dần mai một.

Có một nghệ nhân đã từng nói rằng, nếu một ngày, anh không hát được đôi ba khúc hát văn, thì tâm hồn anh trống rỗng và như thiếu đi bữa ăn, thiếu đi một phần linh hồn, đó chính là nghệ nhân Trịnh Ngọc Minh. Nghệ nhân Trịnh Ngọc Minh sinh năm 1981, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, anh là một trong những học trò cưng của nghệ nhân hát văn nổi tiếng đất Hà thành Hoàng Trọng Kha.

Nghệ sĩ Trịnh Ngọc Minh.

Anh cho biết, lần đầu tiên được nghe cụ Kha hát văn trong một lễ hội tại Hà Nội, anh mê đắm và quyết tâm nhiều năm trời ròng rã để học nghề, được cụ truyền nghề theo cách riêng. Theo nghệ nhân Trịnh Ngọc Minh, với hát văn, kỹ thuật chưa đủ mà còn phải có vốn kiến thức rộng lớn về tích sử, thần thánh, hình thức, nghi thức hầu đồng, thế giới tâm linh của người thường thức…

Khoan hãy nói đến học nhịp, điệu, chỉ riêng việc nhớ lời văn thôi cũng đã khó rồi. Có lần, anh học cả đêm được 6 khổ văn. Đến sáng nhẩm lại thì không nhớ một câu nào. Anh đã nghĩ đến việc từ bỏ, bởi học hát văn phức tạp quá. Nhưng đã đam mê hát văn, thì dù khó đến mấy cũng không từ bỏ được. Trong khi hát, nghệ sĩ phải nhập tâm, hòa mình vào không gian tâm linh. Hơn nữa còn phải am hiểu về tích sử thì hát mới có hồn.

Cái hồn cốt này, theo anh, đó là sự am hiểu và mê say, điều này anh học được nhiều từ nghệ nhân bậc thầy Hoàng Trọng Kha, người mà anh đã nhiều năm theo chân cụ để được học tập phong thái, sự tài hoa, thanh lịch mà không phải nghệ nhân nào cũng có được.

Hiện nay, hát văn thường xuất hiện nhiều trong các tín ngưỡng hầu đồng, Thường mỗi dịp đầu xuân năm mới, anh cũng phải tham gia nhiều chương trình, nhiều giá hầu để có thể mang tiếng hát, tiếng đàn của mình phổ cập tới đông đảo công chúng.

Cần một chính sách thỏa đáng cho nghệ nhân

Có thể nói, hiện nay, rất nhiều nghệ nhân trẻ tuổi quay trở lại với nghệ thuật truyền thống dân tộc. Họ cũng có mong muốn được đào tạo nhiều thế hệ kế tiếp để giữ được trường tồn vốn văn hóa cổ. Tuy nhiên, tất cả những việc làm này đều đang là tự phát.

Ca nương Phạm Thị Huệ (trái).

Ca nương Phạm Thị Huệ chia sẻ: Hiện nay CLB Ca trù Thăng Long đã có gần 20 thành viên. Vì hầu hết các em ở làng ca trù Ứng Hòa, hơn nữa còn trong độ tuổi đi học nên mỗi tuần chị Huệ đều đặn đi xe về tận làng để dạy lại cho các em. Các tối thứ 6, thứ 7, chủ nhật các em được cha mẹ chở tới đền Quan Đế để biểu diễn.

Ngoài ra, CLB Ca trù Thăng Long cũng có những canh hát đặt riêng biểu diễn hàng tuần tại 28 Hàng Buồm vào 20 giờ thứ 3, 5, 6, 7 và chủ nhật. Khi được hỏi về thu nhập, chị Huệ cười buồn chia sẻ, thu nhập không ổn định do địa điểm biểu diễn không cố định, thường xuyên phải thay đổi, không có kinh phí đầu tư nên còn ít người biết đến. Đối với chị, chặng đường khó khăn nhất là chặng đường đầu tiên khi bắt tay vào học và truyền nghề.

Kinh tế khó khăn, gia đình vướng bận, thời gian eo hẹp, nhưng chị vẫn dành thời gian tập trung vào học nghề, luyện nghề và truyền nghề. Tuy thiếu hụt về kinh phí, mỗi đêm biểu diễn không phải lúc nào cũng có tiền để trang trải cho các em, nhưng mỗi khi được đàn hát thì chị và các học trò lại cảm thấy hạnh phúc bởi được sống và làm việc với tất cả sự đam mê của mình.

Với nghệ nhân Trịnh Ngọc Minh, anh cũng đang tìm những dự án để có thể mở lớp học cho các em muốn học hát văn. Hiện tại anh có khoảng gần chục người học trò thường xuyên theo anh để học từ sơ khai đến từng bước rèn luyện kỹ năng điêu luyện trong các sới đàn. Một điều đáng tiếc là anh chưa có một địa điểm cụ thể để biểu diễn. Anh cũng đã tìm đến một cửa đền nhưng vướng mắc trong các khâu hành chính, sự vụ với chính quyền, mà những vướng mắc này, anh chưa thể giải quyết được.

Nghệ nhân Trịnh Ngọc Minh chia sẻ thật lòng, anh đang có rất nhiều tiềm năng về nghề nghiệp, có ngón nghề, có đội ngũ để đưa hát văn trở thành một điểm hẹn để tiếp cận người yêu nhạc truyền thống, tuy nhiên, nhiều khó khăn vẫn đang bủa vây.

Những người theo đuổi nghệ thuật dân tộc thực sự không dư giả để có thể có tiềm lực kinh tế theo đuổi những ước mơ, dự định của mình. Cho nên trước mắt anh vẫn đang tập trung truyền dạy. Anh mơ ước trong thời gian tới sẽ đưa nghệ thuật hát văn ra đường phố, lên sân khấu, thậm chí là quán bar. Đó là một cách mới để đưa hát văn đến gần hơn với công chúng.

Hiện tại anh cũng đang ấp ủ nhiều dự án mang hát văn tới cộng đồng để thể hiện được sự đam mê môn nghệ thuật tinh túy của dân tộc...

Với riêng nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, khi được nói về dự định của năm 2019, chị cười vui chia sẻ, chị và nhóm Xẩm đang viết lời và xây dựng một chương trình hát xẩm trong năm nay. Chị cũng đã đi kêu gọi nhiều nơi ủng hộ và chia sẻ đam mê với nhóm Xẩm Hà Thành, tuy nhiên trong thời gian sắp tới, việc đầu tiên là các thành viên trong nhóm, ngoài công sức thì đang tự bỏ tiền túi của mình ra xây dựng cơ sở ban đầu.

Chị cho rằng, xã hội tuy phát triển và có vẻ nhiều người không mặn mà với nghệ thuật truyền thống, nhưng chị tin rằng, nếu chị làm bằng niềm đam mê, sự khao khát và làm hay, làm tốt hết khả năng, thì đến một lúc nào đó, cũng sẽ được ghi nhận.

Các nghệ nhân dân gian, họ như con tằm rút ruột nhả tơ, và có lẽ, tơ vàng óng ả sẽ có được mùa bội thu may mắn, và các cấp hội chuyên ngành, các cấp chính quyền quản lý sẽ có một chính sách thỏa đáng cho các nghệ nhân...

(Nguồn: http://antg.cand.com.vn/)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...