Nghệ sĩ sáo Flute Lê Thư Hương: Nghệ sĩ cổ điển không sống ảo
Lần đầu tiên, tôi cảm nhận trọn vẹn tiếng sáo bay bổng, phóng khoáng và tự do của Lê Thư Hương trong đêm nhạc Pháp tại Hà Nội.
Chị đang theo học tiến sĩ tại Mỹ, nhưng luôn giữ sự kết nối đặc biệt với khán giả Việt Nam. Với chị, cuộc sống là một hành trình đi và khám phá. Và âm nhạc cũng vậy, những đỉnh cao luôn ở phía trước.
- Chúc mừng Lê Thư Hương với đêm cổ điển lãng mạn Pháp ở Trung tâm Văn hóa Pháp. Một đêm nhạc đầy cảm xúc và có lẽ, với đêm nhạc này, khán giả sẽ có một góc nhìn khác về nhạc cổ điển chăng?
+ Nó không quá kinh viện và thách đố người nghe. Đó cũng là điều mà tôi và ê kíp muốn gửi gắm đến khán giả Việt Nam. Âm nhạc cổ điển có những giai điệu đẹp, lãng mạn, nó gần gụi và dễ nghe chứ không hoàn toàn kinh viện, nặng nề.
Tôi có tình cảm đặc biệt với âm nhạc Pháp, cũng giống như tinh thần khi tôi chơi nhạc, bay bổng, lãng mạn, phóng khoáng. Tôi muốn mang đến cho khán giả cách cảm âm nhạc như tôi cảm, nhiều khi không cần phải hiểu.
Chương trình "Đa hương sắc" này, tôi chơi nhiều thể loại, có tác phẩm lãng mạn Pháp. Tôi muốn tri ân khán giả và xuất hiện để khán giả biết rằng, dù tôi đi học xa nhưng vẫn có sự liên kết đặc biệt với Việt Nam.
Trong đêm nhạc, nếu khán giả để ý có một bản nhạc Jazz cổ điển của một tác giả Pháp lần đầu tiên biểu diễn ở Hà Nội, đó sự kết hợp của nhiều trường phái Baroc, cổ điển, Jazz và dân gian. Nó tươi mới và không quá học thuật.
Đó là thông điệp tôi muốn gửi đến mọi người, tôi và nhiều nghệ sĩ đang nỗ lực góp phần đưa âm nhạc cổ điển đến gần với khán giả, dần dần phổ cập nhiều thể loại âm nhạc khác nhau để khán giả có thể trải nghiệm và khám phá những vẻ đẹp của nhạc cổ điển.
- "Đa hương sắc" - tên của đêm nhạc có phải là con đường mà chị đang theo đuổi?
+ Tôi học nhạc cụ phương Tây nhưng tôi muốn khai thác yếu tố dân tộc, truyền thống của người Việt Nam. Làm thế nào để thể hiện khí chất, tinh thần của người Việt. Đó là cái khác với người phương Tây.
Tôi muốn thổi hồn, màu sắc âm nhạc Việt Nam qua nhạc cụ phương Tây chứ không chỉ một màu. Đa màu sắc, đó là con đường tôi theo đuổi để khai thác những vẻ đẹp khác nhau của âm nhạc cổ điển và mang nó tới khán giả Việt. Khi có cơ hội, tôi sẽ chơi các bản nhạc cổ điển của Việt Nam, đó là mong muốn và tâm huyết của tôi.
- Mới đây, hai nghệ sĩ Hồng Vy và Đăng Dương đã tổ chức hai đêm nhạc thính phòng Việt Nam ở Hà Nội. Đây cũng là một cơ hội hiếm hoi để các tác phẩm thính phòng của Việt Nam được vang lên?
+ Đó là một tín hiệu đáng mừng. Đời sống âm nhạc Việt Nam đang bị mất cân bằng giữa nhạc thị trường và nhạc cổ điển. Đến mức mà trong nước, gần như chỉ có nhạc thị trường. Hiện tại, đang có nỗ lực của các tổ chức, cá nhân đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Đây là con đường sáng.
Khi nhiều người cùng chung tay, nó sẽ thành phong trào, một cộng đồng, góp phần tạo thói quen cho khán giả để họ có nhiều món ăn lựa chọn. Xa hơn nữa, tôi và nhiều bạn bè đang nỗ lực cho sự kết nối giữa các quốc gia và Việt Nam.
Sự kết nối là mục đích tôi theo đuổi. Tại chương trình báo cáo trong khóa học tiến sĩ biểu diễn tại Mỹ, tôi cũng chơi một tác phẩm Việt Nam của nhạc sĩ Phan Quang Phục. Ông sống ở Pháp, nhưng tinh thần âm nhạc của ông mang đậm màu sắc phương Đông, khán giả rất thích vì nó mới lạ, khác biệt. Đó cũng là con đường mà tôi theo đuổi dài lâu để đưa âm nhạc Việt Nam - văn hóa Việt quảng bá cho bạn bè thế giới.
Lê Thư Hương biểu diễn cùng dàn nhạc.
- Một nghệ sĩ chơi nhạc cụ, lại là kèn flute- để trở thành một nghệ sĩ solo chắc hẳn là hành trình khó khăn?
+ Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cả nhà đều yêu nhạc. Từ nhỏ tôi học piano, nhưng ngày đó, để có thể chơi đàn piano phải xếp hàng rất khó khăn. Mẹ chọn cho tôi cây sáo flute. Học rồi yêu từ lúc nào.
Chương trình đầu tiên tôi biểu diễn solo khi đang theo học đại học tại Đan Mạch, tôi được nhạc trưởng người Đan Mạch mời về diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao của hai nước. Sự kiện đó mở đầu cho sự nghiệp solo của tôi với dàn nhạc.
Tôi thấy may mắn vì mình có cơ hội đó vì con đường này đầy chông gai và khó khăn. Nghệ sĩ solist mang trên mình trách nhiệm lớn, đòi hỏi sự tập trung và bản lĩnh sân khấu cao. Nhưng vì yêu mà, đứng trên sân khấu nhìn thấy phía dưới là khán giả, là tôi quên hết những mỏi mệt.
- Tôi đang nhìn thấy một thế hệ nghệ sĩ toàn cầu, có thể đi khắp thế giới. Điều gì sẽ làm nên sự khác biệt của Lê Thư Hương?
+ Đó là tinh thần Việt Nam, văn hóa Việt và âm nhạc dân gian thấm đẫm trong tâm hồn tôi. Tôi chơi nhạc cụ phương Tây và tôi sẽ chuyển tải tinh thần Việt trong những bản nhạc của mình. Nếu Ngô Hồng Quang mang âm nhạc dân tộc kết hợp với các nhạc cụ phương Tây thì con đường của tôi ngược lại, sẽ mang nhạc cụ phương Tây kết hợp, chuyển tải tinh thần Việt Nam. Trong máu mình đã có sẵn âm nhạc dân gian, chỉ có điều mình chuyển tải, thể hiện nó ra thế nào mà thôi.
- Nói chuyện với chị, tôi thấy lạc quan hơn bởi đời sống âm nhạc trong nước bây giờ người ta đếm thành công bằng con số hơn là những giá trị tự thân?
+ Câu chuyện đánh giá thành công bằng view không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Ngay cả các nghệ sĩ quốc tế hàng top đầu của thế giới, họ khổ luyện kinh khủng để thành tài, nhưng nếu tính đến lượng view cũng rất buồn. Với những nghệ sĩ như chúng tôi, chỉ cần một số ít khán giả ghi nhận là hạnh phúc rồi để thấy những việc mình làm có ý nghĩa.
Lê Thư Hương và các nghệ sĩ quốc tế.
- Công chúng cho nhạc cổ điển vốn không nhiều, nhưng nhìn ở một góc khác, từ phía nghệ sĩ, họ có đủ dũng cảm để dấn thân, cống hiến hay không cũng là điều đáng bàn?
+ Tôi nghĩ, dần dần, những nỗ lực của các nghệ sĩ sẽ tạo thành làn sóng kết nối trong cộng đồng. Vẫn có những nghệ sĩ dám dấn thân, cống hiến. Như chương trình của tôi hội tụ những nghệ sĩ yêu nhạc, làm vì đam mê, vì được chơi nghề.
Đó cũng là trách nhiệm của nghệ sĩ, ngoài thỏa mãn đam mê cá nhân, chúng tôi có thể cống hiến cho khán giả, mang đến cho họ những xúc cảm đẹp về một bản nhạc nào đó. Kiến tha lâu sẽ đầy tổ.
Mưa dầm thấm lâu. Đó sẽ là con đường dài và bền bỉ nhưng tôi luôn tin vào ánh sáng ở phía trước. Nghệ sĩ cổ điển không sống ảo, không hào nhoáng, họ có sự chân chất, mộc mạc. Tôi luôn mong muốn phía dưới mình có nhiều khán giả chứ không có bài toán kinh doanh nghệ thuật ở đây.
- Nhưng ai cũng hiểu, ở Việt Nam, để vượt lên những khó khăn là cả một thách thức lớn đối với các nghệ sĩ cổ điển?
+ Mỗi nghề có một khó khăn riêng. Nhưng hạnh phúc của nghệ sĩ rất khó tả khi họ thăng hoa trên sân khấu. Nên đã chọn, đã yêu thì cứ thế mà đi thôi. Cái gì cũng có giá của nó. Đã là nghệ sĩ thì phải hy sinh rất nhiều, thời buổi kinh tế thị trường, mọi người bươn chải kiếm sống. Nghệ sĩ giữ được nghề, giữ được lửa là điều đáng trân quý.
Thực tế ở Việt Nam, các nghệ sĩ bây giờ tự vận động nhiều lắm, họ rất đa năng, tự tạo chương trình, tự liên hệ, kết nối với bạn bè thế giới, tự tìm tài trợ. Còn các nghệ sĩ nước ngoài, có thể sống được bằng nghề vì họ được trả lương cao, nhưng để giàu có thì rất ít.
- Vì thế, những cá nhân như chị không nhiều?
+ Người yêu thì nhiều, còn người tâm huyết và cống hiến, mong muốn làm được cái gì đó đóng góp cho cộng đồng, góp sức vào sự phát triển của âm nhạc Việt không phải ai cũng làm được. Trong nghề tôi là người quyết liệt.
Khi tôi quyết định đi học tiến sĩ biểu diễn ở Mỹ, một nửa bạn bè bảo nể phục, còn một nửa bảo tôi điên. Còn tôi chỉ nghĩ, tôi học trước hết cho bản thân tôi và khi tôi ra nước ngoài, tôi sẽ có kết nối với bạn bè quốc tế và giúp các em học sinh có khát vọng đi du học, kết nối âm nhạc Việt Nam với thế giới.
- Chị có nghĩ ngoài sự quyết liệt, nỗ lực của bản thân, chị còn là người may mắn?
+ Tôi may mắn vì được cả gia đình ủng hộ. Đó là sự hy sinh của nhiều người chứ không chỉ của một cá nhân trong gia đình. Với tôi, kèn flute đã chọn tôi và giúp tôi trụ lại được với nghề. Nó mang lại cho tôi nhiều thứ, được mở mang, được đi đây đi đó, mở rộng cả tri thức và nhân sinh quan của mình về đời sống.
Tháng 8 này, chúng tôi sẽ có một chương trình biểu diễn thường niên tại phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia, ở đó, chúng tôi sẽ được chơi nhạc với các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Đây là Liên hoan Âm nhạc Vietnam Connectino do nghệ sĩ Bùi Công Duy khởi xướng từ năm 2015. Tôi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của khán giả trên hành trình đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng của chúng tôi.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!
* Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, tình yêu với nghệ thuật trong chị đã được nuôi dưỡng một cách tự nhiên. Đam mê và gắn bó với cây sáo flte từ nhỏ, Lê Thư Hương nhanh chóng thể hiện tài năng của mình và đã tốt nghiệp thủ khoa Nhạc Viện Hà Nội năm 2001. Sau đó chị tiếp tục theo học tại Nhạc viện Hoàng gia Đan Mạch trong 4 năm với những nghệ sỹ sáo nổi tiếng thế giới. Hiện tại, Lê Thư Hương đang làm nghiên cứu sinh về biểu diễn sáo tại trường Đại học Bắc Texas, Hoa Kỳ. Thường xuyên biểu diễn với vai trò của một nghệ sỹ độc tấu, hòa tấu và trong dàn nhạc giao hưởng, chị đã tham dự nhiều liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển.
(Nguồn: http://cstc.cand.com.vn)