Nghệ sĩ piano Rubinstein

17/03/2016

Kể từ khi ông qua đời tại Thụy Sĩ năm 1982 ở tuổi 95, sự nghiệp âm nhạc và những phẩm chất cao đẹp ở con người Arthur Rubinstein đã được những nhà phê bình âm nhạc đánh giá lại. Sự đánh giá lại này có lẽ cũng là một kết quả thường gặp ở những người nổi tiếng và dù cho có sự tham gia của một số kẻ cố tình muốn hạ thấp ông, Rubinstein vẫn được coi là nghệ sĩ biểu diễn Chopin xuất sắc nhất của thế kỉ. Đó có lẽ là một sự tưởng thưởng xứng đáng dành cho ông nhưng trên thực tế, ông chỉ được nhận danh hiệu này khi đã cao tuổi và đó là sự nỗ lực, không ngừng phấn đấu trong cả cuộc đời.


"Trên sân khấu tôi luôn luôn thay đổi, đó là một yếu tố táo bạo cần thiết của một tài năng lớn.
Những nghệ sĩ trẻ hiện nay quá cẩn thận, họ biểu diễn vì túi tiền của họ thay vì trái tim”
 
- Arthur Rubinstein

Những năm đầu thế kỉ 20, khi ông lần đầu biểu diễn các tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài này, Rubinstein đã bị những nhà phê bình đương thời chê rằng chơi Chopin quá khô khan, lệ thuộc nhiều vào tổng phổ và thiếu chất thơ. Những lời phê bình này cũng nhằm vào cả Ferruccio Busoni, Jozef Hofmann và thậm chí cả Sergei Rachmaninov. Tất cả những điều này đã góp phần tạo ra một thế hệ các nghệ sĩ dương cầm mới – những người đã tỉnh táo nhận thức và chia tay với lỗi biểu diễn truyền thống, cổ lỗ mới phát sinh từ sau khi Chopin qua đời. Rubinstein được miêu tả như một sự “trái ngược truyền thống” – với những đặc điểm: rubato quá thừa thãi, xáo trộn và phóng tác nguyên mẫu. Bất kì sự tự do nào được cho phép, thậm chí được khuyến khích. Và hầu hết những pianist hàng đầu nào thời kì đó như Ignacy Jan Paderewski và Vladimir de Pachmann đều ngại ngùng khi phải sử dụng.

Arthur Rubinstein sinh ngày 28 tháng 1 năm 1887 tại Lód´z, Ba Lan trong một gia đình có nguồn gốc Do Thái. Khi lên 3 tuổi, cậu bé đã bắt đầu học piano và khi 5 tuổi đã có buổi biểu diễn chính thức đầu tiên. Khi Arthur lên 10, mẹ của cậu đưa cậu đi nghe một buổi hòa nhạc của nghệ sĩ huyền thoại Joseph Joachim đồng thời muốn người nghệ sĩ tài năng này nghe thử con mình chơi đàn. Quá ấn tượng khi nghe Arthur biểu diễn các tác phẩm của Wolfgang Amadeus Mozart, Joachim đồng ý trở thành người đỡ đầu cho Arthur. Chấp nhận để con mình theo học tại Berlin, bà mẹ quay trở về Lód´z và đó cũng là lần cuối cùng Rubinstein được sống với gia đình mình.

Âm nhạc của Frederic Chopin là một phần cơ bản nhất trong di sản văn hóa của Rubinstein, tuy vậy dù là 1 người Ba Lan, Rubinstein lại được đào tạo theo trường phái piano của nổi tiếng của Đức. Sau một vài trải nghiệm bất hạnh với những thầy giáo Ba Lan mà rõ ràng là không tương xứng với tài năng của mình, Rubinstein đã tới Berlin dưới sự bảo trợ của Joachim – một người bạn thân thiết của Johannes Brahms. Joachim đã giới thiệu cậu với Heinrich Barth, một trong những nhà sư phạm nổi tiếng nhất của Berlin thời kì này mà một trong những học trò ưu tú nhất của ông là Wilhelm Kempff. Tuy nhiên, mối quan hệ thầy trò thật khó để nói là thân ái. Barth cố gắng trong việc sắp đặt lại nền tảng kĩ thuật vốn đã rất vững và phong cách biểu diễn đầy lí trí của chàng trai trẻ nhưng Rubinstein chống đối lại sự cố chấp của Barth. Với tư tưởng chống đối sẵn có cộng với tính kỉ luật đến mức hà khắc của ông thầy người Đức đã khiến Rubinstein từ chối công việc trau dồi kĩ thuật buồn tẻ nhưng vô cùng cần thiết này. Dù rằng có sự khác nhau đó, năm 1899 là năm đầu tiên trong sự nghiệp biểu diễn chuyên nghiệp của Rubinstein, cậu bé có buổi ra mắt rất thành công tại Great Hall of the Berlin Hochschule (Beethoven Saal) với Berlin Philharmonic. Trong chương trình này Rubinstein đã biểu diễn những tác phẩm của Mozart, Chopin và Robert Schumann cũng như Piano concerto số 2 giọng Son thứ, Op. 22 của Camille Saint-Saëns – tác phẩm mà cậu sẽ chơi trong suốt cuộc đời mình. Quá ấn tượng với những gì mà Rubinstein đã thể hiện, một nhà phê bình đã viết: “Cậu bé chơi mọi thứ, nhưng không phải là 1 thần đồng mà là một nghệ sĩ thực thụ, một người đã trưởng thành”. Buổi biểu diễn diễn ra dưới con mắt dò xét của Joachim và ông đã tỏ ra rất mãn nguyện. Và sau 6 năm không hạnh phúc dưới bàn tay của Heinrich Barth, năm 1903 Rubinstein rời Berlin trở về Ba Lan. Kể từ đó trở đi, cậu bé đã hoàn toàn tự lập.

Năm 1913, sau một thời gian học với nghệ sĩ bậc thầy Paderewski, chàng trai trẻ chuyển tới Paris với ước mong được học thêm nữa và tại đây Rubinstein có những buổi gặp gỡ với Paul Dukas và Maurice Ravel. Cũng trong thời gian này, anh đã chơi Piano concerto số 2 của Saint-Saëns cho chính tác giả nghe và Saint-Saëns đã dành tặng cho cậu bé những lời ngợi khen tốt đẹp nhất.

Trong những năm tiếp theo, Rubinstein tiếp tục có hàng loạt những buổi biểu diễn tại Paris cũng như tại nhiều thành phố khác tại châu Âu và giành được rất nhiều thiện cảm của giới phê bình cũng như của công chúng. Năm 1906, Rubinstein đến New York và có buổi biểu diễn đầu tiên tại Carnegie Hall. Dù rằng sự đón tiếp tại Mĩ khá lạnh nhạt nhưng anh cũng hoàn thành 75 buổi hòa nhạc như kế hoạch ban đầu đã đề ra. Dù vậy thì đây không hẳn là một sự thành công. Công chúng thì rất hài lòng nhưng giới phê bình thì lại tỏ ra thờ ơ. Sau này Rubinstein bình thản ngồi đúc kết lại: “Tôi không là một thần đồng nữa và cũng không phải là một nghệ sĩ đã trưởng thành. Những nhà phê bình đã tỏ ra nghiêm khắc, thậm chí là quá nghiêm khắc. Tôi đã nghĩ rằng tôi đã vĩnh viễn mất nước Mĩ”.

Anh quay trở về Paris, tiếp tục miệt mài tập đàn trong 4 năm, trong khoảng thời gian này, Rubinstein không biểu diễn một buổi nào. Đây là thời kì dông bão trong cuộc đời của Rubinstein, cuộc sống thì nghèo túng và đôi khi anh còn không có chỗ để cư trú nhưng bù lại là anh được sống trong một môi trường hội tụ những tinh hoa của châu Âu thời bấy giờ. Anh cũng may mắn trở thành bạn của nhạc trưởng Serge Koussevitzky và nhạc sĩ Igor Stravinsky.

Cuối cùng thì Rubinstein cũng giành được một chỗ đứng tại Paris trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra và trở thành người tiên phong trong việc biểu diễn các tác phẩm dành cho piano của những nhà soạn nhạc như Manuel de Falla, Claude Debussy, Ravel, Stravinsky và Karol Szymanowski – nhạc sĩ mà sau này Rubinstein gần như quên lãng. Rubinstein xuất hiện đầy thành công tại Berlin vào năm 1910 và sau đó là chuyến lưu diễn tại Moscow và Saint Peterburg cùng Serge Koussevitzky.

Sau một loạt những buổi biểu diễn đầy ấn tượng tại Áo, Italy và Nga, Rubinstein có buổi ra mắt tại Bechstein (bây giờ là Wigmore) Hall, London năm 1912 và từ đó anh chủ yếu sống tại đây trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi chiến tranh xảy ra, Rubinstein trở thành phiên dịch viên trong quân đội (anh sử dụng thành thạo 8 ngoại ngữ) nhưng vẫn tham gia đệm đàn cho Eugene Ysaÿe trong một số buổi hòa nhạc. Sau đó anh chuyển tới Paris và tham gia trong Quân đoàn Ba Lan (Polish Legion). Đã nhiều lần đối mặt với tử thần nhưng thật may mắn cho chúng ta là thần may mắn đã can thiệp và kết thúc cuộc chiến tranh, Rubinstein đã trở về yên lành. Quân đoàn bị giải tán và anh trở về London và chuẩn bị cho một loạt các buổi hòa nhạc tại Tây Ban Nha.

Chuyến lưu diễn này đã trở thành một mốc son trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Rubinstein. Anh đã thực sự trưởng thành và tiếng đàn đã tràn đầy cảm xúc hơn hẳn hồi ở Carnegie Hall, khán giả đã say mê thưởng thức các buổi biểu diễn của Rubinstein. Trong thời gian ở đây, Rubinstein học tiếng Tây Ban Nha và chơi nhiều các tác phẩm của những nhạc sĩ bản xứ như Manuel de Falla, Isaac Albéniz và Enrique Granados. Tiếng đàn của Rubinstein không trầm tĩnh, khoan thai như cách chơi truyền thống mà bùng nổ, dữ dội, phóng túng. Đó là tiếng đàn tràn đầy cảm xúc và toát ra một thứ ma lực khiến khán giả không thể không im lặng lắng nghe, điều này có lẽ đáng chú ý hơn là kĩ thuật đáng nể của anh.

Rời đất nước Tây Ban Nha, Rubinstein đến Nam Mĩ – nơi có những nét văn hóa tương đồng. Những buổi biểu diễn tại đây giúp anh có thêm nhiều tiền cũng như sự cam đảm cho một cuộc chinh phục những khán giả khó tính nhất tại châu Âu. Anh trở lại châu Âu năm 1916 và tổ chức hơn 100 buổi recital và lặp lại thành công như đã từng có tại Nam Mĩ, thời gian này Rubinstein vẫn trung thành với các tác giả như Granados, Albeniz, Heitor Villa-Lobos và đặc biệt là de Falla. Sau này nhìn lại, Rubinstein đánh giá rằng các buổi biểu diễn này vẫn còn nhiều nốt nhạc chưa được như ý nhưng với những khán giả Tây Ban Nha và Nam Mĩ, cái hồn của tác phẩm quan trọng hơn sự chính xác của kĩ thuật.

Những năm 1920, Rubinstein đã thiết lập vững chắc danh tiếng của mình trong những buổi hòa nhạc quốc tế và năm 1924 được "Modern Music and Musicians" miêu tả như “một trong những nghệ sĩ xuất sắc nhất của thời đại chúng ta” nhưng khi đó, ông chưa có được một bản thu âm nào. Công nghệ thu âm cũ kĩ không thể truyền tải được đầy đủ âm thanh trong trẻo, ngọt ngào của cây đàn piano cho đến khi công nghệ ghi âm bằng điện ra đời năm 1925. Đến lúc này, rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có Rubinstein, mới bắt đầu tiến hành những bản thu âm đầu tiên của mình. Những bản thu của Rubinstein trước năm 1935 khắc họa rõ nét tâm hồn và bản chất con người ông, dù rằng với sự phán xét nghiêm khắc thì đôi lúc có những chỗ sai lầm khó tha thứ được. Bản thu âm đầu tiên của ông là với Bacarolle của Chopin vào năm 1928. Tạp chí Gramophone đã phàn nàn: “nghệ sĩ piano đã hoàn toàn phá hủy tác phẩm với tất cả những đoạn rubato không cần thiết”. Tuy nhiên đó chỉ một trong số ít ỏi những lời chê trách trong suốt sự nghiệp hơn 50 năm ghi âm của ông.

Một lần ở Paris, Rubinstein lại phải sống trong sự khủng hoảng mà ông từng có như hồi trước chiến tranh thế giới thứ nhất. Với những người bạn, Jean Cocteau và Pablo Picasso, ông thích một cuộc sống tự do, phóng túng theo đúng phong cách nghệ sĩ nhưng rồi dần dần cảm thấy bế tắc. Điều này chỉ được giải tỏa khi ông 40 tuổi và quyết định chọn một cuộc sống ổn định. Thời điểm đó là lúc ông gặp con gái của nhạc trưởng nổi tiếng người Ba Lan Emil Mlynarski. Bất chấp việc Nela Mlynarski kém Rubinstein gần 20 tuổi, họ vẫn quyết định cưới nhau vào năm 1932 tại London. Hơn bất kì điều gì, mối quan hệ này và việc bắt đầu có một gia đình đã khiến Rubinstein phải nghĩ đến việc chơi đàn một cách nghiêm túc hơn. Ngay sau khi đứa con đầu lòng của họ ra đời, Rubinstein thuê một điền trang nhỏ và lao vào tập luyện 12 đến 16 giờ đồng hồ một ngày.

Trong những năm tháng mà Rubinstein rời xa cái vali của mình, trình độ kĩ thuật siêu việt của những nghệ sĩ piano trẻ hơn, ví dụ như Vladimir Horowitz đã chiếm trọn tâm trí công chúng và đẩy Rubinstein về phía sau. Ông tự hỏi: “Liệu người ta có đồn đại về tôi rằng tôi có thể trở thành một nghệ sĩ piano vĩ đại? Liệu đây có phải là thứ tài sản mà tôi có thể để lại cho vợ con tôi?”. Rubinstein rút lui khỏi các chương trình hòa nhạc và âm thầm tập luyện một cách điên cuồng nhằm hoàn thiện kĩ thuật chơi đàn và khi ông trở lại vào năm 1935, Rubinstein nhận được sự tán thưởng của nhà phê bình nguời Mĩ Harold Schonberg: “người khổng lồ đã trở lại”. Năm tiếp theo, ông đến biểu diễn tại châu Âu, lần đầu kể từ năm 1929 và trở thành một trong những nghệ sĩ được hâm mộ nhất. Quân đội Hiller tiến vào Paris năm 1940 và Rubinstein cùng gia đình phải đến Mĩ sinh sống, ông nhập quốc tịch Mĩ năm 1946. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, ông đã trở thành một trong những nghệ sĩ piano nổi tiếng nhất, một người khác chính là Horowitz nhưng Horowitz với tính khí kì quặc của mình đã rời xa sân khấu trong vòng 12 năm (từ 1953 đến 1965) còn Rubinstein thì không bao giờ làm như vậy.

Rubinstein trở lại Ba Lan vào năm 1958, sau 20 năm trời, ông đã khóc trước khán giả Warsaw và trở thành người thứ 2 tại đây giành được sự nhất trí tung hô của công chúng (người đầu tiên là Paderewski).

Tháng 5 năm 1964, Rubinstein có mặt trong buổi lễ ra mắt Arthur Rubinstein Chair of Music tại Hebrew University, Jerusalem. Ông cũng để lại toàn bộ số tiền có được từ những buổi recital tại Israel cho đất nước này. Một lần nữa, năm 1974, nhà nước Israel lại dành cho ông một vinh dự khi lấy tên ông đặt cho một cuộc thi piano: Arthur Rubinstein International Piano Master Competition. Năm 1977, Rubinstein được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ nhưng vì ông không mang quốc tịch Anh nên trên các văn bản, trước tên ông không đề Sir mà chỉ đề KBE (Honorary Knight of the British Empire).

Thật là lạ thường và kì diệu khi ở độ tuổi 70 và 80, Rubinstein thường xuyên biểu diễn cả 2 piano concerto của Brahms hoặc 3 piano concerto của Ludwig van Beethoven trong một chương trình. Trong địa hạt hòa tấu, Rubinstein thường xuyên biểu diễn với Jascha Heifetz, Emanuel Feuermann (sau này là Gregor Piatigorsky), Paul Kochinski, Henryk Szeryng và nhóm hòa tấu thính phòng Guarneri Quartet vào những năm 1960 và 1970.

Trong suốt 4 thập kỉ cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 1976, Rubinstein được công nhận là một trong số những nghệ sĩ được kính trọng và yêu mến nhất. Thị giác yếu dần là nguyên nhân chính khiến ông không thể tiếp tục công việc mà ông đã gắn bó trong suốt gần 8 thập kỉ. Bất chấp tuổi cao và sức khỏe suy giảm, Rubinstein vẫn tiếp tục biểu diễn khi đã ngoài 80 tuổi. Kể cả khi thị lực suy giảm đáng kể, ông vẫn đi khắp thế giới để dạy học và truyền đạt kinh nghiệm cho những sinh viên trẻ. Ở tuổi 83, ông cho xuất bản tập 2 cuốn hồi kí: “My Many Years” (tập 1 xuất bản năm 1973 tại London với tiêu đề “My Young Years”).

Buổi biểu diễn cuối cùng của Rubinstein diễn ra vào tháng 5 năm 1976 tại Wigmore Hall, London. Ông qua đời tại nhà riêng ở Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 20 tháng 12 năm 1982 khi 95 tuổi, để lại một di sản khổng lồ với hàng nghìn recital, concert trong cả tư cách nghệ sĩ độc tấu và hòa tấu cùng hơn 200 bản thu âm, trong đó không thể không nói tới toàn bộ các tác phẩm dành cho piano của Frederic Chopin – người nhạc sĩ mà khi ta nhắc đến Rubinstein không thể không nói tới. Theo nguyện vọng của Rubinstein, đúng một năm sau, thi hài ông được di chuyển về Israel và chôn cất tại một cánh rừng – sau này cánh rừng được mang tên ông: “Rừng Rubinstein”.

Khi còn là một chàng trai trẻ, Rubinstein là nhà vô địch với sự nhiệt thành giới thiệu những tác phẩm của những tác giả đương thời như Szymanowski, Stravinsky, Debussy, Ravel, Francis Poulenc, Sergei Prokofiev cũng như các nhạc sĩ Tây Ban Nha và Nam Mĩ. Nhưng Chopin vẫn là tác giả trung thành của ông, tuy nhiên càng về sau, Chopin đã dần dần bị Brahms thay thế, nhà soạn nhạc người Đức này đã khơi dậy những bản năng mạnh mẽ và thầm kín nhất của Rubinstein. Và cũng không vì vậy mà vầng hào quang của Rubinstein với âm nhạc của Chopin bị phai mờ. Trong tất cả những tác phẩm dành cho đàn piano của Chopin, từ các concerto cho đến Nocturne op. 15 no. 2 (thường được ông biểu diễn như một đoạn encore để khép lại chương trình), dưới những ngón tay tài hoa của người nghệ sĩ thiên tài luôn tràn đầy sự ấm áp, nhiều màu sắc và đẹp một cách rực rỡ, đúng như những gì mà chúng ta luôn nghĩ về Chopin, đó không phải là sự hoàn mĩ về mặt kĩ thuật mà là một tâm hồn đầy cao quý, cháy bỏng và không thể bắt chước được. Ông chơi đàn với một niềm hứng khởi kì lạ, ông yêu cây đàn piano, yêu các tác phẩm mà mình biểu diễn và thôi miên khán giả trên khắp thế giới.

Nocturne op. 15 no. 2 - Chopin

(Nguồn: nhaccodien.info)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...