Nghệ sĩ piano Đào Thu Lê: 'Khoảnh khắc biểu diễn trên sân khấu tuyệt vời nhất'

04/02/2021

Gắn bó với công việc giảng dạy đã hơn 10 năm nhưng nghệ sĩ piano Đào Thu Lê bảo, những khoảnh khắc chị biểu diễn thăng hoa trên sân khấu, được khán giả đón nhận nồng nhiệt là hạnh phúc, tuyệt vời nhất.

* Giành học bổng toàn phần, học 6 năm tại Nhạc viện Tchaikovsky, Moskva, Nga, nhưng sau khi tốt nghiệp chị lại từ chối những lời mời làm việc hấp dẫn tại nước ngoài để về nước, trở thành giảng viên. Có phải vì chị thích nghề giáo hơn là nghệ sĩ biểu diễn?

- Tôi thích dạy học nhưng cũng thích biểu diễn không kém. Với nghệ sĩ, khoảnh khắc biểu diễn thăng hoa trên sân khấu, được khán giả đón nhận nồng nhiệt là tuyệt vời và hạnh phúc nhất.

Khi học tập ở nước ngoài, tôi thấy các nghệ sĩ của Việt Nam mình rất giỏi, được đánh giá khá tốt so với mặt bằng chung với nghệ sĩ các nước trên thế giới. Chỉ tiếc rằng môi trường âm nhạc bác học ở Việt Nam còn chưa phát triển nên họ chưa có nhiều cơ hội thể hiện mình.

Nghệ sĩ piano Đào Thu Lê có màn trình diễn ấn tượng trong buổi hoà nhạc năm mới "Lễ kỷ niệm Baroque"

Ở các nước khác, các nghệ sĩ nhạc hàn lâm được Chính phủ hỗ trợ hết sức để họ có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghệ thuật, tôi cũng mong một ngày rất gần Việt Nam cũng sẽ được như vậy.

Tôi luôn mong muốn được trở về và đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc nước nhà. Tôi cũng mong có nhiều chương trình để mình được biểu diễn, và muốn nhiều khán giả trong nước thích nghe nhạc thính phòng.

* Âm nhạc thính phòng Việt Nam hiện tại phát triển như thế nào, theo đánh giá của chị?

- Âm nhạc thính phòng ở Việt Nam hiện khá phát triển. Các em được tiếp cận với những thầy cô đi học nước ngoài về, trường cũng mời nhiều chuyên gia ở nước ngoài sang, nhiều em có điều kiện đi nước ngoài học…

Ngay cả việc tìm kiếm thông tin cũng thuận lợi hơn bởi có internet, các em không vất vả như hồi chúng tôi học ở Nga. Trước đây, chúng tôi muốn nghe thì phải đến thư viện, tìm hiểu thông tin về bản nhạc hay nghệ sĩ đều không dễ dàng.

* Dịch Covid-19 có vẻ không ảnh hưởng nặng nề tới đời sống âm nhạc năm qua, chị có nghĩ vậy không?

- Chúng ta vẫn may mắn vì không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi Covid-19. Thời điểm giãn cách xã hội, tôi có thêm thời gian tập luyện. Ở bên cây đàn tôi không cảm thấy buồn chán. Có lẽ các nghệ sĩ cũng giống như tôi, tập luyện nhiều để khi trở lại cuộc sống bình thường thì có nhiều đêm biểu diễn.

Âm nhạc bác học đã có những dấu hiệu hồi sinh và phát triển ở Việt Nam. Nghệ sĩ như chúng tôi hạnh phúc lắm, thấy tràn trề hy vọng khi được trở lại sân khấu biểu diễn, được gặp khán giả.

Bạn bè tôi ở nước ngoài họ buồn lắm vì không được lên sân khấu. Thời gian sau họ tập luyện và tìm cách biểu diễn online.

NSƯT Hà Ngọc Thoa (bên phải ảnh) đến ủng hộ con gái

* Bản thân chị có khi nào cảm thấy mệt mỏi hay chán cây đàn piano?

- Theo lời kể của mẹ tôi (NSƯT Hà Ngọc Thoa - nghệ sĩ, giảng viên piano tài năng của Việt Nam - PV), tôi học đàn từ lúc 5 tuổi. Mẹ phát hiện tài năng nên đã luôn ở bên cạnh, đồng hành với tôi trong việc học hành và nuôi dưỡng niềm đam mê với cây đàn.

Tất nhiên, khi còn nhỏ, cũng có lúc tôi tập đàn vì bị ép. Mẹ tôi vô cùng nghiêm khắc, thậm chí có lúc mẹ đánh để rèn tôi vào khuôn khổ. Nhưng rồi lúc mẹ không ép, tôi vẫn cứ say mê với cây đàn.

Nhạc cổ điển là thứ càng nghe càng nghiện. Đàn piano là thứ càng chơi tôi lại càng thấy say mê. Mà phải thực sự say mê mới có thể ngồi tập luyện 5-6 tiếng mỗi ngày. Lúc buồn, lúc vui, tôi đều có thể tâm sự với cây đàn. Chưa bao giờ tôi chán mà trái lại, có cây đàn tôi thấy cuộc sống thật nhẹ nhõm, ý nghĩa.

Ca sĩ Lương Nguyệt Anh (bên trái ảnh) cùng những người thân trong gia đình nghệ sĩ Đào Thu Lê

* Mẹ ảnh hưởng như thế nào tới sự nghiệp của chị?

- Khi còn nhỏ, thấy mẹ đàn trên sân khấu tôi thấy rất tự hào và ngưỡng mộ. Tôi được nghe nhạc khi còn trong bụng mẹ, được truyền đam mê qua các buổi cùng mẹ đi nghe hòa nhạc. Tôi hạnh phúc khi được nối nghiệp mẹ, được trở thành người bạn đồng hành với mẹ trên con đường nghệ thuật.

Trong cách trình bày, xử lý tác phẩm, mẹ quyết liệt và mạnh mẽ hơn tôi, nhưng có lẽ ưu điểm của tôi là sự tinh tế, kỹ càng.

* Chị có hướng con theo nghiệp của mình như mẹ chị đã từng định hướng cho chị?

- Con tôi nghe tốt, cũng có năng khiếu, có học đàn nhưng chưa theo chuyên nghiệp. Con cũng say mê lắm nhưng chưa có đủ sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì. Tôi tôn trọng quyết định và sự lựa chọn của con.

* Chị có dự định sẽ làm chương trình hay sản phẩm trong năm mới 2021?

- Tôi có nhiều dự định lắm nhưng chưa dám nói trước vì sợ sẽ không hoàn thành được. Tôi vẫn có ước mơ thực hiện chương trình riêng nhưng công việc dạy học khá bận rộn nên chưa thực hiện ngay được.

Với đà phát triển của âm nhạc thính phòng như năm qua, tôi hy vọng năm mới cũng sẽ có nhiều buổi hòa nhạc để nghệ sĩ được biểu diễn nhiều và khán giả được thưởng thức nhiều chương trình hay hơn.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ!

(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...