Nghệ sĩ Piano – đàn Tranh Trí Nguyễn và Album “Consonnances”

23/10/2015

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống khoa bảng miền Nam Việt Nam, Trí Ngyễn từ nhỏ đã được thụ hưởng một nền giáo dục nghiêm khắc. Với mong muốn con trai có được nền tảng tốt nhất nên từ 5 tuổi, ngoài việc học chữ ở trường, cha mẹ của Trí Nguyễn đã cho anh cùng lúc học song song đàn Piano với giáo viên người Pháp và đàn Tranh theo đúng phương thức cổ truyền với một nhạc sư nổi tiếng thời bấy giờ là thầy Hai Biểu.

Từ thời niên thiếu, Trí Nguyễn đã luôn sống giữa hai nền văn hóa, hai hệ tư tưởng và hai thế giới âm nhạc, Piano mở ra cánh cửa phương Tây trong khi đàn Tranh phản ánh những giá trị cổ truyền của Việt Nam. Ngoài ra, triết lý Á Đông cũng được gia đình Trí Nguyễn đặc biệt coi trọng, vì vậy, anh đã phải học rất nhiều lễ nghi, chuẩn mực với những học giả nổi tiếng theo đúng quan niệm Khổng giáo. Điều này tuy là một áp lực nặng nề với cậu bé Trí Nguyễn nhưng chính là cơ sở cho năng lực thẩm mỹ của người nghệ sĩ tương lai.

Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn,Trí Nguyễn tiếp tục theo học Piano tại Trường Sư phạm Âm nhạc Paris và được những giáo sư nổi tiếng như Jacques Lagarde và Ramzi Yassa hướng dẫn, họ là những người đã chỉ dẫn cho anh những kỹ thuật điêu luyện của các trường phái âm nhạc Nga và thế giới.

Hiện nay, Trí Nguyễn là nghệ sĩ duy nhất trên thế giới có khả năng trình diễn tuyệt vời cả hai nhạc cụ là Piano và đàn Tranh. Những buổi biểu diễn của anh luôn mang đến những điều thú vị bất ngờ khi luôn song hành giữa âm nhạc cổ điển Tây phương với những giai điệu cổ xưa tuyệt đẹp của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Đam mê và tình yêu mãnh liệt của Trí Nguyễn với cây đàn Tranh là động lực khiến anh muốn “bảo tồn và phát huy” âm nhạc cổ truyền trong các tác phẩm trình diễn của mình, anh luôn chú trọng tới các làn điệu - lòng bản cổ của Nhạc tài tử - Cải lương Nam bộ trên nền tảng thang âm “Hò Xừ Xang Xê Cống” mà ngày nay người ta ít sử dụng để diễn tả trong âm nhạc của mình, đặc biệt trong những bản độc tấu cũng như hòa tấu với các nhạc cụ phương Tây.

Trí Nguyễn đã biểu diễn ở Châu Âu, Mỹ và Việt Nam. Tại Pháp, anh được mời biểu diễn tại Lễ bế mạc liên hoan âm nhạc thế giới Aubervilliers, Festival Sân khấu điện ảnh lần thứ 17 ở Bobigny và là khách mời trên nhiều chương trình phát thanh như France Culture, Protestant Frequency, Radio RMA… Anh cũng thường xuyên được mời biểu diễn tại những Lễ hội âm nhạc lớn ở Pháp. Năm 2012, tại “Festival nghệ thuật”, Trí Nguyễn đã tham gia biểu diễn trong suốt 3 ngày với những nội dung như “Điện ảnh và Piano”, “Đàn Tranh với Thi ca”, các chương trình này thường “cháy vé” với sự đón nhận nồng nhiệt của khán thính giả và gây nhiều tiếng vang tốt…

Ngoài Piano và đàn Tranh, Hội họa cũng là môn nghệ thuật mang tới cho Trí Nguyễn những cảm hứng sâu sắc, thăng hoa trong Âm nhạc. Những bức tranh khoáng đạt và trang nhã, cũng như tiếng đàn Tranh và Piano của Trí Nguyễn là thành quả của sự nỗ lực trau dồi kỹ thuật và mỹ cảm tinh tế, có được điều này là nhờ nền tảng giáo dục mà anh đã được lĩnh hội từ nhỏ. Cả hai loại hình nghệ thuật này đều đòi hỏi sự khổ luyện giúp cho Trí Nguyễn có được ngày hôm nay.

Sau nhiều năm biểu diễn và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khán giả, Trí Nguyễn đã hoàn thành Album “Consonnances”, đây là sự kết hợp giữa những giai điệu cổ của đàn Tranh Việt Nam với Tứ tấu đàn dây Phương Tây. Ngay sau khi được phát hành, “Consonnances” đã nhận được những lời bình phẩm tích cực từ giới truyền thông của Pháp và châu Âu cũng như các chuyên trang phê bình âm nhạc của thế giới bởi cách kết hợp táo bạo và mới mẻ của nó. Tạp chí hàng đầu trong giới về phê bình âm nhạc “Songlines” đã dành những lời ngợi khen đầy thiện cảm cho “Consonnances”. Ở Việt Nam, Trí Nguyễn cũng được báo chí nhắc đến như người đã “khôi phục và đưa âm nhạc cổ truyền Việt Nam đến với thế giới”.

Tháng 7/2015, Album “Consonnances” đã nhận được Huy Chương Vàng của Global Music Awards và được bình chọn là 1 trong 3 Album được yêu thích nhất tại website của tổ chức này(USA - http://www.globalmusicawards.com/).

Tham gia chương trình biểu diễn của Nghệ sĩ Trí Nguyễn còn có Nghệ sĩ Violin Buynta Goryaeva(Pháp gốc Nga). Tài năng của Buynta được đánh giá cao tại Trường “Tài năng Âm nhạc Quốc Gia Tchaikovsky”- Moscow khi cô thường xuyên biểu diễn ở Phòng hòa nhạc lớn của Nhạc Viện Tchaikovsky trong suốt thời gian theo học tại đây. Buynta cũng tham gia vào các cuộc thi Violon quốc tế được tổ chức ở Hi Lạp, Pháp, Đức, Estonia, Bulgaria và Nga.

Buynta gặp nghệ sĩ Piano và đàn Tranh - Trí Nguyễn năm 2013, cũng từ đây, rất nhiều dự án sáng tạo và hợp tác lưu diễn giữa Buynta và Trí Nguyễn trên khắp nước Pháp đã được thực hiện…

Chương trình của Nghệ sĩ Trí Nguyễn gồm 2 phần: Phần 1 “Nhạc Nga &Tango” với các tác phẩm nổi tiếng của Tchaikowsky; Rachmaninoff; Rimsky-Korsakov và Piazzolla. Phần 2 “Trích đoạn từ Album “Consonnances”/Đối thoại Đông – Tây) là phần hòa tấu Đàn Tranh - Tứ tấu đàn Dây - Guitar – Percussion với các bản nhạc Cải lương – Tài tử Nam bộ: Khóc Hoàng Thiên; Khổng Minh Tọa Lầu; Trăng Thu Dạ Khúc; Nam Ai; Ái Tử Kê; Liên khúc Dân ca Nam bộ: Lý quạ kêu – Lý kéo chài – Lý ngựa ô; Tử Qui Từ …

Chương trình được tổ chức vào lúc 20g ngày 23/10/2015 tại Phòng hòa nhạc 112 Nguyễn Du Q.1(Nhạc Viện TP.HCM)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...