Nghệ sĩ piano Bích Trà: “Quan trọng là đối thoại bằng âm nhạc!
Là nơi góp phần nuôi dưỡng những tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam trong tương lai, “Hội trại âm nhạc mùa hè”, một hình thức đối thoại trong âm nhạc cổ điển thực hiện đầu tháng 8/2014 tại Nhạc viện TPHCM rất thành công với sự góp mặt của 3 nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới: nghệ sĩ piano Bích Trà, nghệ sĩ cello Zoe Martlew (Vương quốc Anh) và nghệ sĩ violon Atle Sponberg (Na Uy).
PV: Với ước mơ đem niềm đam mê và những trải nghiệm về âm nhạc cổ điển truyền dạy cho các em đang theo học âm nhạc cổ điển tại quê hương. Chị thấy có sự khác biệt nào giữa các thế hệ?
NS Bích Trà: Chắc chắn là có sự khác biệt, thời chúng tôi học âm nhạc nhưng rất thiếu thông tin, còn các em học nhạc giờ sướng hơn vì được cập nhật thông tin qua internet thường xuyên. Các em biết rất nhiều. Tuy nhiên, mô hình phát triển âm nhạc cổ điển ở Việt Nam chưa thực sự toàn diện.
Ví như trong âm nhạc thính phòng, ở bên châu Âu đây là môn học rất quan trọng nhưng ở Việt Nam chủ yếu là dạy solo chứ không có dạy đối thoại bằng âm nhạc. Sau những lần về nước biểu diễn thấy thực trạng như vậy chúng tôi rất trăn trở. Sau đó đồng nghiệp của tôi là chị Nguyệt Sa tại Việt Nam đã cố gắng xin tài trợ để mở lớp học cho các em yêu âm nhạc.
Thực ra, Transposition Programme của Na Uy đã làm việc với Nhạc viện TPHCM trong 9 năm nay và cả Nhạc viện Hà Nội nữa. Chương trình được tập trung từng môn một, có thể là kèn, nhạc dây, piano… Nhưng đây là lần đầu tiên, chúng tôi tổ chức “Hội trại âm nhạc mùa hè” (Saigon Chamber Music) để các em chơi nhạc với nhau. Hay còn gọi là đối thoại âm nhạc.
Nghệ sĩ Bích Trà và các học trò Nhạc viện tại "Hội trại âm nhạc mùa hè" năm 2014
PV: Trong thời gian ngắn như vậy thì làm sao giáo viên có thể truyền thụ hết những gì mong muốn cho các em?
NS Bích Trà: Chúng tôi dạy theo lối học mà chơi chơi mà học. Mặc dù vậy, chương trình học cũng rất nặng. Cũng là cách để thử thách các em. Trước đó, chúng tôi chỉ nghe được nhạc của các em qua đĩa dự thi gửi qua nên cũng chưa biết trình độ âm nhạc của từng em đến đâu. Sau đó, tôi và các đồng nghiệp đưa ra những bài tập khó, có nhiều thử thách để các em diễn, và tùy vào năng lực của từng em chứ giáo viên không có đòi hỏi tuyệt đối là các em phải hoàn thành xuất sắc các bài tập.
Tiêu chí quan trọng nhất của lớp học lần này là giúp các em trải nghiệm và hiểu được thế nào là đối thoại trong âm nhạc. Đây là điều quan trọng trong quá trình phát triển sự nghiệp âm nhạc.
Tôi rất yêu nghề nên khi làm nghề mình muốn cho hết. Cho hết những kiến thức mình đã học và đã trải nghiệm trong những môi trường âm nhạc khác nhau trên thế giới vì trên thực tế để kiếm một suất học bổng ở những học viện âm nhạc lớn nước ngoài rất khó.
Ở Việt Nam các em ngồi một chỗ có thể cập nhật thông tin, có thể mua đĩa về nghe nhưng vẫn không thể nào bằng xem, nghe và học bằng biểu diễn âm nhạc trực tiếp.
Trong quá trình học nếu chỉ diễn solo các em rất căng thẳng nhưng khi được diễn cùng nhau thì các em rất tự tin, rất thích, say mê. Chúng tôi dạy từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối, các em đều muốn học xuyên suốt, không cần thời gian nghỉ ngơi.
Sự đam mê học tập của các em làm cho chúng tôi rất phấn khởi và không ngần ngại để truyền kinh nghiệm và lửa nghề cho các em. Nếu những em đăng ký mà chưa tham gia được học kỳ mùa hè lần này thì vẫn có thể dự thính.
PV: Chương trình sẽ được tiếp tục vào các năm sau hay chỉ là hình thức nhỏ giọt?
NS Bích Trà: Chúng tôi không muốn về một lần, dạy một đợt rồi đi, mà chương trình cứ tiếp tục qua từng năm. Mỗi năm sẽ có những nghệ sĩ khác nhau đến từ những quốc gia khác nhau trên thế giới đến giảng dạy, đối thoại âm nhạc cùng các em, giúp các em giao lưu với nhiều nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới. Điều này rất quan trọng cho sự trưởng thành trên con đường âm nhạc mà các em đã chọn.
Ngoài ra, sau khi về nước thì các em tiếp tục gửi thư điện tử và chúng tôi sẽ gửi cho các em những bài tập để các em tự tổ chức chơi nhạc với nhau cho tới khi các em tự giác được việc đối thoại âm nhạc với bạn đồng môn quan trọng như bộ môn solo.
Chúng tôi hy vọng những đóng góp này cùng với sự hỗ trợ của các thầy cô trong Nhạc Viện sẽ xây dựng một hướng đi mới phù hợp với xu hướng âm nhạc cổ điển thế giới mà các em có niềm đam mê theo đuổi.
Từ phải qua: NS piano Bích Trà, NS violon Atle Sponberg và NS cello Zoe Martlew
PV: Nghệ sĩ cello Zoe Martlew (Vương quốc Anh) và nghệ sĩ violon Atle Sponberg (Na Uy) tham gia giảng dạy “Hội trại âm nhạc mùa hè” lần này đánh giá năng lực âm nhạc cổ điển của học sinh Nhạc viện thế nào, thưa chị?
NS Bích Trà: Họ rất ngạc nhiên. Tất cả các bài tập khó mà chương trình học đưa ra trong 3 ngày đầu các em đều hoàn thành hết. Học rất nhanh. Mọi người rất phục vì tai nghe các em rất tốt. Tiếng Việt có lợi thế là đa âm vực, có các dấu nên tai người Việt rất nhạy. Còn phương Tây con nít mà bắt học nhạc bằng tai thì các bé không nghe và theo kịp bài học. Đó là điểm mạnh của mình.
Trong vòng 1 tuần lớp học đã đạt được kết quả ngoài mong đợi, đến khi biểu diễn cùng nhau, các em đều hoàn thành xuất sắc phần trình diễn của mình. Phải nói rất thành công. Khán giả ngồi nghe các em biểu diễn từ 8 giờ đến 11 giờ đêm.
Đây là một cách dạy mới học mà chơi chơi mà học rất hiệu quả. Trong giáo dục, giáo viên là người hướng dẫn và khơi gợi tiềm năng để các em có phát huy hết năng lực của mình trong khả năng có thể chứ không phải là người áp đặt và chỉ toàn ra lệnh để các em nhất mực tuân theo.
Mình cũng tâm sự với nghệ sĩ Zoe Martlew trước khi chị sang, Việt Nam từng rất khó khăn trong quá khứ, lịch sử âm nhạc Việt Nam như thế nào, các chuyên gia âm nhạc Việt Nam được đào tạo từ đâu, điều kiện học các em ở Nhạc Viện ra sao. Các em thiếu nhất là không được nghe nhạc thường xuyên và không có biểu diễn đối thoại trong âm nhạc.
PV: Theo chị, so với các nền âm nhạc cổ điển trong khu vực thì nền âm nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay ra sao?
NS Bích Trà: So với các nền âm nhạc cổ điển trong khu vực thì Việt Nam ít có điều kiện phát triển bằng. Mình vẫn còn thua Singapore, chứ âm nhạc cổ điển ở Nhật Bản, Hàn Quốc thì quá phát triển rồi. Số lượng biểu diễn âm nhạc cổ điển ở Việt Nam còn rất ít. Một phần mình tự đặt ra rào cản, nhạc này sang, khó, hàn lâm không nghe được nhưng thực ra không hề khó nghe. Muốn nghe là nghe được. Dù nhạc quý tộc nhưng giá vé cũng rất bình dân. Trà rất mong trong tương lai, số lượng biểu diễn âm nhạc cổ điển ở Việt Nam nhiều hơn để sinh viên Nhạc viện có điều kiện nghe nhiều hơn, và người yêu âm nhạc cổ điển được thưởng thức nhiều hơn.
PV: Cảm ơn nghệ sĩ Bích Trà.
Nghe trích đoạn ba nghệ sĩ hòa tấu trong Hội trại Âm nhạc mùa hè
(Nguồn: http://petrotimes.vn)